Vận dụng linh hoạt Mô hình VNEN trước yêu cầu mới

GD&TĐ - Trước yêu cầu triển khai Chương trình GD phổ thông mới, có thể triển khai Mô hình dạy học Trường học mới (VNEN) ở tất cả các trường phổ thông khác nhau, nhưng phải vận dụng linh hoạt tuỳ theo điều kiện thực tế. 

Trong lớp học theo Mô hình VNEN tại Hà Nội
Trong lớp học theo Mô hình VNEN tại Hà Nội

Khả năng vận dụng linh hoạt phụ thuộc vào kĩ năng dạy học của giáo viên (GV) và có thể phải chấp nhận mức độ thành công khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - nêu rõ điều này trong trao đổi mới đây với báo GD&TĐ.

Hỗ trợ giáo viên sáng tạo

TS có thể cho biết, Mô hình dạy học VNEN hỗ trợ các GV còn hạn chế về năng lực và phát huy tính sáng tạo của GV như thế nào?

Dù dạy học ở đâu, theo phương pháp nào, theo sách nào cũng cần GV chủ động, sáng tạo, cũng phải thành thạo về kĩ thuật dạy học. Nếu năng lực GV hạn chế thì luôn cho ra chất lượng dạy học hạn chế. Một trong những khó khăn phổ biến của GV là việc lựa chọn phương pháp dạy học (PPDH) nào (thực ra là phải phối hợp sử dụng các PPDH, các kĩ thuật dạy học khác nhau như thế nào) để có thể đạt được kết quả tốt nhất với từng bài học cụ thể. GV càng hạn chế về năng lực thì khó khăn càng tăng.

Các tác giả SGK VNEN vừa giỏi về khoa học chuyên ngành vừa giỏi về khoa học sư phạm sẽ giúp GV khắc phục khó khăn này bằng việc hướng dẫn HS tự học, hướng dẫn GV tổ chức hoạt động học theo quy trình nhất định. Những GV còn hạn chế về năng lực thì có thể sử dụng trực tiếp SGK, SGV để dạy học, cũng chính là thực hành PPDH tích cực. Nhưng không thể có SGK nào chỉ có ưu điểm, không có hạn chế.

SGK VNEN không hướng dẫn quá chi tiết; thực tế dạy học như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể thì cần đến khả năng linh hoạt, sáng tạo của GV. Sau khi dạy mỗi bài, GV cần ghi chép, tự rút kinh nghiệm từ những thành công và hạn chế của bài học, những tình huống giải quyết chưa thoả đáng hoặc chưa giải quyết được để rồi tìm tòi thêm thông tin, trao đổi thêm với đồng nghiệp… và khắc phục vào những lúc thích hợp.

Những GV giỏi, GV dày dạn kinh nghiệm có thể điều chỉnh phương án dạy cho phù hợp nhất với hoàn cảnh dạy học. Như vậy, mặc dù SGK VNEN đã thiết kế sẵn quy trình hoạt động học nhưng vẫn dành nhiều “đất” cho sự sáng tạo của GV.

Hướng dẫn ghi bài với HS tiểu học chưa biết tự ghi chép

HS tiểu học còn chưa biết tự ghi chép thì nên hướng dẫn cho các em ghi bài như thế nào, thưa TS?

Đây là một thực tế và là nguyên nhân của việc nhiều GV không yêu cầu HS tập ghi chép trong quá trình học cá nhân và học hợp tác; nhiều GV vẫn quen “chốt” kiến thức để HS ghi theo hoặc dành thời gian cho HS chép lại những nội dung “cần ghi nhớ” từ SGK. Điều đó có thể đạt được mục tiêu về ghi nhớ kiến thức nhưng không đạt mục tiêu về định hướng phát triển năng lực của HS như yêu cầu của Chương trình GD phổ thông mới; cụ thể là còn hạn chế việc phát triển các kĩ năng thu nhận, xử lí, lưu giữ thông tin… của HS.

Trước yêu cầu mới, cần phải khắc phục bằng được hạn chế này; ban đầu có thể phải chấp nhận HS chỉ ghi được rất ít các từ quan trọng (từ khoá), một thời gian sau sẽ ghi được những ý dưới dạng các câu chưa hoàn chỉnh rồi mới ghi được theo đúng ý hiểu của bản thân; GV cần theo dõi, hỗ trợ cho HS ghi, GV chỉ chốt kiến thức (đọc hoặc ghi bảng) cho HS ghi theo khi các em không thể tự ghi được; sự hỗ trợ đó sẽ giảm dần khi khả năng ghi bài của HS tăng dần. Chính trong quá trình đó HS sẽ thành thạo dần kĩ năng ghi chép khi tự học.

Ý nghĩa của xây dựng tập thể HS tự quản

HS người dân tộc thiểu số còn hạn chế về khả năng sử dụng tiếng Việt, các em lại hay mặc cảm trong giao tiếp thì có dạy học tương tác được không, thưa TS?

Chính những hạn chế đó của HS đã đặt ra nhu cầu phải dạy học tương tác để các em có điều kiện khắc phục hạn chế, phát triển năng lực theo mục tiêu của chương trình GD. Nhưng cần lưu ý rằng, ban đầu GV không nên đặt yêu cầu cao mà cần gợi mở, khuyến khích, động viên những cố gắng của HS, dù những kết quả còn rất hạn chế; không than phiền, chê trách nếu các em chưa đạt yêu cầu mà cần phải kiên trì hướng dẫn nhẹ nhàng, chu đáo để HS tự tin, tiến bộ dần dần.

Khi đã vượt qua sự mặc cảm ban đầu thì nhất định HS sẽ hợp tác, giao tiếp tốt. Mặt khác, VNEN chủ trương xây dựng các tập thể HS tự quản trong sinh hoạt tập thể, chính trong môi trường đó các em sẽ học hợp tác tốt hơn.

TS có thể cho biết việc xây dựng tập thể HS tự quản có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động dạy học coi trọng học cá nhân và học tương tác?

Hoạt động GD lấy hoạt động học (và rèn luyện) của HS làm trung tâm, coi trọng học cá nhân và học tương tác HS - HS; GV - HS sẽ được hỗ trợ và cũng là cách thức để HS phát triển năng lực tự quản lí bản thân và quản lí tập thể.

Dưới sự hướng dẫn, tư vấn của GV, quan hệ trong tập thể HS chuyển từ chủ yếu là theo dõi, nhắc nhở, đánh giá sang hợp tác giữa các cá nhân theo nhóm/lớp, thực hành các hoạt động GD tích cực, xóa bỏ các hình phạt làm tổn thương đến thể chất và tinh thần của HS trong học tập và những lúc vui chơi, trong các hoạt động tập thể theo kế hoạch do HS tự đặt ra và tự tổ chức thực hiện ở trong hay ngoài lớp học thì sẽ phát huy được tính chủ động, tự quản, sáng tạo, năng động, tự tin, hợp tác.

Do đó, các bài học và hoạt động trải nghiệm của HS ở trường, ở nhà, ở cộng đồng là hài hòa, thống nhất, đạt kết quả cao. Dù trong hoàn cảnh nào thì cũng có thể xây dựng được các tập thể HS tự quản để nâng cao chất lượng học cá nhân (tự quản bản thân) và học tương tác (tự quản tập thể). Nếu HS không được tự quản và hợp tác trong sinh hoạt thì khó có thể tương tác hiệu quả trong học tập.

Giải pháp khắc phục khó khăn với hoạt động tìm tòi mở rộng

Theo SGK VNEN, hoạt động tìm tòi mở rộng thường yêu cầu HS khai thác thông tin ngoài SGK, ngoài nhà trường và cần đến sự hỗ trợ từ sách tham khảo, Internet, phụ huynh và người dân ở cộng đồng. HS ở những địa phương còn khó khăn về kinh tế - xã hội thì rất khó tìm được các nguồn hỗ trợ, vậy phải khắc phục thế nào?

Cơ hội để khai thác thông tin phục vụ cho học tập thì ở đâu cũng có. Trong các hoạt động vận dụng và hoạt động tìm tòi mở rộng, HS sẽ vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, HS có thể thực hiện trong lớp hoặc ngoài không gian lớp học.

Vì vậy, GV có thể điều chỉnh các nhiệm vụ trong SGK thành dạng các bài tập “mở”, có nhiều mức độ yêu cầu để thuận lợi cho phụ huynh, phù hợp với điều kiện thực tế (gia đình, cộng đồng, địa phương) và khả năng của HS.

Ví dụ: Để làm được bài tập “Hãy hỏi những người lớn trong gia đình: Khí hậu ở quê mình khi ông/bà/bố/mẹ còn nhỏ có gì khác so với bây giờ. Viết lại thành câu chuyện” thì phụ huynh nào cũng có thể kể lại cho con em mình những câu chuyện về sự thay đổi của khí hậu; với yêu cầu “Viết ra một công thức làm món ăn trong đó có sử dụng phân số; kể lại cách chế biến món ăn đó” thì nếu phụ huynh chưa có khái niệm về phân số vẫn giúp được HS biết được thành phần của món ăn và kể lại cách chế biến món ăn.

Cũng cần lưu ý rằng, không thể yêu cầu mang tính đồng loạt đối với HS trong một lớp, một trường và trong các trường học khác nhau.

Xin cảm ơn TS!

 
Vận dụng linh hoạt Mô hình VNEN trước yêu cầu mới ảnh 1 
“Thực tế cho thấy ngay cả HS ở đồng bằng, ở thành thị cũng còn yếu về khả năng tự tin và tư duy độc lập; học tập hợp tác sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp các em tiến bộ cả về phẩm chất và năng lực.

Các trường học của dự án GPE-VNEN trong những năm qua đã khẳng định thực tế này”. TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ