Chủ động để sớm tiếp cận, nghiên cứu sách mới
Trong Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa được coi là 1 trong những tài liệu quan trọng giúp giáo viên, học sinh tham khảo và làm rõ mục tiêu kiến thức cần đạt được. Vì vậy, việc lựa chọn một bộ sách giáo khoa phù hợp là rất quan trọng.
Chia sẻ điều này, theo cô Trương Thúy Lê, tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), để lựa chọn được bộ sách giáo khoa phù hợp nhất, giáo viên rất cần được tìm hiểu trước về từng bộ thông qua các buổi giới thiệu sách của nhà xuất bản.
Nhưng để tránh hình thức và đạt hiệu quả, giới thiệu sách nên tổ chức từ hè. Lý do, thời điểm này giáo viên có nhiều thời gian rảnh để đi sâu tìm hiểu. Nếu tổ chức trong năm học, với khối lượng công việc rất nhiều, giáo viên sẽ không có thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về từng bộ sách.
Hơn nữa, thầy cô cần có bộ sách tham khảo trước để có thể so sánh nội dung kiến thức, cách viết từng mục, từng phần trong các bài. Đi kèm với sách giáo khoa của từng nhà xuất bản sẽ là sách giáo viên, sách bài tập, một số tài liệu tham khảo để giáo viên có thêm kênh thông tin đối chiếu, phục vụ cho việc soạn giáo án chi tiết, bám sát mục tiêu giáo dục hơn.
“Tập huấn giới thiệu sách giáo khoa hiện nay mới dừng ở việc các nhà xuất bản giới thiệu đến giáo viên về bộ sách của họ với thời lượng rất ít ỏi. Giáo viên không có tài liệu trong tay, không theo kịp nội dung mà nhà xuất bản nói đến.
Sau đó, thầy cô phải họp nhận xét và đưa ra quyết định sẽ chọn bộ sách nào để dạy trong năm học mới, có trường hợp chưa được cầm tận tay từng quyển sách để nghiền ngẫm nội dung. Bởi vậy, việc lựa chọn sách có thể dẫn tới mang tính hình thức, chưa thực chất, hiệu quả”, cô Trương Thúy Lê trăn trở.
Chia sẻ kinh nghiệm trong chọn sách, cô Trương Thúy Lê cho biết mình thường tìm hiểu trước bản mềm của các bộ sách giáo khoa được công khai trên mạng. Tài liệu này phần nào giúp người đọc thấy được sự khác nhau giữa các bộ sách; nhưng chưa thoả mãn được việc so sánh, đối chiếu từng mảng kiến thức các bộ sách với nhau. Xem sách mềm cũng không thể chú thích vào sách những chỗ mình phân vân, cần làm rõ.
Cô trò Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ học. |
Quan tâm tính logic, khoa học, chính xác và phù hợp
Cũng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, cô Trần Thị Thanh Xuân, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định cho biết,sau khi có công văn về lựa chọn sách giáo khoa của cấp trên, tổ chuyên môn triển khai cho giáo viên đọc các đầu sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Mỗi giáo viên phải đánh giá ưu điểm và hạn chế của mỗi cuốn sách, đặc biệt quan tâm đến sự phù hợp với đối tượng học sinh đang giảng dạy. Tổ chuyên môn tổ chức họp và giáo viên sẽ đọc bản nhận xét, góp ý cho từng cuốn sách rồi tổ chức bỏ phiếu kín, biên bản họp tổ, kết quả bỏ phiếu sẽ được gửi lên lãnh đạo trường.
“Khi chọn sách, tôi luôn quan tâm tính logic, khoa học và tính chính xác, cập nhật và phù hợp với đối tượng học sinh. Để có nhiều thời gian nghiên cứu, tôi thường tìm link để đọc trước.
Với mỗi cuốn sách, tôi thường đọc mục lục, rồi đọc tổng quát cả chương để tìm hiểu logic của mỗi chương; sau đó đọc chi tiết từng bài để tìm hiểu bố cục, tính chính xác và ngữ liệu có cập nhật với chương trình của một số nước phát triển hay không”, cô Trần Thị Thanh Xuân cho biết.