Giao lưu trực tuyến: Thầy trò vùng lũ bắt nhịp dạy, học

Khách mời là cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua cùng chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thầy trò vùng lũ bắt nhịp dạy, học” do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức từ 14h – 15h30 ngày 4/11.

Giao lưu trực tuyến: Thầy trò vùng lũ bắt nhịp dạy, học

Mưa bão khiến một số tỉnh miền Trung chìm trong nước. Nước rút, thầy cô tạm gác việc riêng để cùng nhau vệ sinh  trường lớp, đón trò trở lại. Nhưng thầy- trò chưa kịp gặp mặt, bão lại tới, lũ đổ về khiến trường lớp một lần nữa lọt thỏm giữa mênh mông biển nước. Bàn ghế, thiết bị, đồ dùng dạy học, sách vở của thầy và trò ngâm trong nước lâu ngày không tránh khỏi hư hỏng. Phòng học, phòng chức năng nhiều nơi bị tốc mái, đổ, sập cần nhiều thời gian để sửa chữa, khắc phục…

Vượt lên khó khăn, thầy trò cùng sự chung tay, giúp sức của phụ huynh, xã hội tích cực khắc phục hậu quả thiên tai. Với phương châm, nước rút đến đâu, vệ sinh tới đó, đội ngũ thầy cô và ngành GD vùng lũ đang nỗ lực hết mình để trẻ được đến trường, bảo đảm tiến độ, chất lượng chương trình học.

Ghi nhận nỗ lực của thầy trò cũng như ngành GD các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Thầy trò vùng lũ bắt nhịp dạy, học" với sự tham gia của khách mời:

- Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam;

- Ông Trần Xuân Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, Nghệ An;

- Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị;

- Thầy Lê Minh Quốc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị;

- Thầy Nguyễn Quang Hùng, GV Trường Tiểu học – THCS Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị.

Ngay sau khi kết thúc buổi giao lưu trực tuyến, đại diện Báo Giáo dục và Thời đại đã trao các phần quà tới các em học sinh chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt tại Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam.

Giao lưu trực tuyến: Thầy trò vùng lũ bắt nhịp dạy, học ảnh 1
Giao lưu trực tuyến: Thầy trò vùng lũ bắt nhịp dạy, học ảnh 2
Giao lưu trực tuyến: Thầy trò vùng lũ bắt nhịp dạy, học ảnh 3
Thầy Nguyễn Quang Hùng

Thầy Nguyễn Quang Hùng

GV Trường Tiểu học – THCS Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Ông Nguyễn Văn Đức

Ông Nguyễn Văn Đức

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Thầy Lê Minh Quốc

Thầy Lê Minh Quốc

Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị

Ông Trần Xuân Hà

Ông Trần Xuân Hà

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, Nghệ An

Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam

Bạn đọc

Bạn lethuanh78@...:

Kịp thời di chuyển toàn bộ HS sang địa điểm khác kịp thời trước khi bị sạt lở núi tại một số trường học như trường THPT Võ Chí Công, trường THPT Quang Trung đã giúp tránh khỏi những thiệt hại to lớn, ông có khuyến nghị gì với các trường học ở miền núi hay không?
Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Qua thiệt hại của cơn bão số 9, vấn đề đặt ra đối với ngành giáo dục và địa phương là cần phải có sự đầu tư cơ sở trường lớp theo hướng kiên cố, chịu được bão lũ thường xảy ra ở miền Trung. Có thể không nên xây nhà cấp 4, lợp tôn hoặc lợp ngói mà đầu tư kiên cố, tầng hóa và đổ mái bằng, có tầng thoát lũ. Chương trình mục tiêu kiên cố hóa trường học của Chính phủ cần thiết phải được tiếp tục duy trì. Cũng phải điều chỉnh nâng mức chi phí xây dựng ở những vùng miền núi khó khăn. Nên có những thiết kế mô hình trường học phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng miền núi, vùng đồng bằng, ven biển để tránh những thiệt hại nặng nề như vừa qua. 

Các trường học phải trang bị cho GV, HS những kỹ năng cần thiết trong phòng chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. HS sẽ là kênh chuyển tải thông tin đến gia đình và cộng đồng về những kỹ năng ứng phó với thiên tai. 

Một nghịch lý nữa là dù ở vùng núi nhưng không có đất để xây dựng trường học. Vì vậy, trong quy hoạch xây dựng, cần thiết phải dành quỹ đất xây dựng trường học đảm bảo an toàn. 

Bạn đọc

Bạn maivang246@...:

Có những địa phương, do ảnh hưởng bởi bão lũ liên tiếp, HS phải nghỉ học ít nhất từ 2 – 3 tuần. Quảng Nam sẽ điều chỉnh thời gian thực hiện chương trình giáo dục như thế nào để phù hợp với tình huống ảnh hưởng do bão lụt, thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và giao quyền chủ động cho ngành trong việc thực hiện kế hoạch - chương trình giảng dạy. Ngoài sử dụng 2 tuần dự trữ, các trường chủ động trong việc học tăng ca, học bù vào các ngày nghỉ. Một số nội dung có thể hướng dẫn tự học cho HS. Thời khóa biểu dạy bù, các trường sẽ tổ chức theo phân phối tiết học, đảm bảo bù đủ số tiết đã mất theo môn chứ không bù theo thời khóa biểu hành chính. 

Bạn đọc

Bạn Phạm Hương – TP. HCM:

Với những trường học bị ảnh hưởng do sạt lở như trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My, trường Tiểu học và THCS Phước Thành, trường THPT Quang Trung… việc sắp xếp, bố trí chỗ ở cho HS và GV sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Trước mắt, chúng tôi tập trung ổn định tâm lý cho HS. Các trường học đã nhanh chóng bố trí chổ ở cho HS sớm ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt. Sở đã chỉ đạo cho các điểm trường tổ chức hướng dẫn học tập tại nơi ở của HS trong điều kiện các trường chưa thể tổ chức hoạt động dạy - học được. Ưu tiên trước nhất là phải giữ HS ở lại trường để vừa đảm bảo an toàn cho HS vừa ổn định sĩ số. Các trường có thể linh động sử dụng phòng học để làm chỗ ở tạm thời cho GV và HS trong thời gian chưa thể khắc phục được nhà bán trú. 

Bạn đọc

Bạn Hương Anh – Bắng Giang:

Trong những vụ sạt ở kinh hoàng ở các xã Trà Vân, Trà Leng, Phước Thành, một số HS mất cả cha mẹ và người thân, trở thành trẻ mồ côi. Các nhà trường sẽ có những hỗ trợ gì với những HS này, thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Mất mát của các em là quá bất ngờ, quá lớn. Sự quan tâm, động viên, an ủi của các thầy cô và bạn bè cũng chỉ mang tính chất chia sẻ chứ không thể giúp các em vơi bớt được nỗi đau này. Các trường học có HS có người thân bị nạn trong những vụ sạt lở ở Trà Leng, Trà Vân, Phước Thành, trong những ngày qua, đã chia nhau chăm sóc HS bị thương đang điều trị tại bệnh viện; sát cánh cùng HS trong đau thương, mất mát; nhận đỡ đầu để các em có thêm một gia đình, một chỗ dựa tinh thần. 

Những HS này đều đang có chế độ bán trú tại trường. Việc học tập, sinh hoạt của các em, ngoài sự hỗ trợ về mặt chính sách của nhà nước còn nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia từ các thầy cô giáo. Trong những ngày qua, các em cũng nhận được nhiều sự động viên, thăm hỏi của các tấm lòng hảo tâm trong cả nước. 

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&DDT Quảng Nam thăm hỏi, động viên HS có người thân mất trong các vụ sạt lở ở Quảng Nam.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&DDT Quảng Nam thăm hỏi, động viên HS có người thân mất trong các vụ sạt lở ở Quảng Nam.
Bạn đọc

Bạn giangle@...:

Đối với lớp 1, năm học này là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018 và dạy học SGK mới. Ông có thể cho biết, sau lũ, việc dạy học lớp 1 trên địa bàn có gặp khó khăn gì không? Phòng có hướng dẫn gì đối với các trường tiểu học đối với lớp 1?
Ông Trần Xuân Hà

Ông Trần Xuân Hà

Đối với các trường tiểu học, lo lắng nhất là thiếu SGK, do đây là năm đầu tiên triển khai chương trình mới. Tại huyện Thanh Chương, chúng tôi đang sử dụng 2 bộ sách Cánh Diều (môn Tiếng Việt) và bộ Kết nối tri thức vào cuộc sống (các môn còn lại).

Giáo viên Trường Tiểu học Thanh Hà (huyện Thanh Chương, Nghệ An) dọn dẹp sách tham khảo, tài liệu bị ngâm nước lũ.
Giáo viên Trường Tiểu học Thanh Hà (huyện Thanh Chương, Nghệ An) dọn dẹp sách tham khảo, tài liệu bị ngâm nước lũ.

Qua thống kê, số học sinh lớp 1 có SGK bị lũ cuốn trôi không nhiều. Phòng cũng dự kiến liên hệ với bên Công ty sách thiết bị trường học Nghệ An để mua bổ sung cho học sinh. Tuy nhiên, qua báo cáo của các hiệu trưởng, thì nhà trường đã kêu gọi, vận động xã hội hóa và nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm. Ngành giáo dục huyện không để học sinh đi học mà thiếu sách vở.

Về dạy học, giáo viên lớp 1 đã được tập huấn đầy đủ từ hè năm 2020. Vì vậy, đến nay việc triển khai dạy học cơ bản thuận lợi. Sau đợt mưa lũ, chúng tôi cũng ưu tiên kêu gọi hỗ trợ, đặc biệt là tivi dành cho trường tiểu học, mầm non để hỗ trợ giáo viên dạy học đủ kênh chữ và kênh hình.

Bạn đọc

Bạn Vân Hà – Cần Thơ:

Học sinh và các trường học ở Quảng Nam mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ gì để sớm khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động dạy – học, thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Để cho HS bớt khó khăn và đảm bảo các điều kiện học tập tối thiểu, ngành GD&ĐT Quảng Nam rất mong muốn các cơ quan ban ngành của trung ương và địa phương, tổ chức xã hội, các tổ chức nhân đạo, các Mạnh thường quân quan tâm và hỗ trợ: từ áo quần, sách vở, đồ dùng học tập, bảo trợ học bổng...

Những thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các trường là rất lớn. Ở các trường mầm non, hệ thống đồ chơi, đồ dùng dạy học ở ngoài trời gần như hư hỏng không còn gì. Ở các bậc học lớn hơn, thư viện, phòng vi tính, phòng bộ môn... đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Thậm chí bàn ghế của HS cũng bị hư hỏng. Sự hỗ trợ cả vật chất và tinh thần với chúng tôi trong thời điểm này là rất quý. 

Một điểm trường ở huyện Phước Sơn bị sập do sạt lở
Một điểm trường ở huyện Phước Sơn bị sập do sạt lở
Bạn đọc

Bạn anhthihcm@...:

Ngày 2/11, hầu hết các trường học ở Quảng Nam đã cho HS đi học trở lại. Các em có gặp khó khăn gì sau bão số 9 không, nhất là HS vùng miền núi và vùng biển, thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Sau khi đi học lại, HS vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Một bộ phận không nhỏ HS có nhà cửa bị tốc mái, sập nhà, mất cha mất mẹ. Trước mắt cũng như lâu dài, thiệt hại của người dân Quảng Nam sau cơn bão số 9 là khó khắc phục khi tài sản tích cóp, dành dụm lâu nay đã bị "bốc hơi" theo cơn bão số 9. Chính vì vậy, HS sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập, từ áo quần đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập thiết yếu. Một số em không còn cha còn mẹ, không còn mái nhà để trở về. 

Em Đinh Thị Điệp - HS trường THPT Nam Trà My bên nấm mồ cha mẹ được người dân lập vội sau vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng
Em Đinh Thị Điệp - HS trường THPT Nam Trà My bên nấm mồ cha mẹ được người dân lập vội sau vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng
Bạn đọc

Bạn Tường Văn – Hà Nội:

Sau bão số 9, thầy và trò Quảng Nam đứng trước những khó khăn chưa từng có. Những thiệt hại về cơ sở vật chất, trường lớp khó có thể khắc phục trong ngày một ngày hai được. Xin ông cho biết kế hoạch hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với ngành GD&ĐT?
Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Để kịp tiến độ chương trình, HS không bị gián đoạn việc học tập, Quảng Nam ưu tiên khắc phục trước các phòng học theo phương châm "4 tại chỗ". Ngoài sự hỗ trợ kịp thời kinh phí sửa chữa trường lớp của tỉnh, các trường học đã tận dụng nguồn kinh phí của đơn vị, vận động sự đóng góp ngày công phụ huynh học sinh, đơn vị bộ đội, công an, các tổ chức chính trị xã hội, các Mạnh thường quân... nên một số trường đã đón HS học trở lại từ 30/10.

Các trường học khẩn trương khắc phục hậu quả bão lụt theo phương châm "4 tại chỗ"
Các trường học khẩn trương khắc phục hậu quả bão lụt theo phương châm "4 tại chỗ"

Với những trường bị thiệt hại nặng thì ngày 2/11 HS cũng đã đến trường trở lại. Các trường học đã linh động sắp xếp lại thời khóa biểu hợp lý, chuyển sang dạy 2 ca, sử dụng các phòng chức năng để làm phòng học tạm thời. 

Bạn đọc

Bạn minhanh123@...:

Xin ông cho biết những thiệt hại của ngành GD&ĐT Quảng Nam sau cơn bão số 9 vừa qua?
Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc ( bên phải) đang giao lưu cùng độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu Quảng Nam
Ông Hà Thanh Quốc ( bên phải) đang giao lưu cùng độc giả báo GD&TĐ tại điểm cầu Quảng Nam

Cơn bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề cho Quảng Nam nói chung, trong đó có ngành GD&ĐT. Mặc dù địa phương đã chủ động cho HS nghỉ học trước 1,5 ngày để các trường chủ động chằng chống, gia cố trường lớp, di chuyển trang thiết bị trường học đến nơi cao ráo, nhưng do sức càn quét của cơn bão số 9 quá mạnh; thời gian bão kéo dài trong nhiều giờ nên thiệt hại của ngành GD&ĐT là rất lớn.

Một số trường học ở miền núi bị sạt lở, vùi lấp hoàn toàn khu nội trú của học sinh và nhà công vụ của giáo viên. Các trường học vùng đồng bằng và ven biển gần như trường nào cũng bị tốc mái, sâp hàng rào, gãy đổ cây xanh... Một số trường học như THPT Núi Thành, THPT Cao Bá Quát gần như bị bão "bốc" hoàn toàn. 

Theo báo cáo của các cơ sở trường học gửi về, tính sơ bộ, thiệt hại của ngành GD&TĐ ước tính gần 60 tỷ đồng. 

Bạn đọc

Bạn vuthuha678@...:

Trong cùng 1 huyện nhưng có trường bị ảnh hưởng nặng do lũ phải nghỉ học dài ngày, có trường nghỉ ít hơn hoặc không phải nghỉ học. Điều này có gây khó khăn gì trong việc đảm bảo chất lượng đại trà chung của ngành và chất lượng mũi nhọn (như chuẩn bị ôn thi HSG tỉnh cho học sinh lớp 9, thi KHKT)?
Ông Trần Xuân Hà

Ông Trần Xuân Hà

Hiện chỉ còn một số địa phương giao thông chưa đảm bảo, đường đến trường của học sinh bị ngập cục bộ. Tuy nhiên, muộn nhất là sang tuần tới, các trường đều trở lại hoạt động bình thường. 

Trên thực tế, học sinh Thanh Chương nghỉ học do ảnh mưa lũ từ 3 – 7 ngày. So với thời gian nghỉ học bởi dịch Covid, thì thời gian nghỉ học do mưa lũ không dài. Các trường cũng đã lên kế hoạch sắp xếp lịch học bù hợp lý. Bên cạnh đó, kỳ thi chọn học sinh giỏi huyện cho học sinh lớp 9 được thống nhất thi vào ngày 23/11. Thời gian này, các trường vẫn có đủ thời gian để tập trung ôn tập, bồi dưỡng học sinh.

Sau kỳ thi chọn HSG huyện, Phòng cũng sẽ lựa chọn, thành lập đội tuyển các môn và tổ chức ôn tập, chuẩn bị cho các em tham gia thi HSG tỉnh vào tháng 3/2021.

Bạn đọc

Bạn Triệu Thu – Hoà Bình:

Đến thời điểm này, Quảng Nam còn trường học nào HS chưa thể đến trường được, thưa ông?
Ông Hà Thanh Quốc

Ông Hà Thanh Quốc

Hiện nay chỉ còn một số điểm trường thuộc bậc học mầm non, tiểu học ở các vùng núi cao như Trà Leng, Trà Vân của huyện Nam Trà My, Phước Lộc, Phước Kim của huyện Phước Sơn. Đây là những địa phương bị ảnh hưởng bởi sạt lở, trường lớp bị lũ cuốn trôi. Nhiều gia đình học sinh cũng bị nạn trong và sau cơn bão số 9 do bị sạt lở. Rất đau xót là trong và sau cơn bão số 9, nhiều HS cùng với ba mẹ bị tử nạn do sạt lở đất. Đến nay, Quảng Nam có 8 em HS tử vong cùng với cha mẹ. Nhiều em học sinh khác mất cha mất mẹ, mất người thân. 

Sạt lở nhà công vụ và nhà ở của HS trường Tiểu học và THCS Phước Thành
Sạt lở nhà công vụ và nhà ở của HS trường Tiểu học và THCS Phước Thành
Bạn đọc

Bạn lethu86@...:

Ông có thể cho biết, kế hoạch dạy học được điều chỉnh như thế nào để đảm bảo cho việc bổ trợ kiến thức cho học sinh sau lũ và theo kịp chương trình của Bộ GD&ĐT đề ra?
Thầy Lê Minh Quốc

Thầy Lê Minh Quốc

Hiện nay toàn ngành giáo dục của tỉnh Quảng Trị đang thực hiện Quyết định số 2329/QĐ-UBND ngày 18/8/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo quyết định này, thời gian thực học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ít nhất 35 tuần. Thời gian kết thúc năm học trước ngày 31/5/2021. Nếu thực hiện đúng theo quyết định này thì một số trường bị ảnh hưởng do bão lũ phải thực hiện dạy bù mới đảm bảo kịp tiến độ chương trình.

Tuy nhiên nếu chúng ta tổ chức dạy bù trong một thời gian ngắn thì có thể không ảnh hưởng đến việc bổ trợ kiến thức cho học sinh. Nhưng trên thực tế có một số trường do mưa bão đã chậm chương trình đến 3 tuần và thậm chí hiện nay vẫn có 1 điểm trường chưa tổ chức dạy học được. Chính vì vậy nếu tổ chức dạy bù với thời gian trên thì ít nhiều củng sẽ ảnh hưởng đến việc bổ trợ kiến thức cho học sinh.

Bên cạnh đó năm học này là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (2018). Năm đầu tiên thực hiện đổi mới SKG lớp 1. Theo chương trình này thì lớp 1 phải học 2 buổi/1 ngày nên việc tổ chức dạy bù cho học sinh lớp 1 cũng gặp nhiều khó khăn về mặt thời gian.

Với những vấn đề đã nêu, theo ý kiến của HĐSP nhà trường, nên điều chỉnh kéo dài khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 từ 3 đến 4 tuần là hợp lí và đảm bảo cho việc nâng cáo chất lượng giáo dục toàn diện.

Bạn đọc

Bạn Minh Hà – Nam Định:

Xin ông cho biết, nhà trường đã làm gì để cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ học sinh ổn định cuộc sống và tinh thần sau lũ?
Thầy Lê Minh Quốc

Thầy Lê Minh Quốc

Ngay sau khi bão lũ đi qua, trước hết nhà trường đã thống kê thiệt hại về cơ sở vật chất của trường cũng như nắm bắt tình hình, điều kiện hoàn cảnh của từng em học sinh bị ảnh hưởng, báo cáo với chính quyền địa phương và Phòng GD&ĐT huyện. Từ đó tham mưu cho chính quyền địa phương thông qua Mặt trận và các Ban ngành của xã cùng với toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường lao động vệ sinh, dọn dẹp lại phòng học, khuôn viên trường học để đảm bảo điều kiện cho các em đến trường.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên trường TH&THCS Hướng Linh quyên góp hỗ trợ gia đình học sinh bị thiệt hại trong lũ.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên trường TH&THCS Hướng Linh quyên góp hỗ trợ gia đình học sinh bị thiệt hại trong lũ.

Nhà trường đã kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trên tinh thần tự nguyện quyên góp bằng tiền mặt được 13.800.000 đồng và một số hiện vật như: Sách vở, áo quần cũ, mới, đồ dùng học tập… để trao cho những gia đình học sinh bị ảnh hưởng có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó số tiền được ưu tiên trao cho 2 gia đình phụ huynh bị sạt lở vùi lấp hoàn toàn nhà cửa. 

Nhà trường tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi các tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân, các đoàn thiện nguyện đã ủng hộ giúp đỡ cho các em bằng tiền mặt và hiện vật với tổng trị giá lên đến trên 150 triệu đồng để các em vượt qua khó khăn trước mắt tiếp tục đến trường.

Bạn đọc

Bạn lumai87@...:

Ông có thể cho biết, có những khó khăn gì đối với học sinh, giáo viên sau lũ?
Thầy Lê Minh Quốc

Thầy Lê Minh Quốc

Giáo viên phơi sách vở học sinh sau lũ lụt
Giáo viên phơi sách vở học sinh sau lũ lụt

Về học sinh: Một số em học sinh nằm trong các thôn bản bị ngập lũ và sạt lở, đa số sách vở, đồ dùng học tập… và thậm chí cả áo quần, dép giày, đồ dùng cá nhân bị mất và ẩm ướt nên không thể đến trường được. Khối tiểu học chúng tôi hiện đang rất cần sách vở cho học sinh. Theo thống kê sơ bộ thì khối Tiểu học cần 242 bộ sách giáo khoa và khoảng 850 quyển vở và rất cần đồ dùng học tập của học sinh.

Bên cạnh đó con đường từ nhà đến trường nay cũng phải đi qua những điểm sạt lở (vừa được khắc phục tạm), lầy lội, gây khó khăn cho các em trong vấn đề đi lại. Chúng tôi hàng ngày cắt cử giáo viên bám sát các thôn bản, kiểm tra các tuyến đường để khuyến cáo học sinh, và có thể chủ động cho học sinh nghỉ học nếu tuyến đường đó không đảm bảo…

Về giáo viên, trở ngại khó khăn lớn nhất là vấn đề đi lại. Con đường từ nhà đến trường phải đi qua rất nhiều điểm sạt lở (vừa được khắc phục tạm) khiến giáo viên bất an khi đi qua những điểm nguy hiểm này (vì chỉ cần một cơn mưa đủ lớn cũng có thể gây ra sạt lở bất cứ lúc nào). Bên cạnh đó toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên phải cố gắng hết sức mình để khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Giáo viên còn phải dạy bù để kịp tiến độ thực hiện khung thời gian và chương trình dạy học. Đây cũng là vấn đề làm cho giáo viên vất vả hơn trong quá trình tổ chức dạy học sau bão lũ.

Bạn đọc

Bạn Trần Hiền – Hải Dương:

Nhà trường bị ảnh hưởng cụ thể như thế nào do bão lũ và hiện nay đã chuẩn bị những gì sau lũ để đón học sinh đến trường, thưa ông?
Thầy Lê Minh Quốc

Thầy Lê Minh Quốc

Trong đợt bão lũ vừa qua, nhà trường bị ảnh hưởng rất nhiều đến điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học, đặc biệt tại địa bàn xã Hướng Linh có một số ngọn đồi, đường đi sạt lở đặc biệt nghiêm trọng đẫn đến con đường vào trường bị chia cắt, một số thôn bản bị ngập lũ và cô lập hoàn toàn. Đặc biệt đã có 2 gia đình của học sinh bị vùi lấp hoàn toàn do sạt lở (rất may không có thiệt hại về người), thời gian mưa bão và lũ kéo dài.

Chính vì vậy trong thời gian gần 3 tuần nhà trường không thể thực hiện được kế hoạch dạy học.

Về vấn đề chuẩn bị để đón học sinh đến trường sau bão lũ, trên tinh thần ngay sau khi bão lũ kết thúc, với điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên đến trường, nhà trường khẩn trương tổ chức cho cán bộ, giáo viên và nhân viên lao động vệ sinh, dọn dẹp lại phòng học, khuôn viên trường lớp học để đảm bảo điều kiện cho các em đến trường.

Bên cạnh đó nhà trường cần phải nắm bắt tình hình, điều kiện hoàn cảnh của từng em học sinh bị ảnh hưởng, từ đó có phương án giúp đỡ bằng vật chất, động viên tinh thần, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể trong khả năng của nhà trường cho các em đi học trở lại.

Bạn đọc

Bạn minhqn@...:

Xin ông cho biết, nhà trường thiệt hại như thế nào trong đợt lũ lịch sử vừa qua?
Thầy Lê Minh Quốc

Thầy Lê Minh Quốc

Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, nhờ phương án chuẩn bị từ trước rất cẩn thận nên thiệt hại về cơ sở vật chất của nhà trường cũng hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên do mưa lũ liên tục và kéo dài nên dẫn đến cơ sở vật chất nhà trường bị tốc mái nhà để xe, 1 công trình nhà vệ sinh bị hư hỏng nặng, 3 bộ máy tính bị hỏng, đặc biệt trong cơn bão số 9 gần như toàn bộ hệ thống điện ở các dãy nhà điểm trường chính bị chập và cháy các thiết bị sử dụng điện.

Bên cạnh đó ớ một số điểm trường khác có một khối lượng ít đất bùn chảy vào từ các ngọn đồi nằm phía sau điểm trường, nước lũ cuốn cành cây, cỏ rác làm ảnh hưởng không nhỏ đến khuôn viên nhà trường.

Bạn đọc

Bạn trantuanh89@...:

Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của Quảng Trị trong công tác đảm bảo an toàn trường học trước những ảnh hưởng của thiên tai?
Ông Nguyễn Văn Đức

Ông Nguyễn Văn Đức

Trước khi vào mùa bão lũ hằng năm, ngành GD&ĐT yêu cầu các nhà trường xây dựng Kế hoạch phòng chống bão lũ. Thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong nhà trường, thực hiện nghiêm túc “bốn tại chỗ”. Cử cán bộ giáo viên ứng trực 24/24 giờ và báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng.

Đối với địa bàn huyện Hướng Hoá, là nơi thường xuyên phải gánh chịu hậu quả mưa lũ, nên ngay từ đầu khi có kế hoạch xây dựng trường lớp, phòng GD&ĐT đã tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc chọn địa điểm xây dựng trường nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng thiệt hại do bão lũ.

Đơn cử trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, các trường đã chủ động di chuyển trang thiết bị cơ sở vật chất các phòng chuyên môn, nghiệp vụ như phòng máy tính, phòng thí nghiệm, thư viện… lên ở những nơi an toàn, nên chúng tôi có thể bảo vệ tối đa tài sản của nhà trường, tuy nhiên còn có nhiều nơi do nước lũ lên quá nhanh và cao hơn nhiều năm nên vẫn có thiệt hại nhưng không đáng kể…

Bên cạnh đó, hằng năm ngành GD&ĐT huyện Hướng Hoá đã chủ động và tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh bão lũ cho đội ngũ nhà giáo và học sinh thông qua các buổi ngoại khoá của từng trường, từ đó giúp giáo viên và học sinh có thể nhận biết những nguy cơ ở mùa bão lũ, từ đó phòng tránh để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bạn đọc

Bạn Triệu Hương - Ninh Bình:

Đến thời điểm này, Quảng Trị còn trường học nào HS chưa thể trở lại trường, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đức

Ông Nguyễn Văn Đức

Đến thời điểm này còn có Trường Mầm non Hướng Việt, Trường TH&THCS Hướng Việt chưa tổ chức học lại được do bùn đất, cây cối lấp toàn bộ nhà trường dày 50 – 70 cm, đòi hỏi phải có phương tiện cơ giới (máy múc, xe ben) mới có thể khắc phục được, trong khi đường vào hai xã Hướng Lập, Hướng Việt bị chia cắt do sạt lở hư hỏng đường.

Bạn đọc

Bạn Vũ Hà Thu – Bình Thuận:

Sau bão lũ, thầy và trò Quảng Trị đứng trước vô vàn khó khăn. Xin ông cho biết kế hoạch hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với ngành GD&ĐT?
Ông Nguyễn Văn Đức

Ông Nguyễn Văn Đức

Sau bão lũ, chúng tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ tối đa nguồn lực nhằm phối hợp cùng nhà trường, cùng đội ngũ thầy cô giáo khắc phục hậu quả mưa lũ để lại. Một trong những lực lượng tích cực nhất đó chính là lực quân sự, công an, dân quân, các đoàn viên thanh niên và tổ chức xã hội đã cùng giáo viên các trường học dọn dẹp vệ sinh trường lớp; tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung các dụng cụ, thiết bị, phương tiện hư hỏng. Ngành Y tế đã cung cấp dung dịch sát trùng, sát khuẩn cho các nhà trường bị ngập lụt.

Bạn đọc

Bạn mai_anh123@...nRpJ:

Xin ông cho biết những thiệt hại của ngành GD&ĐT Quảng Trị do đợt lũ lụt lịch sử vừa qua?
Ông Nguyễn Văn Đức

Ông Nguyễn Văn Đức

Ngành GD&ĐT Hướng Hóa thiệt hại do mưa lũ gây ra khá lớn, theo số liệu thống kê từ các trường học là trên 20 tỷ đồng, một số trường nước lũ lên nhanh, chảy xiết làm ngập các phòng học, làm trôi bàn ghế, thiết bị, sách vở của học sinh, hư hỏng thiết bị máy móc của nhà trường, đặc biệt các trường học tại xã Hướng Việt do sạt lở núi vùi lấp toàn bộ khuôn viên, cơ sở vật chất của nhà trường.

Mất mát lớn nhất mà không có gì bù đắp được là mưa lũ cướp đi sinh mạng của 4 em học sinh.

Bạn đọc

Bạn haiha98@...:

Xin ông cho biết, kế hoạch học tập của học sinh sau gián đoạn bởi mưa lũ thay đổi như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đức

Ông Nguyễn Văn Đức

Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (phải) trả lời bạn đọc báo GD&TĐ tại điểm cầu Quảng Trị

Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (phải) trả lời bạn đọc báo GD&TĐ tại điểm cầu Quảng Trị

Đợt mưa lũ vừa qua đã làm gián đoạn việc tổ chức học tập của học sinh các cấp trên địa bàn huyện Hướng Hoá. Nhiều khu vực học sinh nghỉ học khoảng 3 tuần và có thể lâu hơn nữa bởi vì hiện tại trường lớp chưa thể khắc phục được do bùn đất bồi lấp khuôn viên nhà trường.

Một số điểm trường không an toàn do phòng học bị tốc mái, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến học sinh thì các trường chưa thể đón học sinh trở lại trường. Chúng tôi yêu cầu các trường khẩn trương ổn định trường lớp để tiếp tục tổ chức dạy học trở lại.

Căn cứ từ thực tế đề xuất của các trường bị ảnh hưởng do lũ lụt, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp để bảo đảm tiến độ chương trình và chất lượng giáo dục, tổ chức dạy bù chương trình thời gian học sinh nghỉ học, dạy học vào ngày thứ bảy và buổi thứ 2 trong các ngày.

Bạn đọc

Bạn Quý Mô – Hải Phòng:

Hiện nay, thầy và trò nhà trường đã nhận được những hỗ trợ nào từ ngành và các đoàn thể để khắc phục hậu quả mưa lũ?
Thầy Nguyễn Quang Hùng

Thầy Nguyễn Quang Hùng

Thầy Nguyễn Quang Hùng (phải) trao đổi với PV Báo GD&TĐ tại điểm cầu Hướng Hoá, Quảng Trị
Thầy Nguyễn Quang Hùng (phải) trao đổi với PV Báo GD&TĐ tại điểm cầu Hướng Hoá, Quảng Trị

Ngay sau khi xuất hiện những trận mưa bão đầu tiên đã làm ảnh hưởng đến quá trình dạy học, thầy và trò nhà trường chúng tôi đã nhận được sự quan tâm kịp thời, chỉ đạo sâu sát của Phòng GD&ĐT Hướng Hóa đến công tác dạy học của nhà trường nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên. Đồng thời bằng mọi biện pháp phù hợp nhất để khắc phục hậu quả, duy trì công tác dạy học khi điều kiện thời tiết thuận lợi hạn chế đến mức thấp nhất việc học sinh nghỉ học.

Bên cạnh sự quan tâm động viên kịp thời của phòng GD&ĐT thì thầy và trò nhà trường cũng đã nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Hướng Linh, các anh bộ đội ở Đội sản xuất 2 (thuộc trung đoàn 52), Công an xã Hướng Linh đã trực tiếp tới trường giúp đỡ giáo viên và học sinh trước, trong và sau bão lụt. 

Từ kết nối của các cơ quan báo chí, các trang tin, mạng xã hội, chúng tôi đã nhận được một số hỗ trợ về sách vở, áo quần, lương thực thực phẩm cho học sinh nhà trường để giúp đỡ các em trước mắt ổn định cuộc sống và tiếp tục đến trường khi điều kiện cho phép…

Bạn đọc

Bạn thientam@...:

Xin thầy cho biết, học sinh trong trường gặp khó khăn và cần sự hỗ trợ nhất về vấn đề gì sau mưa lũ? Cụ thể nguyện vọng của thầy và trò nhà trường là gì?
Thầy Nguyễn Quang Hùng

Thầy Nguyễn Quang Hùng

Trong những ngày bão lụt đã gây nhiều thiệt hại tài sản của gia đình học sinh, trong đó có áo quần, sách vở, đồ dùng phục vụ cho học tập v.v.. bị ướt, vùi lấp (đối với những gia đình bị sạt lở), hư hỏng không thể sử dụng được.

Vì thế để cho các em có một điều kiện học tập tốt hơn thì nguyện vọng của thầy và trò nhà trường là có đủ quần áo để các em đi học, có đủ sách vở, cặp sách, áo ấm chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, áo mưa để đi học trong mùa mưa khỏi bị ướt, có đôi dép để đi học khỏi bị trượt ngã.

Bạn đọc

Bạn thaonguyen02@...:

Thiệt hại sau bão lũ không chỉ là vật chất mà còn tổn thất về mặt tinh thần. Vậy các thầy cô có kế hoạch gì để ổn định tâm lý, động viên các em học sinh an tâm học tập khi trở lại trường học sau nghĩ tránh lũ?
Thầy Nguyễn Quang Hùng

Thầy Nguyễn Quang Hùng

Thiên tai, mưa lũ thì không thể nói trước được điều gì cả, rất nhiều năm rồi chúng tôi mới chứng kiến một đợt mưa lũ lịch sử như vậy, địa bàn huyện Hướng Hoá là một trong những địa bàn thiệt hại nặng nề nhất.

Có lẽ những hình ảnh nước lũ cuốn trôi mọi thứ, hình ảnh sạt lở, hình ảnh tang thương trong những trận bão lụt xảy ra làm các em học sinh đã rất sợ, hoang mang, lo lắng và cảm thấy bất an khi phải sống trong môi trường như thế.

Để ổn định lại tâm lí, động viên các em học sinh an tâm học tập khi trở lại trường học sau nghỉ tránh lũ, các thầy cô đã đến tận từng gia đình học sinh thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, thiệt hại của gia đình các em, an ủi, động viên các em và gia đình khắc phục thiệt hại và vượt qua khó khăn để trở lại trường lớp tiếp tục học tập.

Những lúc như thế này chính đội ngũ giáo viên chúng tôi là chỗ dựa tinh thần động viên các em học sinh vượt qua khó khăn, đặc biệt là những em có hoàn cảnh éo le do mưa lũ.

Bạn đọc

Bạn vuthuha@...:

Xin thầy cho biết, thầy trò nhà trường và các trường học trên địa bàn đã phải nghỉ học bao lâu vì ảnh hưởng của lũ lụt? Việc đột nhiên bị gián đoạn học tập ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch dạy học chung và các thầy cô sẽ bù đắp kiến thức cho học sinh sau những ngày nghỉ học như thế nào?
Thầy Nguyễn Quang Hùng

Thầy Nguyễn Quang Hùng

Là địa phương thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, chính vì vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi có những phương án để đối phó với mưa bão và sớm triển khai việc dạy và học cho học sinh đáp ứng yêu cầu của ngành đề ra.

Năm 2020 là một năm đặc biệt, học sinh hết nghỉ học do dịch bệnh Covid – 19 thì các em lại đối diện với mùa mưa bão lịch sử. Từ đầu năm học 2020-2021 đến nay đã xảy ra nhiều đợt lũ lụt xảy ra trên địa bàn. Bắt đầu từ cơn bão số 4, tùy theo địa bàn từng trường mà các trường chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Riêng đối với  trường TH&THCS Hướng Linh thì nhà trường đã cho học sinh nghỉ học tổng cộng 3 tuần.

Việc đột nhiên bị gián đoạn học tập đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của các em, kiến thức mà các em tiếp thu bị gián đoạn, đứt quãng nên chất lượng học tập của học sinh bị giảm sút rất nhiều. Bên cạnh đó tiến độ thực hiện chương trình cũng bị chậm lại so với quy định.

Để bù đắp kiến thức cho học sinh sau những ngày nghỉ học, nhà trường đã chỉ đạo dạy bù, đối với bậc tiểu học thì tăng thời lượng môn tiếng Việt nhằm duy trì việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Tăng cường rèn Toán cho các em để các em nắm vững kiến thức, đặc biệt là kiến thức cơ bản. Tuy nhiên đối HS lớp 1 là lớp đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 nên việc dạy bù đã gặp phải khó khăn về mặt thời gian.

Bạn đọc

Bạn Minh Hằng – Thái Bình:

Sau những ngày phải nghỉ dạy vì bão lũ, xin hỏi, việc làm đầu tiên các thầy cô làm sau khi trở lại trường lớp là gì?
Thầy Nguyễn Quang Hùng

Thầy Nguyễn Quang Hùng

Đối với giáo viên vùng lũ, vùng sạt lở đất và vùng có nguy cơ bị lũ quét như ở xã Hướng Linh huyện Hướng Hoá của tỉnh Quảng Trị thì những giáo viên chúng tôi luôn túc trực ở nhà trường để làm các công tác phòng chống, ứng phó với mưa bão để bảo vệ tài sản nhà trường cũng như sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ các em học sinh của mình trong mưa bão.

Lực lượng Quân đội, Công an giúp đỡ các trường học vùng lũ dọn vệ sinh trường học
Lực lượng Quân đội, Công an giúp đỡ các trường học vùng lũ dọn vệ sinh trường học

Khi mưa bão kết thúc, chúng tôi tiến hành sửa soạn, dọn dẹp vệ sinh trường lớp, thăm hỏi động viên học sinh và gia đình; sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn của gia đình các em đồng thời tập trung khắc phục hậu quả của mưa lũ để lại một cách sớm nhất nhằm đón học sinh đến trường.

Sau những ngày phải nghỉ dạy vì bão lụt, việc làm đầu tiên của các thầy cô giáo sau khi trở lại trường lớp là tiến hành dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường lớp, khắc phục hậu quả sau bão lụt.

Bạn đọc

Bạn Mai Anh – Nghệ An:

Với ảnh hưởng, thiệt hại như vậy, Phòng Giáo dục Thanh Chương có chỉ đạo gì trong việc tổ chức dạy học trở lại để đảm bảo tiến độ chương trình năm học đối với các trường phổ thông (tiểu học, THCS) nhưng không gây áp lực cho học sinh, giáo viên?
Ông Trần Xuân Hà

Ông Trần Xuân Hà

Trong tình hình mưa lũ diễn biến khó lường, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 502/PGD&ĐT ngày 01/11/2020 về việc khắc phục mưa lũ do ảnh hưởng của Bão số 9 để chỉ đạo các trường chủ động dạy học. Trong công văn nêu rõ: Những trường nào đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh thì thông báo học sinh đi học, những trường nào chưa đảm bảo an toàn, nhà trường thông báo cho phụ huynh cho các em tiếp tục nghỉ học đến khi an toàn mới quay lại trường, đồng thời có kế hoạch dạy bù khi các em quay lại học.

Phòng GD&ĐT bám sát kế hoạch giáo dục của các trường năm học 2020- 2021 để chỉ đạo việc dạy bù đảm bảo không gây áp lực cho học sinh, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng theo kế hoạch giáo dục đã đề ra.

Bạn đọc

Bạn vinhquan@...:

Xin ông cho biết, ngành có tham mưu, đề xuất gì với các cấp chính quyền, Sở GD&ĐT để hỗ trợ sớm khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra cho các trường học trên địa bàn?
Ông Trần Xuân Hà

Ông Trần Xuân Hà

Phòng GD&ĐT huyện đã thống kê thiệt hại của các trường do mưa lũ gây ra báo cáo UBND huyện Thanh Chương, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Qua đó, đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả kịp thời đáp ứng cở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, sách vở cho học sinh. Lãnh đạo huyện Thanh Chương cũng rất quan tâm, xác định ưu tiên các nguồn lực khắc phục những thiệt hại để các nhà trường sớm ổn định công tác dạy và học.

Sở GD&ĐT Nghệ An hỗ trợ trường học tại huyện Thanh Chương bị thiệt hại do mưa lũ.
Sở GD&ĐT Nghệ An hỗ trợ trường học tại huyện Thanh Chương bị thiệt hại do mưa lũ.

Phòng cũng chỉ đạo các trường sử dụng các nguồn vận động tài trợ của phụ huynh học sinh và các nguồn thu hợp pháp khác, chuyển hạng mục các công trình chưa thực sự cần thiết để ưu tiên công tác khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra sớm ổn định công tác dạy học.

Đặc biệt, trong những ngày qua, ngành Giáo dục huyện đón rất nhiều nhà hảo tâm, các đoàn thiện nguyện về hỗ trợ cho nhà trường cũng như học sinh về vật chất và tinh thần để khắc phục hậu quả do lũ gây ra.

Bạn đọc

Bạn mylinh9x@...:

Sau lũ, công tác vệ sinh, dọn dẹp, phòng dịch đang được triển khai trên địa bàn thế nào, thưa ông?
Ông Trần Xuân Hà

Ông Trần Xuân Hà

Sau lũ, công tác khắc phục hậu quả, vệ sinh, phòng dịch được các nhà trường khẩn trương thực hiện với phương châm "nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đấy". Các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành y tế, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội cũng vào cuộc tích cực. 

Đặc biệt, các trường học trên địa bàn có sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng bộ đội Sư đoàn 324, (Trung đoàn 335, Quân khu IV), lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện, phụ huynh học sinh.

Nhờ đó, bùn đất trong sân trường, phòng học đã được đẩy ra ngoài, lau rửa sạch sẽ. Bàn ghế, các thiết bị dạy học cũng được phơi khô và kiểm tra, sửa chữa đưa vào sử dụng. Ngành y tế cũng phối hợp với các nhà trường để xử lý môi trường, nguồn nước, phòng dịch bệnh. 

Bạn đọc

Bạn Ngân Anh – Bắc Ninh:

Đến nay có bao nhiêu trường đã đón học sinh đi học trở lại, bao nhiêu trường vẫn đang phải nghỉ học thưa ông?
Ông Trần Xuân Hà

Ông Trần Xuân Hà

Đến nay 100% trường học trên địa bàn đã hoàn thành dọn dẹp, vệ sinh, đón học sinh quay lại trường. Tuy nhiên một số địa phương học sinh đi lại vẫn chưa an toàn nên các trường vẫn quyết định cho học sinh nghỉ học.

Các trường học tại huyện Thanh Chương, Nghệ An đã hoàn thành dọn dẹp, vệ sinh sau lũ
Các trường học tại huyện Thanh Chương, Nghệ An đã hoàn thành dọn dẹp, vệ sinh sau lũ

Cụ thể đến ngày 4/11/2020 (Thứ 4), có 105 trường đi học, còn 11 trường vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Quan điểm của lãnh đạo huyện và phòng GD&ĐT các trường khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt để đón học sinh quay trở lại trường sớm nhất nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, những trường chưa đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất và giao thông đi lại - cho học sinh tiếp tục nghỉ học.

Bạn đọc

Bạn muathuytinh@...:

Thưa ông, Thanh Chương là huyện bị ảnh hưởng nặng nhất tỉnh Nghệ An trong đợt mưa lũ vừa qua, với nhiều nơi bị cô lập, ngập sâu. Vậy ngành giáo dục huyện bị thiệt hại như thế nào?
Ông Trần Xuân Hà

Ông Trần Xuân Hà

Trong 3 ngày 29, 30 và 31/10/2020 trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) có mưa to đến rất to làm ngập lũ nhiều nơi. Trong đó có nhiều trường bị ngập và bị cô lập, cụ thể các trường bị ngập: Mầm non Thanh An; MN Thanh Nho, MN Thanh Hà, MN Thanh Long, MN Thanh Ngọc, MN Ngọc Sơn, MN Thanh Khai, Tiểu học Thanh Hà, THCS Thanh Long… Có hơn 700m bờ rào bị sập, nhiều cây xanh gãy đổ. Trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi các trường vùng ngập lụt bị ngâm trong nước, gây hư hỏng, không thể sử dụng được nữa. Uớc tính thiệt hại của ngành giáo dục huyện Thanh Chương, Nghệ An trong đợt mưa lũ vừa qua là hơn 1 tỷ 500 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ