Giao lưu trực tuyến ‘Mang chữ về bản’

GD&TĐ - 'Mang chữ về bản' là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ Sáu ngày 21/4 /2023.

Giao lưu trực tuyến ‘Mang chữ về bản’

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn;

- Cô Đinh Thị Oanh, Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Công cuộc xóa mù chữ ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, tới nay tình trạng mù chữ tại vùng khó gần như đã được đẩy lùi. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người lớn tuổi tái mù chữ. Đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Vì thế, công cuộc xóa mù vẫn đặt ra những thách thức mới.

Ngày 26/11/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình xóa mù chữ cụ thể, để việc tổ chức thực hiện đồng bộ tại các địa phương. Chính sách về phát triển phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở nhiều địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm, triển khai tích cực. Vừa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, song đồng thời cũng được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Để “mang chữ về bản”, ngành Giáo dục các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai đến từng địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số. Với chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học, đa phần lớp học xóa mù đều được mở ngay tại các điểm bản. Phục vụ nhu cầu dân cư trong bản và các khu vực lân cận. Ngoài nỗ lực tuyên truyền, vận động để huy động đủ số lượng học viên ra lớp, các nhà trường cũng phải sắp xếp, cân đối nguồn lực hiện có để bố trí hợp lý. Đảm bảo về đội ngũ giáo viên và các chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức.

Nhận nhiệm vụ xóa mù, giáo viên lại thêm việc, thêm trách nhiệm. Ngoài 2 buổi dạy học ban ngày tại trường, các thầy cô lại phải dành toàn bộ thời gian buổi tối lên lớp giảng dạy, quản lý hỗ trợ học viên. Không những vậy, đa phần các lớp học đều nằm tại điểm bản nên giáo viên cũng gặp khó khăn hoặc mất nhiều thời gian cho việc di chuyển. Mặc dù hiện chưa có chế độ, chính sách cụ thể đồng nhất cho người dạy học xóa mù chữ hoặc nếu có cũng chỉ mang tính động viên, khích lệ. Song theo nhiều thầy cô chia sẻ, khi nhìn những học viên lớn tuổi say sưa, khát khao tiếp thu từng con chữ, phép tính, họ lại có thêm động lực để cố gắng mỗi ngày.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, các khách mời sẽ chia sẻ, giải đáp cùng bạn đọc những câu chuyện về lòng nhiệt huyết, tình yêu thương và sự nỗ lực của thầy cô để những lớp học xuyên đêm sáng đèn khắp các bản làng vùng khó...

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua Fanpage của Báo.

Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn

Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Bạn đọc

Bạn Hadieplc@…:

Qua quá trình giảng dạy tại cơ sở, cô nhận thấy chương trình xóa mù chữ có ý nghĩa như thế nào và mang lại giá trị gì cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Theo tôi, chương trình xóa mù chữ hết sức cần thiết và mang lại nhiều giá trị thiết thực cho người dân. Vì thực thế hiện nay, tình trạng tái mù chữ ở các địa bàn vùng khó vẫn còn. Trong khi đó, với xã hội hiện nay, mọi người buộc phải sử dụng đến chữ viết, tính toán để phục vụ cuộc sống.

Cô Đinh Thị Oanh trong giờ lên lớp môn toán.

Cô Đinh Thị Oanh trong giờ lên lớp môn toán.

Những học viên sau một thời gian tham gia xóa mù đã có thể biết đọc, viết những thông tin đơn giản, nhắn tin cho con ở xa, lưu danh bạ điện thoại, mạnh dạn hơn trong các hoạt độn; Ngoài ra còn phục vụ trực tiếp việc mua bán, trao đổi hàng hóa, giao tiếp bằng tiếng phổ thông hàng ngày. Qua đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống bà con.

Bạn đọc

Bạn thuthao - Lạng Sơn:

Xóa mù là trách nhiệm chung của các cấp ngành. Từ thực tế địa phương, ông có đề xuất gì để công tác xóa mù nói riêng, giảm nghèo nói chung đạt kết quả bền vững?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền (áo xanh, giữa) tham dự hội thảo Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số huyện Văn Quan năm học 2022 - 2023.

Ông Ngô Văn Hiền (áo xanh, giữa) tham dự hội thảo Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số huyện Văn Quan năm học 2022 - 2023.

Để công tác xóa mù và giảm nghèo có hiệu quả bền vững, tôi có một số đề xuất như sau:

Chính phủ tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tiếp theo để nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được thụ hưởng và vươn lên thoát nghèo.

Bổ sung chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia dạy lớp xóa mù vì hiện nay chỉ có hỗ trợ người học và công tác huy động mở lớp, còn chế độ giáo viên tham gia giảng dạy lại là ngân sách địa phương như vậy phần nào khó khăn cho giáo viên.

Chính quyền các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện, sát sao, gần dân và trực tiếp cùng nhân dân làm để hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân, gắn kết quả các mô hình với trách nhiệm cán bộ thông qua đánh giá kết quả của các dự án hỗ trợ thoát nghèo.

Tiếp tục điều tra chính xác số liệu người mù chữ trên địa bàn xã, cập nhật trình độ của người dân để tiếp tục huy động người mù chữ giai đoạn 2 ra lớp học, phấn đấu 100% các xã thị trấn không còn người mù chữ.

Bạn đọc

Bạn Huyduc89@…:

Cô đánh giá như thế nào về vai trò của cộng động xã hội; chính quyền, các đoàn thể địa phương trong công tác xóa mù chữ?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Để mở và duy trì các lớp xóa mù chữ ở vùng khó, tôi cho rằng vai trò của chính quyền địa phương, các đoàn thể và cộng đồng dân cư hết sức quan trọng, nhất là trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động học viên ra lớp; Phối hợp, hỗ trợ về địa điểm, trang thiết bị phục vụ lớp học cũng như xử lý các tình huống phát sinh.

Đối với xã nơi tôi công tác, các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện khi phối kết hợp thành lập những tổ vận động, tuyên truyền về công tác xóa mù chữ đối với toàn bộ người dân; Động viên khuyết khích kịp thời đối với những bản thực hiện tốt công tác xóa mù chũ.

Mỗi buổi học đều có sự tham gia của Bí thư chi bộ hoặc trưởng bản để cùng quản lý, giám sát học viên. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế ở đây còn nhiều khó khăn nên sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, hạ tầng có phần hạn chế.

Bạn đọc

Bạn Trinhnguyen…@gmail.com:

Nghèo đa chiều là nỗi trăn trở của vùng khó. Phòng Giáo dục Văn Quan làm thế nào để xoá rào cản trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, văn hóa cho học sinh và người dân?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Lễ khai giảng lớp xoá mù chữ năm 2023 tại xã Liên Hội, huyện Văn Quan.

Lễ khai giảng lớp xoá mù chữ năm 2023 tại xã Liên Hội, huyện Văn Quan.

Huyện Văn Quan là một trong 73 huyện nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 16,2%. Việc giải quyết bài toán giảm nghèo, thoát nghèo cho các hộ gia đình là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị huyện, trong đó có trách nhiệm của ngành Giáo dục.

Để giải quyết vấn đề trên, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan đã thực hiện các giải pháp cụ thể như:

Tổ chức các lớp dạy nghề nông thôn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm tăng năng suất và giảm sức lao động.

Tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt các trang bán hàng điện tử như Vỏ sò, Post mart để người dân tham gia giới thiệu sản phẩm quảng bá trên sàn điện tử và bán hàng qua mạng.

Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên đề STEM.

Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên đề STEM.

Phối hợp với Trung tâm học tập cộng động các xã mở cửa để người dân đến truy cập máy tính, truy cập mạng cũng như đọc sách hướng dẫn làm kinh tế, bố trí giáo viên của các trường tại đơn vị xã trực hỗ trợ người dân.

Đối với học sinh phổ thông, Phòng Giáo dục chỉ đạo các trường tăng cường dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các cuộc thi trên Internet cho học sinh tham gia. Các trường tăng cường tổ chức các câu lạc bộ STEM, Robot cho học sinh. Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên, học sinh đã được phổ cập lập trình Robotic.

Phòng Giáo dục cũng tổ chức thường niên ngày hội STEM, thi Robotic, Khoa học kỹ thuật, Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp huyện. Nhiều học sinh có cơ hội tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Bạn đọc

Bạn Hongthaoth@…:

Tôi có mong muốn được giảng dạy lớp xóa mù ở địa phương nhưng chưa rõ yêu cầu thế nào nên muốn xin cô chia sẻ một số kỹ năng?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Việc tham gian giảng dạy lớp xóa mù chữ sẽ phụ thuộc vào kế hoạch mở lớp của chính quyền và ngành giáo dục địa phương. Còn riêng về cá nhân, tôi cho rằng, khi tham gia giảng dạy xóa mù chữ chỉ cần sự chuẩn bị tốt về thời gian, kế hoạch giảng dạy cụ thể.

Trong quá trình vận động học viên cũng như giảng dạy cần gần gũi, chia sẻ, chuyện trò thân mật cho người học tạo cảm giác thân thiện. Sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học và nhất là nên dạy theo nhu cầu người học.

Bạn đọc

Bạn Lò Thị Bạc - Điện Biên:

Trong quá trình vận động mở lớp hoặc duy trì sĩ số lớp, cô đã bao giờ gặp phải phản ứng tiêu cực từ phía người nhà và học viên? Cô xử lý tình huống đó như thế nào?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Địa bàn tôi đang dạy là người Thái, khả năng nhận thức cao so với các dân tộc khác. Đặc biệt nhu cầu học tập phục vụ cho đời sống hàng ngày cũng cao hơn bởi vậy, trong quá trình dạy lớp xóa mù tôi thấy người dân đa phần đều đồng thuận với chủ trương và tham gia nhiệt tình.

Nếu không có lí do bất khả kháng thì hầu như học viên không bỏ học vì thế cũng không xảy ra trường hợp không hay hoặc gặp phải phản ứng tiêu cực từ học viên hoặc người nhà. Thậm chí, nhiều người chồng hoặc con còn đến lớp cùng, đứng ngoài theo dõi và động viên vợ, mẹ học.

Bạn đọc

Bạn thehien...@gmail.com:

Học sinh diện nghèo và cận nghèo luôn đối mặt với nguy cơ bỏ học. Huyện đã có những chính sách hỗ trợ như thế nào để duy trì tỷ lệ học sinh đến trường?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Để hỗ trợ học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội đến trường, UBND huyện Văn Quan chỉ đạo các phòng, ban thực hiện các giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Đối với Phòng LĐTBXH-DT sử dụng nguồn quỹ bảo trợ trẻ em để trao hỗ trợ tiền mặt, học phẩm cho học sinh trước mỗi năm học. Hội Khuyến học huyện bố trí kinh phí tặng cho các em học sinh thông qua các ngày như khai giảng, sơ kết, tổng kết giúp các em học sinh có điều kiện duy trì học tập.

Ông Ngô Văn Hiền (phải) trao đổi với học sinh trên địa bàn huyện.

Ông Ngô Văn Hiền (phải) trao đổi với học sinh trên địa bàn huyện.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường miễn toàn bộ các khoản đóng góp phục vụ học sinh đối với các em gia đình hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các trường đồng thời kêu gọi nhà hảo tâm, mạnh thường quân tài trợ, hỗ trợ kinh phí, xe đạp, sách vở, cặp, đồ dùng dạy học cho các em học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới.

Đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, UBND huyện chỉ đạo các trường bố trí nấu bữa trưa miễn phí và bố trí phòng ở tại trường cho các em học sinh ở xa để các em yên tâm học tập.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, hiện nay 100% học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường học tập đầy đủ và duy trì sĩ số hàng ngày. Không em học sinh nào phải bỏ học vì điều kiện khó khăn.

Bạn đọc

Bạn Lý Thị Bình - Điện Biên:

Xin cô cho biết, việc về bản mở lớp xóa mù chữ gặp phải những khó khăn gì? Đặc thù vùng miền có ảnh hưởng như thế nào đến việc mở lớp cũng như sĩ số học viên?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Tôi cho rằng, việc về bản mở lớp tạo thuận lợi rất nhiều cho học viên. Bởi được học tại chỗ, gần nhà, bà con vừa không phải mất nhiều thời gian di chuyển, chủ động công việc gia đình. Đặc biệt là tạo cảm giác thân quen cho bà con.

Ngược lại thì tạo ra nhiều khó khăn cho nhà trường và giáo viên. Từ việc mượn cơ sở vật chất, hạ tầng để mở lớp. Bố trí hệ thống bàn ghế, điện thắp sáng…

Về phía giáo viên, đa phần đều nghỉ gần trường. Để về bản dạy xóa mù phải sắp xếp thời gian di chuyển. Với tôi bản gần thì thuận tiện song nhiều giáo viên phải di chuyển bản xa, đường khó thì cũng tương đối vất vả.

Học viên đa phần lớn tuổi, nên giáo viên dạy xóa mù phải hỗ trợ nhiều hơn.

Học viên đa phần lớn tuổi, nên giáo viên dạy xóa mù phải hỗ trợ nhiều hơn.

Các học viên ở lớp học đặc biệt này đều đã lớn tuổi, nên khi cầm bút viết chữ rất cứng tay. 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân nơi đây hầu hết làm nghề nông rất vất vả, sáng họ đã lên nương rẫy canh tác, đến chiều tối về lo ăn uống, nghỉ ngơi để ngày mai lại tiếp tục đi làm nên việc vận động bà con sắp xếp thời gian để tham gia lớp học cũng ít nhiều khó khăn.

Bạn đọc

Bạn Duonglanphuong84@…:

Với khó khăn mang tính đặc thù, cô đã làm như thế nào để khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Như tôi đã nói, đối với học viên là bà con đồng bào dân tộc thiểu số thì việc làm bạn được với họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy hay không. Vì thế tôi thường gần gũi, chia sẻ, chuyện trò thân mật, coi học viên như những người chị, người bạn, không tạo khoảng cách.

Thầy giáo cùng tham gia hỗ trợ lớp xóa mù với cô Oanh là người địa phương nên dễ dàng hiểu, trao đổi với học viên.

Thầy giáo cùng tham gia hỗ trợ lớp xóa mù với cô Oanh là người địa phương nên dễ dàng hiểu, trao đổi với học viên.

Việc sắp xếp nhiệm vụ chính khóa và công việc kiêm nghiệm một cách hài hòa, hợp lý cũng giúp tôi thuận tiện hơn.

Ngoài ra, tôi được Ban giám hiệu nhà trường quan tâm, sắp xếp 1 giáo viên nữa cùng đứng lớp xóa mù.

Thầy giáo này là người địa phương, sinh sống tại bản nên hiểu tiếng nói, phong tục, tập quán của bà con nên dễ trao đổi. Thầy hỗ trợ song ngữ trong quá trình giảng dạy, cũng như tổ chức các hoạt động của lớp nên cũng giảm bớt phần nào khó khăn.

Bạn đọc

Bạn matbiec...@gmail.com:

Nơi tôi sinh sống xuất hiện tình trạng tái mù. Ngành Giáo dục huyện Văn Quan đã có những biện pháp nào để hạn chế tình trạng trên?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Tiết mục văn nghệ trong lễ khai giảng lớp xoá mù chữ ở huyện Văn Quan năm 2022.

Tiết mục văn nghệ trong lễ khai giảng lớp xoá mù chữ ở huyện Văn Quan năm 2022.

Tình trạng tái mù có thể diễn ra sau khi người dân đã tham gia học lớp xóa mù chữ giai đoạn 1. Để hạn chế tình trạng trên, huyện Văn Quan thực hiện các giải pháp như sau:

Duy trì các lớp xóa mù chữ trên địa bàn các xã, đối với các lớp xóa mù đã kết thúc giai giai đoạn 1, tiếp tục mở lớp giai đoạn 2 cho học viên.

Chỉ đạo phân công giáo viên phụ trách từng thôn bản tiếp tục giao bài học, bài thực hành cho học viên để luyện đọc, viết, tính toán sau khi kết thúc khóa học nhằm duy trì tình trạng biết chữ và tránh tái mù.

Ngoài ra, các thầy cô giáo còn huy động lực lượng ngay trong chính gia đình người học như con, cháu giúp đỡ người học tiếp tục đọc thông, viết thạo, tính toán và ứng dụng khoa học vào sản xuất.

Bạn đọc

Bạn Dangthingat@…:

Cô đã tham gia dạy học xóa mù chữ được nhiều năm chưa? Những kinh nghiệm mà cô đúc rút được là gì?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Đây là năm đầu tiên tôi tham gia giảng dạy lớp mù chữ. Tuy nhiên trong khoảng thời gian giảng dạy 1 kỳ vừa qua tôi đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm cho mình. Đặc biệt, tôi cũng thường xuyên trao đổi, tham khảo kinh nghiệm giảng dạy thực tế của đồng nghiệp ở trường, một số vùng miền có học viên tương đồng.

Với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tôi cho rằng cần phải làm bạn với họ trước khi muốn giảng dạy. Vì thế, người giáo viên cần gần gũi, thân thiện. Thay vì chỉ đứng trên bục giảng để nói, thì xuống từng bàn, tiếp xúc, trao đổi, giao lưu với học viên nhiều hơn.

Tôi thường tranh thủ đến sớm hơn hoặc những khoảng thời gian giải lao ngắn ngủi để trò chuyện, hỏi họ về ngày hôm nay thế nào. Rồi gia đình có việc gì vui, chuyện buồn, lo nghĩ… Từ những tâm sự đó, tôi hiểu học viên, còn họ cũng cởi mở hơn với tôi. Khi đã phá vỡ được những rào cản này thì việc giảng dạy cũng thuận lợi hơn.

Việc gần gũi, chia sẻ, tạo sự thân thiện với học viên giúp cô Oanh thuận lợi hơn trong quá trình giảng dạy.

Việc gần gũi, chia sẻ, tạo sự thân thiện với học viên giúp cô Oanh thuận lợi hơn trong quá trình giảng dạy.

Ngoài ra, đối với học viên xóa mù thì không thể máy móc trong triển khai giáo án và các hoạt động dạy học được. Mỗi giáo viên cần phải linh hoạt trong bài giảng, dạy theo nhu cầu của học viên. Trong đó, các kiến thức cốt lõi cần đạt thì phải đảm bảo. Còn lại, dựa trên việc nắm bắt tâm lý, nhu cầu học viên để giảng dạy có hiệu quả tốt nhất.

Trong 1 lớp học có người tiếp thu nhanh, có người chậm. Vì thế tôi cũng phải phân loại học viên ra thành nhiều nhóm khác nhau để tổ chức dạy và khuyến khích học viên giúp đỡ học viên.

Bạn đọc

Bạn Quàng Thành - Điện Biên:

Vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia dạy lớp xóa mù chữ vào buổi tối, nhiều lúc tôi thấy bối rối trong việc thu xếp công việc. C ô sắp xếp thời gian như thế nào để đảm nhiệm tốt 2 vai trò này?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Từ tháng 11/2022 đến nay, tôi phải cùng lúc thực hiện song song 2 nhiệm vụ. Vừa đảm bảo chủ nhiệm, giảng dạy một lớp trong các giờ chính khóa, buổi tối lại kiêm nhiệm thêm lớp xóa mù chữ nên tôi phải sắp xếp lại thời gian của mình sao cho đảm bảo.

Tôi thuê trọ ở ngay gần trường. Có một thuận lợi là lớp xóa mù tôi phụ trách cũng ở ngay tại bản, chỉ cách trường khoảng gần 1 km nên không khó khăn trong di chuyển. Tan giờ chính khóa, tôi vẫn có thời gian cơm nước, sắp xếp gia đình rồi mới lên lớp buổi tối.

Tuy nhiên, vì kín kịch dạy nên tôi buộc phải thức đêm muộn hơn để soạn giáo án và chuẩn bị mọi thứ cho việc lên lớp của ngày hôm sau.

Bạn đọc

Bạn Thuyvy:

Đội ngũ giáo viên giảng dạy các lớp xoá mù được ngành Giáo dục lựa chọn ra sao. Là giáo viên nghỉ hưu, tôi có thể tham gia công tác này?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Giáo viên giảng dạy lớp xoá mù chữ là các thầy cô giáo cấp tiểu học, THCS và mầm non. Họ là những người có trách nhiệm, tâm huyết và phương pháp giảng dạy dành riêng cho việc xóa mù.

Huyện Văn Quan đang triển khai vận động thầy cô giáo về hưu tham gia phong trào xoá mù chữ trên tinh thần tự nguyện, lan tỏa tinh thần hiếu học cho người dân trên địa bàn.

Bạn đọc

Bạn Thu Cúc:

Học viên lớp xóa mù chữ chủ yếu là người trong độ tuổi lao động, người lớn tuổi. Việc mở lớp và thời gian học phải linh động và gắn với thôn, bản. Lớp xóa mù chữ ở Văn Quan thường tổ chức tại đâu? Việc huy động người dân đi học có gặp khó khăn nào?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Học viên được cấp kinh phí và dụng cụ khi tham gia học lớp xoá mù.

Học viên được cấp kinh phí và dụng cụ khi tham gia học lớp xoá mù.

Để huy động tối đa người học ra lớp tham gia học xóa mù chữ, việc tổ chức dạy học, hình thức dạy học phải linh hoạt, giúp người học vừa học vừa lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay lớp học được tổ chức tại các nhà văn hóa thôn bản. Thời gian học vào các buổi tối trong tuần. Hình thức học hết sức đa dạng vừa dạy vừa giao bài về nhà cho học viên.

Đối với việc huy động người dân đi học còn gặp khó khăn như: người lớn tuổi ngại ra lớp học; một số người đi làm ăn xa, không ở nhà để ra lớp...

Bạn đọc

Bạn Bảo Anh - huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên:

Học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. T rong quá trình giảng dạy tôi và đồng nghiệp từng gặp những tình huống dở khóc dở cười . C ô có thể chia sẻ câu chuyện để lại nhiều ấn tượng? 
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Học viên lớp xóa mù chữ tại bản Chua Ta C, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Học viên lớp xóa mù chữ tại bản Chua Ta C, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Sau một thời gian giảng dạy lớp xóa mù, tôi đã làm quen và cân đối, sắp xếp công việc hợp lý nên không còn quá nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, những áp lực liên quan đến việc duy trì sĩ số, chất lượng học viên vẫn là điều mà tôi quan tâm. Bởi học viên lớn tuổi nhận thức chậm hơn nhiều so với học sinh phổ thông. Tôi là giáo viên dân tộc Kinh, dạy học viên dân tộc Thái nên bất đồng về ngôn ngữ. Trong quá trình giảng dạy cũng gặp phải một số tình huống loay hoay.

Tôi còn nhớ, nhiều lần trong quá trình giảng bài, sử dụng tiếng phổ thông mà học viên ở dưới cứ nhìn nhau, bịt miệng cười, rồi xôn xao, bàn tán. Một số lần yêu cầu học viên phát âm lại từ đó mà không ai chịu nói. Sau đó tôi hỏi chuyện ra thì mới được biết là có những từ tiếng phổ thông khi dịch ra tiếng Thái lại mang nghĩa khác. Thậm chí một số từ còn mang ý nghĩa không hay, khiến bà con ngượng.

Bạn đọc

Bạn Phương Viễn (Lạng Sơn):

Lớp xoá mù không chỉ giúp người dân chưa biết chữ có thể đọc thông, viết thạo và biết tính toán mà từng bước hình thành năng lực ngôn ngữ, năng lực toán học; phát triển năng lực khoa học tự nhiên vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Thay đổi rõ nhất ở Văn Quan trong công tác xoá mù chữ thể hiện trong lĩnh vực nào?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Thay đổi rõ ràng nhất là năng lực ngôn ngữ. Đa phần học viên là người lớn tuổi và là người dân tộc thiểu số, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng địa phương, nói tiếng phổ thông chưa rõ. Khi tham gia lớp học, học viên được học chữ, học viết nên năng lực ngôn ngữ đã tốt hơn, giao tiếp tự tin và nói tiếng phổ thông rõ hơn, chuẩn âm.

Bạn đọc

Bạn Lò Thị Thái - Lai Châu:

Hiện có chế độ cho học viên tham gia lớp xóa mù, giáo viên dạy lớp này ở nhiều nơi cũng được hỗ trợ. Cô có đề xuất gì về chính sách này?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Hiện nay, học viên tham gia các lớp xóa mù chữ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí để mua sách vở, đồ dùng học tập. Điều này không chỉ mang ý nghĩa động viên, khích lệ rất lớn đối với người học, mà còn hỗ trợ nhà trường tháo gỡ một phần khó khăn trong huy động học viên ra lớp.

Về phía giáo viên đứng lớp, cho đến nay tôi chưa nhận chế độ gì nên chưa nắm rõ. Tuy nhiên, qua nhà trường trao đổi thì tôi được biết theo quy định, chúng tôi sẽ được chi trả chế độ làm thêm giờ.

Theo đó, 1 năm mỗi giáo viên được chi trả không quá 200 giờ. Lớp xóa mù diễn ra trong 1 kỳ, tương đương tối đa 100 giờ. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian chúng tôi đứng lớp là gần 400 giờ. Chưa kể áp lực về thời gian, cân đối giữa các nhiệm vụ, sĩ số rồi chất lượng học viên.

Cô Oanh mong muốn có chế độ làm thêm giờ đặc thù cho giáo viên dạy xóa mù chữ.

Cô Oanh mong muốn có chế độ làm thêm giờ đặc thù cho giáo viên dạy xóa mù chữ.

Bởi vậy, tôi mong muốn được các cấp lãnh đạo ngành, địa phương quan tâm, tạo điều kiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhất là việc xem xét có chế độ riêng để hỗ trợ giáo viên đứng lớp xóa mù chữ. Bởi xét về đặc thù thì đối tượng học viên xóa mù chữ khác học sinh phổ thông, vì thế việc dạy học áp lực hơn rất nhiều.

Ngoài những chế độ chi trả theo quy định, tôi cho rằng cũng cần có thêm quy chế khen thưởng, nhằm kịp thời động viên các thầy cô có tinh thần động lực cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, tôi được biết, Bộ GD&ĐT đã có chính sách về việc hỗ trợ đèn dầu cho những nơi chưa có điện. Tuy nhiên, nếu có thể, tôi mong muốn Bộ bổ sung thêm kinh phí cho những khu vực có điện. Bởi thực tế, khi mở lớp xóa mù tại bản, nhà trường, thầy cô đang phải tự bỏ tiền đầu tư đường dây, bóng điện… rồi chi trả tiền điện phát sinh hàng tháng để duy trì lớp học. Số tiền không lớn, song với vùng khó thì cũng tạo ra nhiều áp lực, khó khăn.

Đó là mong muốn của bản thân, dẫu vậy, dù không có các chế độ này thì tôi vẫn khẳng định rằng mỗi giáo viên được giao nhiệm vụ xóa mù vẫn đang rất nỗ lực, bằng tinh thần trách nhiệm và tinh yêu thương với bà con đồng bào dân tộc địa phương.

Bạn đọc

Bạn Hadieplc@…:

Để xóa mù bền vững, nhiều địa phương quan tâm đến công tác phổ cập GD đúng độ tuổi. Huyện Văn Quan duy trì tỷ lệ này ra sao?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Một tiết học Tiếng Việt của trẻ em mầm non huyện Văn Quan.

Một tiết học Tiếng Việt của trẻ em mầm non huyện Văn Quan.

Đối với công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, huyện Văn Quan thực hiện hàng năm đúng quy định từ công tác điều tra phổ cập, hoàn thiện hồ sơ, cập nhật dữ liệu trên hệ thống đầy đủ, chính xác, công tác kiểm tra công nhận thực hiện rất nghiêm túc.

Hiện nay huyện Văn Quan được công nhận phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3. Trong năm 2022, Bộ GD&ĐT đã kiểm tra công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện và đánh giá cao công tác này.

Bạn đọc

Bạn Vàng Thảo Ly - Hà Giang:

Cô đánh giá như thế nào về nhu cầu và tinh thần học tập của bà con đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, cụ thể là ở địa bàn cô đang công tác?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng tôi thấy rằng mình vẫn rất may mắn vì tinh thần và nhu cầu học tập của bà con ở đây rất cao.

Riêng lớp tôi giảng dạy có tới 2 cặp vợ chồng, đều đã gần 60 tuổi. Tuy nhiên hàng ngày đều tới lớp đều đặn, nếu không vì việc bất đắc dĩ thì sẽ không nghỉ. Một số học viên đi học thậm chí mang theo cả con, vì không có người trông.

Ngoài ra, có những hôm tôi rất vui vì lớp học có thêm sự góp mặt của nhiều học viên không có trong danh sách. Họ đến để nghe hoặc bổ sung thêm một số kiến thức đã quên.

Nhiều học viên mang theo cả con tới lớp cùng học.

Nhiều học viên mang theo cả con tới lớp cùng học.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn mang tính đặc thù miền núi song địa bàn tôi công tác được xem là tương đối thuận lợi so với toàn huyện. Hầu hết người dân đã nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa việc học. Từ đó, tạo ra một phong trào học tập ngay trong gia đình và cộng đồng.

Đặc biệt, chính quyền địa phương ở đây rất quan tâm. Họ đã cùng Ban giám hiệu nhà trường thành lập ban vận động thi đua giữa các lớp, các bản nên việc giảng dạy của giáo viên đươc thuận lợi hơn.

Bạn đọc

Bạn hoakhoi:

Nơi tôi công tác, giáo viên tham gia công tác xóa mù được hưởng chế độ. Thầy cô ở Văn Quan thì sao, thưa ông?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Ở Văn Quan, tất cả thầy cô giáo tham gia dạy lớp xóa mù chữ đều được huyện chi trả kinh phí, căn cứ vào số tiết các thầy cô lên lớp. Định mức thanh toán như thanh toán thêm giờ cho giáo viên.

Bạn đọc

Bạn Thaophuong@…:

Học viên đa phần là người lớn tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số... có ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Học viên đa số là phụ nữ, đã lớn tuổi, lại là bà con dân tộc thiểu số nên ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình giảng dạy.

Có một đặc điểm chung mang tính vùng miền là phụ nữ ít được ngoại giao, tiếp xúc với bên ngoài hơn so với nam giới bởi vậy chị em thường xấu hổ, e ngại trong giao tiếp, trao đổi và thảo luận.

Khi giáo viên đưa ra câu hỏi hoặc đề nghị hoạt động gì đó, học viên ít có sự trao đổi lại. Thời gian đầu, một số học viên nữ không hiểu bài cũng không dám hỏi nên thầy cô không chỉ khó triển khai bài giảng mà còn khó nắm bắt được xem học viên không hiểu chỗ nào, hay khó ở đâu để giúp đỡ, hỗ trợ.

Học viên lớp xóa mù chữ rọi đèn pin đến lớp vào mỗi tối.

Học viên lớp xóa mù chữ rọi đèn pin đến lớp vào mỗi tối.

Ngoài ra, đa phần học viên là lao động chính trong ra đình. Trong khi ở đây bà con chủ yếu sống phụ thuộc vào nương rẫy. Một số người đi làm ăn xa nên khó khăn trong huy động ra lớp cũng như đảm bảo đi học chuyên cần (trung bình khoảng 70 - 80%).

Mặt khác, học viên dù đã được học chương trình xóa mùa chữ giai đoạn 1, song vì quá lâu rồi nên đều quên mặt chữ, chúng tôi buộc phải phải dạy lại từ đầu. Chưa kể, nhiều người tuổi cao, khả năng nhận thức chậm. Một phần vì sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn, ít tiếp cận với văn minh hiện đại cũng ảnh hưởng phần nào đến nếp nghĩ.

Bạn đọc

Bạn Trung Quân:

Xóa mù chữ không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, viết mà còn tăng cường cung cấp kiến thức khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, cũng như nhiều lĩnh vực khác trong đời sống để người dân vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số có cơ hội hòa nhập và tiếp cận bình đẳng với tri thức. Điều đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Tỉnh Lạng Sơn có chính sách gì để hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Một lớp học xoá mù chữ tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Một lớp học xoá mù chữ tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Huyện Văn Quan đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, trong đó có chính sách thực hiện công tác xóa mù chữ cho nhân dân vùng đồng bào DTTS. Cụ thể: hỗ trợ kinh phí cho điều tra mở lớp, hỗ trợ cơ sở vật chất lớp học, hỗ trợ người học, học liệu cho người học...

Về phía tỉnh, Lạng Sơn luôn quan tâm đến công tác xóa mù chữ trên địa bàn. Ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy lớp xóa mù; hỗ trợ thiết bị, máy móc cho học viên được học và ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ người học cây, con giống để phát triển kinh tế gia đình.

Bạn đọc

Bạn Minhthaonguyen@…:

Sau một thời gian tham gia lớp xóa mù chữ, cô nhận thấy sự thay đổi của học viên như thế nào? Bản thân học hỏi được gì từ học viên của mình? 
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Sau gần 5 tháng tham gia lớp xóa mù, đa phần học viên đều biết viết, đọc cơ bản. Có một số học viên đã đọc thông, viết thạo được bài văn, bài thơ.

Càng về sau, nhiều học viên càng thích đi học. Họ đến lớp chăm chỉ, vui vẻ hơn. Đặc biệt, đa phần học viên trở lên mạnh dạn, tự tin hơn nhiều trong giao tiếp và tham gia các hoạt động.

Cô Oanh hướng dẫn học viên bài viết mới.

Cô Oanh hướng dẫn học viên bài viết mới.

Bản thân tôi cũng học được từ học viên nhiều điều đặc biệt sự kiên nhẫn và tinh thần học hỏi, cầu thị. Từ khi dạy xóa mù, tôi thấy mình gần gũi với bà con bản địa hơn. Điều này cũng phục vụ đắc lực cho công tác chủ nhiệm và dạy chính khóa.

Bạn đọc

Bạn Thuythu....@gmail.com:

Xóa mù chữ là một trong những giải pháp giúp người dân nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo. Ông đánh giá như thế nào về kết quả triển khai công tác xoá mù ở huyện Văn Quan trong những năm qua?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan luôn xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Hàng năm Phòng Giáo dục xây dựng kế hoạch thực hiện công tác xóa mù chữ, triển khai đến các đến các trường, các xã; đồng thời, thực hiện rà soát số lượng người chưa biết chữ trong độ tuổi 15-60 tuổi trên địa bàn. Chúng tôi cũng tăng cường vận động người dân đi học các lớp xóa mù chữ.

Kết quả, mỗi năm Phòng Giáo dục mở 3 lớp xóa mù chữ với trên 60 học viên tham gia. Các học viên có thái độ học tập tích cực. Thầy cô giáo được phân công là những người có trách nhiệm, tâm huyết và tận tình chỉ bảo học viên.

Bạn đọc

Bạn Đinh Hùng - Mường Chà, Điện Biên:

Thưa cô, hiện cô phụ trách lớp xóa mù chữ ở địa bàn nào? Học viên ở đó ra sao?
Cô Đinh Thị Oanh

Cô Đinh Thị Oanh

Tôi đang phụ trách lớp xóa mù chữ tại 2 điểm bản Na Ản và Na Cai, thuộc xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Lớp được khai giảng tháng 11/2022, với 35 học viên (100% là dân tộc Thái).

Học viên trong lớp có các độ tuổi khác nhau và đa số là phụ nữ. Nhiều cô, mẹ đã ngoài 50, gần 60 tuổi. Tuy nhiên cũng có một số học viên trẻ tuổi, thuộc thế hệ 9X, đa phần các em ở địa bàn khác sang đây lấy chồng.

Cô giáo Đinh Thị Oanh và các học viên lớp xóa mù chữ tại bản Na Cai, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Cô giáo Đinh Thị Oanh và các học viên lớp xóa mù chữ tại bản Na Cai, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Cùng với lớp tôi đang quản lý thì hiện nay Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói - nơi tôi công tác, phụ trách 9 lớp xóa mù chữ trên toàn địa bàn. Trong đó, 5 lớp mở mới năm nay, còn 4 lớp mở từ năm 2022.

Số học viên mỗi lớp dao động từ 25 - 35 người. Vì sĩ số đông nên mỗi lớp sẽ có 2 giáo viên phụ trách. Thời gian học sẽ kéo dài trong 5 tháng. Ở đây đa phần bà con bận đi làm ban ngày, nên các lớp diễn ra hoàn toàn vào buổi tối (từ thứ 2 - 6 hàng tuần).

Bạn đọc

Bạn khanhphuong.....@gmail.com:

Là vùng khó của tỉnh, ông có thể khái quát về điều kiện kinh tế xã hội, đời sống của người dân?
Ông Ngô Văn Hiền

Ông Ngô Văn Hiền

Huyện Văn Quan nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: INT.

Huyện Văn Quan nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: INT.

Văn Quan là huyện vùng núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn với diện tích tự nhiên là 54.949 ha.

Địa hình huyện Văn Quan tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi đá, núi đất xen kẽ các thung lũng nhỏ và nghiêng theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Toàn huyện có dân số trên 55 nghìn người, gồm các dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Hoa cùng chung sống.

Văn Quan có 16 xã và 1 thị trấn, trong đó có 10 xã thuộc khu vực III, có 06 xã và 01 thị trấn thuộc khu vực I. Kinh tế của huyện Văn Quan chủ yếu là ngành nông nghiệp và dịch vụ, Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và nguồn thu nhập chính của người dân hiện nay đến từ nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo tại Văn Quan còn cao (chiếm 16,2%), còn hộ cận nghèo chiếm 31%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều trẻ em Anh phải học trong các lớp học xuống cấp, sàn nhà sụp lún.

Trường học Anh xuống cấp

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của tờ The Guardian cảnh báo hơn 1,5 triệu trẻ em tại Anh đang học trong những ngôi trường xuống cấp nghiêm trọng...

Minh họa/INT

Những ngày rối ren

GD&TĐ - Ngay khi Hàn Quốc bước vào năm mới 2025, Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Sukyeol ra tuyên bố 'sẽ chiến đấu đến cùng' chống lại lệnh bắt giữ.