Giúp giáo viên linh hoạt điều chỉnh nội dung SGK của VNEN

GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - muốn hỗ trợ hoạt động dạy học thì SGK phải được viết theo mô hình hoạt động.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dự án Trường học mới Việt Nam đã biên soạn và triển khai thử nghiệm bộ SGK theo mô hình hoạt động cho 2 cấp tiểu học và THCS. Vì là SGK thử nghiệm nên được gọi là tài liệu “Hướng dẫn học…”.

Chủ trương “một chương trình nhiều SGK” là một sự khẳng định cho phép giáo viên (GV) trong khi dùng một quyển SGK để dạy học thì vẫn cần phải tham khảo các SGK và tài liệu khác, đồng thời có thể, và cần phải, điều chỉnh những nội dung trong quyển SGK đang sử dụng nếu chưa thật phù hợp với môi trường dạy học và nhu cầu của HS.

Từ quan điểm này, TS Nguyễn Vinh Hiển gợi ý một số trường hợp GV cần điều chỉnh nội dung SGK (đối với SGK VNEN cũng như đối với các SGK khác) như sau:

Điều chỉnh phù hợp với khả năng tư duy của HS

Nếu nội dung ngữ liệu/ví dụ /thí nghiệm /hình ảnh… trong SGK không phù hợp với khả năng của HS, mặc dù HS đã nhận biết được nhiệm vụ học, thì GV có thể thay đổi để tăng hay giảm yêu cầu về độ khó hay đưa thêm các câu hỏi phụ để chia nhiệm vụ/câu hỏi trong SGK thành những nhiệm vụ nhỏ hơn để HS giải quyết từng bước một.

Nếu HS không hiểu được những nhiệm vụ/câu hỏi trong SGK thì GV cần làm rõ bằng cách giải thích nội dung hay tìm các diễn đạt khác cho các nhiệm vụ/câu hỏi trong SGK.

Điều chỉnh để phù hợp điều kiện cơ sở vật chất giáo dục

Nếu SGK yêu cầu thảo luận nhóm nhưng HS không ngồi được theo nhóm do phòng học không đủ rộng hoặc do khó khăn về bàn ghế thì chuyển hình thức học tương tác theo nhóm thành tương tác với bạn ngồi bên cạnh (bên phải, bên trái, phía trước, phía sau).

Nếu không thể tổ chức học ngoài trời theo yêu cầu của SGK thì GV thay đổi hình thức, cách thực hiện để dạy học trong phòng.

Nếu SGK yêu cầu làm thí nghiệm nhưng phòng thiết bị của trường và góc học tập của lớp không có thiết bị để làm thí nghiệm, GV và HS cũng không thể tự làm được các dụng cụ thí nghiệm thì GV phải mô tả dụng cụ, cách làm và kết quả thí nghiệm; có thể đặt câu hỏi: tại sao lại làm thí nghiệm như vậy? Kết quả thí nghiệm cho phép rút ra kết luận gì?…

Nếu SGK yêu cầu quan sát vật thật hoặc quan sát tranh ảnh nhưng phòng thiết bị của trường và góc học tập của lớp không có các vật đó, GV và HS cũng không thể tự làm hoặc tự tìm kiếm được thì GV và HS tìm các vật, tranh ảnh có tác dụng tương tự để thay thế. Nếu không tìm được vật thay thế thì GV phải mô tả sự vật, hiện tượng và hướng dẫn cho HS nhận xét, rút ra kết luận. GV cần thường xuyên chủ động khai thác các đồ vật, cây cối… sẵn có trong phòng học, trong trường và ở địa phương để làm đồ dùng dạy học.

Điều chỉnh để huy động kiến thức và vốn sống của HS

Khi HS cảm thấy nội dung bài học mới là gần gũi, có ích với cuộc sống thì việc học tập sẽ hứng thú hơn, dễ dàng hơn.

Do đó, nếu nội dung bài học trong SGK quá xa lạ với HS thì GV cần phải bổ sung các câu hỏi, các gợi ý về những sự vật, hiện tượng có liên quan đến nội dung bài học để HS nhớ lại những điều đã biết, những hiện tượng đã gặp, những điều đang băn khoăn và chưa có lời giải trong thực tế để định hướng suy nghĩ của HS.

Điều chỉnh phù hợp với đặc điểm văn hoá, KT-XH... của địa phương

Nếu SGK có các tình huống không phù hợp với các đặc điểm về văn hoá, kinh tế, xã hội… của địa phương, không thuận lợi đối với việc khai thác các điều kiện thực tế khi dạy học thì GV cần thay đổi nội dung hoặc hình thức diễn đạt phù hợp với phong tục, tập quán, sử dụng thêm các từ địa phương;

Nêu thêm các động vật, thực vật, các ngành nghề, các tổ chức, đoàn thể có ở địa phương hoặc thay đổi thời gian dạy học theo mùa vụ… để tận dụng được các điều kiện và các nguồn lực hỗ trợ cho quá trình dạy học.

Điều chỉnh phù hợp với khả năng của phụ huynh giúp con tự học ở nhà

Nhà trường và GV cần có các hình thức linh hoạt mời phụ huynh tham gia hoặc tìm hiểu các hoạt động giáo dục của nhà trường, của lớp, qua đó động viên và hướng dẫn họ cách hỗ trợ con em học ở nhà.

Nếu các yêu cầu, bài tập… trong SGK (phần các hoạt động vận dụng và tìm tòi mở rộng) không thuận tiện cho HS tìm kiếm các thông tin, các cơ hội học tập ở gia đình và cộng đồng vì vượt quá khả năng hỗ trợ của phụ huynh, của hoàn cảnh thực tế địa phương thì GV cần điều chỉnh để các yêu cầu, bài tập có nội dung gắn với các sự vật, hiện tượng (lễ hội, phong tục, ngành nghề, động thực vật…) của địa phương;

Đưa ra các yêu cầu, bài tập “mở”, có nhiều mức độ để phù hợp với khả năng của phụ huynh giúp con em tự học ở nhà được càng nhiều càng tốt.

Điều chỉnh để phù hợp nhu cầu của địa phương

Địa phương nào cũng có những mục tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội riêng và thay đổi trong năm hay hàng năm.

Do đó, nếu nội dung dạy học có thể thay đổi để gắn liền và góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời để tăng thêm các điều kiện giúp cho nhiệm vụ giáo dục của nhà trường thì GV cần điều chỉnh bài học (mục tiêu, nội dung, câu hỏi, yêu cầu…) để phù hợp nhất với những mục tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đó cũng là một cách thức thực hiện xã hội hoá giáo dục và mở rộng phạm vi hoạt động giáo dục của nhà trường.

TS Nguyễn Vinh Hiển lưu ý: các điều chỉnh (nếu có) phải bảo đảm theo đúng mục tiêu bài học; đồng thời, các điều chỉnh về nội dung dạy học hoặc hướng dẫn hoạt động học đều phải phù hợp với mục đích, tính chất của từng nhóm (trong 5 nhóm) hoạt động của bài học, tức là bảo đảm tính logic bình thường của các hoạt động học và hướng đến hiệu quả học tập của HS.

Hình thức điều chỉnh chủ yếu là GV hướng dẫn HS cụ thể và trực tiếp trên lớp; nếu thấy cần thiết thì viết thành văn bản thay thế hoặc bổ sung, chỉnh sửa nội dung SGK.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ