Học đi đôi với hành
Ông Lê Bá Việt Hùng – Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ chia sẻ: Với thế mạnh là nội dụng giáo dục tích hợp, giúp cho học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, STEM được chính thức triển khai tại tỉnh Phú Thọ từ năm học 2018 - 2019, chủ yếu tại các trường THCS, THPT. Tỉnh Phú Thọ đã được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thí điểm dạy học STEM ở 4 trường: THPT Chuyên Hùng Vương, THPT Thanh Thủy, THCS Văn Lang – TP Việt Trì, THCS Hùng Vương - TX Phú Thọ.
Sở GD&ĐT đã tổ chức Ngày hội STEM tỉnh Phú Thọ năm học 2021 – 2022 nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về vị trí, vai trò và ý nghĩa giáo dục STEM trong trường phổ thông; định hướng nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong các nhà trường.
Từ đó, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh các trường trung học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được giao lưu học hỏi, tham quan, trải nghiệm, chia sẻ các kết quả, sản phẩm giáo dục STEM của cá nhân, đơn vị. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai, thúc đẩy giáo dục STEM tại các trường trung học.
“Điểm nhấn của Ngày hội STEM năm nay là việc các em học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo Robotics với chủ đề “Du lịch Đất Tổ - Dâng hương Đền Hùng” giúp các em hiểu thêm về nguồn cội, lan tỏa những truyền thống tốt đẹp cũng như văn hóa của Đất Tổ vua Hùng”, ông Lê Bá Việt Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, việc triển khai giáo dục STEM ở Phú Thọ còn gặp một số khó khăn như: Nhận thức của một số cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục STEM chưa đầy đủ; năng lực, kinh nghiệm tổ chức dạy học STEM còn hạn chế. Cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí phục vụ dạy học STEM đòi hỏi khá cao, trong khi điều kiện của đa số các trường còn khăn, việc huy động xã hội hóa chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đưa STEM vào chiều sâu
Trường THCS Lâm Thao, huyện Lâm Thao đã triển khai hoạt động giáo dục STEM từ năm học 2020 – 2021 với nhiều hình thức như: STEM bài học; câu lạc bộ STEM; STEM trải nghiệm; STEM nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Tháng 12/2021, đội thi Robotics của trường THCS Lâm Thao đã đạt giải Nhất cấp Quốc gia trong cuộc thi Sáng tạo Robotics do Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ tổ chức.
Hiệu trưởng trường THCS Lâm Thao Ngô Đại Toàn cũng vui mừng cho biết: Điểm thuận lợi khi triển khai STEM tại nhà trường là chúng tôi có đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên luôn có xu hướng tiếp cận các phương pháp giáo dục mới, đặc biệt là phương pháp giáo dục STEM. Nhà trường đã có kế hoạch triển khai và tổ chức đầy đủ các hình thức giáo dục STEM theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ 2 năm học trở lại đây. Các em học sinh của nhà trường đều là các học sinh có tố chất thông minh, sáng tạo, được các phụ huynh quan tâm ủng hộ.
Em Nguyễn Thành Chung – học sinh lớp 9A2, trường THCS Lâm Thao hào hứng chia sẻ: Em và các bạn rất hứng thú khi được tham gia vào hoạt động giáo dục STEM, đặc biệt là câu lạc bộ Robotics. Ở đây, chúng em được học lập trình, lắp ráp robot, kết hợp với máy tính, với điện thoại thông minh có hệ điều hành Android. Chúng em đã có cơ hội phát huy những kiến thức về Tin học, toán học, công nghệ…để lập trình được chương trình cho Robot theo yêu cầu. Đây là những hoạt động mà trước đây chúng em chưa được tiếp cận.
“Chúng em mong muốn có được một phòng học STEM với đầy đủ các thiết bị khoa học và công nghệ hiện đại, để chúng em có nhiều thời gian cho các hoạt động trải nghiệm và sáng tạo, học tập lý thuyết gắn với thực hành”, Thành Chung bày tỏ mong muốn.
Cô giáo Đỗ Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng trường THCS Văn Lang, TP Việt Trì cũng cho rằng, giáo dục STEM có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh và giáo viên, bởi giáo dục STEM đề cao đến việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học. Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.
Cùng với đó, giáo dục STEM trang bị cho học sinh kiến thức đa lĩnh vực, các kỹ năng mềm, liên tục cho học sinh tiếp cận với thực hành. Nhờ đó các em có thể sử dụng làm chủ công nghệ, khai thác công nghệ để giải quyết các vấn đề cuộc sống, phục vụ công việc, trở thành công dân thực thụ trong xã hội 4.0.
Hiện nay, trường THCS Văn Lang đã và đang triển khai hoạt động giáo dục STEM; trước đó, năm 2017 nhà trường đã triển khai thực hiện các hoạt động giáo dục STEM theo chương trình thí điểm của Bộ GD&ĐT tại một số trường trung học. Từ các hoạt động giáo dục STEM bước đầu đã có những tác động tích cực, lan tỏa, làm chuyển biến trong dạy và học trong nhà trường được giáo viên, phụ huynh, học sinh của nhà trường nhiệt tình ủng hộ.
Để học sinh có kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì giáo viên cần liên tục đặt học sinh vào trong các vấn đề thực tiễn, dạy kiến thức, cô Đỗ Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường THCS Văn Lang đã tổ chức các hoạt động giáo dục STEM thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp với hai hoạt động chính là trải nghiệm và nghiên cứu khoa học.