Gieo chữ giữ trọn chữ tình

(GD&TĐ) - 43 năm đã qua, cựu giáo chức, nhà thơ Chu Thị Linh Quang đã gác lại niềm hạnh phúc riêng của mình để dành trọn thời gian và tâm huyết với các em học sinh Trường THPT Tùng Thiện (nay là THPT Sơn Tây, Hà Nội). Ngần ấy năm, cô sống trong sự khắc khoải, đi tìm mộ liệt sĩ Đào Đức Định vẫn còn nằm đâu đó ở nơi đất khách quê người…

Những cơn bão nổi trong tim

Vệt nắng cuối chiều loang lổ, bóng cô đổ dài, gò mình trên chiếc xe đạp, từng vòng quay đưa cô về nhà. Lại một bữa cơm chiều lẻ bóng. Thời gian có thể xóa nhòa những vết thương lòng. Nhưng với cô 43 năm qua, kể từ khi nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Đào Đức Định, thuộc đơn vị 24 KB (Đại đội 1, Tiểu đoàn 24), Sư đoàn 1, Quân khu T3 (Quân khu 9) hy sinh năm 1971, người mà cô nguyện sống trọn đời là ngần ấy thời gian chìm ngập trong nỗi đau khôn nguôi, ném nỗi đau vào trong thơ “Những cơn bão nổi trong tim tôi không chịu ra đi/ Bỏ lại dòng sông đỏ mắt đợi/ Tôi đến đứng trước Biển Chờ để đợi anh/ Chỉ đợi một mình” (Đỉnh sóng).

Đối với cô, liệt sĩ Định là mối tình đầu và duy nhất của đời mình. Những nếp nhăn trên khuôn mặt cô vẫn còn in hằn nỗi đau xé lòng “Trong vùng hồi quang của chia lìa mất mát/ Ta muốn níu giữ những ước mơ cho riêng mình” (Nhớ những giấc mơ).

Với những gia đình có người hy sinh, may mắn được đón di hài của người thân cũng vơi đi nỗi buồn, sự cô quạnh. Nhưng với cô và gia đình, vẫn đau đáu khi liệt sĩ Định vẫn còn nằm lại đâu đó ở nơi đất khách quê người. Phải đến cuối những năm 1980, cô mới có cơ hội đi tìm mộ liệt sĩ Định. Ban đầu cô và gia đình liệt sĩ Định đinh ninh là ông hy sinh ở Lào, với manh mối là bức thư cuối cùng liệt sĩ Định gửi từ Lào về cho gia đình.

Để công việc được hanh thông, cô đã phải nhờ tới cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam Tạ Minh Châu tại Lào (Khi ấy đang đương nhiệm) giúp đỡ. Đúng lúc này, cô và gia đình nhận được tin, liệt sĩ Định hy sinh trong chiến dịch Chen La I, Chen La II ở Campuchia. Khép lại việc tìm mộ liệt sĩ Định ở Lào, cô và gia đình lại tiếp tục cuộc hành trình mới ở tận Campuchia. May mắn những chuyến đi này, cô được những người học trò cũ hiện đang thành danh ở miền Nam ủng hộ và tận tình giúp đỡ. Ngồi với chúng tôi, khuôn mặt cô giãn ra, khi chia sẻ việc tìm mộ của liệt sĩ đã có kết quả khả quan ban đầu, đã đi được nửa chặng đường. Cô bảo, nếu có nhân duyên, sự quyết tâm thì công việc ắt sẽ thành công.

Dành trọn yêu thương với học trò

Nhà giáo, nhà thơ Chu Thị Linh Quang sống giản dị, chân tình. Cô vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là cụ Chu Đốc (Người từng là Trung đoàn trưởng trung đoàn quân Tây Tiến anh hùng năm xưa, một trong 34 người là chiến sĩ trong đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cựu giám đốc Học viện Biên phòng- PV).

Gần 40 năm gắn bó với nghề dạy học, cô đã truyền những áng văn thơ hay đến học trò, thấm đẫm tình yêu văn chương. Cơ duyên đưa cô đến với nghề giáo, khởi nguồn từ những khát khao cháy bỏng của tuổi học trò ước mơ được trở thành cô giáo để dạy các em của mình lên người. Những cuốn sách thuộc nằm lòng, đã gieo lên trong cô một tình yêu văn chương mãnh liệt và quyết tâm đi theo nghề viết văn.

Nhưng sau những trải nghiệm, cô nhận thấy nghề giáo - nghề sư phạm mới neo lại trong cô. Nhắc đến cô, những thế hệ cựu học sinh Trường THPT Tùng Thiện (nay là THPT Sơn Tây) đều dành những tình cảm và ấn tượng trân trọng về cô giáo cũ của mình. Trung tá Nguyễn Văn Hà, cựu học sinh khóa 1, hiện đang công tác tại Công an Thị xã Sơn Tây bày tỏ: “Chúng tôi là lứa thế hệ may mắn được là học trò của cô. Cô là một nhà giáo rất tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Chúng tôi có được thành công như ngày hôm nay, một phần cũng nhờ tấm lòng, tình cảm và sự dạy bảo tận tình của cô”.

Ngày lại ngày, dáng người liêu xiêu lại gò lưng, gồng mình đạp những vòng xe đến thăm học trò cũ, giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn. Niềm hạnh phúc đời giáo chức của cô là khi được những người học trò cũ nhớ đến mình. Những chuyện buồn vui trong gia đình, quyết định hôn nhân hay đặt tên cho con, đều cậy nhờ đến mình. Cô coi đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng, bởi những việc hệ trọng của đời người của học trò, cần sự giúp đỡ của cô. Nhưng tôi biết, có những nỗi niềm, cô chỉ biết gửi gắm vào những trang thơ…

Mã số: 2019

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ