Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (gọi tắt là Thông tư 08) vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5 tới.
Trước đó, chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 khi triển khai vào cuộc sống đã gặp nhiều bất cập, vướng mắc. Những quy định của chùm thông tư này như: Giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN theo hạng giáo viên; quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng CDNN; giáo tiểu học, THCS hạng 1 phải có bằng thạc sĩ trở lên; giáo viên phải nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng CDNN cũ sang mới; Thời gian giữ CDNN giáo viên mầm non hạng 3 là 9 năm… không chỉ gây khó thực thi trong thực tế mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, quyền lợi của thầy cô.
Trước bất cập của chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cả nước đã có nhiều ý kiến, kiến nghị sửa đổi. Bộ GD&ĐT cũng đã lấy ý kiến góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan để điều chỉnh, trong đó phải kể đến ý kiến góp ý của 63 Sở GD&ĐT với sự tham gia của gần 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, đặc biệt là góp ý trực tiếp của hơn 580 nghìn giáo viên mầm non, phổ thông trên hệ thống TEMIS.
Với những điểm mới sửa đổi, Thông tư 08 thể hiện khá rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các bộ ban ngành liên quan đối với quyền lợi, chính sách và lợi ích của cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành, nhận được sự hoan nghênh đặc biệt của đông đảo thầy cô giáo trên cả nước. Đa số thầy cô đều bày tỏ sự phấn khởi vì thông tư đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ, giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.
Đặc biệt, với quá trình xếp lương tương ứng với hạng CDNN được bổ nhiệm theo Thông tư 08, số đông thầy cô giáo cả nước có sự cải thiện đáng kể về tiền lương, nhất là đội ngũ giáo viên trẻ. Theo đó, quá trình xếp lương theo quy định mới, nếu giáo viên được chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới thì gần như lương giáo viên nào cũng tăng hệ số lên cao so với trước.
Những giáo viên được tăng thấp nhất là hệ số 0,01 - từ 3,99 lên 4,0; giáo viên đang hưởng lương bậc 4, 5, 6 - hệ số 3,33 - 3,67 - 3,99 đều được lên bậc 1 - hệ số 4.0, tương đương với việc tăng trước hạn từ 1 - 2 bậc lương so với trước đây. Ngay cả những giáo viên xuống hạng, từ hạng II cũ sang hạng II mới thì hệ số lương vẫn như hiện nay. Đáng chú ý, so với Thông tư số 02-03/2021/TT-BGDĐT thì nhiều giáo viên tiểu học, THCS mới được tuyển dụng, có trình độ từ trên đại học (thạc sĩ trở lên) sẽ được xếp ngay vào hệ số lương 4,0 (trước đây là 2,34).
Đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy, cô giáo chính là những nhân tố trực tiếp quyết định việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành Giáo dục. Trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực triển khai Chương trình GDPT 2018 nhưng thiếu trên 100 nghìn giáo viên, riêng năm 2022 có hơn 16 nghìn thầy cô bỏ việc, thì những điểm mới của Thông tư 08 càng có ý nghĩa đặc biệt.
Không chỉ góp thêm chất xúc tác tạo động lực quan trọng để đội ngũ nhà giáo tiếp tục nỗ lực nâng cao trình độ, cống hiến khả năng, tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, những chính sách mới theo Thông tư 08 còn kỳ vọng tăng sức hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành sư phạm.