Nhiều trường đã triển khai những bước đầu tiên trong lựa chọn sách giáo khoa (SGK) năm học 2024 - 2025, như: Phân công giáo viên nghiên cứu các bộ sách; thành lập hội đồng lựa chọn SGK… Công việc được triển khai sớm, tinh thần trách nhiệm cao nhằm thực hiện suôn sẻ, chất lượng việc chọn sách theo quy định mới.
Đang nghiên cứu SGK mới
Ngày 20/2, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) năm học 2024 - 2025. Ngày 21/2, Kế hoạch triển khai lựa chọn SGK và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 trong cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh được sở GD&ĐT ban hành. Tiếp theo, sở GD&ĐT sẽ tổ chức hướng dẫn cơ sở giáo dục triển khai lựa chọn sách để bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Theo ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, lần đầu triển khai Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT chú trọng yêu cầu lựa chọn SGK công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, trung thực, đảm bảo sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, đúng quy định Bộ GD&ĐT và các quy định của pháp luật.
“Hiện cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã nhận được bản mẫu SGK mới và cho cán bộ quản lý, giáo viên đọc, nghiên cứu. Trước 29/2, các trường được yêu cầu hoàn thành thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Quy trình lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục thực hiện theo Điều 7 của Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT, hoàn thành ngày 29/3.
Các phòng GD&ĐT, trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX thẩm định và gửi hồ sơ về sở GD&ĐT trước 15/4. Sở GD&ĐT sẽ thẩm định hồ sơ, tổng hợp kết quả lựa chọn SGK của các đơn vị và trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục SGK do cơ sở giáo dục lựa chọn, hoàn thành trước 22/4.
Về cung ứng SGK, các trường đăng ký số lượng đến các nhà xuất bản phải hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/5. Sau đó, nhà xuất bản, các đơn vị liên quan cam kết và cung cấp đủ số lượng SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 theo nhu cầu đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 18/8”, ông Võ Văn Bé Hai cho biết.
Cô Nguyễn Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm, Vĩnh Long) thông tin: Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã chỉ đạo các trường lựa chọn SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 và lựa chọn lại SGK các lớp: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Thực hiện chỉ đạo của sở, Trường THPT Võ Văn Kiệt thành lập Hội đồng lựa chọn SGK; yêu cầu tổ chuyên môn, giáo viên nghiên cứu các bộ SGK mới lớp 12. Riêng SGK lớp 10, 11, nhà trường sử dụng lại các bộ sách đã lựa chọn ở năm học trước.
Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) cũng nhận được đầy đủ bản mẫu SGK lớp 5, 9, 12 và phân công các nhóm giáo viên đọc, nghiên cứu. Việc đánh giá, nhận xét các bộ sách qua 3 vòng: Giáo viên, tổ chuyên môn, Hội đồng lựa chọn SGK của trường.
Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh, sau khi có kế hoạch của sở/phòng GD&ĐT, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch lựa chọn SGK năm học 2024 - 2025, bảo đảm đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Thực hiện chọn SGK theo Thông tư 27 - điểm mới quan trọng nhất là chuyển quyền lựa chọn SGK cho nhà trường - tạo thuận lợi, đồng thời là thách thức.
Thuận lợi bởi trường được chủ động; bộ sách lựa chọn sử dụng sẽ đáp ứng đúng nguyện vọng của thầy, trò, phụ huynh, phù hợp với điều kiện thực tiễn cơ sở; từ đó dạy học thuận lợi hơn. Khó khăn là đòi hỏi trách nhiệm cao, gia tăng áp lực, thầy cô phải làm việc cường độ cao hơn.
Để thuận lợi việc lựa chọn SGK, thầy Nguyễn Văn Chanh đề nghị cần có quy định về việc cấp kinh phí cho nhà trường trong hoạt động này. Năm nay, sách mẫu để thầy cô nghiên cứu về trường khá sớm; hy vọng việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng tiến hành trong thời gian thầy cô nghiên cứu các bộ sách.
Ảnh minh họa ITN. |
Tôn trọng ý kiến giáo viên
Nói về yếu tố quan trọng nhằm triển khai chất lượng, hiệu quả việc lựa chọn SGK, thầy Thiều Ánh Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) nhấn mạnh đầu tiên đến vai trò của giáo viên, tổ nhóm chuyên môn, sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường. Theo đó, giáo viên cần dành nhiều thời gian để đọc, nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng các bộ sách.
Để đưa ra lựa chọn phù hợp, bên cạnh đầu tư thời gian, công sức, còn đòi hỏi thầy cô năng lực chuyên môn, nghiên cứu. Tuy nhiên, khó khăn là năng lực đội ngũ không đồng đều; ý thức tự giác, tự học, tự bồi dưỡng không phải ai cũng như ai; thời gian để có thể nghiên cứu sâu các bộ sách không nhiều; không có kinh phí để hỗ trợ thầy cô trong hoạt động này.
“Nhà trường luôn động viên, khuyến khích tinh thần chủ động của đội ngũ. Việc nghiên cứu SGK phục vụ trước hết cho chuyên môn, công tác giảng dạy. Mỗi lần nghiên cứu như vậy, trình độ chuyên môn của giáo viên sẽ nâng lên”, thầy Thiều Ánh Dương chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Ngân Hà - Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk) khẳng định việc tôn trọng ý kiến của giáo viên trong lựa chọn SGK vô cùng quan trọng. Thực tế, đặc điểm của học sinh vùng miền không giống nhau; điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế các địa phương cũng khác. Giáo viên là người nắm bắt rõ tâm lý, đặc điểm năng lực từng học sinh, cũng là người tiếp cận trực tiếp, sử dụng SGK. Thầy cô sẽ chủ động tiếp cận, chọn lọc nội dung kiến thức phù hợp bộ SGK để giảng dạy.
Nói lên nguyện vọng, mong muốn để việc lựa chọn SGK được tiến hành thuận lợi, chất lượng, cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho biết: Sách về muộn, giáo viên thẩm định ở cấp trường chỉ có khoảng 2 tuần, trong khi mỗi bộ SGK chỉ có 1 bản. Giáo viên phải đổi chéo nhau để đọc, so sánh giữa các bộ sách và đối chiếu với SGK hiện hành để tìm ra ưu điểm của từng bộ.
Vì vậy, mong rằng các nhà xuất bản gửi sách cho nhà trường đầy đủ và sớm. Mỗi nhà trường cần nhiều bản in để thuận lợi cho Hội đồng thẩm định lựa chọn. Cũng mong Ban giám hiệu nhà trường sẽ bố trí nhân lực để giảm bớt tiết dạy cho giáo viên được phân công đọc, nghiên cứu, lựa chọn SGK, nhằm đảm bảo hiệu quả công việc.
Theo cô Nguyễn Thị Diễm Trang, quan trọng nhất trong công đoạn lựa chọn SGK là giáo viên cần nghiên cứu kỹ lưỡng các bộ sách để viết bản nhận xét, đánh giá sát với tiêu chí UBND tỉnh quy định. Đóng trên địa bàn khó khăn nên thầy cô hết sức tâm huyết, trách nhiệm, nỗ lực hết sức để lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất, có thể sử dụng lâu dài để tạo thuận lợi cho thầy và trò, đồng thời tránh lãng phí.
Cô Diễm Trang cũng cho biết, từ thực tiễn, giáo viên nhà trường mong mỏi thời gian giới thiệu các bộ SGK dài hơn, có thể vừa trực tiếp và trực tuyến; từ giới thiệu sách đến khi quyết định lựa chọn cần đủ thời gian để thầy cô nghiên cứu. Ngoài ra, các nhà xuất bản cần cung cấp đồng bộ cả SGK, sách giáo viên, thiết bị đi kèm để giáo viên có thể đánh giá thiết bị đó có phù hợp với nội dung SGK và sử dụng hiệu quả hay không.
Một số địa phương đã ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2024 - 2025 như: TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đồng Tháp… Các địa phương đều đưa hai tiêu chí, bao gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT.