Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tư vấn tâm lý cho HS là sự hỗ trợ tâm lý, giúp HS nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn HS gặp phải khi đang học tại nhà trường.
Tham vấn tâm lý cho HS là sự tương tác, trợ giúp tâm lý, can thiệp (khi cần thiết) của CB, GV tư vấn đối với HS khi gặp phải tình huống khó khăn trong học tập, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ với người khác hoặc nhận thức bản thân, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự lựa chọn và thực hiện quyết định trong tình huống đó.
Để thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường, nhà trường phải bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn. Thêm vào đó, các trường phải có tổ tư vấn, hỗ trợ HS và bố trí CB, GV kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, công tác tư vấn tâm lý học đường ngoài cách tiếp cận truyền thống như tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn thì nhiều trường học đã thực hiện tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác. Điều này giúp tăng cường phạm vi tư vấn, giúp các em tự tin, cởi mở chia sẻ những vướng mắc đang gặp phải trong cuộc sống.
Khách mời của chương trình gồm:
TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục;
ThS Phạm Bích Diệp, cán bộ tham vấn học đường, Trường THCS-THPT Ban Mai, Hà Nội
Cô giáo Trần Thị Dung Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đài, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.
Cô Trần Thị Dung Huế
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đài, Thạch Hà, Hà Tĩnh
ThS Phạm Bích Diệp
Cán bộ tham vấn học đường, Trường THCS-THPT Ban Mai, Hà Nội
TS Hoàng Trung Học
Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục
Cô Trần Thị Dung Huế
Giáo viên, học sinh trường nghỉ học liên tiếp 2 đợt lũ, nhà trường đã tổ chức thăm hỏi gia đình cán bộ giáo viên bị ngập lụt nặng, thông báo các lớp lập danh sách bị thiệt hại để hỗ trợ. Việc này chúng tôi đã thực hiện rất kịp thời.
Theo đó, cán bộ, giáo viên và những học sinh bị ảnh hưởng lũ lụt đều đã được lập danh sách đề xuất hỗ trợ. Những phần quà hỗ trợ đã đến với gia đình học sinh, đồng thời công đoàn nhà trường đã phát động những gia đình nào không bị ảnh hưởng lũ lụt quyên góp ủng hộ cho giáo viên và học sinh trong trường bị ngập lụt.
Trường cũng đã chuẩn bị các điều kiện để tổ chức bán trú cho học sinh như: Kiểm tra lại dụng cụ, thiết bị nhà bếp; chăn gối học sinh; tổng vệ sinh sạch sẽ để đón học sinh trở lại ăn bán trú.
Bạn Khắc Tiệp, Nam Định:
Cô Trần Thị Dung Huế
Sau khi mưa lũ thiệt hại kinh tế từ gia đình các em vùng nông thôn là khá lớn, tâm lý phụ huynh có chút nản chí, nhất là đầu năm học mới học sinh phải đóng ít nhiều các khoản thu chi, vấn đề này tôi đã nghĩ ngay sau khi đợt lũ lụt thứ nhất xảy ra.
Tôi rất chia sẻ với phụ huynh, khi nắm được thông tin nhiều gia đình học sinh bị thiệt hại nặng nề về tài sản do lũ lụt gây ra, tôi cùng với Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn cũng nhau rà soát hết tất cả những gia đình học sinh có bị thiệt hại, tìm mọi nguồn hỗ trợ để cùng chia sẻ với họ.
Đồng thời sẽ có bàn bạc cụ thể với Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh trường, tìm phương án giúp họ bớt đi gánh nặng đóng góp các khoản, tạo tâm lý cho họ tin tưởng vào nhà trường, coi nhà trường chính là ngôi nhà chung của con em họ, khi gặp khó khăn thì được sẻ chia, giúp đỡ.
Bạn tuanhai@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Kinh nghiệm của tôi là nắm vững kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên; tìm hiểu rõ nhu cầu của học sinh; lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận cá tính của các con; không vội vàng phán xét về biểu hiện hành vi của học sinh; đặc biệt cần gần gũi, làm bạn với học sinh và sẵn sàng chia sẻ với các em.
Bạn giahung@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Quan điểm của tôi là không để cho tình trạng này xảy ra vì nguyên tắc quan trọng nhất của người tham vấn là “Bảo mật thông tin”, cam kết ngay từ ban đầu và không bao giờ vi phạm. Chúng tôi cũng giải thích rõ với học sinh những trường hợp cần phải chia sẻ thông tin với người thứ 3 (giáo viên hoặc phụ huynh): những trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bản thân học sinh hoặc người khác, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội, pháp luật. Trong trường hợp đã bị lộ thông tin thì cần trấn an học sinh, cùng học sinh tìm cách giải quyết vấn đề.
Bạn Nguyễn Thị Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội:
TS Hoàng Trung Học
Sự phát triển tâm lý của HS phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó giáo dục nhà trường giữ vai trò chủ đạo. Để nhà trường phát huy vai trò chủ đạo thì HS đến trường phải cảm nhận được sự an toàn, tự do trong môi trường giáo dục thân thiện, tích cực. Nếu HS cảm thấy mệt mỏi, áp lực khi đến trường thì giáo dục nhà trường mất đi ý nghĩa chủ đạo. Vì vậy, quan trọng là phải xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện mới hiệu quả.
Bạn Thutrangytcg@gmail.com:
TS Hoàng Trung Học
Đây là khó khăn mang tính phổ biến. Khá nhiều HS bị rơi vào tình trạng này. Khi chuyển cấp Tiểu học lên cấp THCS có thể xem là một thay đổi lớn với các em. Những thay đổi trong môi trường học tập, thay đổi các mối quan hệ bạn bè, thầy cô... có thể gây khó khăn cho các em.
Về vấn đề học tập, chương trình học ở cấp THCS có nhiều sự khác biệt hơn so với cấp tiểu học. Số lượng các môn học tăng lên, mỗi một môn do một GV giảng dạy. Lượng kiến thức trẻ cần học cũng nhiều lên rõ rệt, bài tập về nhà trẻ cần hoàn thành cũng nhiều hơn trước. Trẻ cảm thấy rất khó khăn để có thể cân bằng việc chép bài đầy đủ và nghe được hết những kiến thức thầy cô giảng. Từ đó, kết quả học tập của trẻ cũng bị giảm sút.
Các kết quả nghiên cứu học đường cho thấy, quy luật có sự giảm sút kết quả học tập ở một số HS đầu cấp, đặc biệt là HS lớp , lớp 10.
Bên cạnh đó, HS THCS bước vào giai đoạn dậy thì- giai đoạn có chuyển biến lớn về tâm sinh lý, do đó có thể có những biểu hiện bất thường trong xúc cảm, hành vi, các mối quan hệ và ảnh hướng kết quả học tập.
Các em rất cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô giáo để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bạn Ngọc Mai, Hải Phòng:
ThS Phạm Bích Diệp
Trung tâm tham vấn học đường là tâm huyết của Ban lãnh đạo Hệ thống giáo dục Ban Mai. Nhà trường thực sự quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, đến việc phát triển toàn diện học sinh cả về tri thức, nhân cách và sức khỏe (thể chất và tinh thần).
Tại Ban Mai, ban đầu chúng tôi tìm kiếm và đã nhận được sự hỗ trợ của dự án Tổ chức GNI hỗ trợ và đầu tư bài bản cả về cơ sở vật chất (phòng tham vấn đạt tiêu chuẩn), quy trình vận hành và chuyên môn. Hiện tại, khi dự án đã kết thúc và chúng tôi đang vận hành rất tốt phòng tham vấn học đường.
Một kinh nghiệm khác của Ban Mai là có các đối tác trong lĩnh vực đào tạo chuyên môn cho chuyên gia tham vấn, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần để phối hợp trong những trường hợp học sinh cần chuyển tuyến. Sự quan tâm của BGH nhà trường; sự phối hợp chặt chẽ giữa phòng Tham vấn với đội ngũ các phòng ban chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm; phối hợp với cha mẹ học sinh để thống nhất trong cách can thiệp với học sinh. Có chiến lược truyền thông đầy đủ và bài bản về chức năng, vai trò và quy trình của phòng Tham vấn đối với cả giáo viên và học sinh.
Cùng với đó, có chương trình phòng ngừa ngay từ đầu cho học sinh để trang bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng trong việc ứng phó với những vấn đề học đường: áp lực học tập, căng thẳng, lo âu, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em... Xây dựng kế hoạch tổng thể cho năm học, thường xuyên giám sát đánh giá chất lượng hoạt động tham vấn
Nhà trường cần có đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu, tâm huyết. Liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ chuyên gia để đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế.
Bạn Hà Dung, Hải Dương:
Cô Trần Thị Dung Huế
Khi các em trở lại trường được sử dụng những cuốn sách, vở viết mới từ các nhà tài trợ, đây là tình thương, sự cảm thông chia sẻ mà họ đã dành cho các thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường, bằng sự trân quý các cô giáo trao lại cho các em và nói với các em về tình cảm của những nhà tài trợ đã chuyển tải trong đó.
Đó không chỉ đơn giản là những cuốn sách, những quyển vở viết mà chính là tình thương, niềm tin của họ đã gửi gắm trong đó. Tình thương của những người giàu lòng nhân ái, là niềm tin để chúng ta lạc quan hơn, mạnh mẽ hơn, vượt qua những khó khăn, cố gắng học tập tốt hơn, và biết yêu quý quê hương, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn như chúng ta đang được sẻ chia trong lúc này.
Bạn Quốc Dũng, Hưng Yên:
Cô Trần Thị Dung Huế
Sau 2 đợt mưa lũ, sách vở, đồ dùng học tập của các em bị hư hỏng nhiều. Bàn ghế học sinh, bàn ghế và các thiết bị phòng thư viện đều bị ngâm nước. Mặc dù nhà trường đã chủ động kê gác, phòng chống lũ lụt nhưng nước dâng cao bất ngờ quá nên mọi việc phòng chống đều không có tác dụng. Tôi thực sự buồn và rất tiếc. Sau mưa lũ nhà trường đã nhận rất nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.
Cụ thể về các nhu yếu phẩm như: Gạo, mỳ tôm, áo quần, sách vở của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Trung Chính, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) và các trường ở tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội; Trường THPT Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) tặng nhà trường 10 triệu đồng khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Cựu học sinh Trường THPT Năng khiếu tỉnh Hà Tĩnh tặng 30 triệu đồng cho nhà trường để tu sửa lại số bàn ghế thiết bị hư hỏng. Và một số tổ chức khác như nhà may Song Hương, chị Trần Thị Như Quỳnh giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh đã tặng sách giáo khoa và tiền mặt cho nhà trường nhằm khắc phục sau lũ lụt.
Đặc biệt hơn nữa, Văn phòng Báo GD&TĐ khu vực Bắc Trung Bộ có hỗ trợ các đồ dùng học tập như: Sách vở, thiết bị dạy học và một tiền mặt. Số tiền do bạn đọc Báo gửi tặng đến Trường tiểu học Thạch Đài thông qua Báo GD&TĐ.
Ngoài ra, các câu lạc bộ như Hoa lan ủng hộ 4100 cuốn vở mới cho học sinh; nhóm thiện nguyện “Truyền cảm hứng” Hà nội, Cục Điều tra chống buôn lậu tặng cho nhà trường và học sinh của trường 30 triệu đồng.
Bạn Hà Thu Thủy, huyện Ba Vì, Hà Nội:
TS Hoàng Trung Học
Người ta hay nói các nhà quản lí là các “sĩ quan” trong ngành có vai trò quan trọng trong xây dựng trường học hạnh phúc, thúc đẩy mô hình tư vấn tâm lý theo hướng tiến bộ để xây dựng nhà trường kiểu mới. Đầu tàu mà không thông, không đổi mới quyết liệt thì hệ thống sẽ không vận động tích cực. Còn nếu đội ngũ cán bộ quản lí nắm được triết lý giáo dục mới, hiểu trường học hạnh phúc, tính cần thiết của công tác tham vấn tâm lý học đường thì sẽ triển khai hiệu quả mô hình tư vấn tâm lý học đường.
Hơn nữa, muốn HS hạnh phúc thì GV cần phải được hạnh phúc. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý phải thay đổi cách thức quản trị, đổi mới hình thức tương tác trong nhà trường để đem lại sự thoải mái, tiến bộ và phát huy sáng tạo cho GV.
Người đứng đầu cũng cần hiểu ý nghĩa và vận dụng khoa học tâm lý- giáo dục vào trường học, biết được kiến thức tham vấn tâm lý để có thể giám sát việc thực hiện công tác này một cách hiệu quả trong nhà trường do mình quản lý.
Bạn Mai Lan, cụm THPT Gia Lâm- Long Biên, Hà Nội:
TS Hoàng Trung Học
Đây là câu hỏi phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nhiều người đang hiểu sai về nhiệm vụ, vai trò của nhà giáo. Nhiều PH, HS hiểu sai về quyền và nghĩa vụ của HS với nhà trường.
Để thực hiện chức năng giáo dục, nhà trường tất yếu phải có kỷ cương, nền nếp trong giáo dục HS. Tuy nhiên, không thể tạo lập kỷ cương bằng trách phạt, bạo lực với HS. Nguyên tắc căn bản của giáo dục là: tôn trọng và yêu cầu cao. Khi vi phạm qui định của nhà trường, HS phải bị xử lý nghiêm nhưng vẫn trên tinh thần nhân văn, tôn trọng để các em hiểu được sai mà sửa đổi. Kỷ luật là cần thiết nhưng không phải dùng bạo lực với học trò mà nên sử dụng hình thức kỷ luật tích cực, để người bị kỷ luật hiểu được cái sai để tự sửa đổi và tự giác sửa đổi theo hướng tích cực.
Bạn phuongchi@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Quá trình làm công tác tham vấn tâm lý, có học sinh đến với tôi trong tình trạng tâm lý rất tệ, có dấu hiệu của lo âu, trầm cảm. Con sợ hãi và không thể giao tiếp với bạn bè, thầy cô; thậm chí còn thường bỏ giờ ăn cơm trưa ở nhà ăn, trốn ở thư viện hoặc phòng y tế. Sau 1 thời gian con dần trở nên khá hơn, tinh thần thoải mái hơn.
Tôi vẫn nhớ lần tôi cảm thấy vui nhất là khi lần đầu tiên thấy con trở lại nhà ăn đi ăn trưa khi có rất đông các học sinh khác, thậm chí con còn đang trò chuyện và cười với 1 vài bạn khác. Điều đặc biệt là bây giờ con lại đang cùng với tôi giúp đỡ một bạn khác cũng gặp vấn đề tâm lý giống như mình và bạn đó cũng đang có những tiến triển rất tích cực. Đó là những niềm vui và niềm khích lệ rất lớn đối với tôi trong công việc này khi biết rằng mình đang đi đúng hướng và đang thực sự làm được điều gì đó ý nghĩa đối với các con.
Bạn Giaovientieuhoc.dd@gmail.com:
TS Hoàng Trung Học
An toàn với HS luôn cần có sự song hành cả 2 mặt về thể lý và tâm lý. An toàn thể lý thì cơ sở vật chất trường học giữ vai trò rất quan trọng, cần tránh tối đa tai nạn thương tích cho HS.
Còn an toàn tâm lý, quan trọng nhất là mối quan hệ giữa thầy và trò. Mối quan hệ này cần được xây dựng và vận hành trên cơ sở tình yêu thương, tôn trọng và trách nhiệm cao của cả thầy và trò. Ở đây, vai trò người thầy rất quan trọng. Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác, song mối quan hệ thầy trò mang tính quyết định cho việc an toàn tâm lý và hạnh phúc của HS khi đến trường.
Bạn hanhtrang@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Để phòng tham vấn tâm lý hoạt động hiệu quả, trước hết cần có sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên gia được đào tạo, chuyên môn sâu, liên tục được cập nhật kiến thức. Cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc phát hiện vấn đề của học sinh và trợ giúp học sinh. Đặc biệt, cần làm tốt ngay từ công tác phòng ngừa, sẽ giảm bớt được số lượng học sinh gặp vấn đề.
Trên thực tế, rất ít nhà trường có phòng tham vấn có chuyên gia chuyên trách, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm dẫn đến không đảm bảo về chuyên môn. Bên cạnh đó, nhận thức của nhà trường và giáo viên chưa đầy đủ về vai trò của phòng tham vấn, dẫn đến sự phối hợp chưa tốt.
Bạn Trần Đình, khu đô thị Cầu Giấy, Hà Nội:
TS Hoàng Trung Học
Việc thi trượt ĐH tạo ra cú sốc tâm lý là có thể hiểu được. HS càng bị kỳ vọng và tự kỳ vọng nhiều thì sốc càng lớn. Phụ huynh nên tổ chức cho con đi thư giãn, giải tỏa tâm lý cùng người thân, bạn bè. Sau đó, cần trao đổi để con hiểu dù con trượt hay đỗ thì con cũng đã cố gắng, đều là điều đáng trân trọng. Con lo lắng, buồn bực cũng là trải nghiệm tốt, đã thể hiện trách nhiệm về bản thân mình để trưởng thành hơn.
Cha mẹ cũng cần phân tích cho con hiểu, trong cuộc đời mỗi người thường không tránh khỏi thất bại. Thi trượt ĐH chưa phải là điều quá nghiêm trọng trong cuộc đời. Vấn đề là thái độ ứng xử với thất bại đó thế nào. Cha mẹ cũng cần cùng con lập kế hoạch để đạt được những thành công bằng con đường khác và hỗ trợ động viên con hướng tới con đường đó.
Bạn Mai Văn Quang, Hà Tĩnh:
TS Hoàng Trung Học
Khắc phục hậu quả của thiên tai cần sự hỗ trợ của cả hệ thống: Ở nhà, cha mẹ hỗ trợ con; đến lớp, thầy cô giáo hỗ trợ HS. Thầy cô cần an ủi, động viên để giúp HS trở nên mạnh mẽ, dũng cảm hơn khi ứng phó với thiên tai. Trong những thời điểm này, phòng tham vấn học đường trong các nhà trường cần phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ tâm lý cho HS.
Đầu tiên, khi HS quay trở lại trường học, thầy cô nên tổ chức các hoạt động chung để triển khai các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho các em. Trong các hoạt động này, cần giúp các em nhận thức được điều kiện tự nhiên nơi mình sinh sống, cần củng cố tinh thần, ý chí của các em trước sự khắc nghiệt của thiên tai. Thầy cô cần giúp các em phát triển tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc nhau cùng vượt qua khó khăn.
Nhà trường cũng có thể tổ chức các cuộc thi, sân chơi để các em hiểu về thiên tai và có kỹ năng, bản lĩnh ứng phó với thiên tai. Từ đó giáo dục các em có tinh thần vươn lên, không run sợ, hoang mang mà chủ động ứng phó tích cực trước sự khắc nghiệt của thiên tai.
Bạn Văn Trung, Hà Nam:
Cô Trần Thị Dung Huế
Bức thư của thầy giáo Hồ Văn Quý, Hiệu trưởng trường trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình), là một bức thư vô cùng xúc động, chứa chan tình yêu thương và sẻ chia với những thiếu thốn của học sinh sau lũ. Khi đọc bài viết này có lẽ ai cũng có nhiều cảm xúc, nghẹn ngào càng thương học trò vùng lũ.
Lời dặn dò đầy tâm huyết của thầy: Sau mưa lũ học sinh đến trường không nhất thiết phải mặc đồng phục, miễn quần áo sao đầy đủ, đủ ấm… thực sự là điều mà bất kỳ một nhà giáo nào cũng nên lưu tâm.
Việc mặc đồ đồng phục đối với hình ảnh, văn hóa nhà trường là cần thiết, nhưng lúc này thì thực sự đó chưa phải là vấn đề quan trọng nữa. Các em chỉ cần đủ ấm, có ố vàng một tí mà sạch sẽ là được. Đó mới là tình yêu thương thực sự dành cho các em. Tôi hoàn toàn đồng tình và rất trân trọng tình cảm của thầy đối với học trò của mình.
Bạn ngocanh@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Người làm công tác tham vấn tâm lý học đường cần là một người hết sức tâm lý, sẵn sàng lắng nghe; có tâm và lòng nhiệt tình, yêu trẻ; tôn trọng cái tôi và chấp nhận sự khác biệt, cá tính của mỗi cá nhân; nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của nghề tham vấn tâm lý; kiên nhẫn, kiên trì, bền bỉ.
Bạn Quốc Trượng, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc:
TS Hoàng Trung Học
Việc trừng phạt, bạo hành trẻ em là hành vi bị cấm theo luật! Về nguyên lý giáo dục, trừng phạt, bạo hành sẽ không mang lại giá trị tích cực, thậm chí để lại hậu quả tiêu cực. Một đứa trẻ sẽ chỉ phát triển bình thường nếu cảm nhận được sự tôn trọng, tình yêu thương và được tự do trong môi trường giáo dục của mình.
Trừng phạt, bạo hành có thể gây hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần, tạo sự thay đổi không bền vững (sự thay đổi giả tạo) về nhận thức, thái độ và hành vi. Bạo hành, bạo lực có thể tạo ra vòng luẩn quẩn: bạo lực nối tiếp bạo lực ở các thế hệ sau.
Bạn hachi@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Việc học sinh tự tìm cách giải quyết thường sẽ rất nguy hiểm và có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Những trường hợp này thường trở nên khá nghiêm trọng và đòi hỏi cán bộ tham vấn phải can thiệp vất vả hơn rất nhiều. Có những trường hợp chúng tôi phải can thiệp xuyên suốt cả năm học để xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong các con. Chúng tôi phải xây dựng sự tin tưởng và thân thiết tuyệt đối để các con có thể xuống phòng bất cứ lúc nào. Đây cũng là cách để các con trút bỏ những vấn đề của bản thân mỗi ngày, không bị tích tụ lại và cũng là cách để kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực, những nguy cơ có thể xảy đến với các con.
Khâu phát hiện vấn đề của học sinh ngay từ ban đầu để có hỗ trợ kịp thời là vô cùng quan trọng. Vấn đền này thuộc về cha mẹ và thầy cô trong nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm.
Bạn Bichhang.dhhh@gmail.com:
TS Hoàng Trung Học
Kết quả nghiên cứu nhu cầu hỗ trợ tâm lý của HS đều chỉ ra rằng mong muốn được hỗ trợ tâm lý của HS là rất lớn. Theo quy luật chung của con người, khi những nhu cầu cơ bản được thỏa mãn, cá nhân sẽ vươn tới những nhu cầu ở cấp độ cao hơn. Nhu cầu an toàn về tâm lí, được tôn trọng, vươn lên khẳng định mình là nhu cầu cấp cao...
Xã hội càng phát triển, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm lí càng lớn. XH phát triển càng làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý hơn. Trong nhà trường, những vấn đề căng thẳng, lo âu học đường, suy giảm động cơ học tập, trầm cảm, hành vi lệch chuẩn, nghiện game… đang trở nên phổ biến. Vì vậy, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần của HS ngày càng cấp bách.
Bạn Dũng Trí, Vĩnh Phúc:
Cô Trần Thị Dung Huế
Học sinh của trường đa phần là con em nông thôn, gia đình các em hầu hết đều bị ngập lụt và có ít nhiều thiệt hại về kinh tế. Có nhiều gia đình chỉ thiệt hại con gà, con vịt hay lúa bị ngập nước hoặc lên mầm nhưng đó là cả gia tài của họ. Thấu hiểu với hoàn cảnh phụ huynh, nhà trường thường xuyên gọi điện, chia sẻ, động viên về tinh thần, sau đó tranh thủ các nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, thiện nguyện ở khắp mọi nơi.
Khi có được sự chia sẻ, chúng tôi nghĩ ngay đến gia đình học sinh, tìm hiểu cụ thể những thiệt hại của từng em để đề xuất, hỗ trợ cùng với phụ huynh, học sinh vượt qua khó khăn trước mắt dần ổn định cuộc sống.
Bạn dieulinh@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Vẫn là vấn đề truyền thông về chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của phòng tham vấn. Khi giáo viên và học sinh chưa hiểu rõ thì việc e dè và không đến phòng tham vấn là điều dễ hiểu. Nhiều khi học sinh không biết đến sự có mặt của 1 nơi như thế, các con vẫn cố tự chịu, hoặc các con nghĩ rằng phòng tham vấn là chỉ để dành cho người có vấn đề tâm thần thôi.
Chuyên môn, uy tín và sự chủ động kết nối, chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, với các hoạt động của học sinh sẽ giúp chuyên gia tham vấn có nhiều kênh để gần gũi với học sinh, tạo mối quan hệ cởi mở và đặc biệt có thể tìm ra những vấn đề cần hỗ trợ của học sinh.
Bạn Vũ Triều Anh, quận Tây Hồ, Hà Nội:
TS Hoàng Trung Học
Từ 2003 đến 2018, chúng tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình tư vấn học đường để tham mưu cho Bộ GD&ĐT. Các mô hình tiên tiến trên thế giới được đánh giá tốt nhưng khó áp dụng vào điều kiện cụ thể của VN do yếu tố văn hóa, điều kiện sống và tâm lý.
Trở ngại căn bản trong vận hành mô hình tâm lý ở VN là nhận thức của HS và PH còn nhiều hạn chế. Nhiều HS e ngại không tìm đến tư vấn tâm lý do có thói quen tự chịu đựng, tự chấp nhận những vấn đề thuộc đời sống tinh thần của mình.
Đội ngũ GV làm công tác tư vấn hiện đang quá tải về công việc. Thêm kiêm nhiệm công việc tư vấn đồng nghĩa là thêm việc cho thầy cô. Bên cạnh đó, các GV làm công việc tư vấn chức năng được đào tạo chưa bài bản, ít thực hành nên hiệu quả không cao.
Các nhà trường đôi khi chưa quan tâm đúng mức đến công tác tư vấn học đường, do quan niệm kết quả giáo dục chủ yếu được đánh giá bằng điểm số và thành tích học tập của HS.
Bạn haiphong@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Hiện nay cũng không ít trường áp dụng mô hình kiêm nhiệm này và theo quan điểm của tôi thì đây không phải là một mô hình lý tưởng trong chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.
Tuy nhiên, với những mô hình này, các thầy cô đang kiêm nhiệm vẫn hoàn toàn có thể làm tốt hơn công việc của mình bằng cách tham gia một cách nghiêm túc vào những khóa học tâm lý, tham vấn học đường ngắn hạn đang được tổ chức ở một số cơ sở có uy tín; thậm chí học một chương trình chính quy, bài bản về tâm lý học, xã hội học hay công tác xã hội.
Và nhà trường cũng cần có sự quan tâm và đầu tư bài bản cho các thầy cô đi bồi dưỡng chuyên môn này. Vì làm việc về tâm lý liên quan trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của học sinh, nếu không có chuyên môn không thể làm sâu và tốt được, đôi khi còn gây tác động ngược lại. Ngoài ra, cần thực sự là người tâm huyết, yêu trẻ mới có thể làm tốt công việc này. Nhà trường đồng thời cần có sự liên kết với những đơn vị có chuyên môn chính thống để được hỗ trợ chuyên môn hay chuyển tuyến khi có những trường hợp vượt quá khả năng can thiệp.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh lại một lần nữa, tốt nhất là cần có cán bộ tham vấn tâm lý chuyên trách, được đào tạo bài bản làm công tác tham vấn tâm lý trong mỗi trường học.
Bạn Thanh Ba, huyện Thanh Trì, Hà Nội:
TS Hoàng Trung Học
Khả thi theo các mục tiêu và mức độ kỳ vọng khác nhau. Trong thực tế, với vai trò là các nhà giáo dục, các thầy cô vẫn thực hiện những tác động tâm lý theo các cách thức khác nhau để hỗ trợ HS. Tuy nhiên, công việc chính của các nhà giáo vẫn là giảng dạy và giáo dục.
Theo Thông tư 31, GV được đào tạo, tập huấn để kiêm nhiệm làm công tác tư vấn tâm lý cho HS. Tuy nhiên, điều này không dễ với các nhà giáo có nhiệm vụ chính là dạy học. Trong tư vấn, có 2 loại hình cơ bản: tư vấn chuyên nghiệp do các chuyên gia được đào tạo bài bản thực hiện và tư vấn mang tính chức năng do các lực lượng khác thực hiện kiêm nhiệm công tác tư vấn. Thầy cô hoàn toàn có thể được bồi dưỡng để đảm nhiệm vai trò tư vấn mang tính chức năng. Về lâu dài, chúng ta phải tiến tới mô hình hỗ trợ tư vấn tâm lý, trong đó các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong các nhà trường.
Bạn huyhoang@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Tôi đã từng gặp những trường hợp này. Tuy nhiên, phải chú ý ngay từ ban đầu là việc giáo viên chủ nhiệm mời học sinh xuống có khéo léo hay không, không nên gây chú ý từ các bạn khác trong lớp khiến cho con xấu hổ hay ngại dẫn đến chống đối. Cần làm rõ quy trình giới thiệu học sinh xuống phòng tham vấn. Tại Ban Mai, nếu giáo viên chủ nhiệm là người phát hiện vấn đề, việc đầu tiên giáo viên cần lên phòng tham vấn trao đổi với chuyên gia để thống nhất cách trao đổi với con, giúp con thấy thoải mái khi xuống phòng tham vấn. Sau khi thống nhất, giáo viên mới xuống trao đổi, thuyết phục học trò; tuyệt đối không ép buộc.
Khi gặp các trường hợp này, thường tôi sẽ không hỏi ngay vào vấn đề hay xoáy vào lỗi của con, mà sẽ nói chuyện vui vẻ, tự nhiên, hỏi chung chung về con để con cảm thấy tin tưởng, dần dần mới đi vào vấn đề và vẫn dựa trên tinh thần tôn trọng học sinh, để con chủ động chia sẻ, nói về vấn đề của mình và tự đưa ra giải pháp.
Ngoài ra, có thể tìm cách tiếp cận khác ngoài phòng tham vấn, chủ động tạo sự thân thiện, cởi mở, gần gũi với học sinh. Ví dụ, chúng tôi lên lớp với tư cách dự giờ để quan sát học sinh, tiếp cận các em trong giờ ra chơi, tiết học ngoại khóa… dần dần tạo mối quan hệ thân thiện để tiếp cận học sinh một cách từ từ, không đường đột.
Bạn Xuân Uyên, Hà Tĩnh:
Cô Trần Thị Dung Huế
Trường tiểu học Thạch Đài nằm trong vùng bị thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt. Năm nay, bị ngập lụt liên tiếp 2 đợt, nên học sinh nghỉ học dài ngày. Với tình hình đó, nhà trường đã hướng dẫn giáo viên thường xuyên cập nhật tình hình của từng học sinh, động viên, thăm hỏi các em và gia đình.
Chương trình học tập của các em sẽ bị gián đoạn nhưng các giáo viên đã chủ động trao đổi với phụ huynh để họ không quá lo lắng, nhà trường sẽ có kế hoạch dạy ôn tập khi các em trở lại trường. Trong khi đang bị ảnh hưởng, việc đảm bảo an toàn cho học sinh là trên hết, lúc nào thuận lợi trường mới tổ chức học trở lại.
Những ngày đầu học sinh trở lại trường, nhà trường hướng dẫn giáo viên tạo tâm thế thoải mái cho các em, quan tâm sức khỏe, tổ chức các hoạt động tập thể để các em vui tươi, ổn định tâm lý. Sau đó mới tổ chức dạy học ôn tập, củng cố kiến thức cho các em.
Bạn Hoanglinhgdth@gmail.com:
TS Hoàng Trung Học
Đây là kết quả nghiên cứu rất dài của các nhà tâm lý học đường tại VN, Bộ GD&ĐT dựa trên những kết quả nghiên cứu này đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017, đưa ra được mô hình tham vấn tâm lý khá cụ thể trong các trường phổ thông Việt Nam. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, mô hình tham vấn học đường bước đầu thấy những chuyến biến tích cực, mặc dù còn bộc lộ nhiều hạn chế về đội ngũ cũng như cơ chế vận hành mô hình.
Mô hình tham vấn học đường bước đầu đã góp phần thay đổi nhận thức của GV, HS, CMHS và cộng đồng. Trong khuôn khổ nhất định, các thầy cô có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho HS khi gặp khó khăn về vấn đề tâm lý, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, mô hình tham vấn học đường ở VN có thể chưa phải là tối ưu theo các chuẩn mực quốc tế, nhưng phù hợp trong điều kiện cụ thể của VN trong giai đoạn hiện nay.
Bạn Đồng Giao, Thanh Hóa:
Cô Trần Thị Dung Huế
Sau mưa lũ, học sinh bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều, đặc biệt đối với những học sinh gia đình bị thiệt hại nặng nề. Việc trợ giúp tâm lý cho học sinh là rất cần thiết, nhất là giáo viên chủ nhiệm.
Trong thời gian mưa lũ, giáo viên thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên, trợ giúp học sinh các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, người thân và bảo quản giũ gìn sách vở, đồ dùng học tập.
Sau mưa lũ đã trực tiếp đến thăm, chia sẻ với các em về những thiệt hại, mất mát; động viên các em đến trường học tập. Trong một số tình huống cụ thể thành lập các nhóm bạn hỗ trợ, động viên chia sẻ, cùng nhau quyên góp ủng hộ về đồ dùng học tập để các em vững tin hơn và dần ổn định lại tinh thần. Giáo viên phải như người thân trong gia đình, gần gũi, chia sẻ để các em cảm thấy bớt đi những mất mát, những thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra.
Bạn baophuc@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Tôi cũng đã từng gặp vấn đề này. Học sinh dù có nhiều tâm tư nhưng ngại gặp cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý; các con phải đợi khi nào ít người chú ý nhất để đến với phòng tư vấn vì sợ bị bạn bè dò xét, bình phẩm, kỳ thị. Nhận thức được điều này, nhà trường đã chú ý làm tốt ngay từ khâu giới thiệu ban đầu về phòng tham vấn, nhấn mạnh rõ cho cả giáo viên và học sinh hiểu rằng: phòng tư vấn là nơi để lắng nghe, chia sẻ khi có điều cần tâm sự, giúp đỡ chứ không phải chỉ là nơi chữa trị vấn đề sức khỏe tâm thần.
Trong các buổi này, không nên đơn thuần nói lý thuyết mà cần lồng ghép các hoạt động hỏi đáp, trò chơi, để các con thấy thầy cô, chuyên gia tham vấn cũng gần gũi, thân thiện. Việc tạo dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của cán bộ làm công tác tham vấn tâm lý không chỉ ở trong phòng tham vấn mà còn cần ở cả trong các hoạt động thường nhật để học sinh dễ mở lòng hơn. Đồng thời, cần khẳng định với học sinh về tính bảo mật thông tin khi các con tham gia tham vấn.
Cũng cần có những buổi tập huấn với giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, để họ hiểu đúng, đủ về chức năng, nhiệm vụ của phòng; cùng với đó, cung cấp cho họ kỹ năng tham vấn học đường cơ bản, kỹ năng phát hiện ban đầu, để đội ngũ này trở thành người giúp sức hữu hiệu trong quá trình can thiệp với trẻ.
Bạn nganvietthpt@gmail.com:
TS Hoàng Trung Học
Trước hết, với tư cách là một người làm giáo dục, tôi xin gửi lời chia sẻ sâu sắc tới những mất mát không thể đo đếm hết về người và của của đồng bào miền Trung.
Xét dưới góc độ giáo dục, tác động của thiên tai kép để lại hậu quả nghiêm trọng. Đầu tiên, làm gián đoạn việc học tập của HS. Ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình học tập của HS và kế hoạch năm học. Thảm họa gây cú sốc lớn cho HS. Hiện tượng này có thể gây ra những sang chấn tâm lý lớn, thường gọi là sang chấn sau thiên tai.
Thông thường, ở các nước phát triển, sẽ có sự hỗ trợ tư vấn tâm lý trực tiếp cho cư dân ở những khu vực này Theo các nghiên cứu tâm lý, những thiên tai lớn như này có thể để lại hậu quả nặng nề với thanh thiếu niên như: trầm cảm, lo âu, stress… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần của các em. Trước những sang chấn lớn này, HS rất cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời để vượt qua được những khó khăn, có năng lực ứng phó trước những tác động tương tự trong tương lai.
Bạn Vũ Thu Huyền, tỉnh Thừa Thiên Huế:
TS Hoàng Trung Học
Trước những sự cố lớn về thiên tai, dịch bệnh đòi hỏi những hỗ trợ của các chương trình an sinh xã hội. Cộng đồng cùng đoàn kết, chung tay khắc phục hậu quả xảy ra. Ở nhiều nước phát triển, trước tác động của những thảm họa, cần có chuyên gia tâm lý, cán bộ tham vấn đến hỗ trợ kịp thời. Ỏ nước ta chưa có mô hình này vì vậy cha mẹ có thể hỗ trợ con em mình theo những cách sau:
Trước mắt, với trẻ nhỏ cần đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho các em. Cha mẹ cần trấn an, ổn định tâm lý cho trẻ để giảm thiểu nguy cơ sang chấn tâm lý, giúp trẻ cảm thấy yên tâm, an toàn.
Xa hơn, cha mẹ có thể coi đây là cơ hội giáo dục cho trẻ ý thức trong phòng chống thiên tai, ý thức cộng đồng trong việc ứng phó, giải quyết hậu quả do thiên tai gây ra.
Cùng với việc ổn định chỗ ở, phục hồi điều kiện sản xuất, mỗi gia đình cần ưu tiên chuẩn bị góc học tập, đồ dùng học tập lại cho con để con chuẩn bị tâm thể quay lại trường học. Cha mẹ động viên, lấy đây là cơ hội để giúp trẻ nhận thức được việc mình đang sống ở trên khu vực có nhiều đặc điểm địa lý không thuận lợi, từ đó giúp các em chủ động đối mặt, có ý chí vượt lên trên những khó khăn khách quan do môi trường mang lại. Cũng cần giúp các em có ý thức bảo vệ môi trường, không run sợ trước thảm họa thiên nhiên mà có tinh thần đoàn kết và kỹ năng ứng phó để thích ứng và tồn tại tích cực.
Bạn hoaian@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Hoạt động tham vấn tâm lý trong trường học là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay; vì học sinh nhiều khi ở nhà không thể nói chuyện với bố mẹ, đến trường cũng không nói được với thầy cô, bạn bè. Các con rất cần có một nơi để được lắng nghe, chia sẻ, tìm các giải pháp cho bản thân. Điều này có khó thể tìm thấy ở bạn bè xung quanh, hoặc thầy cô, cha mẹ không có chuyên môn về tâm lý. Sự có mặt của một bộ phận, có những cán bộ chuyên môn, sẽ giúp ích cho các em rất nhiều.
Tôi cho rằng, hoạt động này cần được triển khai rộng ở các trường học và phải được đầu tư cả về tài chính và nhân lực chuyên môn (có cơ sở vật chất phù hợp, bảo đảm riêng tư, thân thiện, có cán bộ chuyên trách, có chuyên môn chứ không phải là giáo viên kiêm nhiệm).
Bạn Tuệ An, Hải Phòng:
ThS Phạm Bích Diệp
Xã hội biến đổi rất nhanh, kéo theo nhiều vấn đề hơn. Học sinh ở lứa tuổi thành niên, dậy thì, diễn biến tâm lý phức tạp hơn rất nhiều; các con lớn rất nhanh và có nhiều nguy cơ đe dọa mỗi ngày ở bên ngoài xã hội. Ví dụ, nguy cơ bị xâm hại cả ngoài đời thực cũng như trên mạng, bạo lực học đường, lo âu, trầm cảm… Thực tế đó đòi hỏi cán bộ làm chuyên môn về tâm lý cần cập nhật chuyên môn thường xuyên, kịp thời.
Sự phối hợp không kịp thời, nhịp nhàng của các bên liên quan trong quá trình can thiệp trẻ cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt là sự phối hợp của gia đình. Hiện các bậc cha mẹ rất bận rộn với công việc của mình, nhiều khi chưa theo sát con, xao nhãng con, chưa có được sự phối hợp cần thiết; từ đó không nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của đứa trẻ. Nhiều khi có ca tham vấn nào đó, cha mẹ bận rộn nên cũng không đến cùng tham gia; không có thời gian phối hợp. Nhiều bậc cha mẹ còn từ chối thừa nhận vấn đề của trẻ nên không nhìn nhận được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, từ đó không có sự phối hợp cần thiết.
Bạn haidang@gmail.com:
TS Hoàng Trung Học
Ảnh hưởng này là rất lớn, có thể nhìn nhận theo cơ chế: Một đứa trẻ muốn phát triển phải được tham gia vào các hoạt động bình thường, da dạng như: được học, chơi, có mối quan hệ bình thường với thầy, với bạn… Tuy nhiên, việc nghỉ học do dịch bệnh, thiên tai khiến trẻ bị gián đoạn các hoạt động bình thường, dẫn đến bị sang chấn tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhận thức, tâm lý và các mối quan hệ bình thường cũng như việc học tập của trẻ.
Bạn thuhuyen@gmail.com:
ThS Phạm Bích Diệp
Vấn đề bất ổn tâm lý sau những biến cố lớn là vấn đề không của riêng ai. Nếu người lớn gặp vấn đề với chuyện tái thiết cuộc sống, kinh tế gia đình, công việc thì bản thân những đứa trẻ cũng sẽ gặp rất nhiều vấn đề do sự xáo trộn trong cuộc sống thường ngày.
Như sau dịch bệnh Covid, do trẻ ở nhà nhiều, việc học tập bị đứt quãng, khó bắt nhịp lại, không theo kịp dẫn đến áp lực. Việc ở nhà nhiều cũng gây sức ì lớn, lười, mất động lực. Có nhiều trẻ chơi game nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách. Mọi người ở bên nhau nhiều cũng đôi khi xảy ra mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, trẻ có thể bị tổn thương.
Hậu bão lũ, những đứa trẻ ở tâm lũ mất nhà cửa, sách vở… gây xáo trộn cuộc sống, mất ổn định tâm lý. Tệ hơn có những em mất gia đình, người thân sẽ là những vết thương rất khó lành.
Gia đình và nhà trường cần nhanh chóng giúp ổn định lại cuộc sống cho các con, tìm mọi nguồn lực để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để các con bắt nhịp lại cuộc sống. Đặc biệt với những trẻ bị tổn thương tinh thần do sự mất mát gia đình thì cần đặc biệt chú ý quan tâm hơn, không chỉ về kinh tế mà quan trọng là sự an ủi và theo sát về mặt tinh thần để các con có thể phục hồi.
Với các trường vừa trải qua thiên tai, thầy cô thay vì ưu tiên kiến thức, nên ưu tiên hơn đến bình ổn lại tâm lý của học sinh, dành nhiều thời gian nói chuyện với học trò, để các em thấy mình được gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm. Khó khăn nhất là những đứa trẻ bị mất gia đình, các em càng cần sự quan tâm sát sao hơn của thầy cô; nhưng tốt nhất, các em cần được điều trị tâm lý chuyên sâu để chữa lành những tổn thương tinh thần.
Mong rằng các tổ chức, cá nhân có chuyên môn về tham vấn tâm lý, có thể tổ chức các chương trình tại vùng vừa xảy ra thiên tai, để hỗ trợ ổn định tinh thần cho học sinh.
Bạn Văn Ba, Hà Tĩnh:
Cô Trần Thị Dung Huế
Sau mưa lũ thời gian qua tại Hà Tĩnh, nhà trường đã huy động lực lượng cán bộ giáo viên, phụ huynh của trường, các lực lượng khác như các đơn vị trường học trong huyện, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh dọn dẹp, vệ sinh sau lũ lụ, đảm bảo an toàn vệ sinh cho học sinh khi đến trường. Đồng thời rà soát, thống kê những đồ dùng, sách vở, thiết bị học tập bị hư hỏng để có phương án tu sửa, bổ sung kịp thời cho việc học trở lại trường sớm nhất.
Bạn thuychi@gmail.com: