SGK cần hỗ trợ giáo viên theo dõi, đánh giá, giúp đỡ học sinh

GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - mô hình hoạt động dạy học và sách giáo khoa trường học mới (SGK THM) có những đặc điểm hỗ trợ rất tốt cho GV trong việc theo dõi, đánh giá, giúp đỡ HS đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và bồi dưỡng HS giỏi.

Học sinh Trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang) thực hiện học nhóm theo mô hình trường học mới (VNEN). Ảnh: báo Tuyên Quang
Học sinh Trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang) thực hiện học nhóm theo mô hình trường học mới (VNEN). Ảnh: báo Tuyên Quang

Những thay đổi so với dạy học truyền thống

Đó chính là những thay đổi (đổi mới) so với truyền thống về vai trò của người dạy, người học, hình thức hoạt động dạy học và SGK, SGV, sách/vở bài tập, cụ thể:

GV chuyển từ vai trò là người truyền đạt kiến thức (giảng bài) sang là người tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ hoạt động và kiểm soát kết quả học dựa theo SGK và SGV;

HS chuyển từ thụ động tiếp thu kiến thức sang chủ động hoạt động học để tự chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phát triển phẩm chất thông qua việc làm theo hướng dẫn trong SGK và sự hỗ trợ của GV;

SGK chuyển từ tập trung trình bày kiến thức sang hướng dẫn hoạt động học cá nhân và học tương tác để tìm tòi, phát hiện kiến thức mới;

Việc ghi chép vào vở ghi của HS chuyển từ chỉ ghi các kiến thức cần lĩnh hội (nhờ vào việc chốt kiến thức do GV thực hiện) sang tự ghi lại diễn biến kết quả hoạt động tư duy, từ chưa đúng thành đúng, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện (trong quá trình học cá nhân và học tương tác) theo cách riêng của cá nhân;

Hình thức hoạt động dạy học phong phú dựa trên: Học cá nhân (đọc, quan sát, thí nghiệm, nghĩ, ghi…); Học tương tác (HS - HS - GV) để hoàn thiện sản phẩm học/kiến thức. GV theo dõi, đánh giá việc học của cả lớp và từng HS chủ yếu qua hành vi và vở ghi của HS, chú ý vào những HS yếu, để có sự động viên, hỗ trợ kịp thời.

Kết thúc hoạt động luyện tập (ở THCS) hay hoạt động cơ bản (ở TH), GV và HS đối chiếu kết quả hoạt động học với mục tiêu bài học. Trong khi cả lớp bắt đầu chuyển sang hoạt động tiếp theo (ở THCS gọi là hoạt động vận dụng, ở TH gọi là hoạt động thực hành), nếu cần thiết thì GV hoặc HS giỏi (có thể được GV yêu cầu) sẽ hỗ trợ những HS chưa đạt mục tiêu để tất cả HS đều đạt mục tiêu bài học; sau đó, các HS này mới chuyển sang hoạt động vận dụng/thực hành.

Giúp tất cả HS đều đạt mục tiêu bài học

Bằng cách thức này, theo TS Nguyễn Vinh Hiển, tất cả HS đều đạt mục tiêu bài học, mặc dù có thể phải chấp nhận tiến độ học tập khác nhau giữa các HS.

Những HS có khả năng học tập tốt cũng có cơ hội phát triển hơn thông qua hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn các bạn học yếu, vì nếu nói được cho bạn hiểu thì mình phải hiểu hơn thế; GV cũng có thể giao thêm bài tập, câu hỏi cho những HS có tốc độ học nhanh hơn các bạn.

Mục tiêu dạy học phân hoá (chủ yếu là phân hoá về khả năng nhận thức) sẽ được quyết định nhất thông qua hoạt động vận dụng và hoạt động tìm tòi mở rộng. Hai hoạt động này có thể thực hiện trên lớp học hoặc ngoài lớp học (ở gia đình và cộng đồng, địa phương);

Không yêu cầu tất cả HS phải đạt được kết quả bằng nhau nhưng GV cần thông qua việc đánh giá kết quả học trong quá trình hướng dẫn học bài mới tiếp sau, tổ chức các hoạt động trưng bày, báo cáo trước lớp, trước toàn trường… để khuyến khích tất cả HS đều tích cực học.

Ngoài những hoạt động trên, TS Nguyễn Vinh Hiển cho biết, với những HS đặc biệt, GV và nhà trường cũng có thể tổ chức thêm các hoạt động phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi, như lâu nay vẫn làm (nhưng không phải là dạy lại bài mới cho HS bằng PPDH thụ động).

Để hỗ trợ cho hoạt động dạy học của thầy và trò, ngoài SGK, còn có SGV để hướng dẫn GV tổ chức các hoạt động học, bao gồm cả những hướng dẫn cho HS nhưng nếu đặt trong SGK thì không có hiệu quả nên phải đặt trong SGV để GV biết và hướng dẫn trực tiếp HS trên lớp.

Vở bài tập để giúp HS củng cố, nâng cao chất lượng học tập thông qua hệ thống các câu hỏi, bài tập yêu cầu các mức độ nhận thức từ thấp đến cao (dựa theo các thang đo nhận thức đã được phổ biến).

" Chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ Mô hình nhà trường của Dự án Trường học mới Việt Nam (GPE-VNEN) để phát triển, hoàn thiện các trường phổ thông trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) nói riêng" - TS Nguyễn Vinh Hiển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ