Theo đó, từ năm học 2024 - 2025, các nhà trường được chọn sách để giảng dạy phù hợp với học sinh, giáo viên.
Thuận lợi hơn trong lựa chọn
Điểm khác biệt lớn nhất của Thông tư 27 là quyền quyết định chọn sách giáo khoa được giao về cho các cơ sở giáo dục. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018 chia sẻ: Với cách kiểm tra, đánh giá mới, chỉ dựa vào yêu cầu cần đạt của chương trình, thì ngay trong một tỉnh/huyện việc các trường dạy bộ sách giáo khoa khác nhau là bình thường và không ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
Với quy định của Thông tư mới, các thầy cô giáo được dạy đúng bộ sách mình thấy phù hợp nhất. Tuy nhiên, quy định mới cũng đặt ra vấn đề trình độ và trách nhiệm của giáo viên bộ môn, nhà trường. Vì đánh giá, lựa chọn sách không nên cảm tính, phải nắm vững chương trình, hiểu rõ bộ sách và đối tượng người học. Trên cơ sở đó lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất.
Bày tỏ ủng hộ quy định mới, cô Trương Thị Hiền - giáo viên Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Tôi thấy việc giao cho nhà trường, giáo viên lựa chọn sách giáo khoa là hợp lý. Điều chỉnh sẽ giúp việc lựa chọn có thể rút ngắn thời gian, quá trình in ấn, cung ứng sách giáo khoa chủ động hơn”.
Còn cô Mạc Thị Trang - giáo viên Trường THCS Phạm Sư Mạnh (thị xã Chí Linh, Hải Dương) cho rằng, nhà trường, giáo viên sẽ nắm được đặc điểm của địa phương để chọn bộ sách phù hợp với người học; phát triển tối ưu khả năng tiếp thu của học sinh. Giáo viên không bị áp đặt khuôn mẫu khi giảng dạy mà được sáng tạo, mở rộng dựa trên nền tảng kiến thức không bị gò bó khuôn mẫu. Đó là thuận lợi và ưu điểm của việc trao quyền chọn sách.
Đồng quan điểm, ông Phạm Viết Phúc - quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) khẳng định: Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cán bộ quản lý cấp trường, giáo viên, phụ huynh phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc dân chủ. Lý do là mỗi trường có điều kiện (cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, năng lực học sinh) khác nhau; bảo đảm tính tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Thông tư 27 cũng quy định cơ sở giáo dục thông báo danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30/4 hằng năm. Cô Hà Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Cun Pheo (Mai Châu, Hòa Bình) cho rằng, đẩy sớm thời gian công bố danh mục sách giáo khoa là hợp lý. Muốn lựa chọn sách giáo khoa từ cơ sở phải có bộ sách trước khi lựa chọn ít nhất 3 tháng để giáo viên đọc, nghiên cứu.
Giáo viên chủ động chọn sách giáo khoa từ năm học tới. Ảnh minh họa: Vân Anh |
Sẵn sàng triển khai
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 27, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động nghiên cứu để có bước chuẩn bị cần thiết lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024 - 2025. Chia sẻ của thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa), nhà trường sẽ yêu cầu các nhóm chuyên môn nghiên cứu sách giáo khoa lớp 12 được phê duyệt.
Từng giáo viên tổng hợp, đánh giá ưu điểm, hạn chế về nội dung, hình thức, cấu trúc, ngôn ngữ… để từ đó lựa chọn bộ sách phù hợp với năng lực, trình độ học sinh, điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường… Sau đó, tổ chuyên môn họp, thảo luận, tổng hợp lại, bỏ phiếu lựa chọn bộ sách. Từ tổng hợp, đánh giá, kết quả chọn sách của các nhóm chuyên môn, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhà trường sẽ tổng hợp, kiểm tra, thảo luận và kết luận về bộ sách sẽ được chọn sử dụng trong nhà trường.
Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cũng sẵn sàng tâm thế để triển khai lựa chọn sách giáo khoa lớp 9 theo Thông tư mới, bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch. Theo cô Hiệu trưởng Đào Thị Hồng Hạnh, căn cứ vào điều kiện, thực tế dạy học, nhà trường luôn tôn trọng ý kiến lựa chọn của giáo viên - người có chuyên môn trực tiếp giảng dạy và phụ huynh - người mua sách cho con học. Tuy nhiên, lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư mới, quyền và trách nhiệm của giáo viên, nhà trường sẽ lớn hơn; trong đó quan trọng nhất vẫn là vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng.
Chia sẻ lưu ý khi chọn sách giáo khoa theo Thông tư mới, ông Phạm Viết Phúc cho rằng, cán bộ quản lý, giáo viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi giáo viên phải ý thức sâu sắc về quyền và vai trò của mình, không qua loa chiếu lệ, phó mặc trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Việc lựa chọn sách bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và dựa trên tiêu chí: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.
“Cần sớm tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu quy định mới. Lựa chọn đội ngũ trong Hội đồng phải là người có năng lực, trách nhiệm, làm việc công tâm, khách quan. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của nhà trường như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, học sinh để xây dựng các tiêu chí lựa chọn các bộ sách phù hợp, bảo đảm lựa chọn được các bộ sách chất lượng, phát triển được phẩm chất, năng lực học sinh”, ông Phạm Viết Phúc lưu ý thêm.
"Tôi thấy được sự lắng nghe, tôn trọng ý kiến của giáo viên từ Bộ GD&ĐT trong quy định mới về lựa chọn sách giáo khoa. Thực tiễn dạy học cho thấy, giáo viên là người nắm bắt rất rõ tâm lý, năng lực từng học sinh và tiếp cận trực tiếp các bộ sách; vì vậy thầy cô sẽ chọn lọc nội dung kiến thức phù hợp để giảng dạy cho các em.
Quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 27 khá chặt chẽ, quy định giáo viên có một khoảng thời gian khá dài để đọc, nghiên cứu, viết phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí. Như vậy, thầy cô có nhiều thời gian để cân đối, trao đổi chuyên môn, lựa chọn sách giáo khoa. Nhìn chung, giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường là phù hợp với yêu cầu thực tiễn" - Cô Đào Thị Hồng Hạnh