Quan sát hoạt động học hiệu quả khi dạy học VNEN

GD&TĐ - Dạy học theo mô hình Trường học mới, giáo viên phải thường xuyên quan sát hoạt động học, tập trung chú ý vào những học sinh có khó khăn, để hỗ trợ kịp thời. Việc quan sát và đánh giá hoạt động học chủ yếu dựa vào các biểu hiện hành vi, trạng thái và sản phẩm học (thường là kết quả ghi chép) của học sinh.

Quan sát hoạt động học hiệu quả khi dạy học VNEN

Dưới đây là lưu ý của TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - giúp giáo viên thực hiện quan sát hoạt động học hiệu quả khi dạy học theo mô hình Trường học mới.

Quan sát hành vi, trạng thái của học sinh

Quan sát những biểu hiện của học sinh (HS) về trạng thái, hành vi, cử chỉ, chuyển động của cơ thể để nhận biết kịp thời thái độ, hứng thú, mệt mỏi, khó khăn, thuận lợi… của HS trong tiết học.

Biểu hiện của những HS đang gặp khó khăn hay chưa thực sự hiểu nhiệm vụ, cần giúp đỡ thường là: nét mặt biểu lộ hoài nghi, ngơ ngác, mắt nhìn lơ đãng, vô hồn, hoặc tư thế không bình thường, người lắc lư bất ổn, cắn bút, ngồi im không trao đổi, tách biệt khỏi các bạn trong nhóm, nằm dài, mệt mỏi, gục đầu xuống bàn…

Khi HS nhìn thẳng, dõi theo giáo viên (GV), đó có thể là biểu hiện cho biết HS đã thực hiện xong nhiệm vụ và muốn được chuyển sang hoạt động tiếp theo hoặc còn có điều gì đó cảm thấy chưa rõ, chưa yên tâm…muốn hỏi GV.

Biểu hiện của HS đang hứng thú với bài học: vui, mỉm cười, trao đổi thường xuyên với bạn trong nhóm, tích cực tự ghi bài, nắm chặt bàn tay cùng ánh mắt sáng hồ hởi…

Đối với những HS có biểu hiện đang gặp khó khăn, mệt mỏi… GV cần đến bên, động viên, giúp em quay trở lại hoạt động học tập hoặc giúp em tiếp tục nhiệm vụ bằng cách hướng dẫn em cách thức thực hiện nhiệm vụ một cách dễ hiểu nhất hoặc thay đổi yêu cầu câu hỏi/ bài tập cho vừa sức hơn.

GV có thể nêu thêm câu hỏi: Em hiểu điều đó như thế nào? Em làm như vậy để làm gì? Nếu là bài toán ghép, GV hướng dẫn HS tách thành 2 bài toán đơn, đưa về dạng toán điển hình...

GV cũng có thể yêu cầu HS bên cạnh hoặc HS học nhanh hơn đến hỗ trợ những bạn đang gặp khó khăn.

Đối với những HS có biểu hiện tích cực, GV khen ngợi và giao thêm nhiệm vụ “bước nhảy” (đào sâu hoặc phát triển kiến thức ngay trong SGK hay vượt ra ngoài SGK).

Ví dụ, GV có thể nêu câu hỏi: Có cách làm nào khác? Bài toán này thuộc dạng toán nào? Em thích nhân vật (đoạn văn, câu văn, câu thơ nào) nào? Vì sao? Từ ngữ nào hay nhất? Đã sử dụng biện pháp gì? Có tác dụng gì?... GV cũng có thể gợi ý HS này đến hỗ trợ các bạn học chậm hơn trong nhóm, lớp.

Quan sát sản phẩm học

Khi thực hiện các hoạt động học, HS phải tự ghi bài theo cách riêng của bản thân: ghi bài từ suy nghĩ riêng của mình, ghi bài từ sự trao đổi với các bạn, ghi ý sửa chữa/ ý chốt/ chuẩn hóa kiến thức của GV.

GV không chỉ QS sản phẩm cuối cùng mà phải QS suốt quá trình hình thành sản phẩm, chủ yếu là những ghi chép thể hiện từng bước kết quả tư duy của HS.

GV cần QS nội dung HS tự ghi và nội dung HS ghi bổ sung xem đúng hay sai, có đáp ứng được nhiệm vụ hay không, nếu có thể thì góp ý cả cách dùng từ, diễn đạt. Nếu sai, GV trao đổi ngay với HS, xác định được những khó khăn em đang gặp phải. Khó khăn trong cách hiểu về yêu cầu hay về mức độ nhiệm vụ so với khả năng học tập của em.

Nếu hầu hết HS gặp khó khăn, GV có thể tạm dừng hoạt động học và nêu rõ lại mục đích hoặc hướng dẫn cách thức thực hiện nhiệm vụ cụ thể hơn hoặc điều chỉnh những cái sai chung kịp thời; tùy tình huống mà GV yêu cầu sản phẩm theo trình độ học tập của HS (mang tính phân hóa).

Các sản phẩm cuối cùng của từng nhóm hoạt động đều được kiểm tra, đánh giá trực tiếp trong tiết học; sản phẩm của hoạt động vận dụng và tìm tòi mở rộng thường được kiểm tra, đánh giá ở những tiết học sau.

Những lưu ý quan trọng

Do thói quen cũ, trong tiến trình bài học, nhiều GV thường chỉ chú ý đến việc làm sao hoàn tất được nội dung bài học mà ít chú ý đến hoạt động học, những HS yếu thường không được GV biết tới, không được thầy và bạn hỗ trợ học và ghi chép cá nhân.

GV thường dựa vào tốc độ học của những HS giỏi để triển khai các hoạt động dạy học nên những HS yếu thường không tự ghi chép được, phải trông chờ vào việc “chốt” kiến thức của GV trong khi vẫn chưa hiểu bài.

GV cần chọn một số vị trí đứng trong lớp thích hợp cho việc quan sát được toàn bộ HS mà không ảnh hưởng đến hoạt động học. Quan sát cần kín đáo để HS không nhận thấy, tốt nhất là thực hiện quan sát từ phía trước HS (nếu là quan sát trạng thái, hành vi), từ phía sau HS (nếu là quan sát vở ghi). GV không nên đứng gần hoặc lom khom trước mặt HS quá lâu.

GV không thể luôn luôn đứng cạnh những HS gặp khó khăn; không hi vọng HS nào được GV giúp đỡ cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt. Nhưng ít nhất GV đã truyền tín hiệu cho HS rằng thầy cô vẫn quan tâm đến em và em có thể hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cần thiết theo yêu cầu và phù hợp với khả năng của em.

Điều này có tác động tích cực đến tâm lí HS, nếu mỗi ngày GV đều quan tâm thì HS sẽ có chuyển biến tốt hơn so với những tiết học trước đó.

Đối với một/nhóm HS thường bị chậm tiến độ thì cách quan sát như sau: Khi giao nhiệm vụ cho cả lớp, GV quan sát xem HS đã sẵn sàng chuẩn bị cho việc thực hiện nhiệm vụ học tập (tài liệu, dụng cụ học tập,...) chưa?

Đứng gần QS xem HS này đã tập trung vào việc học hay chưa? Có thể em đang làm việc riêng, hoặc còn chưa hiểu nhiệm vụ được giao. Đến tận nhóm HS đang học để quan sát chung cả nhóm, xem HS nào đang gặp khó khăn hoặc cần sự giúp đỡ gì.

Quan sát không phải chỉ diễn ra trong một thời điểm, mà cần thực hiện trong suốt quá trình diễn ra tiết học nhằm xâu chuỗi và đối chiếu về những biểu hiện trạng thái, hành vi của HS. Có thể ghi lại trong nhật kí dạy học để đưa ra quyết định giúp đỡ, can thiệp sau.

Thông qua hoạt động quan sát, GV tự nhận ra được nhiều vấn đề trong cách thiết kế bài dạy và tổ chức hoạt động của mình. Tại sao ở hoạt động/nhiệm vụ/câu hỏi/bài tập này em HS ấy/nhiều HS/cả lớp gặp khó khăn, mệt mỏi; tại sao ở hoạt động/nhiệm vụ/câu hỏi/bài tập tiếp theo cũng em HS ấy/nhiều HS/cả lớp vui vẻ và hào hứng hơn, hoặc ngược lại.

Sự chuyển biến theo thời gian trong tiến trình học tập là một yếu tố để đánh giá sự chuyển biến trong học tập của HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.