Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ 2017 khẳng định hướng đi đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong chỉ đạo đổi mới thi cử theo lộ trình. Dù có thể mang theo một chút thử thách mới nhưng hoàn toàn không làm cho giáo viên và học sinh phải "giật mình".
Đổi mới hướng tới dạy thật, học thật, thi nghiêm túc
Về hình thức thi, theo thầy Phạm Đức Duẩn: "Nếu đã học tốt, học thật sự thì với bất cứ hình thức thi nào cũng không làm học sinh quá bất ngờ hay lo ngại. Chuyện thi theo phương thức nào, học sinh cần xác định là chuyện hết sức bình thường chẳng cần tranh cãi nhiều".
Thầy Duẩn cho rằng, cái gốc của việc thi THPT ở đây chỉ có 3 điểm: (1) Ra đề phù hợp với năng lực chung của học sinh toàn quốc và phân loại được học sinh; (2) Tổ chức thi thật sự nghiêm túc; (3) Chấm nghiêm túc và vào điểm chính xác.
Dạy thật, học thật, thi nghiêm túc là cái gốc của mọi vấn đề trong giáo dục và đào tạo còn hình thức thức thi sao cho phù hợp thì, mỗi giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh cần tin tưởng vào các nhà quản lý giáo dục vĩ mô.
Chất lượng đề thi là then chốt
Là giáo viên dạy môn Toán ở THPT nhiều năm, thầy Duẩn không thấy quá bất ngờ hay trở ngại đáng kể nào khi đề thi Toán THPT Quốc gia 2017 ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Vấn đề là giáo viên luôn bình tĩnh, tìm hiểu và hướng học sinh của mình làm quen dần với hình thức thi mới vì hình thức thi nào cũng có ưu và nhược điểm riêng.
Thi theo đề tự luận: Ưu diểm là kiểm tra được học sinh cách tổ chức kiến thức, tư duy, suy luận các bước và đặc biệt là khả năng diễn giải độ sâu của một vấn đề. Còn nhược điểm: Ít câu nên không kiểm tra được nhiều, dễ trúng tủ, tổ chức chấm thi khó khăn và có độ sai lệch điểm giữa các người chấm.
Đối với đề thi trắc nghiệm khách quan: Ưu điểm là khắc phục được tất các nhược điểm của tự luận. Tuy nhiên, nhược điểm của đề trắc nghiệm là: Ra đề rất khó khăn, không kiểm tra được khả năng diễn giải của học, có xác suất học kém đánh trúng đáp án.
"Là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Toán THPT, quan điểm của tôi là cứ dạy tốt, học tốt, học sinh hiểu bản chất vấn đề, rèn khả năng tự học cao thì kết quả sẽ cao. Với những học sinh có ý thức tự giác kém, không tự nghiên cứu, quá phụ thuộc thầy (cô), đến lớp học thêm chỉ mong đợi thầy (cô) dạy các chiêu trò máy tính, "thủ thuật", đoán nhanh kết quả mà không hiểu bản chất thì có thi dưới hình thức gì cũng kém" - thầy Duẩn nhấn mạnh.
Thầy Duẩn đưa ra đề xuất: Người ra đề cần đặc biệt lưu ý các phương án "phòng chống" sử dụng "thủ thuật" khi làm bài thi trắc nghiệm. Như vậy sẽ giúp các trường ĐH, CĐ chọn được người tài thực sự (hiểu, biết, vận dụng, sáng tạo) chứ không chọn nhầm người tố chất kém mà chỉ nhờ chiêu trò lại đạt kết quả cao.
Quan điểm là chọn được người xứng đáng, được bạn bè tâm phục, khẩu phục để mai này xây dựng Đất nước.
Năm 2016, Bộ GD&ĐT đã làm rất tốt vấn đề tuyển sinh. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, ví dụ thí sinh ảo, còn hiện tượng học sinh điểm cao không vào được trường như ý. Đây chính là điểm cần lưu ý khắc phục trong kỳ thi 2017.