Môn Tiếng Anh trong Kỳ thi THPT quốc gia: Bí quyết giành điểm cao

GD&TĐ - Thầy Đỗ Minh Lợi, giáo viên môn Tiếng Anh Trường THCS - THPT Hồng Hà, TPHCM có những chia sẻ dưới đây giúp học sinh ôn tập tốt bộ môn này để có thể giành điểm cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Học sinh lớp 12 ôn tập môn Tiếng Anh chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia
Học sinh lớp 12 ôn tập môn Tiếng Anh chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia

Về nội dung

Ở môn thi Tiếng Anh khác với các bộ môn khác đó là tập trung vào việc kiểm tra vốn từ vựng. Tiếp đó mới tới ngữ pháp và cuối cùng là phát âm và trọng âm.

Học sinh ôn tập phân loại nội dung ngữ pháp thành các phần từ cơ bản tới nâng cao để tiện cho việc học và ghi nhớ. Trọng tâm ở các thì, từ vựng (cụm động từ, cụm danh từ, giới từ…), câu điều kiện, câu trực tiếp, gián tiếp, câu bị động, câu đảo ngữ, câu mệnh đề quan hệ, câu rút gọn (dạng chủ động và bị động), các cấu trúc nhấn mạnh… và đặc biệt là câu giả định (subjunctive) và liên từ nối (linking word). Bởi khi các em nắm chắc ngữ pháp thì các em sẽ làm tốt cả bài sửa lỗi sai và bài viết lại câu.

Về phát âm và trọng âm, học sinh cần thuộc quy tắc đánh trọng âm của các từ 2 âm tiết, một số đuôi đặc biệt (Ví dụ: đuôi - tion, đuôi - ee...) và quy tắc phát âm của đuôi “s/es”, đuôi “ed”.

Ở phần đọc hiểu, học sinh cần hệ thống lại từ mới và tập đọc, dịch lại toàn bộ các bài đọc trong SGK. Vì hầu hết các bài đọc trong SGK đều theo chủ điểm, nên khi học từ và đọc lại bài, học sinh sẽ nhớ một lượng từ nhất định và có khái niệm cụ thể về từng chủ đề. Điều này giúp các em đọc nhanh hơn và đoán từ tốt hơn. Đề tài trong các bài đọc thường liên quan đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học.

Thường học sinh gặp khó khăn khi làm một số dạng bài như về cụm động từ (phrasal verb). Đây được coi là phần khó nhất trong bài, đòi hỏi học sinh phải học thuộc từng cụm (trong thời gian nước rút tốt nhất nên học những cụm động từ của: get, take, put, go, let...). Một số em do kĩ năng đọc còn kém, hay vội vàng, vốn từ ít nên phần bài đọc các em chưa thực sự có điểm tốt. Vì vậy, các em không cần quá chú ý đến dịch nghĩa các câu để trả lời, mà hãy tập trung vào phương pháp làm các dạng câu hỏi này mà giáo viên đã hướng dẫn.

 

Phương pháp ôn tập

Tâm lý nhiều em hiện nay là mua rất nhiều sách ôn tập, tham khảo nhưng tốt nhất các em nên tập trung vào SGK và giáo trình thầy cô giới thiệu, hướng dẫn, ôn tập, vì nếu đọc nhiều sách tham khảo ôn tập sẽ bị phân tán luồng kiến thức.

Học sinh lưu ý hệ thống phần kiến thức đã học, đừng ham tập trung vào lượng kiến thức mới, làm bộ đề mới. Hãy dành thời gian hệ thống những gì mình đã học. Các em cố gắng làm 3 - 4 đề thi, có thể làm với bạn bè của mình và cùng thảo luận về kết quả để rút kinh nghiệm ở những câu chưa làm đúng, đừng nên so sánh điểm số ở những bài này.

Nên chủ động luyện tập các loại bài tập (các câu hỏi trắc nghiệm) mà các em cảm thấy chưa nắm vững, đang yếu hoặc làm trong bộ đề còn sai. Hãy chú ý trong quá trình giáo viên bộ môn hướng dẫn và ôn tập ở trên lớp với các dạng câu hỏi này. Trao đổi với giáo viên và bạn bè về phần kiến thức mình chưa nắm vững để được hỗ trợ.

Quan trọng là giữ vững tâm lý, thoải mái ôn tập, không tỏ ra căng thẳng dễ dẫn đến bị rối ở việc ôn tập. Tránh thức quá khuya, ăn uống thất thường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe trước kỳ thi.

Bí quyết làm bài thi tốt

Khi làm bài thi, học sinh phải đọc thật kỹ đề trước khi làm bài, đặc biệt là phần tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa.

Phần gạch chân trong phần tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa thường là những từ mới hoặc từ khó, do vậy, cần đọc yêu cầu đề bài là chọn đồng nghĩa hay trái nghĩa để tránh chọn sai yêu cầu đề bài. Đặt chúng trong một ngữ cảnh cụ thể, có thể đoán nghĩa dựa vào những thông tin bên cạnh. Chú ý, phần này đòi hỏi kiến thức từ vựng rộng đi kèm với kỹ năng suy đoán nghĩa của từ trong câu, do đó hãy luôn áp dụng kỹ năng suy luận và loại trừ.

Đề bài 50 câu trong đó đọc hiểu chiếm đến hơn một nửa nên cần phải phân bố thời gian làm bài phù hợp cho từng phần bài thi. Đề thi có phần vận dụng cao, đây là câu để phân hóa học sinh, nên các em khá giỏi phải suy nghĩ kĩ cho từng đáp án để đạt điểm tối đa.

Thêm một lưu ý là học sinh không được bỏ trống bất kỳ cầu câu hỏi nào trong bài thi và tránh trường hợp “đánh lụi” tất cả các câu trả lời với 1 đáp án.

Sau khi trả lời xong các câu hỏi, nên đọc lướt bài đọc và kiểm tra lại đáp án. Nên áp dụng phương pháp đoán từ qua ngữ cảnh. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.