Số câu hỏi dễ và câu hỏi lí thuyết (nhận biết và thông hiểu) tăng lên, số câu vận dụng cao giảm đi chỉ còn chiếm khoảng 15% (khoảng 6 câu), đồng thời có sự giảm về độ khó của các câu hỏi này so với đề thi 2018.
Đề thi không có chương trình lớp 10, lớp 11 có 4 câu chủ yếu công thức và lý thuyết cơ bản của các chương có 1 câu khó (tùy theo học lực của HS, mỗi lớp có thể ôn luyện hoặc có thể bỏ qua).
Vì vậy, giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy và cách ôn tập từ phần lý thuyết và phần bài tập để đáp ứng yêu cầu của đề thi, giúp học sinh đạt kết quả cao nhất với khả năng của mình.
Cô Dung trao đổi, nội dung ôn tập tập trung vào các mức độ từ nhận biết, thông hiểu và vận dụng cơ bản cho HS trung bình. Đồng thời tổ chức ôn tập nâng cao hơn (vận dụng cao) với học sinh khá giỏi.
Trong quá trình ôn tập, giáo viên có thể đưa các câu hỏi ứng dụng thực tiễn để học sinh được rèn luyện. Cố gắng tổ chức kiểm tra kiến thức chung (thi thử được ít nhất được 2 lần) và phải được tổ chức nghiêm túc để đánh giá đúng năng lực HS. Từ đó có biện pháp ôn tập kịp thời đúng với từng đối tượng
Từ những điểm mới trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019, cô Dung cho biết: Phần tăng cường đánh giá năng lực đòi hỏi học sinh cần có kỹ năng toán tốt (liên môn với Toán) điều đó cần phải rèn luyện nhiều hơn.
Học sinh cần nhận thức được việc xét tốt nghiệp sẽ chặt chẽ hơn các năm trước và xác định được ngưỡng điểm xét tốt nghiệp để cố gắng chuẩn bị cho kỳ thi.
Với những học sinh chưa thật tự giác học tập, học lực yếu, giáo viên cần rà soát, lập danh sách để được phụ đạo thêm. Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh làm bài thi khảo sát để giáo viên điều chỉnh nội dung giảng dạy của mình.