Giúp con trưởng thành

GD&TĐ - Trong một lần đến thăm nhà bạn tại thủ đô Praha (Cộng hòa Czech), thấy bạn chăm chú đọc một bức thư của con gái Mina mang từ trường trung học về, tôi hỏi bạn:

Giúp con trưởng thành

- Thư có nội dung gì mà cậu đọc chăm chú vậy?

- À, thư của bạn cùng lớp con gái Mina nhà tớ. – Bạn tôi giải thích – Bạn ấy viết thư cho mẹ Mina xin phép cho Mina ngủ một đêm thứ Bảy tuần này ở nhà bạn ấy sau khi dự sinh nhật bạn xong.

- Ồ, vậy là thư mời ngủ chung của bạn cùng lớp? – Tôi ngạc nhiên. – Việc này có thường xảy ra ở đây không? Cậu có cho phép con gái sang nhà bạn ngủ qua đêm khi nhận được thư như thế này không?

- Có chứ. Hầu hết mọi trường hợp tớ đều đồng ý cho con đến nhà bạn ngủ khi nhận được thư mời. Và thỉnh thoảng, Mina cũng viết những lá thư như thế này để mời bạn đến nhà mình ngủ.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết, tại Cộng hòa Czech, học sinh tiểu học và trung học cơ sở thường đến nhà nhau ngủ mỗi khi có sinh nhật, hoặc trong dịp hè, dịp nghỉ lễ. Tất nhiên, việc đến nhà nhau ngủ đều phải được sự đồng ý của bố mẹ hai bên, và các em đều phải viết những lá thư, hoặc tấm thiệp gửi trước đến nhà bạn để mời. Dựa trên cơ sở các em đã chơi thân với nhau ở lớp, bố mẹ cũng đã biết nhau, lại cùng giới, nên việc chấp nhận khi có thư mời ngủ là bình thường.

Biết được thực tế này, tôi mới thấy khác ở Việt Nam. Khi tôi còn là học trò nhỏ, mỗi lần tôi muốn ngủ ở nhà bạn, tôi xin phép thì đều bị bố mẹ tôi từ chối. Thậm chí, nếu học trò nào cố tình đến nhà bạn ngủ, thì còn bị gọi một cách kỳ thị là “ngủ lang”. Khi tôi có con đến tuổi đi học, có lần con xin phép được đến nhà bạn cùng lớp ngủ, tôi đã từ chối. Tôi cũng như bố mẹ tôi khi xưa, trước tình huống con muốn ngủ lại nhà bạn cùng lớp, đều lường đến những rủi ro có thể xảy ra nên tâm lý chung là muốn từ chối, để giữ an toàn cho con.

Trong thời gian lưu lại Bỉ, một hôm tôi thấy em gái tôi (định cư ở Bỉ) nhận được cuộc gọi điện thoại của một phụ huynh có con học cùng lớp 2 với con trai Kianto của em. Kianto và con trai của vị phụ huynh đó chơi rất thân với nhau ở trường. Lúc đó là kỳ nghỉ hè, và mẹ của bạn kia muốn mời Kianto đến nhà ngủ chung vào đêm thứ Năm tuần sau. Em gái tôi đã vui vẻ đồng ý.

Em giải thích, vào đầu mùa hè, sinh nhật Kianto, con cũng đã mời ba bạn trai ngủ lại nhà sau lễ sinh nhật. Chuyện các bạn học trong lớp muốn đến nhà nhau ngủ đều dễ được bố mẹ chấp nhận, cũng không nhất thiết cần gửi thư mời ngủ, mà chỉ cần các bên phụ huynh đồng ý với nhau. Thậm chí, việc ngủ ở nơi khác không phải nhà mình của các trò còn được nhà trường khuyến khích.

Ở trường học Bỉ, còn có một ngày truyền thống được gọi là “Spaghetti day” (Ngày của món mỳ ống), để đánh dấu một bước trưởng thành của học trò. Trước khi năm học kết thúc, nhà trường tổ chức “Spaghetti day”, trong đó các bậc cha mẹ sẽ đến trường làm món mỳ ống, phục vụ cho toàn thể bố mẹ học sinh trong trường, với giá bình dân. Sau bữa ăn, các ông bố, bà mẹ sẽ ra về, còn các con thì ở lại trường ngủ chung.

Thầy cô giáo phân công nhau giúp các em chuẩn bị chỗ ngủ, trông nom các em qua đêm. Hầu hết các em nhỏ rất thích những đêm ngủ tập thể tại trường như thế, dù có thể giữa đêm, một số em trằn trọc hoặc khóc vì ngủ mơ. Thậm chí, các em bé mẫu giáo lớn, chuẩn bị lên lớp 1 cũng đã được rèn luyện ngủ đêm tại nơi khác, không phải là nhà mình.

Mục đích của việc cho các học trò ngủ tại trường, hoặc tại nhà bạn ở các nước phương Tây, là để rèn cho các em làm quen với việc ngủ tại môi trường khác với nhà mình, có thêm kinh nghiệm mới, bài học thực tế mới, cũng là cách rèn bản lĩnh cho các em.

Nếu các em chỉ ngủ được ở nhà mình, hoặc quen ngủ với bố, mẹ, các em rất có thể sẽ gặp khó khăn khi lớn lên. Ngủ đêm ở nhà khác, nơi khác cũng là thử thách tâm lý, đưa các em tới các môi trường lạ để các em tiếp xúc với những điều khác, học bài học mới về quan hệ, về cách ứng xử trong những tình huống thoát ra khỏi sự bao bọc an toàn của bố mẹ.

Ngủ chung với bạn học để trưởng thành, đó cũng là một trải nghiệm xứng đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.