Giáo dục STEM được học sinh hào hứng đón nhận

GD&TĐ - Giáo dục STEM tạo điều kiện tốt giúp học sinh hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác dự giờ tiết học tại Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác dự giờ tiết học tại Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển.

Ngày 30/3, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã khảo sát tình hình triển khai chương trình GDPT 2018 và giáo dục STEM cấp tiểu học tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tham gia đoàn có ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. Lãnh đạo huyện Thanh Trì tiếp đoàn có ông Nguyễn Văn Hưng - Phó chủ tịch UBND huyện; ông Phạm Văn Ngát- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì.

Chương trình triển khai hiệu quả

Trong chương trình làm việc, đoàn đã dự giờ môn Khoa học của học sinh lớp 4C Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển với bài học: "Vật dẫn nhiệt - Vật cách nhiệt gắn với hoạt động trải nghiệm STEM làm vật dụng giữ nhiệt thông minh" do cô giáo Nguyễn Lan Phương thực hiện.

Lớp học được chia làm 6 nhóm, các em học sinh đã thuyết minh phác thảo ý tưởng, sử dụng các vật liệu như gỗ, nhựa làm vật cách nhiệt; trấu, xốp, giấy làm vật giữ nhiệt để tạo nên các sản phẩm hữu ích hằng ngày như bình nước, cặp lồng... và trả lời các câu hỏi của giáo viên sôi nổi, hào hứng, thuyết phục. Giờ học đã hiện thực hóa việc học đi đôi với thực hành, kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong hoạt động dạy học ở nhà trường.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và huyện Thanh Trì, đoàn công tác đã nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và giáo dục STEM cấp tiểu học trên địa bàn thành phố và huyện Thanh Trì, đồng thời 25 hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn huyện chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn quá trình triển khai.

Tiết học STEM hấp dẫn của cô trò Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển.

Tiết học STEM hấp dẫn của cô trò Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển.

Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết: Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn huyện tương đối thuận lợi. Các đề án, kế hoạch, chương trình công tác được triển khai kịp thời, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị dạy học đảm bảo hiệu quả.

Các nhà trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chủ động xây dựng các kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo đúng các văn bản chỉ đạo. Giáo viên chủ động tích cực trong bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học. Học sinh tích cực học tập, thông qua các hoạt động dạy học và giáo dục học sinh hình thành và phát triển phẩm chất năng lực.

Năm học 2022-2023, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã tổ chức thành công ngày hội STEM với sự tham dự của 42 đơn vị với 19 gian trưng bày sản. Các trường THCS đã mang đến ngày hội 47 sản phẩm dự thi với chủ đề “Chế tạo sản phẩm thông minh phục vụ cuộc sống”. Cấp Tiểu học có 85 sản phẩm STEM mang đến gian trưng bày góp phần làm nên thành công của ngày hội.

Các nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm học sinh, đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong bộ môn; tăng cường liên hệ thực tiễn để tăng tính hấp dẫn của bài giảng, tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đối với giáo dục STEM, các trường THCS đều tổ chức dạy các môn học thuộc lĩnh vực STEM theo tinh thần dạy học liên môn. 100% trường tiểu học thực hiện việc tổ chức dạy lồng ghép các STEM trong các môn học chủ yếu ở các môn TNXH, Khoa học, Toán, Kĩ thuật, Công nghệ.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và huyện Thanh Trì.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và huyện Thanh Trì.

Học sinh hào hứng đón nhận

Cô Đào Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đỗ Ngọc Du cho biết: Nhà trường nhận được sự quan tâm thường xuyên của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, tập huấn cho đội ngũ giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới; tổ chức nghiên cứu các văn bản về thay đổi nội dung nhằm giúp giáo viên cập nhật sự thay đổi về cả nội dung và phương pháp dạy học mới.

Tất cả các khối lớp đã áp dụng STEM vào tiết dạy. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, tích cực thực hiện hoạt động giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, kinh phí giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được đầu tư đồng bộ.

Cô Nguyễn Thị Ghẽ- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sỹ Kiện đánh giá STEM là phương pháp giáo dục tiên tiến, giúp học sinh được tiếp cận với hoạt động thực hành ngay sau mỗi bài học, tạo điều kiện tốt để hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Trong quá trình triển khai STEM, học sinh hào hứng đón nhận và yêu thích hơn đối với môn học. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, giáo dục STEM là nội dung mới nên chưa có tài liệu tham khảo, giáo viên chưa có kinh nghiệm, đôi khi còn lúng túng. Bên cạnh đó, các lớp có sĩ số học sinh khá cao nên khó khăn trong tổ chức thực hành và trưng bày sản phẩm.

Cô Nguyễn Thị Ghẽ- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sỹ Kiện phát biểu tại buổi làm việc.

Cô Nguyễn Thị Ghẽ- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sỹ Kiện phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao việc triển khai Chương trình GDPT mới ở Hà Nội nói chung và Thanh Trì nói riêng, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động dạy học và quản lý, từ Phòng GD&ĐT cho đến các nhà trường. Việc triển khai STEM cấp tiểu học đã bước đầu mang lại hiệu quả, được học sinh hào hứng đón nhận.

Tiết dạy môn Khoa học gắn với trải nghiệm STEM tại Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển đã tạo sự hấp dẫn với học sinh, thể hiện sinh động cho sự đổi mới dạy học của giáo viên, bước đầu cho thấy chủ trương mang STEM vào cấp tiểu học là đúng đắn. Dù huyện Thanh Trì không tham gia thí điểm nhưng đã tiếp cận mô hình tốt và đã có những sản phẩm sáng tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, giáo dục STEM có nhiều lợi ích tích cực. Một trong những điểm mạnh của hoạt động này là giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay vì dạy đa môn rời rạc. Đây là cách tiếp cận mới, rất thiết thực, cần thiết giúp học sinh tìm tòi khám phá tri thức, từ đó hình thành phẩm chất năng lực. Chương trình GDPT mới có mục đích cốt lõi cũng là hình thành phẩm chất năng lực thông qua việc học sinh đổi mới cách học, cách nghĩ. Do đó, giáo dục STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị thành phố Hà Nội và huyện Thanh Trì cần tiếp tục quan tâm, tổ chức tốt khâu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để hoạt động giáo dục STEM ngày càng lan tỏa, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ