Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Năm học này, Trường Tiểu học Thịnh Hào (Đống Đa, Hà Nội) có hơn 1.000 học sinh đang theo học. Đây cũng là năm tiếp theo nhà trường đẩy mạnh xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Mục tiêu nhằm giúp cho học sinh được phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần.
Cô Nghiêm Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, muốn kiến tạo trường học hạnh phúc phải xây dựng được trường học của sự tử tế. Khi thầy cô tử tế sẽ nâng tầm hình ảnh của mình trong xã hội. Đối với học sinh, các em được rèn luyện cho nhiều thói quen tưởng chừng rất nhỏ nhưng rất quan trọng.
Cô Nghiêm Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Hào. |
Theo ghi nhận, vào đầu giờ sáng mỗi ngày nếu thời tiết tốt, các cô trong BGH và một số giáo viên thường đứng ở cổng trường để đón chào học sinh. Những nụ cười tươi và cúi đầu chào của cô trò dành cho nhau đã tập cho các em thói quen chào hỏi người lớn ngay từ nhỏ.
"Không chỉ dạy kiến thức, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh giáo dục lễ nghĩa và ứng xử văn hóa trong nhà trường cho học sinh. Cách cô trò cúi chào nhau mỗi sáng cũng thể hiện sự tôn trọng người đối diện. Dần dần, các em được học và thực hành cách chào hỏi thầy cô, bố mẹ một cách tự nhiên nhất. Khi mình làm gương thì học sinh cũng sẽ làm theo các thói quen tốt", cô Nga nói.
Mỗi tuần đều có 5 quy tắc văn minh để học sinh cùng thực hiện. |
Ngoài ra, mỗi tuần nhà trường đều đưa ra 5 quy tắc văn minh để học sinh cùng thực hiện như biết chào hỏi, ứng xử với người lớn; nếp ăn uống lịch sự văn minh. Bên cạnh đó là kỹ năng tự phục vụ trong giờ bán trú: Tự bê thức ăn cho nhau, ăn xong biết lau bàn ghế; lật bàn ra nằm ngủ, tự buộc tháo ga, gập chăn, lấy gối...
Không chỉ vậy, ở hành lang hoặc sân trường đều không có thùng rác. Nhà trường khuyến cáo học sinh không mang đồ ăn đến trường, thực hiện nếp sống văn minh là ăn sáng ở nhà để đảm bảo an toàn. Nếu vào các dịp liên hoan do phụ huynh tổ chức, các em chỉ ăn trong lớp và có túi tập kết vỏ bánh kẹo rồi mang xuống xe rác.
Các em được "gieo mầm" từ những điều nhỏ nhất như thói quen chào hỏi, giữ vệ sinh lớp học chính là khởi đầu của trường học hạnh phúc. |
Theo Ban giám hiệu nhà trường, lớp nào cần giữ vệ sinh sạch sẽ lớp đó, giáo dục học sinh ý thức văn minh nơi công cộng ngay từ việc nhỏ và thiết thực.
Muốn như vậy, bản thân mỗi giáo viên cũng cần thay đổi chính mình. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng trực tiếp và online từ những chuyên gia giáo dục uy tín để giáo viên thêm tâm huyết với nghề. Giáo viên được học về phương pháp dạy học tích cực nên rất hào hứng.
Trường học hạnh phúc cần bắt đầu từ việc thay đổi con người
Cô trò Trường Tiểu học Thịnh Hào trong một giờ học trên lớp. |
Là phụ huynh có 2 con đang học tại trường, anh Nguyễn Duy Anh đánh giá, các hoạt động giáo dục trong hay ngoài nhà trường đang được triển khai hiệu quả. Học sinh được trải nghiệm nhiều hơn và thực hành nhiều thói quen tốt. Vào mỗi buổi sáng, BGH và giáo viên chủ nhiệm đứng ở cổng trường chào học sinh là hình ảnh rất đẹp và mang đậm ý nghĩa giáo dục lễ nghĩa cho các em.
"Đây quả thực là sự đột phá về vấn đề giao tiếp, giúp các con hiểu được quy tắc chào hỏi khi gặp thầy cô. Về nhân cách, học sinh về nhà chủ động chào hỏi ông bà, bố mẹ. Trẻ cũng tự giác làm các việc như: Rửa bát, gập quần áo, chăn màn, chuẩn bị đồ dùng cá nhân trước khi đi học... Đấy là hiệu quả của quá trình giáo dục từ thầy cô ngay từ những việc nhỏ nhất", anh Duy Anh tâm sự.
TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. |
Theo TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), trường học hạnh phúc cần bắt đầu từ việc thay đổi con người. Từ nhà quản lý đến giáo viên phải thay đổi cách nhìn nhận về mục tiêu giáo dục.
Thay vì mục tiêu về điểm số, thành tích học tập cao như trước đây thì bây giờ, mục tiêu giáo dục phải là vì sự phát triển của học sinh. Mỗi học trò sẽ có những năng lực, khả năng tiềm ẩn khác nhau, thầy cô không gây áp lực cho các em. Nếu nhà trường chạy theo thành tích mà bắt học sinh phải chạy theo dù khả năng có hạn thì sẽ vất vả cho cả thầy và trò.
"Bên cạnh đó, cần thay đổi cách ứng xử giữa con người với con người. Ta cần coi mỗi học sinh là một nhân cách, thầy cô ứng xử với các em theo hướng dân chủ, công bằng, thân thiện, không quát mắng. Như vậy, văn hóa ứng xử được coi là điều cốt lõi trong xây dựng trường học hạnh phúc", TS Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Bằng kinh nghiệm xây dựng ngôi trường dân lập trong hơn 30 năm qua, thầy Nguyễn Văn Hòa khẳng định, thời đại ngày nay, giáo viên cần phải học kỹ năng quản lý cảm xúc của mình. Thầy cô có thể thông qua nhiều kênh khác nhau để đăng ký học và áp dụng thường xuyên ngoài thực tế. Khi ta cởi bỏ áp lực cho giáo viên và học sinh thì đó chính là trường học hạnh phúc.