Do đó, để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có thể vươn ra thế giới thì các nút thắt về chính sách hỗ trợ cũng như nguồn vốn cần được tháo gỡ.
Rào cản lớn về vốn
Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), tăng gần gấp đôi so với năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Đồng thời, chất lượng của các startup ngày càng tăng cao, thể hiện qua số lượng các thương vụ đầu tư, số lượng vườn ươm, khu làm việc chung.
Thống kê của Topica Founder Institute (chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Việt Nam) cho biết, năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về số lượng thương vụ và gần 50% về tổng số vốn đầu so với năm 2016. Hiện có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) hoạt động tại Việt Nam, phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài như: IDG Ventures, CyberAgent Ventures, 500 Startup...
Tuy nhiên, ĐTMH vào Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số 6,7 tỷ USD của cả khu vực Đông Nam Á.
Ông Jon Lonsdale, Đối tác sáng lập quỹ ĐTMH 8VC (Mỹ) cho rằng: Thị trường Việt Nam đang phát triển rất nhanh nhưng chưa đủ thuyết phục để họ quyết định đầu tư.
Giá của các startup Việt Nam vẫn còn khá cao so với giá trị thực của nó, đòi hỏi cần phải thẩm định giá chính xác so với thực lực. Nhà đầu tư này cũng khẳng định khởi nghiệp tại Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cần biến tiềm năng này thành những con số đầu tư thực sự.
Bên cạnh đó, ông Hồ Đức Hoàn, Giám đốc điều hành Edu2Review (một công ty khởi nghiệp về giáo dục) thì chia sẻ, đối với startup ở Việt Nam, vốn là một rào cản lớn. Việt Nam chưa có cổng thông tin tập trung để doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận nguồn vốn.
Thủ tục cấp chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp mới tại Việt Nam còn mất nhiều thời gian (5 - 10 ngày), tính từ lúc nhận được sự đồng ý của nhà đầu tư đến lúc nhà đầu tư có thể giải ngân còn mất trung bình 6 - 12 tháng, điều này vô hình chung làm mất đi cơ hội của các startup.
Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ cho các quỹ ĐTMH và doanh nghiệp khởi nghiệp để có thể thu hút được các nhà đầu tư vào Việt Nam chưa có nhiều.
Cần tạo cơ chế thông thoáng cho đầu tư khởi nghiệp
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, theo ông Hồ Minh Đức, Đồng sáng lập Công ty Vbee, cần tiếp tục xây dựng các chính sách đặc thù cho khởi nghiệp, bao gồm: ĐTMH, đầu tư gọi vốn cộng đồng, ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân, cơ chế đối ứng đầu tư từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân, cơ chế tài chính hỗ trợ cho các startup…
“Nếu nước ta không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư sẽ không lựa chọn thị trường Việt Nam mà sẽ đầu tư cho các nước khác trong khu vực ASEAN. Nghiêm trọng hơn, chúng ta có thể bị “chảy máu chất xám” vì startup Việt sẽ sang các nước khác có cơ chế thuận lợi hơn về gọi vốn, thoái vốn và thị trường”, ông Hồ Minh Đức lý giải.
Ông Chu Văn Thắng, Điều phối viên Chương trình Hợp tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan cho rằng, bên cạnh việc tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho khởi nghiệp thì bản thân các startup của Việt Nam cần phải nâng cao năng lực nội tại của mình vì chất lượng của các startup luôn được các nhà đầu tư đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến môi trường xung quanh.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thành lập một mạng lưới kết nối startup khu vực ASEAN để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt có thể yên tâm hoạt động ở trong nước mà dễ dàng gọi vốn từ Singapore, Thái Lan hay Malaysia.
Trước những vướng mắc này, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đối với doanh nghiệp ÐMST, nhất là doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, thời gian qua bộ đã hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để họ thử nghiệm công nghệ, cũng như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học và phát triển hoàn thiện công nghệ, từ đó ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Ðề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST quốc gia đến năm 2025 (Ðề án 844) do bộ chủ trì triển khai trong hơn một năm qua cũng đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, hình thành được nhiều vườn ươm doanh nghiệp ĐMST tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vinh…
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư xuống còn một ngày, đồng thời chỉ đạo Bộ có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư 63 tỉnh, thành thực hiện.
Về nguồn vốn, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện gói tín dụng, công bố rộng rãi thông tin, có cơ chế thuận lợi khi các bạn trẻ đặt vấn đề vay khởi nghiệp sáng tạo.