Các bệnh về đường hô hấp...
Giáo viên làm việc trong một môi trường đặc thù, tiếp xúc với bảng đen phấn trắng thường xuyên nên việc các thầy cô mắc những bệnh về đường hô hấp là điều dễ hiểu. Bởi thế, mọi người thường đùa nhau là nghề “bán cháo phổi”.
Trong quá trình giảng bài, bụi phấn rơi và phát tán trong không khí, giáo viên không may hít phải các chất độc hại đó. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới các bệnh viêm mũi, viêm xoang, thậm chí các bệnh về mắt.
Cô Trần Bích Thảo, Trường THPT Lý Nhân (Hà Nam) tâm sự: Vẫn biết là thành phần trong phấn viết có các chất độc hại, song nhiều khi say sưa giảng bài nên đa phần giáo viên đều quên mất việc phải cẩn trọng với bụi phấn.
Bản thân tôi hơn 25 năm đứng lớp nên thấy rõ sự ảnh hưởng đó. Nếu như khi nào bị nhiễm lạnh, viêm họng, viêm mũi mà tiếp xúc nhiều với bụi phấn thì thời gian mắc bệnh cũng kéo dài hơn.
Hiện tượng chảy nước mũi, hắt xì hơi liên tục xảy ra, rất khó chịu. Tôi từng đi khám bác sĩ và được chuẩn đoán bị viêm xoang, nguyên nhân có một phần từ bụi phấn.
Theo các bác sĩ, nghề giáo không chỉ phải nói nhiều mà còn phải tiếp xúc với bụi phấn thạch cao. Khi hít bụi phấn vào phổi và tích tụ lâu ngày có thể gây ra các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn...
Các bệnh lý về thần kinh
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Ngày nay, áp lực từ cuộc sống, từ môi trường làm việc và những mối quan hệ xung quanh mà các vấn đề về bệnh lý thần kinh cũng gia tăng. Các thầy cô giáo cũng phải chịu chung những áp lực như thế.
Bên cạnh đó, hàng ngày người giáo viên phải tiếp xúc, giao tiếp với rất nhiều học sinh ở các khối lớp khác nhau. Các em đang ở độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Môi trường xã hội với sự hội nhập của nhiều trào lưu văn hóa ảnh hưởng không nhỏ tới các em, khiến các em có những “nổi loạn” trong hành xử.
Thầy cô chính là người phải uốn nắn, điều chỉnh các em, nên không tránh khỏi những căng thẳng. Mặt khác áp lực của xã hội, từ phụ huynh luôn mong muốn các con phải tiến bộ, giỏi giang từng ngày cũng làm các thầy cô luôn phải nỗ lực hết mình.
Những khó khăn từ nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến các giáo viên thời nay phải chịu nhiều áp lực, nên việc thầy cô bị căng thẳng về thần kinh và stress thường xảy đến.
Khi không điều tiết được công việc, cảm xúc, các giáo viên cũng mắc các chứng bệnh về thần kinh, thậm chí bị trầm cảm một thời gian dài.
Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, bệnh lý trầm cảm thường có các biểu hiện như: Người bệnh luôn cảm thấy chán nản, buồn rầu, luôn giận dữ, cáu gắt với mọi chuyện xung quanh. Thậm chí có thể làm rất nhiều điều ngu ngốc và liều lĩnh. Có cảm giác liên tục kiệt sức, trong đó có việc gặp khó khăn về giấc ngủ...
“Hiện tôi cũng điều trị cho một giáo viên tiểu học mắc căn bệnh trầm cảm. Nguyên nhân cô giáo này mắc bệnh không chỉ đến từ công việc, mà còn bắt nguồn từ nhiều mối quan hệ khác nhau.
Khi không thể chịu nổi, quá mệt mỏi, căng thẳng cô giáo đó đã tìm tới chúng tôi. Mắc căn bệnh này, bệnh nhân không chỉ mệt mỏi về tinh thần, việc suy nghĩ quá nhiều, không tìm cho mình được lối thoát, không ăn uống được sẽ khiến cơ thể suy nhược.
Với sức khỏe và tinh thần như thế, người giáo viên khó có thể đảm đương được công việc của mình. Khi các hiện tượng mệt mỏi, buồn chán, có những suy nghĩ tiêu cực kéo dài trên hai tuần thì đó là bệnh lý trầm cảm. Với các bệnh nhân mắc chứng bệnh này cần được điều trị bằng thuốc và các trị liệu về tinh thần.
Do vậy, để các thầy cô có một sức khỏe thể lực và tinh thần tốt, họ phải được trang bị các kiến thức về tâm lý, các kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống và trong môi trường làm việc của mình.
Song song với đó, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý và các bài tập thể dục thư giãn, bài tập Thiền, liệu pháp Yoga sẽ giúp cho sức khỏe và tinh thần của các giáo viên ổn định, khỏe khoắn”, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu chia sẻ.
Giữ gìn đôi mắt sáng để làm việc tốt hơn. |
Các chứng bệnh về mắt
Bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền, Bệnh viện Mắt Trung ương tâm sự: Môi trường làm việc với bụi phấn, thời gian đọc sách, soạn giáo án và làm việc nhiều trên máy tính, nên các thầy cô giáo hay mắc bệnh viêm bờ mi, viêm kết mạc, khô mắt.
Mặc dù hiện nay đã có những loại phấn ít bụi hơn, nhưng bụi phấn vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của các giáo viên. Vì phấn cơ bản được làm từ thạch cao, vôi tôi, đất sét, nếu bay vào mắt sẽ rất khó chịu, gây ra hiện tượng đỏ mắt, rát mắt, chảy nước mắt... Nếu thường xuyên kéo dài tình trạng này có thể dẫn tới bệnh mạn tính.
Để phòng ngừa, hạn chế các bệnh này, sau mỗi giờ dạy các thầy cô nên có thói quen rửa sạch đôi bàn của mình, hạn chế mức thấp nhất bụi phấn bay vào mắt.
Cũng theo bác sĩ Cương, đối với những thầy cô đứng tuổi thường xuyên phải đeo kính khi giảng bài, phần lớn là kính cận, kính loạn thị. Song, không ít thầy cô không hài lòng về đôi kính đang đeo vì chúng không thể sáng rõ mọi nơi, mọi lúc.
Vấn đề là công việc đòi hỏi các giáo viên phải nhìn rõ ở các cự ly xa, gần, trung bình khác nhau. Thường trên 40 tuổi, đa phần các giáo viên không thể dùng một đôi kính ở mọi lúc, mọi nơi mà vẫn đáp ứng nhu cầu quan sát và làm việc một cách tốt nhất.
Để đáp ứng điều này, các thầy cô nên chọn lựa bằng cách sử dụng loại kính 2 tròng hoặc đa tròng. Loại kính này sẽ giúp người giáo viên quan sát ở các cự ly gần, xa, trung bình tốt nhất mà không phải dùng một lúc nhiều loại kính.
Ngoài ra các giáo viên có tuổi cũng có thể mắc các bệnh lý lão hóa về mắt. Đó là các bệnh đục thể thủy tinh, glocom, thoái hóa hoang điểm... Bệnh thường xuất hiện sau tuổi 50.