Nhịp phách cổ kim và giai điệu phương Nam
Tìm thấy niềm say mê chung từ chương trình “Nhịp phách cổ kim”, cô gái Lục Phạm Quỳnh Nhi (22 tuổi) và những người bạn đã lập ra lớp học Đờn ca tài tử.
Nói về lớp học này, Nhi cho biết: “Nhịp phách cổ kim” là một chuỗi chương trình được tổ chức dưới dạng lớp học dành cho những ai mong muốn tìm hiểu các loại hình nghệ thuật truyền thống ở mức độ chuyên sâu.
“Ban đầu, Nhịp phách cổ kim chủ yếu giới thiệu về nhạc khí dân tộc, như đờn tranh chẳng hạn, sau đó có cơ duyên gặp được ban Đờn ca tài tử Sáu Hưng và nhiều bạn trẻ yêu thích bộ môn này nên Nhi và các bạn quyết định mở chuyên đề Nhịp phách cổ kim - Đờn ca tài tử, từ tháng 09/2018.
Chương trình được thực hiện có MC dẫn dắt, giới thiệu kiến thức tổng hợp từ các nguồn nghiên cứu và hướng dẫn từ những người làm nghề” - Quỳnh Nhi - người điều phối lớp học nói thêm.
Những âm điệu ngân nga của bài Bắc, bài Oán vang lên, hòa cùng tiếng đờn điêu luyện của - những nghệ nhân dân gian đã tạo nên một không khí đặc biệt của lớp học Đờn ca tài tử ở The Culturist Hub (quận Bình Thạnh), mang đến cho người nghe cảm giác dễ chịu, bình yên. Đến nay, lớp học Nhịp phách cổ kim - Đờn ca tài tử đã dần phát triển, trung bình mỗi buổi thu hút 30 - 40 bạn trẻ, đa phần là học sinh, sinh viên, quan tâm đến văn hóa.
Đến Nhà văn hóa sinh viên TPHCM vào những ngày cuối tuần, bạn sẽ gặp nhóm bạn trẻ của CLB Giai điệu phương Nam ngồi quây quần bên nhau cùng đờn hát, tập luyện những điệu lý, câu hò.
Các thành viên cùng nhau ca những bài bản mới, những điệu lý lạ. Người đã biết hướng dẫn cho người chưa biết, người có kinh nghiệm chỉ cho bạn mới vào. Nói về sự ra đời của CLB, bạn Trần Phương Linh (SN 1997, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: “Giai điệu Phương Nam tiền thân là nhóm “Tài năng hè phố” của sinh viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM.
Nhóm hoạt động với quy mô nhỏ, chỉ phục vụ trong nội bộ trường học với khoảng 5-10 thành viên. Sau 3 năm hoạt động, đến năm 2016, Ban Lãnh đạo Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM thấy được nhiệt huyết của thế hệ trẻ nên mời về tu dưỡng rồi đổi tên thành Giai điệu Phương Nam cho đến bây giờ”.
Tính đến thời điểm hiện tại, CLB có hơn 30 người tham gia chính thức, biểu diễn tại các trường THPT, TC - CĐ - ĐH trên địa bàn TPHCM. Không chỉ giới thiệu bộ môn này vào trường học, mà CLB Giai điệu Phương Nam còn tổ chức các buổi biểu diễn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để phổ biến và khơi gợi tình yêu Đờn ca tài tử đến mọi lứa tuổi. Không chỉ có thế, các thành viên trong CLB còn đi đến các tỉnh, giao lưu với các chiến sĩ biên phòng.
Nghệ sĩ Lý Thị Kiều Hạnh - giáo viên dạy tại The Culturist Hub mỗi ngày đi gần 20 km từ nhà để đến với lớp dạy học, chia sẻ: “Điều tôi rất ngạc nhiên là ở lứa tuổi của các bạn, các bạn lại rất thích đến với lớp đờn ca tài tử. Dạy các bạn trẻ khiến chúng tôi cũng trẻ theo”.
Các bạn trẻ sinh hoạt đờn ca tài tử tại CLB Giai điệu phương Nam |
Học để yêu nghệ thuật truyền thống
Không chỉ sinh hoạt với nhau tại Nhà Văn hóa Sinh viên, thành viên CLB Giai điệu phương Nam còn thường tổ chức những chương trình nhằm lan tỏa tình yêu vọng cổ đến khắp nơi, nhất là giới trẻ.
Những buổi biểu diễn mang tên Nam Xuân và Giai điệu quê hương diễn ra một tháng một lần, là dịp để các bạn tái hiện không gian Đờn ca tài tử giữa lòng thành phố. Các “thầy đờn” mặc trang phục truyền thống, ngồi xung quanh ấm trà, dạo đờn cho các thành viên CLB thử giọng.
Nói về bộ môn nghệ thuật này, Quỳnh Nhi tại The Culturis Hub bộc bạch, do đam mê những nốt nhấn nhá, lời ca ý nhị đầy tính văn chương của Đờn ca tài tử nên cô mạnh dạn mở lớp. “Mình chỉ nghĩ đơn giản là có bạn trẻ thích nghe US - UK, K-Pop thì cũng sẽ có người thích nghe ca cổ. Vậy nên mình thực hiện các chương trình và mở lớp là để bày ra các sự lựa chọn cho khán giả” - Nhi giãi bày.
Anh Tiêu Hoàng Tuấn - giáo viên ở CLB Giai điệu phương Nam cho biết: “Đờn ca tài tử đã ăn sâu vào máu của tôi từ khi 7 tuổi, đến nay đã hơn 20 năm. Nhận thấy giới trẻ có niềm đam mê, có nghị lực mà không có người dẫn dắt, uốn nắn thì chúng sẽ không phát triển. Chính vì thế, tôi đã tình nguyện đến với các em để làm người hướng dẫn, đưa các em đến với nghệ thuật truyền thống dân tộc”.
Anh Trần Nam thường sinh hoạt tại CLB Giai điệu Phương Nam cho biết: “Cho dù trong gia đình không có ai theo lĩnh vực văn nghệ, nhưng mình lại đam mê cải lương. Hơn một năm trước, tôi đăng ký học đàn tranh để chơi những bài ca cổ thường nghe, sau đó lại có cơ hội dùng ngón đờn đệm cho các thành viên hát. Giờ đây dù không ca giỏi nhưng nhờ biết nhịp, mình có thể hướng dẫn cho các thành viên mới vào những kiến thức cơ bản” - anh Nam chia sẻ.
Cũng là người đam mê ca cổ và sinh hoạt ở CLB, Trần Thị Thúy Hằng (30 tuổi), nhân viên kinh doanh du lịch cho biết: “Tranh thủ thời gian cuối tuần, mình đến CLB, hoặc nhóm lớp để tìm hiểu kiến thức về thể loại nghệ thuật này.
Lúc nhỏ ở quê, mình nghe hát thì biết vậy thôi chứ không hiểu gì nhiều, giờ có dịp học một cách bài bản, mới hiểu được nét đẹp của câu hát, vẻ đẹp của ca từ cổ trong bài hát như thế nào. Từ hiểu được làn điệu, hiểu được bối cảnh lịch sử của câu chuyện khiến mình thêm yêu nhạc cổ”.
Một nghệ sĩ đờn ca tài tử nhìn nhận: “Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ thích loại hình nghệ thuật này. Đây là điều đáng trân quý. Chính các bạn cũng đã gieo cho tôi niềm tin về sức sống của đờn ca tài tử. Một thời gian dài, những loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, đờn ca tài tử rất thịnh hành.
Từ lúc đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì loại hình này càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Tôi thấy mình cũng cần phải có trách nhiệm truyền lại cho thế hệ trẻ nét đẹp của nghệ thuật truyền thống nên đi dạy, ai muốn học thì tôi đem hết kiến thức truyền thụ”.