Có một câu chuyện như sau:
Từ nhỏ, tổng thống Mỹ – John F. Kennerdy đã được cha chú ý bồi dưỡng tính cách và phẩm chất tinh thần tự lập cho con trai.
Có lần, ông đánh xe ngựa trở con trai đi chơi. Đi ngang qua một khúc cua, vì xe ngựa chạy rất nhanh nên chiếc xe hất Kennerdy ra ngoài. Khi chiếc xe dừng lại, Kennerdy cho rằng, cha sẽ đỡ mình đứng dậy, nhưng cha vẫn ngồi yên trên xe hút thuốc.
Kennerdy gọi to: ‘Ba ơi, đỡ con dậy với’.
‘Con ngã có đau không?’.
‘Có ạ, con nghĩ mình không đứng dậy nổi’. Kennerdy khóc thút thít.
‘Thế thì phải kiên trì đứng dậy và bò lên xe thôi con’.
Kennerdy cố gắng đứng dậy và chầm chậm đi về phía chiếc xe, khó khăn lắm mới trèo lên được xe.
Người cha vung chiếc dây thừng điều khiển xe ngựa và hỏi: ‘Con có biết tại sao cha làm vậy không?’
Cậu con trai lắc đầu.
Người cha nói tiếp: ‘Cuộc đời con người cũng giống như vậy, ngã xuống, bò dậy, chạy đi, lại ngã, lại bò dậy, lại chạy đi. Bất cứ lúc nào cũng cần dựa vào bản thân, chẳng ai có thể đỡ con cả’.
Kennerdy nghe xong, mơ hồ gật đầu.
Có điều, từ đó về sau, cậu không còn dựa dẫm, ỷ lại vào người lớn nữa. Khi gặp chuyện gì, cũng không khóc lóc, kêu la nữa. Bởi vì, cậu biết không ai có thể giúp đỡ mình, ngoài bản thân mình, cậu cần nghĩ ra cách giải quyết vấn đề của bản thân.
Phẩm chất và tinh thần tự lập của tổng thống Mỹ – John F. Kennerdy đã được cha ông bồi dưỡng từ nhỏ. (Ảnh: revistadiners.com) |
Qua câu chuyện trên, các bậc cha mẹ đều hiểu ý nghĩa thực sự của khó khăn, gian khổ đối với con mình phải không? Chúng ta, ai cũng luôn mong muốn con mình lớn lên khỏe mạnh, mọi sự luôn được ‘thuận buồm xuôi gió’ nhưng đôi khi rèn luyện con trong gian khó lại là cách để lại tài sản quý giá giúp con trưởng thành lành mạnh với tâm thái lạc quan. Bởi vì, chỉ có những đứa trẻ không ngừng được tôi luyện trong khó khăn, gian khổ, mới có ý chí kiên cường và khả năng sống mãnh liệt. Trẻ có thể chịu khó khăn, gian khổ mới sống tốt hơn.
Đối với trẻ, khó khăn, gian khổ cũng có giá trị nhất định:
Khó khăn giúp bồi dưỡng niềm tin cho trẻ
Một người tự tin thường sẽ dũng cảm, lạc quan và kiên cường, đó là một trong những tố chất cần thiết giúp con người bước đến thành công. Khi trẻ gặp khó khăn, sẽ có cảm giác không vui. Chỉ cần cha mẹ khích lệ con vượt qua, giúp con phân tích nguyên nhân, để con tự tin đối mặt với khó khăn và chiến thắng nó.
Khó khăn giúp bồi dưỡng ý chí kiên cường cho trẻ
Muốn bồi dưỡng ý chí kiên cường cho con, cha mẹ cần dựa vào những khó khăn khách quan và chủ quan để rèn luyện, bồi dưỡng tính cách ngoan cường, dũng cảm đối diện và vượt qua khó khăn.
Khó khăn có lợi cho việc tăng khả năng chịu đựng của trẻ
Gặp khó khăn, một số người sẽ tỏ ra chán nản, buồn bã, trốn tránh, cũng có người lại tích cực, dũng cảm đối mặt. Đối với những khó khăn đôi khi không dễ mà khắc phục nhanh chóng theo ý mình nên cha mẹ hãy động viên con có thái độ lạc quan, học cách tự an ủi bản thân để giải tỏa áp lực trong lòng, giải tỏa áp lực tâm lý, đó là cách bồi dưỡng phẩm chất lạc quan và tự tin cho trẻ.
Chỉ khi gặp phải khó khăn, trẻ mới tỏ ra kiên cường, dũng cảm, tự tin, dùng sức mạnh và trí tuệ của mình khắc phục khó khăn, gian khổ, từng bước trở nên chín chắn và bước đến thành công.
Khó khăn chính là cơ hội để trẻ rèn luyện đức tính kiên cường, dũng cảm và tự tin. (Ảnh: cocomy.net) |
Khi trẻ đối mặt với khó khăn, cách làm đúng của cha mẹ là:
Không nên quá lo lắng cho con
Không cần lo rằng con vì thất bại lần này mà mãi mãi không thể đứng lên được. Vì tự thân mỗi đứa trẻ đã có một sức sống tiềm tàng, chỉ cần cha mẹ hướng dẫn con bình tĩnh đối diện và ứng phó với thất bại thì con sẽ nhanh chóng vượt qua. Chỉ cần con hiểu rằng ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, ngã rồi thì bò dậy mà đứng lên không được nằm mãi ở đó, thì đó cũng là một thành công lớn rồi.
Nói với con rằng ‘khó khăn’ không đáng sợ
Khó khăn luôn cản trở chúng ta dù ít dù nhiều, là điều không ai muốn có nhưng quan trọng là thái độ của chúng ta đối diện với khó khăn thế nào. Cha mẹ hãy nói với con rằng ‘khó khăn không đáng sợ’, ‘Con cần dũng cảm lên’. Cha mẹ hãy nhìn nhận rằng thất bại của con là cơ hội giáo dục, dẫn dắt con lấy lại dũng khí, mạnh dạn, tự tin thử lại lần nữa.
Giúp trẻ phân tích khó khăn và thất bại một cách khách quan
Đây chính là cách tìm ra phương pháp hiệu quả, hình thành lòng dũng cảm khắc phục khó khăn và tích cực tiến lên. Điều này giúp con nhận thức khó khăn và môi trường sống, nâng cao khả năng chịu đựng, luôn giữ tinh thần thái độ tích cực.
Đặt ra một số khó khăn nhất định để con trải nghiệm
Trẻ sống trong điều kiện gia đình khó khăn, môi trường sống khắc nghiệt đương nhiên sẽ có khả năng chịu đựng và ứng phó với mọi gian khổ. Mức sống hiện nay không ngừng nâng cao, cha mẹ nên đặt ra một số khó khăn nhất định để con tự giải quyết, từ đó bồi dưỡng ý chí và khả năng đối phó với khó khăn trong tương lai.
Chú ý dùng tấm gương tốt dạy con biết chịu đựng khó khăn, gian khổ
Học tập ngoài môi trường xã hội rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ, đối với những trẻ giỏi bắt chước, tấm gương của những người ưu tú có tác dụng lớn trong việc giáo dục trẻ.
Đương nhiên, cha mẹ cũng nên hiểu rằng, mục đích của việc này là giúp con học cách đối diện với khó khăn và chiến thắng khó khăn, bồi dưỡng khả năng chịu đựng thất bại của con. Đây không chỉ là giáo dục lối sống, giáo dục tâm lý… mà còn bao gồm bồi dưỡng khả năng tự lập, lòng dũng cảm, ý chí và khả năng chịu đựng của con. Chỉ có những đứa trẻ trưởng thành trong khó khăn, gian khổ mới có khả năng sinh tồn và đứng vững trong xã hội.