Triển vọng và thách thức ngành logistics

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng có nhiều cơ hội đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

Xe container chở hàng hóa vào Tân Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam
Xe container chở hàng hóa vào Tân Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Song, muốn nắm bắt cơ hội này, cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics.

Nhiều khó khăn, thách thức

TPHCM ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong ngành logistics. Với những thuận lợi đặc thù về thương mại và vận tải quốc tế, thành phố đã và đang có vị thế lý tưởng để trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam và cả nước.

Thông tin được công bố tại Diễn đàn logistics TPHCM năm 2023 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng: Triển vọng và thách thức”, do Hiệp hội Logistics TPHCM (HLA) tổ chức ngày 29/11.

Theo ông Nguyễn Công Luân, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TPHCM, bên cạnh thuận lợi, hoạt động logistics của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức. Hiện, hạ tầng đường bộ bị quá tải, xuống cấp.

Khoảng 20% số đường bộ tại Việt Nam được xây dựng hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi hơn 50% số đường bộ ở tình trạng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho vận chuyển hàng hóa.

Hạ tầng dịch vụ logistics cũng chưa được đầu tư đồng bộ và đáp ứng nhu cầu phát triển ngành. TPHCM chưa có trung tâm logistics quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại.

Hiện nay, chỉ có 1 dự án Trung tâm Logistics Khu Công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư dự kiến 848 tỷ đồng.

Với 6 trung tâm logistics còn lại, Sở Công Thương đã thành lập tổ công tác thực hiện các thủ tục kêu gọi đầu tư các dự án thành lập trung tâm logistics trên địa bàn TPHCM.

Tại TPHCM, hiện có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics (chiếm 36,7% cả nước). Các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động phân tán, manh mún.

Phần lớn trong số này chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản, mức độ đầu tư công nghệ thông tin hiện đại còn thấp, chưa thực sự đồng đều. Ngoài ra, thành phố hiện chưa có trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics.

Trong thời gian tới, ngành công thương thành phố sẽ phối hợp cùng các sở, ngành và doanh nghiệp triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển logistics; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tại TPHCM tầm cỡ khu vực.

Ở cấp độ vùng Đông Nam Bộ, các giải pháp được đặt ra là phát triển đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh; xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM.

Một depot tại quận 7, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Một depot tại quận 7, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Thay đổi để nắm bắt thời cơ

Chia sẻ về sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Vũ Thị Hương Giang, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất. Các nhà đầu tư đặt Việt Nam bên cạnh nhiều nước trong khu vực để lựa chọn.

Chính vì thế, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đổi mới dịch vụ để tham gia chuỗi cung ứng này.

Còn bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PWC Việt Nam cho rằng, để đổi mới chuỗi cung ứng trong môi trường kinh doanh đầy biến động, các doanh nghiệp cần chuyển mình để có thể thích ứng với xu hướng phát triển. Xu hướng này gồm việc áp dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình, cũng như đổi mới chuỗi cung ứng với mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Cũng tại phiên thảo luận của diễn đàn trên, các đại biểu đề cập đến cách doanh nghiệp logistics có thể linh hoạt và sáng tạo từ việc áp dụng các chiến lược mới để quản lý chuỗi cung ứng đến áp dụng công nghệ thông tin, nhằm định hình tương lai, phát triển ngành logistics một cách bền vững.

Đồng thời, các đại biểu chia sẻ những triển vọng và thách thức cho các nhà đầu tư khi dịch chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI cũng nhận định cơ hội và thách thức khi đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam, giúp các nhà đầu tư hiểu rõ tình hình và tận dụng cơ hội, tối ưu hóa quá trình đầu tư và phát triển tại khu vực này.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, chính quyền TPHCM luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện để tất cả doanh nghiệp có cơ hội đầu tư và phát triển tại thành phố.

Trong đó, TPHCM sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho lĩnh vực giao thông, triển khai cảng Cần Giờ, đẩy nhanh hơn các tuyến giao thông liên kết vùng.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đầu tư 8 trung tâm logictics, cùng với nhiều giải pháp để ngành logictics tiếp tục phát triển như kỳ vọng đã được đề ra.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, nhờ sự “chuyển mình” mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics. Hiện nay, nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thị trường. Trong những năm gần đây, hàng loạt trường đại học mở ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ