Giáo viên tiếp cận phương thức dạy học mới qua STEM

GD&TĐ - Kết quả triển khai thí điểm GD STEM cấp tiểu học ở Hà Nội cho thấy kỹ năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế của HS có chuyển biến rõ nét.

Giờ dạy của cô Nguyễn Khánh Linh - giáo viên Trường Tiểu học Tràng An. Ảnh: NTCC
Giờ dạy của cô Nguyễn Khánh Linh - giáo viên Trường Tiểu học Tràng An. Ảnh: NTCC

Những bài học hấp dẫn

Năm học 2022 - 2023, Hà Nội được Bộ GD&ĐT chọn là một trong 7 địa phương tham gia triển khai thí điểm giáo dục STEM ở cấp tiểu học. Thực tế, giáo dục STEM không hẳn là mô hình mới mà được nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội thực hiện lâu nay với mức độ, hình thức phù hợp học sinh từng cấp học.

Dự tiết dạy chuyên đề do cô Nguyễn Khánh Linh - giáo viên lớp 3G, Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) - thực hiện, càng hiểu sức hấp dẫn của mô hình này. Bài dạy STEM có chủ đề “Hướng dẫn làm biển hướng dẫn phòng cháy tại nhà” có kiến thức nền của môn Tự nhiên và Xã hội lớp 3 là “Phòng tránh hỏa hoạn khi ở nhà”.

Với kiến thức môn Tự nhiên và Xã hội, cô Linh đã giới thiệu các nguyên nhân gây cháy, thiệt hại do cháy, đồng thời tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm, sử dụng vật liệu tạo ra biển báo phòng, chống cháy nổ tại nhà. Dưới sự tổ chức tiết học của giáo viên, học sinh đề xuất và lựa chọn giải pháp chế tạo sản phẩm, cùng nhau thực hành, thử nghiệm đánh giá sản phẩm.

Em Nguyễn Ngân Hà, học sinh lớp 3G, hào hứng với bài tập thực hành làm biển báo phòng, chống cháy, nổ. Em còn được cô giáo hướng dẫn cách giữ an toàn cho mình, nhất là khi sử dụng thiết bị điện ở nhà. Qua bài học, Ngân Hà và các bạn được ôn lại kiến thức, từ đó xác định vấn đề cần thực hiện là tạo sản phẩm có tác dụng tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng tránh hỏa hoạn.

Tại Trường Tiểu học Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm), học sinh lớp 3A khá hào hứng với bài học STEM có chủ đề “Đồng hồ chữ số La Mã” của cô Phạm Hồng Sang trên nền bài học “Giới thiệu chữ số La Mã” của môn Toán lớp 3. Trong bài học, học sinh đã vận dụng kiến thức liên môn: Toán, Mĩ thuật, Công nghệ để tự tay chế tạo những chiếc đồng hồ chữ số La Mã với đa dạng hình dáng, kích thước.

Cô Đinh Thị Băng Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát - cho biết, tiết dạy đã giúp thầy cô trực tiếp tham gia công tác giảng dạy tại nhà trường có góc nhìn thực tế, sinh động đối với nội dung, tư tưởng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là hoạt động giáo dục STEM đang thí điểm.

Giờ dạy của cô Phạm Hồng Sang - giáo viên Trường Tiểu học Cao Bá Quát. Ảnh: NTCC

Giờ dạy của cô Phạm Hồng Sang - giáo viên Trường Tiểu học Cao Bá Quát. Ảnh: NTCC

Tiếp cận phương thức giảng dạy mới

Qua một học kỳ triển khai thí điểm phương pháp giáo dục STEM trong trường tiểu học, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhận xét, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các quận, huyện và trường tham gia thí điểm được tiếp cận với phương thức dạy học mới.

Học sinh được thực hành ngay sau khi tiếp cận kiến thức, từ đó củng cố kiến thức, hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực góp phần thực hiện mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo dục STEM quan tâm nâng cao phẩm chất, năng lực cho học sinh, đã khắc phục căn bản lối dạy học truyền thống chú trọng truyền đạt kiến thức. Trong các tiết dạy, giáo viên chủ động xây dựng danh mục chủ đề/bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính tích cực, tự học của học sinh trong các môn học.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia thí điểm đã nắm vững phương thức giáo dục, hình thức tổ chức giáo dục STEM, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường để thực hiện hiệu quả. Qua đó khẳng định giáo dục tiểu học Hà Nội sẽ triển khai đại trà giáo dục STEM thành công trên toàn thành phố trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhận định một số khó khăn, vướng mắc đang đặt ra. Do đây là nội dung mới nên chưa có nhiều tài liệu tham khảo, các trường mới triển khai thí điểm, vì vậy hạn chế về cơ hội chia sẻ, học hỏi. Nhiều giáo viên chưa có kinh nghiệm, còn lúng túng khi lựa chọn bài học STEM để xây dựng kế hoạch bài dạy.

Việc sử dụng quỹ thời gian gặp khó khăn vì gói gọn trong thời lượng những môn học/hoạt động của tiết học liên quan đến bài học STEM. Vật liệu phục vụ bài học STEM mặc dù tận dụng tối đa đồ dùng dạy học tối thiểu đã mua sắm và sẵn có tại địa phương, song vẫn thiếu so với nhu cầu và phải tốn thời gian để tìm kiếm, sưu tầm. Sĩ số học sinh đông, không gian lớp học hẹp gây khó khăn trong thực hành và trưng bày sản phẩm.

Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, chuyên đề về giáo dục STEM, trang bị thêm tài liệu, xây dựng kho học liệu, tổng hợp các kế hoạch bài học có chất lượng, thẩm định, phát hành tài liệu cho nhà trường, tổ khối chuyên môn và giáo viên tham khảo, học tập.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu Phương - giáo viên lớp 3A2, Trường Tiểu học Văn Chương, (quận Đống Đa) - đã mạnh dạn thiết kế bài dạy theo hướng chủ đề giáo dục STEM với tên gọi “Cửa hàng bánh ngọt vui nhộn”. Từ bài học “Một phần mấy của một số” môn Toán, nữ nhà giáo đã sử dụng phần mềm và thiết bị công nghệ thông tin giúp học sinh sáng tạo các hoạt động mô phỏng, thực hành chế tạo.

Bài học đã giúp học sinh tưởng tượng, thực hành và tạo ra các sản phẩm là một cửa hàng với những chiếc bánh được thiết kế đẹp mắt. Bánh được chia thành các phần bằng nhau và được thực hành lấy ra 1 phần. Qua bài học STEM, học sinh Trường Tiểu học Văn Chương được trải nghiệm kiến thức đã học trên lớp vào thực tiễn cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ