Giao lưu trực tuyến “Truyền thông trong trường học để giảm thiểu tảo hôn”

“Truyền thông trong trường học để giảm thiểu tảo hôn” là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 14h00 đến 15h00 thứ Sáu ngày 29/10.

Giao lưu trực tuyến “Truyền thông trong trường học để giảm thiểu tảo hôn”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

Bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai;

Thầy Lù Văn Thành, Hiệu trưởng trường THPT số 3 Mường Khương.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hành vi vi phạm pháp luật. Tảo hôn là một vấn đề nhức nhối, cản trở tiến trình nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi và cả đất nước. Đã có không ít học sinh trong các trường học ở vùng sâu, vùng xa, biên giới cũng bỏ học lấy vợ, lấy chồng.

Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên, các địa phương đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành giáo dục cũng đã chủ động  phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn đưa nội dung tuyên truyền những kiến thức về luật Hôn nhân và Gia đình; hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… đến học sinh.

Việc tuyên truyền đã thực sự đem lại những kết quả tích cực giúp học sinh có nhận thức tương đối đồng đều và đầy đủ về hậu quả, nguyên nhân, cách phòng, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; nắm bắt được một số quy định của pháp luật về vấn đề hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới. Các hoạt động tuyên truyền giúp học sinh tích lũy được kiến thức và kĩ năng tự bảo vệ mình trước vấn nạn tảo hôn, đồng thời các em có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực truyền thông nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết tới bạn bè và người thân.

Tại buổi giao lưu, các khách mời sẽ cùng chia sẻ mô hình, những bài học thực tế, kinh nghiệm quý giá trong việc tuyên truyền trong trường học để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời  tại đây, hoặc qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai

Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Hiệu trưởng trường THPT số 3 Mường Khương

Bạn đọc

Bạn Thùy Linh:

Được biết, trên địa bàn tỉnh có các câu lạc bộ thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Vậy vai trò, nhiệm vụ của các câu lạc bộ này là gì, thưa bà?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Tổng hợp từ các huyện, thị, thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã chỉ đạo duy trì 41 mô hình “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn” với trên 1.000 thành viên tham gia, trong đó: Cấp tỉnh duy trì 12 mô hình “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”; mô hình "Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn bạn trẻ với hôn nhân gia đình" trong các cấp Hội với 435 thành viên.

Cấp huyện, thị, thành phố duy trì 28 mô hình/tổ phụ nữ “Không có con tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” với 838 người tham gia.

Mô hình thường xuyên được Hội cấp trên quan tâm chỉ đạo, tổ chức các hoạt động sát với thực tế địa phương. Các thành viên luôn được tham gia các hoạt động do Hội cấp trên, địa phương tổ chức.

Mô hình có vai trò tập hợp, thu hút hội viên, tạo lòng tin cho hội viên tham gia vào tổ chức Hội. Gắn kết được với các thành viên giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, phát huy được tính tự chủ của hội viên khi tham gia mô hình.

Bạn đọc

Bạn quocdat...@gmail.com:

Thưa bà, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có những giải pháp nào để nâng cao vị thế của phụ nữ trong phòng chống tảo hôn? Bà có thể nêu một trong những giải pháp mà Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thực hiện thành công nhằm góp phần thay đổi quan niệm về tình trạng tảo hôn?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Để nâng cao vị thế của phụ nữ trong phòng chống tảo hôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tăng cường các giải pháp tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng với các hình thức đa dạng, phong phú.

Tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc sinh hoạt hội viên phụ nữ, tổ chức các buổi tọa đàm, hái hoa dân chủ… nhằm góp phần thay đổi quan niệm về tình trạng tảo hôn.

Cùng với đó, phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng chống tảo hôn. Vấn đề tảo hôn làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình và trái với đạo lý truyền thống văn hóa của dân tộc.

Bạn đọc

Bạn Nông Thị Hoa:

Khi tuyên truyền về những hệ quả của nạn tảo hôn, có trường hợp nào khiến bà phải trăn trở không?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Vấn đề trăn trở nhất là tình trạng họ hàng kết hôn với nhau xảy ra hệ lụy cận huyết thống, ảnh hưởng đến thế hệ con cháu sau này.

Công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Vùng có tỷ lệ tảo hôn cao là vùng văn hóa còn lạc hậu, nhiều người không biết chữ. Đối tượng chính của việc tuyên truyền là thanh thiếu niên, ít tham gia sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể dẫn đến hiệu quả không cao.

Đặc biệt, do tập tục lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bà con cho rằng, những người có quan hệ bà con, họ hàng kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, thân thiết hơn, không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của.

 

Bạn đọc

Bạn hongvang...@gmail.com:

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh được nghỉ học có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn gia tăng không, thưa thầy?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Theo tôi, ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm trở lại đây khiến việc học sinh được nghỉ học lâu chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn gia tăng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công dân nam trên địa bàn không đi làm thuê được, vì vậy thường dẫn đến nảy sinh tình cảm đối với các bạn gái.

Việc nảy sinh tình cảm cùng với tục “cướp vợ” thường dẫn đến các em gái chưa đủ tuổi kết hôn tự nguyện hoặc buộc phải kết hôn trước tuổi.

Đối với người dân vùng cao, việc lấy chồng lấy vợ chỉ cần sự chấp thuận của những người đứng đầu trong làng hay cha mẹ hai bên.

Không những vậy, do hạn chế của cuộc sống khiến nhà nào cùng muốn con có con đàn, cháu đống để phụ giúp gia đình. Nhà nào có con gái thì muốn gả sớm để bớt miệng ăn. Nhà có con trai thì muốn cưới vợ sớm để có thêm lao động.

Bạn đọc

Bạn Phương Anh:

Bà đánh giá như nào về vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong việc phòng chống tảo hôn ở Lào Cai?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống tảo hôn. Hội phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong việc tuyền truyền giáo dục gia đình. Đặc biệt hỗ trợ phụ nữ kiến thức phòng chống tảo hôn là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh.

Phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng chống tảo hôn. Vấn đề tảo hôn làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình và trái với đạo lý truyền thống văn hóa của dân tộc.

Chính vì thế, các cấp Hội đã có nhiều giải pháp, trước hết đã tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bạn đọc

Bạn Bảo Như:

Bà có thể nêu một vài ví dụ điển hình về các trường hợp được tuyên truyền thành công, hiện cuộc sống của các trường hợp ấy ra sao không?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Đó là câu chuyện về công tác phối hợp vận động trẻ em tại xã thải Giàng Phố. Theo đó, 1 bé gái ở thôn Ngải Thầu – Sín Chải, đang là học sinh lớp 6 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thải Giàng Phố. So với bạn cùng tuổi, nhìn em trông lớn phổng phao rồi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em nghỉ học để bố mẹ đỡ vất vả.

Tháng 10/2020, bố mẹ bảo em không đi học nữa, ở nhà lấy chồng, chứ học nhiều cũng không để làm gì.... Tại thời điểm đó, bố mẹ em ấy cũng đã có hứa hẹn về việc gả em cho một gia đình người H’mông huyện khác...

Biết được thông tin này từ cô giáo chủ nhiệm lớp kể lại trong đợt về công tác tại xã, tôi đã cùng với cô giáo và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, đến nhà em nói chuyện. Ban đầu gia đình từ chối, cho rằng do con gái muốn nghỉ học chứ không phải do bố mẹ và cùng giấu ý định về việc gả chồng cho con gái.

Nhưng sau mấy cuộc gặp gỡ, vận động, bố mẹ em đã hiểu và đồng ý cho em tiếp tục đến lớp, không bắt em nghỉ học lấy chồng nữa. Đến nay, em vẫn tiếp tục đi học bình thường.

Khi được hỏi lại câu chuyện này, em nói: “Em sẽ không nghỉ học mà sẽ sắp xếp thời gian để ngoài giờ học và những ngày nghỉ cùng phụ giúp bố mẹ công việc gia đình”.

Bạn đọc

Bạn Thanh Tuyết:

Đối với địa bàn vùng cao Mường Khương, việc truyền thông về tảo hôn cho học sinh gặp phải những khó khăn gì thưa thầy?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Là địa bàn với trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số, việc truyền thông về tảo hôn cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Trước hết là gia đình không phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, ngăn chặn học sinh đến ở với nhau. Gia đình thiếu quyết liệt, bất lực, không bảo được con, thậm chí vun đắp cho con cái kết hôn trước tuổi.

Người dân trên này thường thiếu người làm, muốn con trai lấy vợ về để có người giúp gia đình. Vì nhà gái sợ mất danh giá, uy tính trong thôn bản nên khi học sinh về ở với nhau hoặc ngủ qua đêm ở nhà bạn trai thì thường bắt buộc nhà trai phải cử người nhà đến nói chuyện với nhà gái, xin ăn hỏi, về ở với nhau.

Khi nhà trường, chính quyền địa phương đến tuyên truyền, vận động không tổ chức ăn hỏi, xin cưới thì gia đình không phối hợp, còn bực tức, đe dọa những cán bộ đến tuyên truyền.

Song vài năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh truyền thông về tác hại của tình trạng tảo hôn nên việc học sinh kết hôn trước tuổi đã có chiều hướng giảm.

Nhờ đẩy mạnh truyền thông về tác hại của tình trạng tảo hôn nên việc học sinh kết hôn trước tuổi đã có chiều hướng giảm.
Nhờ đẩy mạnh truyền thông về tác hại của tình trạng tảo hôn nên việc học sinh kết hôn trước tuổi đã có chiều hướng giảm.

 

Bạn đọc

Bạn thuytien...@gmail.com:

Bà có những kỷ niệm nào khó quên khi tham gia tuyên truyền phòng chống tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Kỷ niệm về việc tuyên truyền phòng chống tảo hôn khiến tôi nhớ mãi là vào đầu năm 2020, trong một buổi tuyên truyền tại Câu lạc bộ “Mẹ và con gái” ở xã Lùng Phình 1, huyện Bắc Hà, với sự tham gia của 45 chị em. Khi hỏi về độ tuổi kết hôn của các chị thì có đến trên 40% các chị đều kết hôn ở tuổi dưới 18.

Ban đầu các chị đều cho rằng đây là chuyện bình thường… nhưng sau khi được tuyên truyền viên phân tích, chứng minh bằng những ví dụ, minh chứng cụ thể về tác hại, hậu quả của tảo hôn và các quy định của pháp luật liên quan đên vấn đề hôn nhân gia đình thì các chị mới hiểu và biết tác hại của việc tảo hôn…

Và sau nhiều buổi tuyên truyền trong các hoạt động sinh hoạt của Câu lạc bộ “Mẹ và con gái”, các chị em đã cùng nhau đưa ra cam kết sẽ vận động người thân và gia đình mình từng bước nói không với tảo hôn… Tôi nghĩ, kết quả đạt được sau mỗi đợt tuyên truyền sẽ là kỷ niệm.

Bạn đọc

Bạn Hồng Duy:

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn một cách hiệu quả, theo bà cần những giải pháp gì?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn một cách hiệu quả, cần bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng trong triên khai thực hiện. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể tại địa phương nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội về công tác phòng, chống tảo hôn.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; các văn bản pháp luật liên quan tảo hôn, hôn nhân, chú trọng tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xã biên giới.

Phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa cho trẻ em, nhất là trẻ em gái. Kịp thời phối hợp giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến tảo hôn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp với các bên có liên quan trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn. Phối hợp tổ chức gặp mặt, biểu dương các tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu nhân Ngày gia đình Việt Nam 28/6, ngày thành lập Hội 20/10, vào các dịp tổng kết năm...

Một giải pháp quan trọng là duy trì, nhân rộng mô hình điểm về giảm thiểu vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng dân tộc thiểu số.

Bạn đọc

Bạn tuanhung...@gmail.com:

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, bà có thể cho biết kết quả mà địa phương đạt được thế nào?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai luôn xác định việc thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg là một nhiệm vụ quan trọng và làm thường xuyên, tỉnh đã chỉ đạo Hội phụ nữ huyện/thị xã/thành phố bám sát nội dung Quyết định và sự chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền địa phương để tổ chức triển khai tới hội viên phụ nữ.

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thị, thành phố, tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 498 đã đạt kết quả khả quan. Các cấp Hội tuyên truyền Quyết định 498 gắn phong trào thi đua và các nhiệm vụ của Hội được gần 1.000 buổi tuyên truyền miệng; trên 90 buổi truyền thông, hái hoa dân chủ, Hội thi về các kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc thu hút hàng chục nghìn người tham gia.

Các nội dung của Quyết định đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đăng tải trên các số của bản tin phụ nữ Lào Cai một năm 4 số, 5 năm với 10.000 cuốn và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Hội LHPN tỉnh Lào Cai tham gia tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và phòng chống tảo hôn trong nhà trường
Hội LHPN tỉnh Lào Cai tham gia tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và phòng chống tảo hôn trong nhà trường

 

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tổ chức 720 buổi truyền thông lồng ghép trực tiếp Quyết định số 498/QĐ-TTgtrong các buổi sinh hoạt chi/tổ phụ nữ về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em, phòng chống các tệ nạn xã hội, Luật Bình đẳng giới. Vận động nhân dân không di cư tự do, phụ nữ không bỏ nhà đi khỏi địa phương, không tảo hôn... với 38.160 lượt người tham gia.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản Luật liên quan đến xây dựng gia đình hạnh phúc: Luật Hôn nhân và gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình; Bình đẳng giới; Phòng, chống mua bán phụ nữ trẻ em… cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật các cấp được 75 buổi cho 4.250 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia tại 9 huyện, thành phố.

Ngoài ra, Hội LHPN huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở với Tư pháp xã tổ chức 18 cuộc tuyên truyền về Luật hôn nhân gia đình, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống  thu hút 1.300 hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia.

Tổ chức 8 lớp tập huấn cho 320 người dân (nam/nữ) dân tộc thiểu số. Tổ chức hội thi sân khấu hóa về Bình đẳng giới với sự tham gia của 30 thí sinh nam /nữ nông dân người dân tộc thiểu số với sự cổ vũ của trên 250 khán giả tham gia là hội viên và nhân dân.

Các cấp Hội đã phối hợp tuyên truyền các kiến thức kỹ năng làm cha, làm mẹ; kỹ năng ứng xử có văn hóa, vận động các thành viên trong gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện qui ước, hương ước, quy chế dân chủ ở cơ sở được 164 buổi với tổng số trên 6.000 lượt người tham gia…

Bạn đọc

Bạn Lan Hoàng (Mường Khương):

Trong quá trình tuyên truyền nhằm góp phần thay đổi quan niệm về tình trạng tảo hôn, có kỷ niệm nào khiến thầy nhớ nhất?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Trong quá trình tuyên truyền về tảo hôn có rất nhiều kỷ niệm, buồn có, vui cũng có. Buồn là không thuyết phục phụ huynh, học sinh trở lại trường đi học bình thường. Vui là thuyết phục được học sinh và gia đình học sinh đi học trở lại.

Kỷ niệm đáng nhớ có lẽ là lần giải cứu em Hảng Sở. Cùng với đó là kỷ niệm về cuộc tuyên truyền cho học sinh đã tổ chức ăn hỏi rồi (ăn hết 1 con lợn 60 kg và 30 lít rượu) mà vẫn thuyết phục được gia đình trả lễ và đưa học sinh đi học trở lại đến lớp 12.

Học sinh được đi học, tránh được những hủ tục lạc hậu chính là niềm vui và hạnh phúc của các thầy cô.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Hải:

Quá trình tuyên truyền phòng chống tảo hôn, bà và cán bộ Hội thường gặp những khó khăn gì?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Phong tục tập quán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại. Trình độ nhận thức và hiểu biết về pháp luật của hội viên, phụ nữ không đồng đều nên việc tiếp thu các kiến thức tuyên truyền còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả cao. Các chế tài xử lý vi phạm trong hôn nhân chưa được thực hiện nghiêm và triệt để. Sự phát triển mạnh của đời sống xã hội, internet, mạng xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, lối sống thiếu lành mạnh của một bộ phận thanh, thiếu niên.

Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khó khăn nên tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra hoặc học xong không tìm được việc làm phù hợp dẫn đến tình trạng kết hôn sớm trong đồng bào dân tộc thiểu số.  

Bạn đọc

Bạn Lan Hương:

Mới đây, tại trường đã diễn ra phiên tòa giả định về tuyên truyền giáo dục pháp luật với chuyên đề về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho học sinh thu hút đông đảo sự tham gia của các em học sinh THCS, THPT, thầy có thể nói rõ hơn ý tưởng thực hiện hoạt động này và dư âm của nó thế nào?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Để đẩy lùi được vấn nạn tảo hôn thì việc tuyên truyền thôi chưa đủ, chúng ta cần phải có chế tài nhất định và có cách làm sáng tạo trong tuyên truyền pháp luật. Vì lí do đó, chúng tôi đã hình thành ý tưởng xây dựng một phiên tòa giải định.

Được sự phối hợp của Huyện Đoàn Mường Khương, Tòa án nhân nhân huyện, Công an huyện Mường Khương, Trường THPT Số 3 Mường Khương đã tổ chức phiên tòa giả định về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Phiên tòa đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia mang lại những hiệu quả tích cực. Từ việc được theo dõi trực tiếp phiên tòa giả định, học sinh hiểu biết hơn về pháp luật.

Phiên tòa giả định đã thực hiện được 2 mục đích lớn, đó là giáo dục học sinh sợ tảo hôn mà không kết hôn trước tuổi. Đồng thời, học sinh thấy được những chế tài được áp dụng hà khắc, nghiêm minh, từ đó sẽ không vi phạm pháp luật về Hôn nhân và Gia đình.

Phiên tòa giả định tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết được tổ chức tại trường THPT số 3 Mường Khương.
Phiên tòa giả định tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết được tổ chức tại trường THPT số 3 Mường Khương.

 

Bạn đọc

Bạn Trần Tuấn:

Bà có thể cho biết, những hình thức nào thường được sử dụng trong các buổi tuyên truyền về tảo hôn? Hiệu quả của mỗi hình thức ra sao, thưa bà?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Các hình thức được Hội tuyên truyền về tảo hôn thường là tuyên truyền miệng; tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt hội viên, sinh hoạt mô hình tổ nhóm, câu lạc bộ.

Tuyên truyền gián tiếp thông qua băng đĩa hình, tờ rơi, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Đặc biệt tuyên truyền trên trang mạng của Hội, Cổng thông tin điện tử của Hội phụ nữ các cấp, Bản tin phụ nữ Lào Cai.

Các nội dung tuyên truyền được phiên dịch sang tiếng địa phương, phù hợp với người nghe. Cùng với đó, xây dựng hình ảnh minh họa tạo sự thu hút cho hội viên phụ nữ.

Hội LHPN tỉnh Lào Cai áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và phòng chống tảo hôn trong nhà trường.
Hội LHPN tỉnh Lào Cai áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và phòng chống tảo hôn trong nhà trường.

 

Bạn đọc

Bạn luuly....@gmail.com:

Trước những tác hại của nạn tảo hôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có những phương pháp tuyên truyền thế nào để nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, phòng chống tảo hôn, thưa bà?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo và tổ chức các buổi tuyên truyền, truyền thông cho hội viên các kiến thức về đặc điểm phát triển cơ thể, tâm - sinh lý tuổi vị thành niên (tuổi dậy thì). Chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên (tuổi dậy thì). Nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; Tình dục an toàn và lành mạnh; Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em  

Tăng cường thông tin và giáo dục cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi hiểu biết về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Phòng, chống sinh sản vị thành niên và việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuyên truyền cho thanh thiếu niên các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dịch vụ tư vấn về tâm lý, tình dục và các dịch vụ xã hội .

Cùng với đó, tiếp tục duy trì và xây dựng các mô hình điểm tại các xã, thôn nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của các dân tộc thiểu số nhằm ngăn ngừa giảm thiểu tình trạng tảo hôn, chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng; các buổi tiếp xúc đối thoại với hội viên, phụ nữ; cha mẹ trẻ kiến thức pháp luật, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt.

Hội LHPN tỉnh Lào Cai tham gia tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và phòng chống tảo hôn trong nhà trường.
Hội LHPN tỉnh Lào Cai tham gia tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và phòng chống tảo hôn trong nhà trường.

 

Bạn đọc

Bạn hongphuc@....:

Được biết, thầy từng không quản ngại khó khăn, nhiều lần đến tận nhà các em để tuyên truyền, vận động tác hại việc tảo hôn, thầy có thể kể lại một trong những lần “giải cứu” thành công học sinh của mình không?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Từ ngày nhận nhiệm vụ là Hiệu trưởng, gắn bó với Trường THPT Số 3 Mường Khương, tôi đã rất quyết tâm vào cuộc quyết liệt, trong công cuộc tuyên truyền tảo hôn. Tôi đã từng vận động thành công nhiều học sinh khỏi việc nghỉ học, kết hôn sớm. Tuy nhiên, để lại cho tôi ấn tượng nhất là cuộc “giải cứu” em Hảng Sở, ở xã Cao Sơn, hiện tại đang học lớp 11.

Thầy Lù Văn Thành, Hiệu trưởng trường THPT số 3 Mường Khương (ngoài cùng bên phải) tham gia giải cứu em Hảng Sở.
Thầy Lù Văn Thành, Hiệu trưởng trường THPT số 3 Mường Khương (ngoài cùng bên phải) tham gia giải cứu em Hảng Sở.

 

Khi được giáo viên chủ nhiệm thông tin về trường hợp của em, tôi đã triển khai phương án đi vận động học sinh. Hôm đấy, chúng tôi bao gồm 9 người cùng di chuyển đến thôn Mường Lum - La Pan Tẩn. Lúc đó là buổi chiều, gia đình em đang chuẩn bị bữa tối. Nhìn thấy chúng tôi, em Hảng Sở khóc nức nở chạy ra ôm lấy các bạn cùng lớp và liên tục nói với cô giáo chủ nhiệm là không muốn lấy chồng.

Về phía nam thanh niên (người sẽ lấy Hảng Sở) lúc đầu giao tiếp khá lịch sự nhưng vẫn khẳng định là sẽ không cho Hảng Sở tiếp tục theo học.

Mẹ của nam thanh niên thì liên tục có những lời nói đe dọa, không hợp tác và đuổi chúng tôi, không cho phép tiếp cận học sinh Hảng Sở. Sự việc trở nên căng thẳng hơn khi 2 mẹ con cầm ghế nhựa đập, rồi đe dọa, không cho phép chúng tôi đưa học sinh trở lại trường.

Thấy tình hình căng thẳng, chúng tôi báo cáo với Bí thư Huyện ủy xin ý kiến chỉ đạo. Đồng chí Bí thư Huyện ủy lúc đó đã chỉ đạo chính quyền xã La Pan Tẩn cùng nhà trường tiếp tục “giải cứu” học sinh.

Cuộc vận động kéo dài từ khoảng 19h đến 23h35 phút, chúng tôi mới đưa học sinh về đến trường.

Ngày hôm sau, tại gia đình học sinh Hàng Sở, nhà trường tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương xã Cao Sơn thực hiện tuyên truyền, thuyết phục, vận động gia đình không có lấy chồng để đi học trở lại.

Đây chính là lần giải cứu học sinh tôi ấn tượng nhất, có lẽ cả cuộc đời sự nghiệp nhà giáo của mình tôi sẽ không bao giờ quên được.

Bạn đọc

Bạn Kim Anh:

Thầy đánh giá thế nào hiệu quả của truyền thông trong phòng chống tảo hôn?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn luôn được chính quyền địa phương và nhà trường rất quan tâm. Việc tuyên truyền trong các buổi họp thôn, các tiết học, các buổi ngoại khóa trong nhà trường. Tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao vì chưa có chế tài xử lý và răn đe đến từng hộ dân.

Truyền thông chính là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để giải quyết vấn nạn tảo hôn. Tuy nhiên, việc truyền thông phải dựa trên những nguyên nhân thực tế tại địa phương.

Truyền thông ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân, còn cần phải tìm hiểu phong tục, tập quán của từng vùng, từng dân tộc để có thể đưa ra những giải pháp truyền thông dựa trên sự phù hợp cải thiện tập tục.

Truyền thông tới những người có uy tín trong làng bản thì mức độ ảnh hưởng tới cộng đồng cũng sẽ cao hơn.

Truyền thông chính là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để giải quyết vấn nạn tảo hôn
Truyền thông chính là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để giải quyết vấn nạn tảo hôn

 

Bạn đọc

Bạn ngocnu...@gmail.com:

Theo bà, tảo hôn gây ra những tác hại gì đặc biệt đối với các bé gái?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Tác hại của việc tảo hôn, đặc biệt là đối với các bé gái rất nghiêm trọng. Ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của đứa bé dẫn đến sức khỏe giảm sút, tâm sinh lý phát triển chưa hoàn thiện, chưa có kinh nghiệm trong nuôi con và xây dựng gia dình. Chất lượng nòi giống suy giảm…

Cùng với đó, trẻ em gái tảo hôn không còn thời gian tham gia các hoạt động xã hội đúng với lứa tuổi (vui chơi, giải trí…), chịu áp lực từ gia đình.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Diệp - Lào Cai:

Trước thực trạng nạn tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại, một số nơi có xu hướng gia tăng. Bà đánh giá thế nào về tình trạng tảo hôn địa bàn tỉnh hiện nay?
Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân

Bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai
Bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai

 

Tình trạng tảo hôn tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh hiện vẫn có chiều ra tăng trong những năm vưa qua, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc Mông) thuộc các xã của huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Bát Xát và thị xã Sa Pa...).

Qua theo dõi và tổng hợp từ các huyện, thị, thành phố, trong 9 tháng đâu năm 2021, toàn tỉnh có 175 người chung sống với nhau như vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn (tảo hôn). Trong đó, có 27 cặp cả 2 người không đủ tuổi kết hôn nhưng sống chung với nhau như vợ chồng và 121 người không đủ tuổi kết hôn nhưng sống với người khác như vợ chồng.

Bên cạnh đó các địa phương đã tuyên truyền, vận động được 75 trường hợp từ bỏ ý định tảo hôn. Ngoài ra, toàn tỉnh có 466 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Trong đó nhiều nhất ở huyện Si Ma Cai với 194 người.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn một phần do ảnh hưởng dịch Covid -19, học sinh nghỉ học dài ngày, bố, mẹ đi làm ăn xa không có ai chăm sóc nên dẫn đến tình trạng các cháu có ý định tự về chung sống với nhau như vợ chồng; công tác lãnh, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt, có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý đăng ký kết hôn.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả cao. Các chế tài xử lý vi phạm trong hôn nhân chưa được thực hiện nghiêm và triệt để. Sự phát triển mạnh của đời sống xã hội, internet, mạng xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, lối sống thiếu lành mạnh của một bộ phận thanh, thiếu niên.

Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khó khăn nên tình trạng bỏ học vẫn còn xảy ra hoặc học xong không tìm được việc làm phù hợp dẫn đến tình trạng kết hôn sớm trong đồng bào dân tộc thiểu số.  

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hoa:

Thông tin về tình trạng tảo hôn trên địa bàn có tác động gì đến học sinh không thưa thầy, nhà trường đã có những giải pháp gì để tuyên truyền cho học sinh về tác hại của nạn tảo hôn?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

 

Tình trạng tảo hôn có tác động đến tư tưởng, sức khỏe và tâm lý của học sinh. Tảo hôn sẽ làm cho sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng đặc biệt là trẻ em gái dưới 15 tuổi.

Tảo hôn khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình là rất thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao. Tảo hôn có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển xã hội do ảnh hưởng của chất lượng dân số, một xã hội mà tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, thiểu năng về trí tuệ, người tàn tật, khuyết tật lớn sẽ là gánh nặng cho xã hội.

Mặt khác, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều cặp đi đến phá vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với trường THPT số 3 Mường Khương tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với trường THPT số 3 Mường Khương tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

 

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong nhà trường, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong năm học, phân công cụ thể đến từng thành viên trong nhà trường. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học được. Thực hiện tốt công tác tham mưu, công tác phối hợp với chính quyền địa phương về công tác phòng chống tảo hôn, đi làm thuê.

Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền về tảo hôn ở mọi nơi, mọi lúc. Phát hiện kịp thời những học sinh có biểu hiện, có nguy cơ dẫn đến tảo hôn để tổ tư vấn tâm lý học đường nhà trường thực hiện tuyên truyên, tư vấn, ngăn chăn. Thực hiện phối hợp với gia đình.

Chúng tôi đã tổ chức gặp mặt giữa nhà trường với lãnh đạo chính quyền địa phương các xã, trưởng thôn (xã Cao Sơn, La Pan Tẩn, Tả Thàng) để thông báo kết quả giáo dục, công tác phối hợp vận động học sinh ra lớp, đặc biệt là công tác phòng chống tảo hôn.

Đồng thời, tổ chức cho học sinh, phụ huynh thực hiện ký cam kết về việc thực hiện nội quy, quy định của nhà trường, trong đó có nội dung tảo hôn. Phối hợp với chính quyền xã xuống tận nhà học sinh tuyên truyền, vận động.

Bạn đọc

Bạn Trần Vũ (Lào Cai):

Thầy có thể cho biết thực trạng tảo hôn ở Mường Khương hiện nay thế nào? Tình trạng học sinh trong nhà trường tảo hôn có thường xuyên xảy ra không, thưa thầy?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành, Hiệu trưởng trường THPT số 3 Mường Khương
Thầy Lù Văn Thành, Hiệu trưởng trường THPT số 3 Mường Khương

Những năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn ở huyện Mường Khương vẫn còn diễn biến khá phức tạp.

Dù không có sự gia tăng đột biến như nhiều địa phương khác, song tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra âm ỉ.

Nguyên nhân chủ yếu là ở nhận thức của người dân còn hạn chế. Đa phần các em kết hôn khi chưa đủ tuổi đến từ việc thiếu kiên quyết của gia đình. Thậm chí có bố mẹ còn ủng hộ quyết định kết hôn sớm của con cái.

Dù đã có những quy định của pháp luật, hương ước của thôn bản, song vẫn có nhiều cặp chưa đủ tuổi đến với nhau.

Trong các năm học, tình trạng học sinh tảo hôn trong nhà trường tuy đã có chiều hướng giảm so với năm học trước nhưng năm nào cũng có. Việc học sinh nghỉ học để tảo hôn thường diễn ra vào thời điểm nghỉ hè, nghỉ dịch Covid-19 và nghỉ Tết.

Bạn đọc

Bạn Bảo Hân:

Để đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, nhiệm vụ và giải pháp mà nhà trường đặt ra trong thời gian tới là gì, thưa thầy?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong năm học, phân công cụ thể đến từng thành viên trong nhà trường.

Cùng với đó, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học được. Thực hiện tốt công tác tham mưu, công tác phối hợp với chính quyền địa phương về công tác phòng chống tảo hôn.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức cho học sinh, phụ huynh học sinh thực hiện ký cam kết về việc thực hiện nội quy, quy định của nhà trường, trong đó có nội dung tảo hôn. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện tổ chức các buổi tọa đàm, buổi tuyên truyền về phòng chông tảo hôn.

Sau khi nắm được thông tin học sinh chuẩn bị tảo hôn, nhà trường đã tổ chức gặp riêng học sinh để tư vấn, định hướng cho học sinh. Phối hợp với chính quyền xã xuống tận nhà học sinh tuyên truyền, vận động học sinh không tổ chức ăn hỏi, đám cưới. Tuyên truyền, thuyết phục nhà gái trả lễ lại cho nhà trai…

Bạn đọc

Bạn thuthao....@gmail.com:

Trước những tác hại của việc tảo hôn, thầy có những khuyến cáo gì với các học sinh, đặc biệt là nữ sinh trong trường?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong nhà trường, chúng tôi khuyến cáo học sinh không nên quen bạn bè qua các trang mạng xã hội, không nghe lời rủ rê, lôi kéo của các bạn khác giới.

Cùng với đó, các em cần hiểu rõ tác hại của tảo hôn. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cặp vợ chồng, việc tảo hôn còn ảnh hưởng đến sức khỏe con cái, sinh ra nguy cơ bẩm sinh, ốm đau, suy dinh dưỡng. Đặc biệt đứa trẻ sinh ra không được khai sinh do bố mẹ chưa đủ tuổi.

Bạn đọc

Bạn Hoa Liên (Lào Cai):

Trên cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, thầy đã có những chỉ đạo gì để giáo viên tích cực hơn nữa trong thực hiện truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn?
Thầy Lù Văn Thành

Thầy Lù Văn Thành

Trường THPT số 3 Mường Khương với đa số là học sinh dân tộc thiểu số.
Trường THPT số 3 Mường Khương với đa số là học sinh dân tộc thiểu số.

 

Là Hiệu trưởng nhà trường, tôi luôn xác định công tác phòng chống tảo hôn là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường vì đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh bỏ học. Trong thời gian qua, bản thân tôi đã tích cực chỉ đạo giáo viên trong công tác truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn.

Tôi cũng chỉ đạo giáo viên phối hợp tốt với chính quyền các xã trong công tác tuyên truyền. Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm cho học sinh và phụ huynh học sinh ký cam kết về tảo hôn.

Việc thực hiện tuyên truyền phải ở mọi nơi, mọi lúc. Giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện tuyên truyền vào 15 phút đầu giờ truy bài, sinh hoạt lớp. Đoàn thanh niên tổ chức tuyên truyền buổi chào cờ. Giáo viên dành 2-3 phút để tuyên truyền lồng ghép trong bộ môn và thực hiện tuyên truyền vào các buổi tối tự học, sinh hoạt bán trú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.