Giao lưu trực tuyến ‘Điều kỳ diệu của sách’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Điều kỳ diệu của sách” là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ Năm ngày 11/5/2023.

Giao lưu trực tuyến ‘Điều kỳ diệu của sách’

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum

- Cô Đoàn Thị Hải Yến, Giáo viên Trường THPT Mỏ Trạng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang

Sách là kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại được truyền lại qua hàng ngàn năm. Đọc sách là cách tốt nhất để tiếp thu văn hóa thế giới, làm giàu vốn hiểu biết của bản thân.

Ở lứa tuổi học sinh, đọc sách sẽ khuyến khích các em tìm tòi những kiến thức mới và tăng sự đồng cảm. Đọc sách còn là hình thức giải trí, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, góp phần rèn luyện trí não và tăng khả năng tập trung. Còn với người trưởng thành, đọc sách giúp cha mẹ có thêm kiến thức để cùng chia sẻ, đồng hành với con trẻ. Sách còn cung cấp thông tin giúp mọi người có thêm tri thức trong quá trình học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, giao tiếp xã hội...

Với giá trị của sách mang lại, tại nhiều địa phương, phát triển văn hóa đọc luôn được chú trọng. Sách có mặt trong lớp học, thư viện nhà trường và nhà sinh hoạt cộng đồng. Sách đồng hành cùng người dân trong hành trình học tập suốt đời. Những chuyến xe Ánh sáng tri thức, Thư viện di động, Thư viện dùng chung ở nông thôn, vùng khó… đã góp phần thực hiện tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới; thỏa đam mê làm bạn với con chữ và chinh phục tri thức của bao người.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Giáo viên Trường THPT Mỏ Trạng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang

Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum

Bạn đọc

Bạn Bích Thuận – Gia Lai:

Không ai có thể phủ nhận được giá trị của sách và thế giới kỳ diệu mà mỗi trang sách mang đến.Vậy để khơi dậy tình yêu đối với sách trong các em, đơn vị có hoạt động, chương trình gì khi kỳ nghỉ hè 2023 đã cận kề?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa tham gia các trò chơi từ chuyến xe "Ánh sáng tri thức".

Học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa tham gia các trò chơi từ chuyến xe "Ánh sáng tri thức".

Nhằm xây dựng phong trào đọc và làm theo sách trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Đồng thời định hướng cho các em trong việc đọc sách và lựa chọn sách , giúp cho các em có thêm nhiều kiến thức phục vụ việc học tập cũng như hình thành nhân cách, Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum lên kế hoạch tổ chức các hoạt động hè, như:

- Tăng cường bổ sung các đầu sách thiếu nhi

- Tổ chức cấp thẻ miễn phí cho các em thiếu nhi (trẻ em dưới 16 tuổi)

- Phục vụ đọc sách tại chỗ, mượn sách về nhà

- Hoạt động tranh tài kiến thức, nhìn hình đoán tên sách, tên nhân vật

- Hoạt động sáng tạo: Hướng dẫn làm sách mini, gấp giấy origami, làm dụng cụ học tập bằng đồ tái chế....

- Giao lưu vẽ tranh, tô tranh cát

- Giao lưu cờ vua, cờ tỷ phú, cờ cá ngựa, trò chơi ô ăn quan

- Trò chơi ghép hình thông minh

- Trò chơi giải ô chữ

Học sinh tham gia vẽ tranh theo sách.

Học sinh tham gia vẽ tranh theo sách.

Còn tại cơ sở, đơn vị phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức các hoạt động, như: Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện tại 10 điểm sinh hoạt hè (hoặc tại nhà Văn hoá Cộng đồng, nhà Rông) của một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thuộc 10 huyện, thành phố. Tại đây, các em sẽ được tham gia những hoạt động như:

+ Đọc sách tại chỗ

+ Trò chơi nhìn hình đoán tên sách, tên nhân vật trong sách

+ Vẽ tranh theo sách

+ Trò chơi vận động…

Bạn đọc

Bạn Đan Thảo:

Là 1 trong 10 cá nhân vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen và biểu dương tôn vinh gương điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, cô có dự định gì để phát triển văn hóa đọc trong khu dân cư, đồng bào dân tộc miền núi huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trao khen thưởng cho cô Đoàn Thị Hải Yến (thứ 3 từ phải sang) và các cá nhân tiên tiến.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trao khen thưởng cho cô Đoàn Thị Hải Yến (thứ 3 từ phải sang) và các cá nhân tiên tiến.

Bản thân tôi sẽ cùng đồng nghiệp tiếp tục lan tỏa, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong trường học của mình như thành lập CLB Sách, CLB Văn học, sinh hoạt thường xuyên, đều đặn.

Đồng thời, tham mưu cho nhà trường phối hợp với ngành văn hóa thông tin của địa phương tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc thường niên cho học sinh: Giới thiệu sách, trao đổi sách, trưng bày sách, giới thiệu sách,…

Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong vùng đồng bào dân tộc nơi mình sinh sống.

Cô Đoàn Thị Hải Yến và học sinh trường THPT Mỏ Trạng trong trang phục dân tộc Tày.

Cô Đoàn Thị Hải Yến và học sinh trường THPT Mỏ Trạng trong trang phục dân tộc Tày.

Tổ chức và khích lệ các hoạt động văn hóa mang bản sắc của từng dân tộc, khuyến khích các em mặc trang phục dân tộc mình trong các ngày lễ kỷ niệm, khuyến khích các em nói tiếng dân tộc mình đồng hành cùng tiếng Việt.

Nếu được thì gắn hoạt động đọc sách gắn với chủ đề văn hóa dân tộc để tăng tính hấp dẫn của hoạt động.

Trong thời gian tới, tôi mong Bộ GD&ĐT tiếp tục có nhiều chương trình hơn nữa để xây dựng, thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường, nhất là các ngôi trường ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như trường THPT Mỏ Trạng.

Bạn đọc

Bạn Thanh Mai - Bạc Liêu:

Nghèo đa chiều là rào cản trong phát triển bền vững ở vùng khó. Bà có mong ước gì nhằm nâng cao kiến thức cho học sinh và người dân để họ có cuộc sống tốt đẹp, ấm no hơn?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Bằng những hoạt động hướng tới cộng đồng, thư viện đã góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ vững an ninh quốc phòng.

Bằng những hoạt động hướng tới cộng đồng, thư viện đã góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ vững an ninh quốc phòng.

Trong thời gian qua, Thư viện tỉnh Kon Tum đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xây dựng phong trào đọc sách trong nhân dân. Sách báo thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên của nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Ngoài các hoạt động phục vụ đọc, mượn tại chỗ, thư viện còn luân chuyển sách báo đến cơ sở, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thông tin và tri thức. Bằng những hoạt động hướng tới cộng đồng, thư viện đã góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xoá đói, giảm nghèo bền vững phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vững an ninh quốc phòng.

Đọc sách giúp học sinh giải trí, giảm căng thẳng sau những giờ học.

Đọc sách giúp học sinh giải trí, giảm căng thẳng sau những giờ học.

Đọc sách giúp phụ huynh có thêm nhiều kiến thức để cùng chia sẻ, đồng hành với các con từ khi còn trong bụng mẹ đến khi trưởng thành. Ngoài ra việc đọc sách còn cung cấp thông tin giúp chúng ta có thêm tri thức trong quá trình học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất, giao tiếp xã hội... Bên cạnh đó, việc đọc sách cũng như là một hình thức giải trí, giảm căng thẳng mệt mỏi cho mọi người thay vì xem ti vi, sử dụng điện thoại zalo, facebook...Có thể nói việc đọc sách đối với tất cả chúng ta là rất thiết thực và cần thiết. Thực tế cho thấy những người thành công là người đọc rất nhiều sách. Vì vậy mỗi người cần rèn luyện cho mình thói quen đọc sách để giúp ích cho bản thân và góp phần xây dựng xã hội học tập.

Bạn đọc

Bạn Trần Tuấn Hùng – Nha Trang:

Trong quá trình đưa tri thức đến người dân, học sinh, đơn vị gặp những khó khăn gì ? Thời gian tới, đơn vị dự định tổ chức thêm những hoạt động, chương trình gì mới nhằm giúp người dân, học sinh có cơ hội tiếp cận về văn hoá, tri thức?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Trụ sở Thư viện tỉnh đã xây dựng lâu năm, nhiều hạng mục xuống cấp ảnh hưởng đến công tác phục vụ bạn đọc.

Trụ sở Thư viện tỉnh đã xây dựng lâu năm, nhiều hạng mục xuống cấp ảnh hưởng đến công tác phục vụ bạn đọc.

Những khó khăn mà Thư viện tỉnh đang gặp phải trong quá trình đưa tri thức đến với người dân là: Hệ thống thiết chế về thư viện trên địa bàn tỉnh chưa được đồng bộ. Cụ thể:

- Đối với thư viện cấp tỉnh:

+ Nguồn nhân lực: Hiện tại Thư viện tỉnh chỉ có 9 viên chức, nhưng thực hiện rất nhiều nhiệm vụ.

+ Trụ sở Thư viện tỉnh đã xây dựng lâu năm, nhiều hạng mục xuống cấp ảnh hưởng đến công tác phục vụ bạn đọc.

- Hệ thống thư viện cấp huyện chưa được kiện toàn, hầu hết các địa phương chưa có trụ sở, chưa có viên chức thư viện chuyên trách và chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Đó là một trong những khó khăn gây ảnh hưởng đến việc luân chuyển sách đến cơ sở phục vụ bạn đọc cũng như tổ chức các hoạt động nhằm phát triển Văn hóa đọc ở cơ sở.

- Đối với Thư viện xã: Tủ sách xã trước đây được đặt trong nhà văn hoá cộng đồng, nhưng từ năm 2020 hầu hết nhà văn hoá được nhường lại để làm trụ sở công an xã. Vì vậy nhiều xã không có phòng thư viện, không có giá sách, không có cán bộ chuyên trách (chủ yếu do công chức văn hoá xã đảm nhận), nhân sự luôn thay đổi...

- Kinh phí dành cho hoạt động thư viện còn hạn chế nhất là ở cấp cơ sở.

Bà Trần Thị Kim Phương, Phó giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum mong rằng địa phương sẽ ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực Thư viện.

Bà Trần Thị Kim Phương, Phó giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum mong rằng địa phương sẽ ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực Thư viện.

Chính vì vậy, tôi mong rằng tỉnh Kon Tum ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực Thư viện. Trong đó ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu phục vụ người sử dụng thư viện cũng như mở rộng liên thông, liên kết thư viện trong hệ thống... Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn hệ thống thư viện công cộng. Đồng thời, đầu tư kinh phí để thực hiện việc chuyển đổi số trong lĩnh vực Thư viện…

Trước mắt, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai Chương trình, Kế hoạch, Đề án về lĩnh vực Thư viện và tổ chức các hoạt động như: Hội thi thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, Luân chuyển sách đến các thư viện trường học, Đồn Biên phòng, Trại tạm giam, Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội… Nếu muốn tổ chức thêm chương trình mới thì 9 viên chức thư viện tỉnh sẽ không đảm bảo được các nội dung của chương trình.

Bạn đọc

Bạn Xuân Phương:

Năm học 2022-2023 sắp kết thúc, cô và đồng nghiệp có giải pháp giúp học sinh đón mùa hè bổ ích. Thư viện nhà trường có mở cửa đón trò trong dịp hè?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Trường THPT Mỏ Trạng luôn quan tâm đến những hoạt của học sinh trong dịp hè, luôn muốn tạo cho các em những sân chơi bổ ích.

Bằng nguồn xã hội hóa, nhà trường đã xây dựng được một sân bóng nhân tạo, một bể bơi di động do chính các thầy cô giáo trong trường quản lý và vận hành, một khu tập thể dục ngoài trời.

Các công trình này không chỉ phục vụ cho việc học tập giảng dạy của nhà trường mà còn là sân chơi bổ ích, lý thú thu hút đông đảo học sinh và con em nhân dân quanh vùng.

Bên cạnh đó, thư viện nhà trường, thư viện thanh niên vẫn sẵn sàng mở cửa phục vụ nhu cầu mượn, đọc sách của học sinh. Đồng thời, nhà trường với khuôn viên thoáng, rộng, nhiều cây xanh cũng là một không gian lý tưởng để vui chơi, đọc sách và tham gia các hoạt động tập thể của các câu lạc bộ học sinh trong dịp nghỉ hè.

Bạn đọc

Bạn Tuấn Tú – Bà Rịa Vũng Tàu:

Trong hành trình đưa tri thức về vùng khó, có những kỷ niệm, câu chuyện nào khó quên, mong bà chia sẻ?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Mỗi chuyến đi, đến vùng đất mới đều để lại những ấn tượng, kỉ niệm đối với và Trần Thị Kim Phương.

Mỗi chuyến đi, đến vùng đất mới đều để lại những ấn tượng, kỉ niệm đối với và Trần Thị Kim Phương.

Mỗi chuyến đi, đến vùng đất mới đều để lại những ấn tượng, kỉ niệm trong tôi. Thế nhưng, chuyến đi để lại ấn tượng nhất trong tôi nhất có lẽ là đợt luân chuyển sách đến Đồn Biên phòng Rời Kơi (huyện Sa Thầy). Khi đó đang vào mùa mưa đường sạt lở, xe của chúng tôi đi xuyên suốt trong đường rừng luôn gặp phải những cành cây ngã đổ, chắn cả lối đi. Có những đoạn đường hẹp gặp ngay thân cây đổ chắn ngang trước ca bin, bản thân tôi là một phụ nữ nhưng lúc đó cũng phải trở thành lơ xe bất đắc dĩ nhằm hướng dẫn cho anh lái xe thuận lợi di chuyển.

Phương tiện bị hư hỏng dọc đường, thế nhưng chuyến xe "Ánh sáng tri thức" vẫn không ngừng lăn bánh.

Phương tiện bị hư hỏng dọc đường, thế nhưng chuyến xe "Ánh sáng tri thức" vẫn không ngừng lăn bánh.

Khi đó rất nguy hiểm, bởi phía trên thân cây chắn ngang thùng xe còn dưới bánh xe là vùng lầy. Chỉ cần nhích bánh xe khoảng 10cm sang vũng lầy thì xe và chúng tôi sẽ ngủ lại trên đường rừng biên giới. Với sự nhanh nhẹn và kinh nghiệm của anh lái xe đã dùng rựa chặt những thân cây to làm đòn bẩy, và cùng với sự hướng dẫn của tôi cuối cùng chiếc xe cũng đã băng qua được đoạn đường nguy hiểm.

Bạn đọc

Bạn thuha...@gmail.com:

Nhờ phong trào Trường giúp trường, học sinh của tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều loại sách báo, hiểu thêm về ý nghĩa sự sẻ chia. Tại các trường học huyện Yên Thế nói riêng và Bắc Giang nói chung, hoạt động trên diễn ra thế nào?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Tôn vinh giá trị của sách và lan tỏa văn hóa đọc trong nhân dân là nội dung được các cấp của tỉnh Bắc Giang rất quan tâm trong thời gian qua, đặc biệt sau Hội nghị văn hóa toàn quốc.

UBND Tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Thư viện tỉnh Bắc Giang tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Sách Việt Nam với nhiều hoạt động như tặng sách cho các trường học, nói chuyện chuyên đề về giá trị của sách,...

Cô Đoàn Thị Hải Yến cùng với đồng nghiệp tham gia nhiều hoạt động văn hóa đọc sách.

Cô Đoàn Thị Hải Yến cùng với đồng nghiệp tham gia nhiều hoạt động văn hóa đọc sách.

Ngành Giáo dục Bắc Giang cũng rất quan tâm đến công tác lan tỏa văn hóa đọc trong các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh.

Dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Bắc Giang, các hoạt động nâng cao hiệu quả đọc sách, xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc được triển khai rộng khắp trong các cơ sở giáo dục.

Rất nhiều trường học đã xây dựng được những thư viện lớn, đáp ứng nhu cầu đọc của giáo viên và học sinh. Nhiều trường đã xây dựng được các tủ sách di động, không gian đọc sách mở, thân thiện,…

Sở GD&ĐT Bắc Giang thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc như tổ chức các cuộc thi giới thiệu cuốn sách yêu thích, Đại sứ văn hóa đọc hoặc tặng hàng ngàn cuốn sách cho các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh từ nguồn xã hội hóa,…

Còn tại huyện Yên Thế, các nhà trường nói chung và Trường THPT Mỏ Trạng nói riêng tham gia hoạt động tôn vinh văn hóa đọc theo chỉ đạo của ngành, phối với cơ quan văn hóa huyện tổ chức ngày hội sách, phối hợp với huyện đoàn Yên Thế thực hiện dự án Thư viện trực tuyến,…

Bạn đọc

Bạn Hoàng Phi Nhất - Quảng Ngãi:

Trong quá trình hỗ trợ, cung cấp tri thức, tài liệu đến người dân… bà nhận thấy những sự thay đổi như thế nào về cuộc sống, suy nghĩ của bà con vùng khó?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Sách được đưa về các huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh Kon Tum để hỗ trợ, cung cấp tài liệu về khoa học – kĩ thuật, giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Sách được đưa về các huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh Kon Tum để hỗ trợ, cung cấp tài liệu về khoa học – kĩ thuật, giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Sau một thời gian hỗ trợ, cung cấp tài liệu về khoa học – kĩ thuật, giúp người dân vươn lên thoát nghèo tôi thấy những sự thay đổi tích cực. Có nhiều người dân sau khi mượn sách rồi mang đến trả thì gửi lời cảm ơn. Bởi thông qua việc tìm hiểu kiến thức qua sách báo, bà con đã áp dụng những biện pháp trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Từ đó mang lại năng suất, chất lượng cao cho vật nuôi, cây trồng.

Như ở huyện Đăk Hà, thư viện huyện thông tin lại rằng bà con nông dân đã mượn tài liệu về nghiên cứu phục vụ cho quá trình trồng trọt (trồng nấm), chăn nuôi (phòng chống dịch bệnh cho gia cầm). Sau khi áp dụng những kiến thức trong sách đã đem lại lợi ích, hiệu quả cho bà con.

Bạn đọc

Bạn Hùng Dũng:

Trao tặng sách giữa trò với trò, lớp với lớp được nhiều trường học vùng khó triển khai và phát huy tác dụng. Nhà trường có tổ chức hoạt động này, hiệu quả ra sao thưa cô?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, được nhà trường khuyến khích. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, số lượng học sinh có sách không nhiều nên chưa tạo thành một phong trào thường xuyên và sâu rộng.

Thầy Vũ Đình Nghiệp - Hiệu trưởng trường THPT Mỏ Trạng trao tặng sách cho học sinh nhà trường.

Thầy Vũ Đình Nghiệp - Hiệu trưởng trường THPT Mỏ Trạng trao tặng sách cho học sinh nhà trường.

Sắp tới, chúng tôi cũng có ý tưởng đó là tổ chức một ngày hội sách – trong đó có hoạt động trao đổi/tặng sách giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh,.. để lan tỏa hành động ý nghĩa này

Bạn đọc

Bạn Rơ Lan Ngân – Gia Lai:

Ngoài lứa tuổi học sinh, Thư viện tỉnh có những hoạt động nào để hỗ trợ tài liệu về khoa học – kỹ thuật, cách làm giàu… giúp bà con nông dân vươn lên thoát nghèo?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Thư viện tỉnh Kon Tum chú trọng bổ sung các loại tài liệu về phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tài liệu khoa học kỹ thuật, khoa học đời sống, pháp luật đến người dân vùng khó.

Thư viện tỉnh Kon Tum chú trọng bổ sung các loại tài liệu về phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tài liệu khoa học kỹ thuật, khoa học đời sống, pháp luật đến người dân vùng khó.

Trong phạm vi ngân sách Nhà nước cấp cho thư viện tỉnh hàng năm, đơn vị đã chú trọng bổ sung các loại tài liệu về phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tài liệu khoa học kỹ thuật, khoa học đời sống, pháp luật... Ngoài ra nguồn sách từ các tổ chức, cá nhân biếu tặng, đơn vị cũng đã lựa chọn những tài liệu phù hợp với từng địa phương để trao tặng cho thư viện xã nhằm tăng thêm nguồn tài liệu phục vụ bà con nông dân.

Bạn đọc

Bạn thehien...@gmail.com:

Tình trạng bạo lực học đường gia tăng thời gian gần đây khiến tôi trăn trở và băn khoăn không biết làm thế nào để xoa dịu những bức xúc trong học sinh. Cô có những định hướng gì giúp trò có thể lựa chọn được những cuốn sách cần thiết, bổ ích, phù hợp; biết vận dụng kiến thức đọc được trong sách vào quá trình học tập cũng như cuộc sống?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Bạo lực học đưòng là một trong những vấn đề “nóng” đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội. Để giảm thiểu được tính trạng này, theo tôi cần những giải pháp giáo dục đồng bộ, lâu dài.

Đọc sách cũng có thể giúp giảm thiểu được những nguyên nhân tạo ra bạo lực học đường: Thời gian đọc sách là khoảng thời gian con người được tĩnh tâm, thư giãn, tâm hồn cũng được nghỉ ngơi, bớt căng thẳng, khiến những bức xúc của lứa tuổi học trò có thể được xoa dịu.

Nhiều hoạt động trải nghiệm, đọc sách giúp học sinh thêm kỹ năng sống, nói không với bạo lực học đường.

Nhiều hoạt động trải nghiệm, đọc sách giúp học sinh thêm kỹ năng sống, nói không với bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn những tác phẩm văn học có giá trị nhân văn, sách về tâm lý lứa tuổi, sách truyền cảm hứng... sẽ giúp các em có cái nhìn sâu sắc, tích cực hơn về cuộc sống, giúp các em biết hướng tới những giá trị tốt đẹp, cốt lõi, giúp các em có suy nghĩ chín chắn hơn, biết cách điều chỉnh hành vi của mình từ đó sẽ biết cách ứng xử với mọi người xung quanh, bớt đi những hành vi tiêu cực, bạo lực,…

Đối với học sinh hiện nay, vẫn cần nhất là những cuốn sách tâm lý, sách kỹ năng sống giúp các em biết cách giải quyết những khó khăn, thậm chí khủng hoảng của tuổi teen trong một xã hội rất nhiều sự tác động đa chiều như hiện nay.

Bạn đọc

Bạn Mỹ Hạnh – Lâm Đồng:

Ngoài việc đưa sách đến buôn làng, mong bà chia sẻ những hoạt động thiết thực của đơn vị nhằm nâng cao tri thức cho mọi người?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum trong chuyến giao lưu, tặng sách cho Đại đội Bộ binh 187 - Ban Chỉ huy quân sự huyện Sa Thầy.
Bà Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum trong chuyến giao lưu, tặng sách cho Đại đội Bộ binh 187 - Ban Chỉ huy quân sự huyện Sa Thầy.

Ngoài việc đưa sách đến với học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, đơn vị còn phối hợp với Phòng Chính trị - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Phòng chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để luân chuyển sách đến các Đồn biên phòng. Bên cạnh đó tổ chức chuyến xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” tại tiểu đoàn Huấn luyện cơ động D19; Trung đoàn bộ binh 990. Đồng thời phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách tại Trung đoàn bộ binh 186, tặng sách xây dựng tủ sách cho các Tiểu đội dân quân tự vệ với 426 bản sách các loại. Ngoài ra, tổ chức hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam...

Bạn đọc

Bạn thuthao:

Để phát triển thư viện trong trường học, tủ sách trên lớp, Trường THPT Mỏ Trạng có hoạt động gì nhằm bổ sung đầu sách mới? Công tác xã hội hóa được thực hiện thế nào?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Học sinh trường THPT Mỏ Trạng tham gia đọc sách và học tập thường xuyên tại thư viện.

Học sinh trường THPT Mỏ Trạng tham gia đọc sách và học tập thường xuyên tại thư viện.

Sau một thời gian hoạt động, nguồn sách của thư viện hao mòn và cũng có dấu hiệu tụt hậu thông tin, cho nên bổ sung nguồn sách là điều rất cần thiết.

Trước mắt, chúng tôi kêu gọi hoạt động tặng sách của học sinh, giáo viên trong trường góp phần lan tỏa phát huy tinh thần của văn hóa đọc trong nhà trường.

Sau đó là kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường: Các bậc phụ huynh, các nhà sách, các nhà xuất bản,…

Bạn đọc

Bạn Hadieplc@…:

Với hàng trăm đầu sách tại thư viện, cô nhận thấy học sinh có xu hướng lựa chọn cuốn sách nào. Sau thời gian, các em có thay đổi nhận thức trong quá trình học tập, thậm chí định hướng nghề nghiệp tương lai?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Xu hướng chọn sách của học sinh rất đa dạng, tuy nhiên nhiều nhất vẫn tập trung vào sách tham khảo phục trực tiếp học tập và truyện dành cho tuổi teen, sau đó là các sách kỹ năng, bồi dưỡng cảm xúc và tâm hồn như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu và sách của các tác giả trẻ thịnh hành…

Học sinh được thầy cô giới thiệu để lựa chọn những cuốn sách hay, phù hợp cho việc bổ sung kiến thức trong quá trình học tập.

Học sinh được thầy cô giới thiệu để lựa chọn những cuốn sách hay, phù hợp cho việc bổ sung kiến thức trong quá trình học tập.

Những cuốn sách lành mạnh giúp các em có cải thiện về học tập, cũng như có những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống – biết yêu gia đình, sống có trách nhiệm với bản thân, có ước mơ, biết xây dựng mục tiêu cho tương lai, biết sống thực tế hơn khi lựa chọn nghề nghiệp hoặc định hướng sống trong tương lai…

Bạn đọc

Bạn Quốc Bảo – Đà Nẵng:

Đọc sách là cách tốt nhất để tiếp thu văn hóa thế giới, làm giàu vốn hiểu biết của bản thân. Vậy, Thư viện tỉnh phối hợp như thế nào với các trường học nhằm nâng cao tri thức, lan toả tinh thần đọc sách đến giáo viên, học sinh, cộng đồng?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Thư viện tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động để học sinh trau dồi thêm tri thức.

Thư viện tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động để học sinh trau dồi thêm tri thức.

Trong những năm qua đơn vị đã phối hợp với các trường học luân chuyển sách đến thư viện trường để phục vụ giáo viên và học sinh. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm lan tỏa tinh thần đọc sách cho các em như: Thi kể chuyện sách, Ngày hội đọc sách, tổ chức trò chơi Rung chuông vàng, hoạt động đọc sách – trả lời theo sách, giao lưu tìm hiểu tác giả, tác phẩm, vẽ tranh theo sách, theo chủ đề, xếp mô hình sách nghệ thuật, tổ chức tiết đọc sách trong nhà trường… Những hoạt động này đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của học sinh và giáo viên nhà trường. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em sau nhưng giờ học căng thẳng.

Bạn đọc

Bạn matbiec...@gmail.com:

Được biết Trường THPT Mỏ Trạng có nhiều cách làm hay để thúc đẩy học sinh tự tìm đến với sách; đọc sách một cách chủ động. Xin cô chia sẻ bí quyết để đồng nghiệp tham khảo?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh của học sinh trong trường, nhận thấy được nhu cầu đọc sách của học sinh để giải trí, nâng cao hiểu biết, bồi dưỡng kỹ năng, trong những năm còn làm công tác đoàn tôi đã tham mưu cho nhà trường, phối hợp với các đồng chí trong Ban thường vụ Đoàn trường xây dựng Thư viện thanh niên trường THPT Mỏ Trạng.

Thư viện được xây dựng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, với tổng kinh phí gần 60 triệu đồng. Thư viện có đầy đủ bàn, ghế với gần 1000 đầu sách, có máy vi tính kết nối mạng phục vụ cho việc đọc sách, giải trí và tìm kiếm thông tin.

Thầy Vũ Đình Nghiệp - Hiệu trưởng trường THPT Mỏ Trạng tặng sách cho học sinh nhà trường để lan tỏa văn hóa đọc.

Thầy Vũ Đình Nghiệp - Hiệu trưởng trường THPT Mỏ Trạng tặng sách cho học sinh nhà trường để lan tỏa văn hóa đọc.

Bên cạnh một số sách tham khảo phục vụ trực tiếp học tập, sách của thư viện tập trung vào sách văn học, sách kỹ năng sống như ác tác phẩm truyện thơ phù hợp với lứa tuổi, các tác phẩm văn học kinh điển, các sách như Hạt giống tâm hồn, Trà sữa cho tâm hồn, các cuốn sách về danh nhân, sách của các danh nhân thành đạt,…

Thư viện đã thu hút được rất nhiều đoàn viên, thanh niên học sinh đến đọc, mượn sách và truy cập internet,… và trở thành một điểm đến quen thuộc học sinh ngoài giờ học.

Bên cạnh việc duy trì Thư viện thanh niên, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thức đẩy văn hóa đọc trong nhà trường trong các giờ sinh hoạt tập thể; trong các giờ học, đặc biệt là giờ học văn; trong các hoạt động kỉ niệm Ngày Sách Việt Nam,…

Bạn đọc

Bạn Hiền Hải - Hải Phòng:

Đi nhiều nơi, tiếp cận nhiều người, bà đánh giá thế nào về thực trạng tiếp cận sách, tri thức của người dân, đặc biệt là các em học sinh hiện nay?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Thư viện tỉnh Kon Tum bàn giao sách đến các địa phương để người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, tìm hiểu những kiến thức liên quan đến pháp luật, phát triển kinh tế.

Thư viện tỉnh Kon Tum bàn giao sách đến các địa phương để người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, tìm hiểu những kiến thức liên quan đến pháp luật, phát triển kinh tế.

Như chúng ta đã biết, ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, thì cách tiếp cận thông tin của người dân ngày càng thuận lợi và nhanh chóng hơn, thông qua các phương tiện nghe - nhìn hiện đại, như: thư điện tử, zalo, facebook, sách, báo điện tử, youtube… Chính vì vậy việc người dân tìm đến sách ngày càng ít. Có thể nói văn hoá nghe nhìn đã và đang lấn át văn hoá đọc, điều đó đem đến thách thức lớn cho việc hình thành thói quen đọc cho người dân, đặc biệt là học sinh hiện nay.

Với người dân ít tìm đến thư viện để đọc sách mà chủ yếu tìm kiếm thông tin qua Internet. Đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa thì việc tiếp cận tri thức của bà con bị hạn chế. Bởi người dân quanh năm làm nương rẫy, ít có thời gian để đọc sách. Do đó, đơn vị đã lên phương án phối hợp với Hội phụ nữ xã, Đoàn thanh niên nhằm tuyên truyền để người dân tiếp cận nhiều hơn với sách báo.

Học sinh hào hứng tham gia đọc sách.
Học sinh hào hứng tham gia đọc sách.

Tuy nhiên không vì thế mà việc tiếp cận sách của người dân mà đặc biệt là học sinh bị ảnh hưởng. Bằng chứng cho thấy, qua các đợt phục vụ lưu động tại các trường học, qua việc tổ chức tiết đọc sách trong nhà trường do thư viện tỉnh tổ chức, các em thật sự rất hào hứng với những cuốn sách mà đơn vị mang đến. Sau khi đọc sách, có rất nhiều em đã kể lại được câu chuyện mình vừa đọc, trả lời được những câu hỏi xoay quanh nội dung cuốn sách...

Bạn đọc

Bạn Phương Viễn (Bắc Giang):

Công nghệ thông tin tác động không nhỏ đến thói quen đọc sách của người lớn và trẻ em. Nơi tôi công tác, các em thích lướt web hơn đọc sách, báo. Học sinh Trường THPT Mỏ Trạng thế nào? Thầy cô có kiểm soát hay định hướng nội dung cho trò?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Sử dụng internet đã trở thành hoạt động thường xuyên, quen thuộc của mỗi chúng ta. Trong thời gian vừa qua, nhất là trong khi dịch Covid-19 bùng phát, việc học sinh được trang bị thiết bị công nghệ, hỗ trợ sử dụng internet để phục vụ học tập càng góp phần làm cho thói quen sử dụng mạng của các em tăng lên.

Sự hấp dẫn của internet càng khiến cho các em xa rời việc đọc sách, báo truyền thống.

Học sinh trường THPT Mỏ Trạng đọc sách trong giờ nghỉ giải lao.

Học sinh trường THPT Mỏ Trạng đọc sách trong giờ nghỉ giải lao.

Tại trường THPT Mỏ Trạng, nhà trường cho phép các em sử dụng điện thoại trong học tập và trang bị wifi đầy đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong các hoạt động học tập và giáo dục khi được giáo viên cho phép và giải trí sau khi tan học.

Trong quá trình giáo dục, nhà trường luôn có định hướng cho các em tìm đến những trang thông tin hữu ích cho việc học. Các thầy cô giới thiệu cho các em các địa chỉ website lành mạnh, bổ ích và hướng dẫn các em khai thácthông tin trên mạng một cách an toàn, trong đó cách đọc sách/nghe sách trực tuyến.

Bạn đọc

Bạn Mai Hoa – Bình Thuận:

Chuyến xe "Ánh sáng tri thức" có ý nghĩa như thế nào đối với người dân và học sinh, đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số ở vùng khó. Mong bà chia sẻ?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

“Ánh sáng tri thức” về với các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

“Ánh sáng tri thức” về với các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Thư viện lưu động đa phương tiện với tên gọi “Ánh sáng tri thức” ra đời là để thực hiện nhiệm vụ tập trung xây dựng và hình thành thói quen đọc sách. Qua đó đưa thông tin, tri thức từ sách đến với học sinh, người dân. Trong đó chú trọng là bà con dân tộc thiểu số ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm tạo tiền đề gợi mở cho người dân thấy được lợi ích từ sách và đọc sách.

Học sinh vùng khó say mê đọc sách để trau dồi tri thức.
Học sinh vùng khó say mê đọc sách để trau dồi tri thức.

Mỗi chuyến xe là sự kết hợp giữa thư viện truyền thống với hiện đại, trong đó có các hoạt động phục vụ đọc sách in giấy cùng với việc hướng dẫn tìm kiếm thông tin trên Internet. Nhờ vậy giúp học sinh và người dân có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, trang bị thêm kiến thức, nâng cao vốn hiểu biết để phục vụ cho việc học tập, giải trí và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đây thực sự là những hoạt động mang ý nghĩa xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đặc biệt giúp cho các em thiếu nhi phát triển tư duy, rèn luyện thể chất, hoàn thiện nhân cách để sau này trở thành nguồn nhân lực hữu ích cho xã hội.

Bạn đọc

Bạn Trinhnguyen…@gmail.com:

Trường học vùng khó còn thiếu thốn cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; điều kiện kinh tế của gia đình học sinh khó khăn nên nhiều em chưa mặn mà với việc đọc sách. Tình trạng này có diễn ra tại Trường THPT Mỏ Trạng?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Yên Thế là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, những năm qua đã được sự quan tâm của Đảng, sự đầu tư của Nhà nước nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, lạc hậu.

Trường THPT Mỏ Trạng đóng trên địa bàn vùng cao của huyện, học sinh chủ yếu đến từ các thôn bản đặc biệt khó khăn, con em của đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện gia đình phần nhiều là khó khăn, là hộ nghèo, cận nghèo nên chỉ cố gắng đáp ứng được những điều kiện tối thiểu cho con em đi học (quần áo, sách vở, phương tiện đi lại,…).

Thêm nữa, do nhận thức và thói quen của người dân nên việc đọc sách chưa được quan tâm, dẫn đến việc học sinh chưa mặn mà với việc đọc sách, báo.

Qua khảo sát sơ bộ của chúng tôi, số học sinh tại trường THPT Mỏ Trạng có sách (ngoài sách giáo khoa) và đọc sách, báo, truyện rất ít, khoảng 10 -15%.

Cô Đoàn Thị Hải Yến thường xuyên giới thiệu nhiều sách hay đến học sinh.

Cô Đoàn Thị Hải Yến thường xuyên giới thiệu nhiều sách hay đến học sinh.

Thư viện của nhà trường với nguồn kinh phí xây dựng từ ngân sách nhà nước, chủ yếu cung cấp sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ cho việc học tập trên lớp.

Hơn nữa, do sự thay đổi chương trình và sách giáo khoa nên những năm gần đây việc bổ sung nguồn sách cho thư viện cũng hạn chế, phần lớn lạc hậu với chương trình học cũng như không đáp ứng được nhu cầu của học sinh thế hệ mới, cho nên sách của thư viện nhà trường cũng không thu hút được nhiều học sinh đến đọc.

Một trong những rào cản việc tiếp cận sách của học sinh trường THPT Mỏ Trạng nói riêng và theo chủ quan của tôi cũng là của học sinh và nhân dân các vùng sâu, vùng cao, vùng khó khăn, vùng nông thôn nói chung đó là thiếu nguồn cung cấp sách phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người đọc.

Bởi các hiệu sách xung quanh trường học chủ yếu chỉ bán sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồ lưu niệm, giải trí,... nhưng rất ít sách văn học, sách dạy kỹ năng, sách khoa học thường thức,…

Bạn đọc

Bạn Kiến An - Bắc Giang:

Ở vùng sâu, vùng xa đời sống của người dân còn thiếu thốn nên việc tiếp cận văn hoá, trau dồi thêm tri thức bị hạn chế. Vậy trong những năm qua, Thư viện tỉnh Kon Tum đã tổ chức những hoạt động, chương trình gì để đưa sách, tri thức… đến các xã, huyện vùng sâu vùng xa trên địa bàn?
Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương

Bà Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum.
Bà Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum.

Nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận với văn hóa, thông tin tri thức, hàng năm Thư viện tỉnh đã bổ sung tài liệu (sách, báo, tạp chí) từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp để xây dựng tủ sách. Trung bình mỗi năm Thư viện tỉnh bổ sung trên 2.000 bản sách, 8-10 loại báo, tạp chí cho các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh với nội dung liên quan đến pháp luật, khoa học – kĩ thuật…. Tại địa phương, do chưa có thư viện nên UBND các xã quản lý những đầu sách này. Từ đó xã sẽ phân bổ sách về các thôn, làng để bà con có thể tiếp cận tri thức một cách thuận lợi.

Bạn đọc

Bạn Xuân Tùng - Bắc Giang:

Tiền thân là Trường thanh niên dân tộc Yên Thế, vậy tỷ lệ học sinh của trường hiện nay là người dân tộc, thuộc hộ nghèo và cận nghèo chiếm đa số phải không, thưa cô?
Cô Đoàn Thị Hải Yến

Cô Đoàn Thị Hải Yến

Xin chào vị khách mời Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum và quý bạn đọc.

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Ban Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho tôi có cơ hội được chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay.

Thưa quý bạn đọc, Trường THPT Mỏ Trạng (huyện Yên Thế, Bắc Giang) chúng tôi tiền thân là Trường thanh niên dân tộc Yên Thế, được thành lập từ năm 1961. Nhà trường với nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng cho con em dân tộc vùng cao huyện Yên Thế và một số địa phương lân cận.

Cô Đoàn Thị Hải Yến và học sinh trường THPT Mỏ Trạng trong giờ Ngữ văn.

Cô Đoàn Thị Hải Yến và học sinh trường THPT Mỏ Trạng trong giờ Ngữ văn.

Đến nay, trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều lần đổi tên, nhà trường vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình đó là giáo dục và đào tạo học sinh là con em đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện nhà.

Chính vì vậy, học sinh trường chúng tôi đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 67,1% tổng số 569 học sinh của nhà trường. Phần lớn các em thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và dân tộc vùng đặc biệt khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.