Bất cập khi chỉ chọn một bộ SGK
Từ tháng 2/2024, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã gấp rút lựa chọn SGK (SGK) để trình lên Hội đồng lựa chọn SGK đưa vào giảng dạy trước khi bắt đầu năm học 2024-2025.
Tuy nhiên theo phản ánh trên các phương tiện thông tin, các năm học trước nhiều tỉnh, thành chỉ chọn mỗi môn học một quyển sách, thậm chí chỉ chọn một bộ sách cho hầu hết các môn học. Cách làm này trái với quy định “có một số SGK cho mỗi môn học” (theo Nghị quyết 88 của Quốc hội) xảy ra ở các địa phương như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Kạn, Quảng Nam …
Nhiều giáo viên dạy tiểu học ở TP. Hà Nội thắc mắc: Năm học 2022-2023, SGK Tiếng Việt lớp 2 bộ Cánh Diều không được Sở GD&ĐT đưa vào danh sách lựa chọn trên địa bàn. Việc "nhảy cóc" chọn lựa SGK Tiếng Việt lớp 1 lên lớp 3 đã khiến nhiều giáo viên bất ngờ và lúng túng.
Nhiều ý kiến của giáo viên bày tỏ lo ngại việc chỉ lựa chọn một bộ SGK để giảng dạy sẽ hạn chế sự lựa chọn cũng như ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trước thực tế này, từng công tác trong ngành giáo dục, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) nêu dẫn chứng như ở Quảng Trị, trường học không dùng một loại sách mà dùng tất cả các loại sách cho các trường. Ví dụ một trường chọn 3 bộ sách tiếng Anh cho học sinh cùng nghiên cứu, cùng học. Bởi, tính ưu việt của mỗi bộ sách khác nhau nên thầy cô lựa chọn cho học sinh học.
Bà Minh cho rằng, Hội đồng lựa chọn SGK ở địa phương cần phải xem xét lại xem đã hoạt động có hiệu quả hay chưa? Đã lấy ý kiến của thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh hay chưa? Cùng với đó, trong quá trình chọn SGK , Hội đồng lựa chọn SGK của trường vẫn có quyền điều chỉnh chứ không thể lựa chọn SGK cho học sinh theo kiểu cố định: Các lớp trước học bộ sách nào, thì các lớp sau chọn y nguyên bộ sách đó.
Việc sử dụng các bộ SGK khác nhau trong quá trình học, theo bà Minh sẽ làm phong phú tài liệu học tập cho giáo viên và phụ huynh vì ngữ liệu có thể khác nhau nhưng đều dựa vào khung chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành và giúp cho học sinh khi chuyển vùng, chuyển địa phương không bị bỡ ngỡ đối với các loại sách.
Phụ huynh tìm hiểu SGK |
“Vai trò của Hội đồng thẩm định và chọn SGK của địa phương ở đâu? Khi trình lên anh có quyền phủ quyết nếu như thấy nơi đó không bám theo Nghị quyết 88”, bà Minh nói và nêu giả thiết 100 ý kiến của các giáo viên, phụ huynh thì không thể nào ý kiến nào cũng giống nhau, có lấy ý kiến của giáo viên và phụ huynh thực chất hay không?
Bên cạnh đó, bà Minh đặt câu hỏi Hội đồng thẩm định đã làm việc hết mình hay chưa? Khi trình lên chỉ có một bộ SGK thì cần phải có ý kiến, đề nghị các trường họp giáo viên và phụ huynh để lấy ý kiến.
“Quan điểm của tôi là, những địa phương nào nếu làm chưa đúng tinh thần Nghị quyết thì Sở GD&ĐT có Ban chỉ đạo đổi mới chương trình SGK, chính quyền địa phương cấp tỉnh cần phải vào cuộc”, bà Minh chia sẻ. Đồng thời cũng cho rằng làm được như vậy mới khuyến khích người học, người dạy phát huy khả năng sáng tạo và tìm hiểu kỹ vấn đề.
Cần lựa chọn SGK một cách công bằng
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh cũng cho biết thêm: Không rập khuôn một cách máy móc chỉ dùng một bộ sách mà phải lựa chọn SGK làm sao hiệu quả, công bằng.
“Bởi, trong Nghị quyết 88 nêu rõ: “Có một số SGK cho mỗi môn học”. Thêm nữa, tại sao cả nước làm được mà một số địa phương lại không làm được? Liệu rằng quá trình Hội đồng thẩm định SGK, lựa chọn SGK và lấy ý kiến trong thầy cô, phụ huynh, học sinh có chiếu lệ hay không? Nếu như thế thì sẽ làm cho môi trường giáo dục ở địa phương đó không có tính sáng tạo, không có phép so sánh để cầu thị và phát triển.
“Học sinh ở những địa phương đó khi chuyển địa phương đi nơi khác học tập sinh sống cũng sẽ gặp những cản trở, khó khăn nhất định. Hoặc khi các em bước vào đời cũng thế. Vì mỗi bộ SGK đều có tính ưu việt, nếu được lựa chọn để có tính đối chiếu thì học trò được học khi bước vào đời sẽ có kiến thức vững chãi hơn”, bà Minh nói và nhấn mạnh cần lựa chọn SGK một cách công bằng.
Bà Minh cũng lo ngại nếu không định hướng được thì sẽ quay trở về câu chuyện một bộ sách duy nhất. “Như vậy sẽ không có tính xã hội hóa trong vấn đề SGK nữa mà có thể quay về tính độc quyền”, bà Minh cho biết thêm.
Liên quan đến việc lựa chọn SGK mới, Bộ GD&ĐT đã công bố Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là các quy định hướng tới tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục trong lựa chọn SGK, 3 nguyên tắc 2 tiêu chí gồm:
Thứ nhất, lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một SGK. Thứ ba, việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Hai tiêu chí lựa chọn SGK gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một SGK. Thứ ba, việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Nếu 63 tỉnh, thành trên cả nước đều thực hiện TT27/2023/TT – BGDĐT một cách công khai, minh bạch và dân chủ thì các giáo viên sẽ rất vui mừng và hứng thú giảng dạy với bộ sách mà chính giáo viên lựa chọn.