Giao lưu trực tuyến 'Cảm ơn người mẹ thứ hai'

GD&TĐ - 'Cảm ơn người mẹ thứ hai' là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ Ba ngày 7/3/2023.

Giao lưu trực tuyến 'Cảm ơn người mẹ thứ hai'

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

- Cô Chu Thanh Nu, Giáo viên Trường Mầm non xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Có lẽ trong cuộc đời của mỗi người, ngoài cha mẹ là những bậc sinh thành thì cô giáo chính là người mẹ thứ hai. Những nhà giáo đã dẫn dắt, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ học trò.

Ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai hay Lai Châu, phụ huynh gần như “khoán trắng” con cái cho thầy cô từ học hành đến miếng ăn, giấc ngủ. Không muốn trò thất học, ngoài dạy chữ trên lớp, giáo viên còn đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em đến trường. Nhà nghèo, miếng ăn và cái mặc học sinh còn thiếu nên nhà trường, giáo viên đi kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, hỗ trợ. Để giữ chân trò ở trường và giúp các em tự lập trong cuộc sống, các cô còn dạy cho học sinh của mình từ những điều nhỏ nhặt nhất, như: Vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn…

Tại buổi giao lưu, khách mời cùng chia sẻ những câu chuyện, nỗi khó khăn vất vả hay niềm vui giản đơn khi chu toàn từ miếng ăn đến giấc ngủ cho học sinh người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, chất lượng giáo dục vùng khó ngày một nâng cao.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.comhoặc tương tác qua Facebook của Báo https://www.facebook.com/giaoducthoidai.

Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai

Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Giáo viên Trường MN xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu

Bạn đọc

Bạn manhdung@...:

Thưa cô, với điều kiện của địa phương và nhà trường, cô có mong muốn gì cho học sinh của mình, đặc biệt ngày 8/3 đang cận kề ?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng chăm lo cho học sinh như con của mình.
Cô Nguyễn Thị Phượng chăm lo cho học sinh như con của mình.

Ngày 8/3 sắp đến nhưng tôi chẳng mong ước gì cho bản thân mình. Địa phương cũng như nhà trường thuộc diện vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, do đó tôi mong muốn nhà nước, các cấp lãnh đạo tạo mọi điều kiện về chính sách đối với các em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó giúp các em được đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở… khi đến trường.

Bạn đọc

Bạn Nhật Hà - Bắc Kạn:

Khó khăn, vất vả trên hành trình dạy chữ cho học trò, bản thân cô mong muốn nhận lại gì từ phụ huynh và học sinh nơi này?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Đối với bản thân tôi niềm vui, hạnh phúc lớn nhất là học sinh đến trường đủ đầy và không có em nào nghỉ hay bỏ học giữa chừng. Bên cạnh đó, các em ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và cố gắng học con chữ.

Tôi cũng mong rằng, học sinh có đủ cơm ăn 3 bữa, áo ấm mặc vào mùa đông hay những ngày lạnh giá. Bản thân tôi luôn hy vọng các em sẽ biết con chữ để sau này học lên cao, từ đó mới có cơ hội thoát nghèo và phát triển quê hương.

Tôi tin rằng, với những giáo viên vùng cao khác cũng sẽ hạnh phúc khi học sinh của mình được đến trường học chữ.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Mai:

Tôi đọc được không ít tâm sự của nhà giáo công tác ở vùng khó khi nhiều năm liền không biết đến ngày 8/3, 20/11. Vậy nơi cô công tác thế nào? Kỷ niệm khiến cô nhớ mãi?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Nhờ tận tình chăm sóc trẻ, cô Nu được trẻ và phụ huynh quý mến.

Nhờ tận tình chăm sóc trẻ, cô Nu được trẻ và phụ huynh quý mến.

Nơi tôi công tác cũng như rất nhiều các thầy cô ở các vùng đặc biệt khó khăn khác, trước đây do điều kiện kinh tế phụ huynh còn khó khăn, cũng chưa dành sự quan tâm cho các thầy cô nhân ngày 8/3 hay 20/11...

Nhưng bù lại, phụ huynh thường mang tặng thầy cô gói cơm xôi màu, trứng nhuộm, bánh dày, miếng thịt mỡ nhân ngày Tết của dân tộc hay ngày cúng bản, cúng rừng.

Những món quà nhỏ không giá trị về mặt vật chất nhưng tình cảm của phụ huynh và học sinh chính là điều mà chúng tôi luôn trân trọng. Đơn giản thế thôi cũng đã làm cho tôi và những giáo viên công tác ở đây rất vui rồi.

Kỷ niệm làm cho tôi nhớ mãi là vào dịp 20/10 vừa qua, tôi được một vài phụ huynh cùng con mang đến lớp tặng cho bó hoa và chiếc bánh kem nhỏ bằng bát con. Mặc dù bó hoa chỉ có 1 bông hoa tự làm từ giấy ăn nhưng từng đó đủ làm tôi ấm lòng.

Tôi sẽ luôn cống hiến hết mình, chăm sóc trẻ thật tốt để xứng đáng với tình cảm đó.

Bạn đọc

Bạn letranhaison@...:

Ngày 8/3 đang đến gần, ở những vùng sâu vùng xa học sinh thể hiện tình cảm như thế nào đối với cô và những nữ giáo viên của trường?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì những dịp lễ như Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 quà là điều gì đó rất xa xỉ.

Thế nhưng chúng tôi vẫn rất vui khi học sinh nhớ và hiểu được ý nghĩa của những ngày lễ này. Vào những ngày ấy, hoa rừng, rau củ… là món quà to lớn mà tôi và giáo viên nơi này hạnh phúc nhận được.

Bạn đọc

Bạn Khánh Hòa:

Trường học có nhiều học sinh dân tộc thiểu số luôn coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Như trường tôi dạy, học sinh được khuyến khích mặc trang phục truyền thống, trò chơi dân gian… trong giờ học, hoạt động nhất định. Vậy với trẻ nhà trẻ, công việc trên thực hiện thế nào?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Trường Mầm non xã Thu Lũm thường xuyên mời các nghệ nhân về dạy những điệu múa dân gian truyền thống của dân tộc cho trẻ.

Trường Mầm non xã Thu Lũm thường xuyên mời các nghệ nhân về dạy những điệu múa dân gian truyền thống của dân tộc cho trẻ.

Việc giáo dục dân tộc luôn được nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao, các nhóm lớp đều lựa chọn lồng ghép trò chuyện về trang phục Hà Nhì, Dao, La Hủ.

Đối với điểm trung tâm, đa số trẻ đều là người Hà Nhì nên chúng tôi dạy múa, hát, chơi trò chơi dân gian của dân tộc mình một cách phù hợp theo thời điểm. Bên cạnh đó, sau giờ thể dục sáng hàng ngày hoặc các ngày hội, ngày lễ của dân tộc, nhà trường đều duy trì múa xòe Hà Nhì, mặc trang phục Hà Nhì 1 - 2 lần trong tuần.

Với nhà trẻ, thì tôi phối hợp với phụ huynh để thực hiện giáo dục bản sắc dân tộc cho trẻ, vì thế cơ bản không có gì khó khăn trong việc này. Mọi hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được tôi thực hiện duy trì như các lớp khác.

Bạn đọc

Bạn Thành An:

Nhân ngày 8/3, cô có mong ước gì cho bản thân, đồng nghiệp? Có đề xuất gì cho học trò của mình?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Cô Nu mong muốn trẻ nhà trẻ ở thôn bản đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền học phí.

Cô Nu mong muốn trẻ nhà trẻ ở thôn bản đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền học phí.

Nhân ngày 8/3, tôi có mong ước bản thân và đồng nghiệp luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để cùng cống hiến cho sự nghiệp trồng người, tiếp tục dành sự tâm huyết của mình cho học sinh thân yêu nơi vùng cao biên giới.

Giáo viên mầm non quá vất vả, ngoài việc hàng ngày đến lớp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ thời gian đi làm từ sáng sớm đến chiều tối muộn, buổi trưa thì phải trực trông học sinh ngủ. Trước khi đón trẻ phải đến sớm trước 15 phút để vệ sinh, thông thoáng phòng lớp học và sau khi trả trẻ đều phải ở lại vệ sinh, lau dọn xong mới được về. Nói chung, chúng tôi như những “người mẹ thứ hai” của trẻ nên muốn dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho các con.

Thời gian làm việc hầu như nhiều hơn số giờ quy định nhưng hệ số lương hiện nay thấp nhất so với các bậc học. Cũng từ khó khăn đó, tôi mong muốn sẽ có những chính sách đãi ngộ riêng giáo viên mầm non để xứng đáng với thời gian, công sức của các thầy cô đã cống hiến.

Đối với học sinh của trường mầm non xã Thu Lũm, đa số đều là con hộ nghèo, cận nghèo và ở bản đặc biệt khó khăn. Mặc dù khó khăn là thế nhưng học sinh của tôi ở nhà trẻ (2 tuổi) đang phải đóng học phí 100% là 50.000 đồng/ tháng. Tôi mong muốn các con sẽ được miễn, giảm học phí như các anh chị mẫu giáo.

Nhân đây tôi cũng mong sẽ có được nhiều sự quan tâm của phụ huynh, các nhà hảo tâm ủng hộ thêm chút kinh phí cho các con để cải thiện bữa ăn và tránh tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ vùng cao.

Bạn đọc

Bạn Mai Anh - Hải Dương:

Thưa cô, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bên cạnh việc dạy chữ cho học trò, nhà trường có những hoạt động gì nhằm giúp học sinh gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Học sinh của trường đa số là người dân tộc thiểu số.
Học sinh của trường đa số là người dân tộc thiểu số.

Ở huyện vùng sâu, vùng xa với học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, việc dạy chữ cho các em được yêu tiên và đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, trong những buổi hoạt động ngoại khoá hoặc trong tiết Giáo dục địa phương nhà trường thường xuyên lồng ghép, tổ chức nhiều hoạt động để giúp trẻ biết và gìn giữ văn hoá địa phương, như: Hội chợ, văn nghệ lồng ghép múa xoang, tìm hiểu lễ hội văn hoá…

Bạn đọc

Bạn lehong87@...:

Thưa cô, theo tôi được biết dù không phải là trường nội trú nhưng đơn vị tổ chức cho học sinh ăn, ở tại trường thứ thứ 2 đến thứ 6. Vậy, tại sao nhà trường lại triển khai hoạt động này và cái khó khăn nhất mà đơn vị, giáo viên gặp phải khi giữ chân học sinh ở trường?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Bữa ăn bán trú của học sinh.
Bữa ăn bán trú của học sinh.

Tuy không phải là trường nội trú, nhưng đơn vị vẫn tổ chức, lo ăn, ở cho 130 học sinh bán trú vì địa bàn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa và học sinh nơi đây đa số là người dân tộc thiểu số Ba Na.

Bên cạnh đó, trường có 3 điểm lẻ cách trường chính từ 7 đến 8 km. Các em hay theo bố mẹ lên nương rẫy nên công tác duy trì sĩ số học sinh ở điểm trường lẻ không đảm bảo. Chính vì thế, với lương tâm của một người Hiệu trưởng, tôi luôn trăn trở và tìm đến “Chương trình dự án Nuôi em”, hỗ trợ 17.000 đồng/em/ngày với mong muốn duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục cho các em.

Tuy nhiên, về lâu về dài nếu không còn nhận được sự hỗ trợ từ dự án thì khó có thể giữ chân được học sinh ở trường.

Bạn đọc

Bạn Giang Thanh:

Ở trường vùng khó, bữa ăn bán trú là một trong điểm cộng thu hút trẻ đến trường. Tôi băn khoăn không biết ở nơi xa xôi, cách trở, khẩu phần ăn được nhà trường áp dụng như thế nào để đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu cho trẻ ăn.

Cô Chu Thanh Nu cho trẻ ăn.

Hiện tại, trẻ mẫu giáo của trường được hỗ trợ tiền ăn theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP với mức 160.000 đồng/tháng. Trẻ nhà trẻ được hỗ trợ 149.000 đồng/tháng theo định mức hỗ trợ tại Nghị quyết 11/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu.

Nhà trường tổ chức nuôi ăn bán trú 100% trẻ đến trường. Trẻ sẽ được ăn 2 bữa mỗi ngày (bao gồm bữa chính vào buổi trưa và bữa phụ vào buổi chiều). Ban giám hiệu đã chỉ đạo bộ phận nuôi dưỡng bán trú xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, xây dựng thực đơn theo mùa, lựa chọn thực phẩm đảm bảo.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác lưu mẫu thực phẩm, nấu ăn bán trú đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khẩu phần ăn của trẻ thường xuyên thay đổi phù hợp với thực tế, điều kiện địa phương. Thực đơn được thay đổi phong phú theo mùa, theo tháng và theo tuần phù hợp với độ tuổi của con. Nhà trường kết hợp giữa các nhóm thực phẩm cung cấp chất bột đường với chất đạm, béo, vitamin.

Bên cạnh chế độ của nhà nước hỗ trợ ăn trưa tại trường, nhà trường thường xuyên vận động phụ huynh ủng hộ thêm củi, gạo, rau xanh để cải thiện bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.

Bạn đọc

Bạn Bảo Khánh:

Việc sử dụng song ngữ trong dạy trẻ người dân tộc thiểu số rất quan trọng, vậy cô đã linh hoạt như nào để dạy tiếng Việt cho trẻ?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Trường Mầm non xã Thu Lũm tạo môi trường cho trẻ học tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi.

Trường Mầm non xã Thu Lũm tạo môi trường cho trẻ học tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi.

Bản thân tôi là người Hà Nhì và dạy trẻ người Hà Nhì nên thuận lợi trong việc sử dụng song ngữ trong dạy tiếng Việt cho trẻ. Trong các hoạt động hàng ngày, tôi thường xuyên sử dụng đồng thời ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của trẻ và tiếng Việt để trò chuyện, dạy trẻ nhận biết tập nói mọi lúc, mọi nơi.

Thông qua các hoạt động vui chơi, chúng tôi cũng lồng ghép để dạy kiến thức, kỹ năng cho trẻ. Tôi gắn từ tiếng Việt kèm tiếng mẹ đẻ vào tên một số đồ dùng, đồ chơi, các loại rau, củ, quả… để trẻ nhận biết và làm quen với tiếng Việt.

Tôi đang dạy lớp nhà trẻ nên việc dạy tiếng Việt cho trẻ cũng tập trung vào những từ đơn giản để trẻ nói ra những nhu cầu cá nhân của mình. Sau khi giải thích cho trẻ hiểu kiến thức mới bằng tiếng mẹ đẻ, tôi phiên âm sang tiếng Việt ngay để trẻ dễ hiểu và ghi nhớ. Ví dụ như các từ: “Á Ma - Mẹ”; “Á Pa - Bố”; “À Pó - Ông”; “Á hò chà - Ăn cơm”, “Ú trụ tó - Uống nước”; “Xù gà tù í - Đi học”…

Bạn đọc

Bạn Khoa Nguyên – Hà Tĩnh:

Đối với cấp Tiểu học, việc các em xa gia đình cả tuần là điều rất khó khăn, vậy giáo viên đã làm gì để dỗ dành học sinh ăn, ngủ, sinh hoạt, giúp trò vơi bớt nỗi nhớ nhà?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Học sinh trồng và chăm sóc rau xanh tại trường.
Học sinh trồng và chăm sóc rau xanh tại trường.

Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cũng như giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào các buổi tối trong tuần.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đa dạng các hoạt động ngoại khóa, tạo ra sân chơi bổ ích nhằm giúp học sinh có hứng thú, yêu trường và yêu lớp hơn. Đồng thời, tổ chức tốt các buổi nói chuyện vào ban đêm với học sinh bán trú, nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em. Qua đó giáo dục học sinh về ý thức, trách nhiệm trong công tác tu dưỡng học tập tại trường cũng như trong quá trình sinh hoạt tại gia đình và ngoài xã hội.

Bạn đọc

Bạn Linh San:

Giáo dục toàn diện đề cao sự phối hợp của gia đình. Ở Thu Lũm, điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, sự phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục trẻ thế nào, thưa cô?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Ở Thu Lũm, dù điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn nhưng sự phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục trẻ được nhà trường và các nhóm lớp đặc biệt quan tâm.

Ban giám hiệu chỉ đạo chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về giáo dục mầm non, về quyền lợi, chế độ trẻ được hưởng khi đến trường lớp.

Phụ huynh người Hà Nhì tham gia dạy trẻ cùng với cô Chu Thanh Nu.

Phụ huynh người Hà Nhì tham gia dạy trẻ cùng với cô Chu Thanh Nu.

Chúng tôi phối hợp phụ huynh từ việc nuôi ăn bán trú (phụ huynh nộp củi, gạo, ngày công nấu ăn cho trẻ) cho đến tham gia lao động, tạo cảnh quan môi trường, ủng hộ nguyên vật liệu để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ tại nhóm lớp.

Phụ huynh cũng tham gia vào các hoạt động tại lớp cùng chăm sóc trẻ, tổ chức ăn trưa và tham gia vào hoạt động giáo dục về truyền thống địa phương như trò chuyện về trang phục, văn hóa, dạy múa, hát dân ca người Hà Nhì, tham gia các hoạt động trải nghiệm như làm bánh dày, nhuộm trứng…

Từ thực tế phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường nên tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp của xã Thu Lũm luôn đạt 100% chỉ tiêu giao.

Bạn đọc

Bạn levy@...:

Thưa cô, để học sinh phát triển toàn diện cả về phẩm chất và đạo đức không chỉ cần sự giáo dục của thầy, cô mà phụ huynh cũng có vai trò rất quan trọng. Vậy, cha mẹ học sinh nơi đây đã phối hợp với nhà trường như thế nào để giúp các em phát triển về trí tuệ, nhân cách?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Cô Nguyễn Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Để học sinh phát triển về năng lực và phẩm chất thì sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường rất quan trọng, cần thiết. May mắn, phụ huynh nơi đây cũng rất quan tâm đến việc học của con em mình.

Không chỉ ở trên trường, khi về nhà cha mẹ các em cũng thường xuyên nhắc nhở, động viên con học tập. Bên cạnh đó, một số phụ huynh có điều kiện cũng hỗ trợ kinh phí để nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khoá, thư viện xanh…

Đặc biệt, một số phụ huynh người dân tộc thiểu số cũng chủ động đưa – đón con đi học.

Bạn đọc

Bạn Liên Châu:

Quan điểm GDMN hiện nay: Lấy trẻ là trung tâm mọi hoạt động, trẻ mới ra lớp sẽ học và chơi, chơi mà học thế nào, thưa cô?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Trẻ đến trường được giáo viên dạy các kỹ năng chăm sóc bản thân.

Trẻ đến trường được giáo viên dạy các kỹ năng chăm sóc bản thân.

Ở cấp học mầm non, hoạt động chính của trẻ là “học mà chơi, chơi mà học”, vì thế giáo viên cần xây dựng đa dạng các hoạt động, giúp trẻ vừa lĩnh hội kiến thức xung quanh, vừa tạo hứng thú cho trẻ tham gia các hoạt động.

Theo chương trình giáo dục mầm non mới, dạy học lấy trẻ làm trung tâm tạo điều kiện cho mỗi trẻ được nêu ra ý kiến của riêng mình, từ đó trẻ có khả năng tự phát triển bản thân, hứng thú hơn trong việc học tập.

Giáo viên cho trẻ tự do khám phá đồ dùng, dụng cụ học tập, gợi hỏi ý kiến của trẻ con thích chơi gì? Con muốn chơi gì với quả bóng? Chơi như thế nào?... Giáo viên là người gợi ý qua đó cung cấp kiến thức, kỹ năng đúng cho trẻ.

Trẻ được tự học và khám phá tri thức dưới hướng dẫn của giáo viên.
Trẻ được tự học và khám phá tri thức dưới hướng dẫn của giáo viên.

Khi bé đến trường, ngoài nội dung chương trình học, trẻ sẽ được trang bị các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như kỹ năng giao tiếp với mọi người, kỹ năng tự lập để phục vụ bản thân, kỹ năng sinh hoạt trong môi trường tập thể… trẻ được học cách xây dựng các mối liên hệ mật thiết với các bạn khác trong lớp, học cách hợp tác, chia sẻ và cách ứng xử với mọi người xung quanh.

Bạn đọc

Bạn Bảo Sơn:

Đóng chân ở xã biên giới , Trường Mầm non xã Thu Lũm có ưu tiên tuyển GV người địa phương không? Qua thực tế công việc, cô thấy giáo viên bản địa có những thuận lợi gì khi giáo dục, chăm sóc trẻ?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Trường Mầm non xã Thu Lũm có 12 giáo viên là người dân tộc thiểu số.

Trường Mầm non xã Thu Lũm có 12 giáo viên là người dân tộc thiểu số.

Trường Mầm non xã Thu Lũm luôn tham mưu cho lãnh đạo cấp trên ưu tiên tuyển giáo viên người địa phương công tác tại địa bàn xã. Trường hiện có 14 giáo viên, trong đó có 12 giáo viên là người địa phương.

Qua thực tế công tác, tôi thấy giáo viên bản địa có rất nhiều thuận lợi khi giáo dục, chăm sóc trẻ. Vì cùng dân tộc, biết tiếng của trẻ, của phụ huynh, qua đó tôi hiểu được tâm tư nguyện vọng của phụ huynh và nhu cầu của trẻ. Từ đó, việc tuyên truyền vận động phụ huynh phối hợp trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ rất thuận lợi.

Đơn cử như trong dạy tiếng Việt cho trẻ, chúng tôi có thể kết hợp song ngữ để cung cấp kiến thức cho trẻ một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, trường hiện còn có 4 giáo viên dạy tại điểm bản của người La Hủ và người Dao. Do trẻ không cùng dân tộc, giáo viên chưa thành thạo tiếng của trẻ nên thời gian đầu năm, việc chăm sóc giáo dục, rèn nền nếp cho trẻ gặp nhiều khó khăn.

Bạn đọc

Bạn Hạnh Phúc – Sơn La:

Để chăm sóc học trò từ miếng ăn đến giấc ngủ, bản thân cô cũng như giáo viên trong trường sắp xếp công việc gia đình như thế nào nhằm chu toàn cả đôi bên?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Giáo viên kèm cặp, dạy học sinh đọc, viết.
Giáo viên kèm cặp, dạy học sinh đọc, viết.

Để không ảnh hưởng đến cuộc sống, bản thân tôi cũng như Hội đồng sư phạm nhà trường luôn cố gắng làm tốt công tác tư tưởng trong gia đình. Không những vậy, cố gắng dành thời gian và hoàn thành công việc của gia đình.

Ngoài ra, cũng thường xuyên chia sẻ để gia đình thấu hiểu, cảm thông và tạo điều kiện cho bản thân tôi cũng thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, giúp học sinh có một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Bạn đọc

Bạn Thành Đạt:

Em học Sư phạm Mầm non năm 2, qua những lần đi thực tế thấy việc học và làm rất khác nên đôi khi băn khoăn không biết mình có đáp ứng được yêu cầu công việc không. Xin cô chia sẻ bí quyết để trẻ nhanh chóng làm quen với trường, lớp?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Bạn đừng quá lo lắng về vấn đề này. Thực tế chăm sóc, giáo dục trẻ xảy ra rất nhiều tình huống sư phạm khác với kiến thức học ở giảng đường, đòi hỏi cần sự bình tĩnh và khéo léo xử lý. Bạn đang học năm 2, trước mắt bạn sẽ là những đợt kiến tập, thực tập để làm quen với trẻ, với trường lớp.

Trong những lần kiến tập, thực tập đó, bạn cần chủ động làm quen với mọi người, chủ động tìm hiểu công việc tại nơi thực tập, đề xuất và cùng làm việc với mọi người…

Việc chủ động sẽ giúp cho bạn hòa nhập được nhanh hơn trong môi trường mới. Những bài học nhỏ nhưng tích lũy dần sau thời gian thực tập sẽ trở thành hành trang quý báu để bạn vững vàng khi rời giảng đường để thực sự đến với nghề nuôi dạy trẻ.

Trẻ được tự tay làm những đồ chơi mình ưa thích sẽ hứng thú đến trường.

Trẻ được tự tay làm những đồ chơi mình ưa thích sẽ hứng thú đến trường.

Còn việc để trẻ nhanh chóng làm quen với trường lớp, theo tôi, mỗi giáo viên cần có lòng yêu nghề, yêu trẻ. Khi đón trẻ, giáo viên cần dùng tình cảm của người mẹ đối với con. Có thể bế ẵm, vỗ về, dùng ánh mắt, nụ cười để giúp trẻ cảm thấy yên tâm, từ đó tin tưởng và yêu quý cô, mong muốn được đến trường, lớp.

Thêm vào đó, giáo viên cần tìm hiểu về nhu cầu, tính cách của từng cháu qua trò chuyện, trao đổi với phụ huynh. Từ đó, nắm bắt cá tính riêng của từng trẻ để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Phải thường xuyên trò chuyện với trẻ, tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, kể chuyện, đọc thơ, múa hát, cho trẻ dạo chơi, thăm quan trường lớp, chơi đồ chơi... Đặc biệt, phải dạy trẻ nói tiếng Việt để giúp trẻ tự tin thể hiện nhu cầu và giao tiếp với cô và các bạn trong lớp. Thường xuyên khen ngợi động viên, khích lệ trẻ khi có những dấu hiệu tích cực, tiến bộ.

Bên cạnh đó, tích cực làm đồ dùng đồ chơi, trang trí trong và ngoài lớp học từ các nguyên vật liệu thiên nhiên, thân thiện gần gũi, tạo môi trường lớp học xanh, sạch, đẹp, an toàn với trẻ.

Bạn đọc

Bạn Ngoctrinh1207@...:

Việc tổ chức cho học sinh ăn, ở tại trường đã mang lại những hiệu quả gì trong việc duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

130 học sinh của Trường Tiểu học Sơn Lang ở lại bán trú nhờ sự hỗ trợ từ Dự án "Nuôi em".
130 học sinh của Trường Tiểu học Sơn Lang ở lại bán trú nhờ sự hỗ trợ từ Dự án "Nuôi em".

Để làm tốt công tác duy trì sĩ số, từng bước nâng cao chất lượng, đặc biệt đối với học sinh dân tộc thiểu số thì đội ngũ giáo viên nhà trường phải áp dụng nhiều cách làm hay, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm chính là những người thầy, người cha, người mẹ thứ 2 của học sinh. Họ phải luôn quan tâm sâu sát, biết rõ hoàn cảnh từng em để kịp thời động viên, giúp đỡ.

Tại Trường Tiểu học Sơn Lang, nhiều năm qua, công tác chủ nhiệm đã phát huy tối đa hiệu quả. Xác định nhiệm vụ duy trì sĩ số học sinh luôn đi trước nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, do đó tập thể sư phạm nhà trường luôn nỗ lực hết mình để các em thấy được tấm lòng của thầy cô mà cố gắng đến trường, cố gắng học tập.

Ngoài ra, nhà trường rút kinh nghiệm từ những cuộc vận động, duy trì sĩ số trước đó để nâng cao hiệu quả việc đưa học sinh ra lớp. Đồng thời, chủ động xây dựng những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục nhà trường và tổ chức giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Về việc nâng cao chất lượng giáo dục, đây là công tác trọng tâm của nhà trường, thể hiện rõ vai trò uy tín của người giáo viên. Để làm được điều này đòi hỏi sự nỗ lực của giáo viên, nhà quản lý giáo dục phải nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trước xã hội, nhân dân.

Ngoài ra, công tác bồi dưỡng phụ đạo cho học sinh cũng được nhà trường chú trọng và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc như giờ học chính khóa. Đặc biệt, nhà trường làm tốt công tác thi đua khen thưởng, động viên sự phấn đấu của giáo viên và học sinh.

Bạn đọc

Bạn Mỹ Hà – Đăk Lăk:

Thời gian qua , nhiều địa phương đã đạt chuẩn Nông thôn mới , trong đó có nơi tôi công tác . Kéo theo đó, nhiều học sinh không còn được hưởng các chế độ bán trú, bảo hiểm y tế… Vậy trường Sơn Lang có chung hoàn cảnh không? Nhà trường triển khai những phương án nào để giữ chân học sinh?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng chăm lo từng bữa ăn cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Phượng chăm lo từng bữa ăn cho học sinh.

Trước đây, mỗi năm học nhà trường có khoảng 100 học sinh có chế độ và ở lại bán trú. Tuy nhiên, đến năm 2021, khi xã đạt Nông thôn mới, các em không còn được hưởng chế độ bán trú nữa. Do đó, các em về học tại 2 điểm trường ở làng Đăk Asên và Srắt, cách trường chính khoảng 8km.

Nhưng khi về làng, học sinh thường xuyên nghỉ học và theo bố mẹ lên nương rẫy. Chính vì vậy, giáo viên thường xuyên đến nhà, nương rẫy tuyên truyền và đưa trò ra lớp.

Đến tháng 1/2022, được sự quan tâm của Dự án “Nuôi em”, 130 em lại tập trung về trường và ăn ở bán trú từ thứ 2 đến thứ 6.

Theo đó, mỗi ngày các em được hỗ trợ 17.000 đồng/em nên cũng đỡ vất vả trên chặng đường học chữ. Ngoài ra, học sinh cũng được UBND huyện Kbang trợ cấp gạo, còn giáo viên hỗ trợ chăm lo cho trẻ từ việc vệ sinh cá nhân và ăn, ngủ mỗi ngày. Chính vì vậy, tỷ lệ chuyên cần ngày càng được nâng lên.

Bạn đọc

Bạn Tuấn Hải:

Con tôi rất sợ và thường hay khóc khi đến trường. Tôi phải làm sao để con bớt bám mẹ, thưa cô?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Hoảng sợ và khóc khi đến trường mầm non là dấu hiệu tâm lý bình thường của trẻ mới tách khỏi môi trường gia đình để tham gia vào môi trường học tập ở trường, lớp.

Để giúp trẻ vượt qua khoảng thời gian khó khăn này, bạn nên cân nhắc độ tuổi và mức độ gắn bó tình cảm của trẻ đối với gia đình, ba mẹ để quyết định thời điểm nên cho trẻ đến trường khi nào.

Cô Chu Thanh Nu - Giáo viên Trường MN xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Cô Chu Thanh Nu - Giáo viên Trường MN xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Bạn có thể đưa con đến trường chơi vài ngày trước khi bé đi học chính thức để tạo cho trẻ cảm thấy trường học là nơi rất quen thuộc với trẻ. Điều này sẽ làm cho trẻ quên đi sợ hãi khi rời bố mẹ và trẻ sẽ nhanh chóng làm quen trường lớp.

Bạn cần trò chuyện với trẻ, cho trẻ biết đến trường sẽ rất vui và có thêm nhiều bạn mới, nhiều trò chơi mới. Khi đến trường, các con sẽ có nhiều bạn chơi cùng rất vui, con sẽ được cô giáo dạy hát, dạy đọc thơ... Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy tháo hức làm quen với môi trường mới.

Trước khi đưa trẻ vào lớp, bạn nên chơi trò chơi cùng trẻ dưới sân trường. Tương tự, khi đón trẻ về cũng vậy, hãy dành thời gian chơi cùng bé và đưa bé đi thăm thú mọi thứ xung quanh để tạo cho bé sự thân thiện và gần gũi về ngôi trường mà mình học.

Khi đưa trẻ đến lớp nên tạm biệt, cần ôm trẻ và hứa sẽ quay lại đón trẻ trước khi ra về nhằm tạo tâm lý ổn định cho trẻ. Bởi nhiều trẻ thường có ý nghĩ bị bố mẹ mang mình đến trường và bỏ lại nên luôn khóc và tìm cách níu kéo.

Nếu trẻ khóc quấy khi bạn rời trẻ, cũng đừng quá lo lắng. Hầu hết trẻ em đều ngưng khóc sau khi bố mẹ đi khuất khỏi tầm nhìn của trẻ. Bố mẹ càng ở lại lâu, trẻ sẽ khóc lâu hơn và nhiều hơn, giáo viên cũng sẽ khó tiếp cận và làm quen được với trẻ trong khi trẻ khóc.

Và điều cuối cùng, bạn nên tin tưởng vào các giáo viên. Chúng tôi xác định gắn bó với nghề, với trẻ thì sẽ luôn dành tình cảm để chăm sóc, giáo dục trẻ như những đứa con của mình.

Bạn đọc

Bạn trananh@...:

Việc dạy tiếng Việt cho trẻ đã khó, đặc biệt đối với học sinh người dân tộc thiểu số, vậy nhà trường đã có những phương án, cách làm hay nào giúp các em học tốt và ghi nhớ tiếng phổ thông. Mong cô chia sẻ để người làm nghề giáo như tôi có thể học hỏi, trau dồi?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang.
Học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang.

Việc dạy tiếng Việt cho trẻ đã khó, đặc biệt đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề và tình thương dành cho học sinh, giáo viên chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực để các em được phát triển toàn diện.

Để học sinh dễ dàng học tiếng phổ thông, nhà trường phối hợp với trường mẫu giáo, phụ huynh tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, động viên, tạo mọi điều kiện để học sinh dân tộc thiểu số giao tiếp nhiều với giáo viên, bạn bè bằng tiếng phổ thông.

Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm là người luôn gần gũi, nắm bắt và chia sẻ tâm tư, tình cảm để học trò khỏi mặc cảm, tự ti. Ngoài ra, các lớp và nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động “học mà chơi” để trẻ giao lưu và tăng cường vốn tiếng Việt.

Bạn đọc

Bạn Tuyết Mai:

Là giáo viên mầm non, được phân công dạy lớp nhà trẻ, cô cho biết dạy trẻ lần đầu tiên ra lớp gặp phải những khó khăn gì?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu (áo dài) đón trẻ vào lớp.

Cô Chu Thanh Nu (áo dài) đón trẻ vào lớp.

Năm học 2022 – 2023, dưới sự phân công của Ban giám hiệu nhà trường, tôi được chủ nhiệm lớp nhà trẻ với tổng số 17 học sinh. Tất cả đều là học sinh mới mà năm nay tôi đón nhận.

Khi đón trẻ lần đầu tới trường, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn như phụ huynh chưa hiểu cô giáo nên còn lo lắng, e ngại khi gửi con cho cô. Trẻ mới ra lớp những buổi đầu còn quấy khóc rất nhiều và không muốn đi học, các bạn ấy cứ đòi về và không chịu ngủ trưa tại lớp… Khi tham gia các hoạt động trên lớp, các cháu rất nhút nhát và thậm chí còn không chú ý vào hoạt động và hướng dẫn của cô.

Mặt khác, 100% trẻ là người dân tộc thiểu số, đa số phụ huynh không biết tiếng Việt nên chỉ dạy cho con tiếng mẹ đẻ. Vì thế, khi trẻ đến lớp sẽ không có hoặc có rất ít vốn từ tiếng Việt. Điều đó làm cho tôi gặp nhiều khó khăn trong việc truyền thụ kiến thức của chương trình giáo dục mầm non cho trẻ. Chính vì vậy, tôi phải dành nhiều thời gian hơn vừa dạy nói tiếng mẹ đẻ vừa cung cấp vốn từ và kiên trì dạy trẻ nói tiếng Việt.

Bạn đọc

Bạn Hoàng Mai – Hà Nội:

Trong thời gian gắn bó với giáo dục vùng khó, có những câu chuyện nào khiến cô xúc động, nhớ mãi không quên?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Giáo viên đến từng nhà vận động học sinh ra lớp vào buổi tối, nhưng nhiều em khóc hay bỏ chạy chẳng chịu đi.
Giáo viên đến từng nhà vận động học sinh ra lớp vào buổi tối, nhưng nhiều em khóc hay bỏ chạy chẳng chịu đi.

Hơn 30 năm gắn bó với giáo dục vùng khó có rất nhiều câu chuyện khiến tôi xúc động và nhớ mãi đến tận bây giờ. Thế nhưng trên chặng đường ấy, những lần băng rừng, lội suối đến tận đêm mà vẫn chưa tìm và đưa được học sinh ra lớp là kỉ niệm để lại nhiều ấn tượng và khiến tôi mãi không quên. Một trong những lần đi vận động đoàn chúng tôi gặp cơn lũ lớn về bất chợt. Khi đó nước dâng cao mọi người không thể lội qua suối để về trường nên đành quay lại xin ở nhờ nhà đầm của người dân đến khi nước rút mới về. Dù vất vả cũng không kém phần nguy hiểm nhưng mọi người luôn bên cạnh, động viên nhau cố gắng vì tương lai học trò.

Bạn đọc

Bạn nguyenhaiduong@...:

Được biết, Trường Tiểu học Sơn Lang là một trong những ngôi trường thuộc huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai, vậy ở nơi đây thầy và trò gặp những khó khăn gì? Mong cô chia sẻ?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Giáo viên trường Tiểu học Sơn Lang vào tận làng, lên nương rẫy vận động, đưa trò đến lớp học.

Giáo viên trường Tiểu học Sơn Lang vào tận làng, lên nương rẫy vận động, đưa trò đến lớp học.

Ở huyện vùng sâu, vùng xa Kbang mặc dù đời sống của người dân và học sinh còn nhiều khó khăn nhưng đa số các em rất ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô và chăm chỉ học tập.

Thế nhưng vẫ có một số em cá biệt, “ngại” đến lớp hay ngày mùa thường lên nương rẫy rồi ở lại với cha mẹ. Có những nương rẫy, nhà đầm (chòi rẫy) cách trường 10-15km nên mỗi lần đi vận động, đưa học sinh ra lớp rất khó khăn, vất vả. Một phần vì đường xa, dốc cheo leo, không những vậy một số em khi thấy giáo viên đến nhà thì bỏ chạy.

Chính vì vậy, giáo viên phải đi tuyên truyền, vận động nhiều lần mới gặp được phụ huynh, học sinh.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, xã đạt chuẩn Nông thôn mới, kéo theo đó học sinh và giáo viên bị cắt giảm nhiều chế độ.

Vừa qua, Dự án “Nuôi em” hỗ trợ cho 130 học sinh của trường với kinh phí 17.000 đồng/em/ngày. Học sinh ở bán trú, đồng nghĩa với việc ngoài giờ dạy trên lớp giáo viên phải lo cho các em ăn uống, sinh hoạt và ở lại trường… từ thứ 2 đến thứ 6 nên rất vất vả.

Tuy chăm sóc cho học sinh bán trú nhưng thầy, cô lại không có chế độ nên cũng rất thiệt thòi. Do đó, nhà trường rất mong sẽ có chính sách hỗ trợ để động viên, khích lệ tinh thần giáo viên.

Bạn đọc

Bạn Hồng Thi - Tiền Giang:

Giữa vô số những ngành nghề khác tại sao cô lại chọn nghề giáo?
Cô Nguyễn Thị Phượng

Cô Nguyễn Thị Phượng

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang vẫn còn nhiều khó khăn.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang vẫn còn nhiều khó khăn.

Nếu đánh giá một cách công bằng thì ngành nghề nào cũng cao quý và có một ý nghĩa nhất định đối với xã hội.

Riêng với bản thân tôi, nghề giáo là một nghề cao quý hơn hẳn vì đã góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ có trí thức, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, có vai trò quan trọng đến sự phát triển của xã hội, đất nước. Đồng thời, không gì có thể đong đếm được công lao, sự hy sinh vất vả của những người thầy, người cô trong sự nghiệp trồng người.

Giáo viên được xem là một nghề vinh quang, do đó để trở thành người thầy, cô chân chính, bản thân phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập và nâng cao trình độ của mình.

Bên cạnh đó phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức, bản lĩnh, tính nhẫn nhịn và không được cho phép bản thân nóng nảy, gây tổn thương học trò. Khi trở thành giáo viên, mỗi người phải trau dồi bản thân, luôn thương yêu và dìu dắt học sinh vượt khó vươn lên trong học tập.

Bạn đọc

Bạn Chính Thắng:

Dạy học ở xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè, xin cô chia sẻ đôi nét về ngôi trường mình đang công tác?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Cơ sở vật chất ở điểm trung tâm trường Mầm non xã Thu Lũm đã được xây dựng khang trang.

Cơ sở vật chất ở điểm trung tâm trường Mầm non xã Thu Lũm đã được xây dựng khang trang.

Trường mầm non xã Thu Lũm được thành lập năm 2005, đứng chân trên địa bàn xã Thu Lũm, một xã biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trường có 100% đồng bào dân tộc thiểu số Hà Nhì, La Hủ và Dao sinh sống trên địa bàn.

Trải qua gần 18 năm trưởng thành và phát triển, cơ sở vật chất của nhà trường ngày một khang trang, có đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị dạy học tối thiểu.

Môi trường trong và ngoài lớp học được nhà trường quan tâm xây dựng theo hướng lấy trẻ làm trung tâm phù hợp bối cảnh địa phương. Hằng năm, nhà trường đều đạt trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích và đạt đơn vị văn hóa được UBND huyện công nhận.

Năm học 2019 – 2020, trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục Cấp độ 2, Trường Chuẩn quốc gia Mức độ 1, đạt Chuẩn trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, nhà trường nhiều năm liền đạt LĐTT được UBND huyện tặng Giấy khen.

Trường cũng đạt tập thể Lao động xuất sắc được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua. Nhiều đồng chí cán bộ giáo viên, nhân viên đạt Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND huyện công nhận, tặng giấy khen và UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Năm học 2022 – 2023, nhà trường có 9 nhóm lớp với 190 trẻ. Các lớp được bố trí tại 8 điểm bản, trong đó có 53 trẻ từ 24 – 36 tháng tuổi. Nhà trường có 1 lớp nhà trẻ độc lập với 17 trẻ, còn lại các bé nhà trẻ ở tại các lớp ghép 4 độ tuổi (từ 2 - 5 tuổi).

Bạn đọc

Bạn Ngọc Hồi:

Nghề giáo vốn vất vả, dạy học ở vùng khó, công việc chắc chắn khó khăn gấp bội, cô đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu như thế nào?
Cô Chu Thanh Nu

Cô Chu Thanh Nu

Sinh ra trong một gia đình nghèo, tôi sớm phải gánh vác việc gia đình nhưng bản thân vẫn luôn theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo mầm non, được gần gũi và dạy học cho các em nhỏ. Tốt nghiệp ra trường năm 2008, tôi được phân công công tác đúng nơi tôi sinh ra và lớn lên - trường Mầm non Thu Lũm, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Trung tâm xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Trung tâm xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Từ ngôi trường đầu tiên ấy, tôi bắt đầu trải nghiệm những tháng ngày làm cô nuôi dạy trẻ với biết bao bỡ ngỡ. Mặc dù vậy, nhận được nhiều sự giúp đỡ của các cô, các chị em đồng nghiệp, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Gia đình ủng hộ và yêu thương, động viên đã tiếp thêm động lực để tôi làm tốt nhiệm vụ của mình. Tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian cân đối, vừa dành thời gian cho gia đình, song tôi luôn dành thời gian thức khuya dậy sớm tập trung cho chuyên môn. Cùng với đó, tôi luôn tìm tòi, học hỏi để có chất lượng bài dạy hay nhất, sinh động nhất, lấy tình yêu dành cho trẻ làm động lực để làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.