Có nên giao nhiều bài tập về nhà
Nếu cộng cả thời gian nghỉ Tết với đợt nghỉ học để phòng lây lan virus corona lần này, các em học sinh có một quãng thời gian khá dài. Việc giao bài tập để các em tự ôn luyện là điều cực kỳ quan trọng và đóng vai trò quyết định để các em không bị quên kiến thức.
Tuy nhiên có không ít các em học sinh than phiền, song song với mỗi kỳ nghỉ là “núi” bài tập về nhà được các thầy cô giao cho. Kỳ nghỉ càng dài thì bài tập càng nhiều. Nhiều em học sinh còn mong muốn được tới trường hơn là nghỉ ở nhà để phải vùi mình trong bài tập.
Về vấn đề này cô giáo Hoàng Thị Nhạn - Giáo viên trường tiểu học Nam Cường (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho rằng: “Không cần thiết phải giao thật nhiều bài tập về nhà cho các em học sinh trong quãng thời gian này, và nội dung của bài tập cũng không nên quá khó. Nếu mức độ bài tập quá khó sẽ tạo tâm lý “ngại” ôn luyện cho các em. Thay vào đó nên chú trọng vào những dạng bài cơ bản giúp các em nắm chắc phương pháp để giải hoặc ôn luyện dễ dàng từ đó khơi gợi cảm hứng học tập cho học sinh”.
Cũng với quan điểm đó,thầy giáo Đoàn Văn Tiềm bày tỏ suy nghĩ: “Đối với việc giao bài tập về nhà người giáo viên cần phải có sự chọn lọc giữa các em học sinh, tránh sự “dàn trải, đánh đồng” bởi vì sức học của mỗi em là không giống nhau. Với những trường hợp đặc biệt thì cũng cần có những phương pháp riêng, bài tập riêng”.
Việc giao bài tập theo từng cá nhân rõ ràng sẽ khiến người giáo viên mất nhiều thời gian hơn, tỉ mỉ hơn thế nhưng thầy giáo Vũ Ba Sao cho rằng: “Đó là điều cần thiết. Khi mà mỗi em học sinh có một dạng bài tập tương đương với sức học của mình sẽ triệt tiêu được tâm lý sợ học hoặc học đối phó của các em. Ngươc lại nếu như giáo viên đưa ra những phương pháp chưa hợp lý thì vô hình chung sẽ tạo áp lực cho học sinh”.
Cần có sự phối hợp của gia đình
Để giúp các em học sinh ôn luyện kiến thức thì ngoài việc lựa chọn phương pháp phù hợp còn cần tới sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Tức là vai trò của các bậc phụ huynh là cực kỳ quan trọng.
Trong suốt thời gian diễn ra kỳ nghỉ, phụ huynh là người trực tiếp giám sát, theo dõi việc học tập, ôn luyện của con em mình. Đối với những em ở cấp học THCS và THPT thì phần nào đã có ý thức tự giác học tập, còn đối với các em ở bậc tiểu học thì đa phần chưa có được ý thức tự giác này. Nên dù thầy cô có chủ động áp dụng nhiều phương pháp học tập mà thiếu đi sự đôn đốc, nhắc nhở từ phía gia đình thì việc đảm bảo kiến thức cho các em trong những ngày nghỉ dài, khó mà đi đến đích.
Không những thế việc đặt nặng vấn đề phải đưa các em tới các trung tâm học thêm vào thời điểm này là không cần thiết. Bởi việc cho học sinh nghỉ học là để các em hạn chế việc đi lại hay tập trung ở những chỗ đông người dẫn tới khó kiểm soát việc lây lan dịch bệnh. Do đó cho các em tới các trung tâm học thêm thì không đảm bảo được sức khỏe của chính các em.
Tận dụng sự phát triển của mạng xã hội mà các thầy cô giáo hoàn toàn có thể hướng dẫn học sinh tự ôn tập, rèn luyện kiến thức tại nhà cũng như trao đổi với phụ huynh để nắm bắt tình hình sức khỏe của từng em một.
Ngoài ra giáo viên của từng khối, từng lớp cũng có thể đưa bài tập, các nội dung kiến thức lên trang thông tin điện tử của trường. Từ đó học sinh truy cập và nhận thông tin nếu có thắc mắc có thể liên hệ với giáo viên để giải đáp.