Điều trị viêm mũi dị ứng thế nào?

GD&TĐ - Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp có tỉ lệ người mắc đáng báo động. Căn bệnh này dễ biến chứng, khó chữa trị nhưng đa phần người dân còn thiếu hiểu biết và chưa tích cực điều trị.

Điều trị viêm mũi dị ứng thế nào.
Điều trị viêm mũi dị ứng thế nào.

Viêm mũi dị ứng (tên tiếng Anh: Allergic rhinitis) là phản ứng của mũi khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng xuất hiện trong không khí. Khi đó cơ thể sẽ sản giải phóng nhiều histamin và các chất hóa học gây viêm ở niêm mạc mũi.

Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ đang mang thai.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra do mũi tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng. Các yếu tố gây dị ứng thường gặp là:

Dị nguyên đường thở: Bao gồm những tác nhân tồn tại trong không khí như mạt bụi, phấn hoa, hóa chất, lông thú, bọ ve, cỏ khô… Một số yếu tố như phấn hoa, cỏ khô thường xuất hiện vào một số thời điểm trong năm như mùa hè và mùa thu, gây viêm mũi dị ứng theo mùa.

Thời tiết: Sự thay đổi đột ngột của thời tiết làm độ ẩm không khí, áp suất và nhiệt độ cũng biến đổi. Khi đó niêm mạc mũi không kịp thích nghi sẽ gây ra viêm mũi dị ứng thời tiết cấp hoặc mãn tính. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em và những đối tượng có sức đề kháng yếu.

Thuốc: Nhiều người có thể mắc bệnh do dị ứng với một số loại thuốc như thuốc thông mũi, thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mũi…

Thực phẩm: Một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ dị ứng, kích hoạt viêm mũi dị ứng như: Động vật có vỏ, hải sản, trứng, socola…

Bệnh lý: Các bệnh lý như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Cấu trúc mũi dị thường: Cấu trúc mũi không bình thường như mũi vẹo, lệch vách ngăn, mào vách ngăn… sẽ gây viêm mũi dị ứng ở trẻ từ sơ sinh cho đến khi trưởng thành.

Điều trị viêm mũi dị ứng

Theo Bs Nguyễn Thanh Hùng - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, TP Cần Thơ, hiện nay bệnh viêm mũi dị ứng gần như chưa trị dứt hẳn được. Việc điều trị chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng giảm hoặc mất trong một thời gian sau đó có thể bị lại khi không còn dùng thuốc. Có thể điều trị dùng những phương pháp sau:

- Bệnh nhân phải tự bảo vệ bản thân mình khỏi các yếu tố dị nguyên bằng cách mang khẩu trang khi tiếp với bụi nhà, bụi đường, tránh chơi với mèo hay chó…nếu mỗi khi tiếp xúc với chúng thấy xuất hiện các triệu chứng ngứa mũi, nhảy mũi, chảy nước mũi...

- Dùng thuốc uống khi các triệu chứng nhiều gây giảm chất lượng cuộc sống. Thuốc uống có tác dụng nhanh chóng nhưng thời gian tác dụng cũng ngắn, thuốc xịt tuy thời gian phát huy tác dụng thì lâu hơn song tác dụng của nó thì kéo dài sau thời gian ngưng thuốc.

Việc uống thuốc hay xịt thuốc phải theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.

Một số trường hợp nên phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn, cuốn mũi qua nội soi sẽ giảm các triệu chứng bệnh lý.

Khuyến nghị: do ngoài bệnh viêm mũi dị ứng còn có những bệnh khác của mũi cũng gây ra những triệu chứng nghẹt mũi, nhảy mũi, sổ mũi, ngứa mũi như: viêm mũi vận mạch, viêm xoang, vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi…và những bệnh này có thể điều trị khỏi. Vì vậy, tốt nhất các bạn nên đến khám tại bệnh viện để được bác sỹ chuyên khoa khám và đưa ra chẩn đoán chính xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ