Giao lưu trực tuyến: “Du học tại chỗ: Con đường rộng mở”

GDTĐ - “Du học tại chỗ” hiện đã trở thành lựa chọn tin cậy đối với nhiều phụ huynh và học sinh Việt Nam. Những ưu thế nổi trội của hình thức học tập này sẽ được các chuyên gia và cựu du học sinh chia sẻ tại Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Du học tại chỗ: Con đường rộng mở”, do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức từ 9h đến 10h 30 ngày 16/10/2020.

Giao lưu trực tuyến: “Du học tại chỗ: Con đường rộng mở”

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến đa diện và đa lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu, trong đó giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, bên cạnh thách thức luôn mở ra những cơ hội mới. Có thể kể đến sự chuyển dịch và số hoá mạnh mẽ trong giáo dục, xu hướng lựa chọn các chương trình quốc tế, liên kết đào tạo ngay tại các trường đại học Việt Nam.

“Du học tại chỗ” hiện nay đang được đánh giá là một trong số những giải pháp hiệu quả, phù hợp với rất nhiều du học sinh. Hình thức học tập này vừa giúp sinh viên không bị gián đoạn học tập, vừa đảm bảo an toàn với chi phí hợp lý. Những nội dung chia sẻ của khách mời trong chương trình sẽ giúp học sinh và phụ huynh an tâm, vững tin hơn với lựa chọn hợp xu thế này.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

Ông Tony Summers – Phó Giám đốc Học vụ, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV)

PGS.TS Hồ Thuý Ngọc  - Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương

Em Trần Hoài Nam - Sinh viên 2004MM quản trị Marketing, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV)

Để nhận được những chia sẻ hữu ích từ các khách mời, ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi về Chương trình theo form dưới đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

Giao lưu trực tuyến: “Du học tại chỗ: Con đường rộng mở” ảnh 1
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Phó Giám đốc Học vụ, trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV)

Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Sinh viên Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV)

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương

Bạn đọc

Bạn Lương Hạnh – Hoà Bình:

Theo ông, những ưu điểm nổi trội của mô hình du học tại chỗ là gì?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Như tôi đã nói, du học tại chỗ mang đến cho các em sinh viên lợi thế nổi bật: Theo học chương trình với bằng cấp quốc tế ngay tại quê hương, không phải xa nhà và tiết kiệm chi phí. Ví dụ như tại BUV, 100% giảng viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chương trình học đề cao thực tiễn hoàn toàn bằng tiếng Anh tuân thủ quy định của Chính phủ Anh Quốc, cộng đồng sinh viên quốc tế với các hoạt động sinh viên sôi nổi, cơ sở vật chất hiện đại...mang đến cho sinh viên trải nghiệm quốc tế đa dạng.

Bạn đọc

Bạn tuedang@gmail.com:

Hiện em đang là học sinh lớp 11. Em phải bắt đầu lộ trình như thế nào, chuẩn bị những gì để có thể đỗ và học Chương trình liên kết cử nhân Quản trị khách sạn quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương?
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

Chương trình Quản trị khách sạn quốc tế của Tập đoàn Vatel (Pháp) được triển khai ở trường Đại học Ngoại thương từ năm 2019. Để tham gia chương trình này, bên cạnh điều kiện cứng là tốt nghiệp THPT, tiếng Anh tối thiểu tương đương trình độ B2 Khung tham chiếu châu Âu thì các bạn sinh viên phải chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt vì các em sẽ phải thực hành tại Nhà hàng ngay từ học kỳ 1 năm thứ 1, phải thực tập tại khách sạn 5 sao ngay từ học kỳ 2 năm thứ 1. 10 tiếng đứng bếp không nghỉ và tham gia các hoạt động tổ chức sự kiện tại khách sạn là điều thường gặp trong chương trình. Đây là một chương trình “khắc nghiệt” theo cách nói vui của nhiều bạn sinh viên của chương trình nhưng cũng là chương trình đem lại “trái ngọt” nhanh nhất vì các em sẽ phải đi làm ngay với vị trí quản lý tại hệ thống khách sạn 5 sao trong và ngoài nước từ học kỳ 2 năm thứ 3 của chương trình.

Bạn đọc

Bạn Hải Băng, Hà Nam:

Nếu chọn du học tại chỗ thì sinh viên có thể được học chuyển tiếp tại nước ngoài hay không? Bằng được cấp khi ra nước ngoài có giá trị hay không?
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

Việc chuyển tiếp ra nước ngoài hoàn toàn phụ thuộc vào trường tiếp nhận. Do đó, để biết chắc chắn việc du học tại chỗ có cho sinh viên được chuyển tiếp ra nước ngoài hay không thì sinh viên phải kiểm tra mô hình du học tại chỗ có cho phép sinh viên chuyển tiếp sang trường cấp bằng hay không. Ví dụ mô hình 2+1, 2+2 là những mô hình mà người học có thể học 1 hoặc 2 năm ở nước ngoài. Nếu sinh viên muốn chuyển tiếp ra trường khác không phải trường sẽ cấp bằng cho chương trình du học tại chỗ thì sinh viên cần được trường mà mình muốn chuyển tiếp công nhận tín chỉ để được miễn các môn học tương tự mà mình đã học tại Việt Nam.

Bằng cấp của chương trình du học tại chỗ thông thường sẽ là bằng của trường nước ngoài. Bằng này có giá trị hay không phụ thuộc vào chương trình có được triển khai hợp pháp và có chất lượng hay không.

Bạn đọc

Bạn Hoàng Oanh (Bắc Ninh):

Hiện nay, nhiều thí sinh không đỗ nguyện vọng 1 đã đăng ký ngay du học tại chỗ, bạn có cho rằng điều này khiến việc du học tại chỗ trở nên “ồ ạt” giảm chất lượng thí sinh đầu vào không?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Giao lưu trực tuyến: “Du học tại chỗ: Con đường rộng mở” ảnh 13

Mặc dù không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia làm tiêu chuẩn đầu vào để xét tuyển, các bạn vẫn cần đảm bảo yêu cầu về tiếng Anh (IELTS hoặc tương đương hoặc thi tiếng Anh đầu vào) và học thuật (bằng tốt nghiệp THPT và học bạ). Chính những yêu cầu này sẽ không làm giảm chất lượng xét tuyển đầu vào cho các chương trình du học tại chỗ.

Bạn đọc

Bạn Gia Phúc, Thái Bình:

Du học tại chỗ có cơ chế cấp học bổng cho sinh viên hay không? Muốn tìm học bổng du học tại chỗ ngành Quản trị kinh doanh, Khoa học máy tính thì có thể tham khảo ở những trường nào?
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ

 

 

Học bổng là tùy theo chính sách của từng trường, cả trường của Việt Nam và nước ngoài. Ví dụ trường Đại học Ngoại thương và các đối tác nước ngoài hằng năm đều có quỹ học bổng lên tới 10 tỷ VNĐ cho các chương trình du học tại chỗ. Chẳng hạn như chương trình Quản trị Kinh doanh của Đại học Angelo State University (Hoa Kỳ) cấp học bổng tương ứng với 70% học phí cho sinh viên của chương trình khi chuyển tiếp sang Hoa Kỳ. Như vậy sinh viên thay vì phải nộp khoảng 300 triệu VNĐ tiền học phí/ năm thì chỉ phải nộp 30% mà thôi. Hoặc như chương trình Luật- Kinh doanh của Đại học Aomori- Nhật Bản, sinh viên được cấp học bổng tương ứng với 50%  học phí và đặc biệt trong đợt dịch vừa qua, Đại học Aomori quyết định cấp tiếp học bổng 50% nữa, tức là sinh viên chỉ còn phải nộp 25% học phí của chương trình. Chưa kể, Đại học Aomori đảm bảo 100% sinh viên có việc làm thêm ở Nhật nên các em cũng không còn bị áp lực tài chính khi học tập trong mùa dịch nữa.

Do đó, muốn biết chương trình nào có học bổng thì các em phải tìm hiểu thông tin tại các cơ sở đào tạo triển khai chương trình này nhé.

Bạn đọc

Bạn Phúc Nguyễn (Gia Lâm, Hà Nội):

Nam có thể chia sẻ điểm giống và khác trong phương pháp dạy và học tại BUV so với việc học tại nước ngoài?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Học tập tại BUV hay tại nước ngoài, các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Anh bởi các giảng viên nhiều kinh nghiệm làm việc và giảng dạy, qua đó có thể truyền đạt các bài giảng với nhiều ví dụ sinh động. Ngoài ra, trong quá trình học tập, sinh viên cũng đều phải vận dụng kỹ năng làm việc nhóm, đọc và tự nghiên cứu.

Điểm khác nhau lớn nhất là khi du học tại chỗ, các bạn sinh viên đều là người Việt Nam nên trong quá trình học tập, cả tiếng Anh và tiếng Việt đều được sử dụng. Tuy nhiên nhờ đó cũng dễ dàng hiểu nhau hơn trong quá trình trao đổi.

Bạn đọc

Bạn Ngô Bảo Trâm – Hà Nội:

Được biết BUV là trường đại học quốc tế đầu tiên và duy nhất cung cấp các chương trình học và cấp bằng trực tiếp từ Vương quốc Anh, ông có thể chia sẻ thêm về hình thức dạy và học tại BUV, làm sao để đảm bảo được chất lượng như khi học tại Anh Quốc?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Giao lưu trực tuyến: “Du học tại chỗ: Con đường rộng mở” ảnh 21

 

Điều này tôi có thể tự hào khoe với bạn là, sinh viên học tại BUV có tỉ lệ điểm giỏi khá cao.

Điều này có được là do sinh viên Việt Nam thật sự rất thông minh, các bạn ấy phần lớn đều có trách nhiệm với việc học. Ngoài ra, ở Việt Nam các bố mẹ rất quan tâm tới việc học của con cái. Một phần nữa là tất cả giảng viên, chương trình của chúng tôi đều đã được chuẩn hoá theo tiêu chuẩn của các đơn vị cấp bằng tại Anh.

BUV hiện đang cung cấp chương trình đào tạo của 2 trường: Đại học London và Đại học Staffordshire. Với các sinh viên BUV đang theo học chương trình của ĐH London, sẽ phải làm bài thi tại 1 đơn vị uỷ quyền độc lập là Hội đồng Anh tại Việt Nam, sau đó bài thi được chuyển qua ĐH London chấm và trả điểm về BUV.

Với sinh viên đang theo học các chuyên ngành do ĐH Staffordshire cấp bằng, thì từ khâu ra đề, phương án tổ chức thi đã phải qua kiểm duyệt của trường bên Anh, bài thi sau đó được BUV chấm vòng 1, vòng 2 do ĐH Staffordshire chấm độc lập. Sau đó 2 bên cùng đối chiếu kết quả, nếu có sự khác biệt sẽ cùng thảo luận và đi đến thống nhất kết quả cuối cùng.

Vậy nên về khâu đánh giá chất lượng, chắc chắn sinh viên học tại BUV không có sự khác biệt nào so với việc sinh viên đi du học cùng hệ thống trường bên Anh.

Bạn đọc

Bạn Quangnguyen68@...com:

Nam có thể chia sẻ lý do bạn chọn BUV thay vì một trường Đại học quốc tế khác hoặc một trường Đại học có chương trình liên kết khác?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Trở về Việt Nam để tiếp tục con đường học tập, Đại học Anh Quốc Việt Nam nổi bật với bằng cấp chuẩn Anh Quốc, khu học xá hiện đại, các giảng viên nước ngoài, các công tác hỗ trợ học sinh tốt và hoạt động câu lạc bộ sôi nổi.

Đặc biệt hơn, lý do chính khiến mình lựa chọn BUV là số lượng các cơ hội thực tập lớn mà BUV giới thiệu cho sinh viên. Đây thực sự là một lối tắt giúp cho các bạn sinh viên BUV giành được cơ hội thực tập tại các công ty lớn.

Bạn đọc

Bạn longan@gmail.com:

Trong dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các trường ĐH tạo điều kiện để tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế. Với Trường ĐH Ngoại thương, những ngành nào có thể tiếp nhận được các du học sinh và điều kiện để tiếp nhận là như thế nào? Nếu đang học tại trường, sinh viên lại có cơ hội quay trở về nước đang du học để học tập thì có được tạo điều kiện hay không?
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

Giao lưu trực tuyến: “Du học tại chỗ: Con đường rộng mở” ảnh 26

 

Thực hiện chủ trương của Bộ, trường Đại học Ngoại thương đã tiếp nhận các du học sinh ngay từ khi dịch mới manh nha bùng phát trên thế giới. Hiện nay, Nhà trường đã tiếp nhận du học sinh từ Mỹ, Anh, Nhật Bản, Philipine, Canada. Kể cả du học sinh quốc tế đang ở tại Việt Nam và không quay về nước mình cũng được tạo điều kiện học tập bình thường tại Nhà trường như Hàn Quốc, Anh quốc, Nigeria.

Có những bạn học xong cấp 3 ở nước ngoài, có những bạn đang học dở dang chương trình đại học phải về nước vì dịch bệnh đều được Nhà trường tạo mọi điều kiện để thực hiện việc học của mình nhanh chóng kịp thời. Việc tiếp nhận này được diễn ra nhanh chóng cũng là nhờ các chương trình quốc tế tại Nhà trường phong phú về chuyên ngành nên du học sinh dễ lựa chọn để phù hợp với chuyên ngành mình đang học tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, các đối tác của Nhà trường rất hợp tác trong việc tiếp nhận các du học sinh này nên quá trình xét hồ sơ, công nhận tín chỉ và tư vấn học tập về lộ trình học tập tiếp theo được thực hiện trong thời gian vô cùng ngắn. Các cán bộ quản lý chương trình đào tạo quốc tế tại Khoa Đào tạo quốc tế của Nhà trường đã vượt qua khó khăn về chênh lệch múi giờ giữa các nước để thực hiện các thủ tục chuyển tiếp cho các du học sinh.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và du học sinh mong muốn tiếp tục việc học tại trường ban đầu thì các trường đó phải công nhận tín chỉ học tập tại trường Đại học Ngoại thương. Để công nhận tín chỉ, các trường phải làm việc với nhau về các vấn đề học thuật và FTU cam kết với du học sinh trong việc phối hợp với các trường ban đầu của du học sinh trong công tác này. Do đó, tôi nghĩ rằng việc tiếp tục học tại trường ban đầu của các em có thể thực hiện được và thuần túy phụ thuộc vào vấn đề chuyên môn, chứ không nằm ở những trở ngại mang tính thủ tục.

Bạn đọc

Bạn Bình Nguyên (Điện Biên):

Nhiều người ước mơ được đi du học, Nam lại quay về nước, có khi nào bạn hối hận vì quyết định này không?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Du học là một cơ hội vô cùng quý giá để trải nghiệm nền văn hoá nước ngoài trong khi học tập. Tuy nhiên, du học tại chỗ cũng có những ưu điểm lớn như tiết kiệm chi phí, được sống gần gũi với gia đình và bạn bè, không phải thay đổi quá nhiều về sinh hoạt hằng ngày. Vậy nên mình không hối hận với quyết định về nước để tiếp tục học tập.

Bạn đọc

Bạn Minh Quang – TP. HCM:

Thầy Tony có thể chia sẻ thêm về triết lý giáo dục của BUV?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Chào em, khi thế giới đang đối mặt với những thay đổi chưa từng thấy và các biến động khó lường, trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) nhận ra đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội rộng mở cho Việt Nam.

Với những cơ hội này, sứ mệnh của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam là: Cung cấp chương trình đào tạo và bằng cấp chất lượng cao của Anh Quốc cùng môi trường giáo dục đẳng cấp quốc tế cho sinh viên Việt Nam; Kiến tạo một thế hệ trẻ đam mê khám phá, có tư duy sáng tạo, có trình độ cao và sẵn sàng phát triển trong nhiều lĩnh vực công việc và cuộc sống của thời đại công nghệ 4.0.

Bạn đọc

Bạn Phạm Minh Anh (Tây Hồ, Hà Nội):

Trong số những thành tích của mình, Nam ấn tượng với thành tích nào nhất, có thể chia sẻ nó cho mọi người không?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Thành tích mà mình tự hào nhất mỗi khi nhắc tới là được hoạt được dưới vai trò Bí thư Đoàn trường tại trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành. “Thành tích” đó đã cho mình rất nhiều trải nghiệm ý nghĩa, cơ hội gặp gỡ và làm việc với nhiều thầy cô giáo, bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó để hiểu thêm về bản thân, trau dồi các kỹ năng mềm và xây dựng các mối quan hệ xã hội.

 
Bạn đọc

Bạn tuanhtran@...:

Em hiểu rằng với môi trường học tập quốc tế như BUV, sinh viên sẽ tiếp cận được với nền giáo dục toàn cầu. Tuy nhiên, để giúp các bạn sinh viên mong muốn trải nghiệm cuộc sống học tập tại Anh Quốc thì BUV có những hỗ trợ gì không? Thầy Tony có thể chia sẻ thêm về phần này?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Các khách mời chia sẻ nhiều thông tin hữu ích trong buổi GLTT
Các khách mời chia sẻ nhiều thông tin hữu ích trong buổi GLTT

 

Chắc chắn rồi, cũng như các trường đại học có chương trình liên kết đào tạo quốc tế, BUV luôn nỗ lực để sinh viên được tiếp cận với nền giáo dục toàn cầu. Chúng tôi có hẳn 1 bộ phận tư vấn, hỗ trợ các sinh viên lên kế hoạch và hoàn tất hồ sơ khi các em đăng ký tham gia chương trình trao đổi hoặc chuyển tiếp để trải nghiệm cuộc sống học tập tại Anh Quốc.

Với chương trình trao đổi, sinh viên có thể sang Đại học Staffordshire trải nghiệm 1-2 học kỳ tại đây với mức học phí không thay đổi, sau đó quay lại Việt Nam để hoàn thành chương trình học của mình và nhận bằng tốt nghiệp được cấp bởi trường Đại học Staffordshire.

Với chương trình chuyển tiếp, sinh viên có thể chuyển tiếp sang Đại học Staffordshire từ năm thứ 2.  Các tín chỉ sẽ được chuyển tiếp tương ứng và học phí sẽ được áp dụng theo biểu phí của trường Đại học Staffordshire

Bạn đọc

Bạn Giahieu207...@gmail.com:

Trong gia đình của Nam, ai là người có tác động lớn đến những quyết định của bạn? Việc bạn về học tại BUV có được gia đình ủng hộ không?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Do đã có nhiều trải nghiệm thực tế từ khi học Phổ thông để hiểu rõ hơn về các khả năng của bản thân, mình là người đưa ra các quyết định chính. Tuy nhiên, bố mẹ mình luôn đóng vai trò góp ý, định hướng mình để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

Trở về từ nước ngoài trong tình dịch dịch COVID-19 còn khá căng thẳng, gia đình mình đều ủng hộ quyết định ở lại Việt Nam và tiếp tục con đường học tập tại trường Đại học Anh Quốc Việc Nam. Với môi trường học tập Quốc tế, bằng cấp chuẩn Anh Quốc và những cơ hội thực tập đa dạng mà BUV cung cấp cho sinh viên, mình tin rằng BUV là lựa chọn lý tưởng cho các bạn trẻ.

Bạn đọc

Bạn thuyhanh@gmail.com:

Em muốn học về truyền thông thì có thể lựa chọn chương trình du học tại chỗ ở đâu? Mong chuyên gia giới thiệu giúp địa chỉ học có uy tín, tại miền Bắc là tốt nhất ạ. Xin cảm ơn.
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

Chương trình du học tại chỗ về truyền thông được thực hiện tại nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước. Mỗi chương trình đều có đặc thù riêng. Do đó, người học nên nghiên cứu kỹ các thông tin để lựa chọn cho mình một chương trình phù hợp. Ví dụ, tại trường Đại học Ngoại thương có chương trình Quản trị truyền thông và báo chí (Mass media và communication) của Đại học Minh Truyền- Đài Loan theo đó người học sẽ học 2 năm tại trường Đại học Ngoại thương và 2 năm tại Đại học Minh Truyền ở Đài Loan hoặc 2 năm tại Đại học Angelo State University (Mỹ). Chương trình với những môn học bám sát nghề báo và thực tiễn như Môn Viết báo, Môn Xử lý khủng hoảng truyền thông, Web design, Programming…. Để học chương trình này, các bạn ngoài điều kiện bắt buộc là tốt nghiệp THPT và có tiếng Anh tối thiểu B2 khung tham chiếu châu Âu.  Nếu chưa đủ điều kiện về  tiếng Anh thì FTU sẽ đào tạo cho các bạn phần ngoại ngữ thiếu hụt này nhé.

Bạn đọc

Bạn Bảo Hân (Vũng Tàu):

Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ chọn du học tại chỗ để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên, mình nghĩ việc ra nước ngoài học vẫn “có giá” hơn, bạn nghĩ sao về điều này?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Du học tại chỗ hay tại nước ngoài đều có điểm giống nhau là trang bị cho các bạn sinh viên kiến thức mới, cập nhật với những thay đổi của thế giới, đồng thời là những kỹ năng tư duy, làm việc nhóm và tự nghiên cứu. Do đó, giá trị của sinh viên không thể được đánh giá dựa trên môi trường học tập, mà phải được đánh giá dựa trên những gì sinh viên đã nắm bắt được trong quá trình học tập tại môi trường đó.

Vậy nên, mình nghĩ rằng giá trị của sinh viên là phải do sinh viên đó tự tích luỹ thông qua việc học tập và làm việc. Không thể nói rằng du học tại nước ngoài “có giá” hơn du học tại chỗ.

Thêm nữa, bằng cấp được cấp sau khi tốt nghiệp thuộc diện du học tại chỗ hay du học ở nước ngoài đều có giá trị như nhau. Còn bằng cấp được xếp loại như thế nào là do sự cố gắng của mỗi người.

Bạn đọc

Bạn Thanh Thuỷ - Thái Bình:

Ông có lời khuyên nào cho các gia đình và học sinh đang tìm phương hướng và lựa chọn con đường du học?. Nếu ở vị trí một phụ huynh, mục tiêu quan trọng nhất ông đầu tư học tập cho con là gì?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Giao lưu trực tuyến: “Du học tại chỗ: Con đường rộng mở” ảnh 44

 

Theo tôi, dù là học ở đâu thì quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp: Phù hợp về văn hoá, khí hậu, con người, về khả năng tài chính và đặc biệt chương trình phù hợp với khả năng, sở thích của người học. Do đó lời khuyên của tôi là, các bậc phụ huynh và học sinh nên tập trung cho việc tìm hiểu, nghiên cứu để đi đến sự lựa chọn phù hợp.

Bạn đọc

Bạn thuychi@gmail.com:

Xin cho biết Trường ĐH Ngoại thương hiện có chương trình du học tại chỗ không? Nếu có thì cụ thể là chương trình và ngành học gì, thời gian học cũng như học phí ra sao?
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

Trường Đại học Ngoại thương là một trong các trường thực hiện chương trình du học tại chỗ sớm nhất ở Việt Nam. Chương trình đầu tiên Nhà trường thực hiện năm 2003. Hiện nay, Nhà trường có 10 chương trình cử nhân thuộc các chuyên ngành khác nhau Kinh doanh, Quản trị kinh doanh, Tài chính, Kế toán, Marketing, Quản trị Khách sạn quốc tế, Truyền thông và báo chí, Quản trị du lịch khách sạn… với các đối tác ở các châu lục khác nhau như Anh, Pháp, Úc, Mỹ, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Newzealand… Điều kiện tham gia chương trình sẽ giống hệt yêu cầu tuyển sinh của các trường đối tác ở nước ngoài: đó là tốt nghiệp THPT và ngoại ngữ tối thiểu đạt trình độ B2 khung tham chiếu châu Âu. Tùy chương trình sẽ yêu cầu thêm bài thi trắc nghiệm năng lực học tập ở bậc đại học và phỏng vấn. Ví dụ như chương trình Quản trị khách sạn quốc tế của Tập đoàn Vatel – Pháp.

Chi tiết về chương trình được đăng tải công khai trên website của Khoa Đào tạo quốc tế http://kdtqt.ftu.edu.vn. Ngoài ra, website cũng đăng tải thông tin về lớp học, sinh viên một cách đầy đủ để xã hội có thể tự đánh giá chất lượng người học và chất lượng chương trình.

Bạn đọc

Bạn Trương Quang Minh – Hà Nội:

Việc thực hiện các dự án, đi thực tập, các tour học tập thực tế rất phổ biến khi sinh viên đi du học nước ngoài. BUV hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động này như thế nào?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Như tôi đã chia sẻ, tại BUV chương trình của chúng tôi được thiết kế nhằm tạo ra những sinh viên có khả năng làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp.

Các sinh viên sẽ có thể tham gia tổng cộng 5 kỳ thực tập trong suốt 3 năm với sự hỗ trợ và giới thiệu của phòng Phát triển và Hướng nghiệp sinh viên. Mỗi kỳ thực tập kéo dài trong gần 3 tháng, xen kẽ giữa 3 tháng học ở đó các em được làm việc, có thể được trả lương, thậm chí có những sinh viên năm thứ hai ngành Thiết kế Games đã được trả mức lương lên tới 400$/tháng.

Bạn đọc

Bạn Đức Minh (Đà Lạt):

Bạn đánh giá như thế nào về chương trình học liên kết quốc tế ở Việt Nam?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Hiện nay, do nhu cầu du học tại chỗ của các quý vị phụ huynh và các bạn sinh viên ngày càng cao, các trường Đại học tại Việt Nam đang mở rộng nhiều chương trình liên kết quốc tế. Tuy nhiên, các chương trình đều có sự khác biệt.

Tại trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, các chương trình giáo dục đều được giám sát chặt chẽ bởi các trường cấp bằng tại Anh Quốc để đảm bảo chất lượng đào tạo. Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất chuẩn quốc tế, các giảng viên người nước ngoài và các dịch vụ hỗ trợ đa dạng cũng góp phần quan trọng trong việc tạo nên môi trường giáo dục “chuẩn Anh Quốc” cho các bạn sinh viên.

Bạn đọc

Bạn hoaian@gmail.com:

Gia đình em không quá khá giả, nhưng bố mẹ nói có thể cố gắng lo cho em du học nước ngoài, miễn là em cố gắng. Em thì muốn tìm một chương trình thích hợp để du học tại chỗ. Em rất mong chuyên gia phân tích giúp lợi ích của việc du học tại chỗ là thế nào, vừa để khẳng định quyết tâm của mình, vừa thuyết phục cha mẹ. Em cảm ơn.
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương 

 

 

Du học tại chỗ là việc em sẽ học một phần chương trình học hoặc toàn bộ chương trình học tại Việt Nam và nhận bằng của trường nước ngoài. Học phí cho thời gian học tại Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với học phí ở nước ngoài.  Như vậy, thời gian học tập tại Việt Nam chính là thời gian giúp em rèn luyện tác phong học tập tại bậc đại học, trau dồi ngoại ngữ tốt hơn trước khi chuyển tiếp.

Ngoài ra, em còn tiết kiệm cho gia đình một khoản chi phí đáng kể. Ví dụ: nếu học 1 năm học tại Đại học Northampton ở Anh quốc, học phí và sinh hoạt phí một năm sẽ vào khoảng 600 triệu VNĐ nhưng nếu năm học này em học tại trường Đại học Ngoại thương thì em chỉ phải nộp học phí là 50 triệu/năm thôi. Và nếu em học toàn bộ 3 năm chương trình của Đại học Northampton tại Đại học Ngoại thương thì tổng học phí  chỉ là 350 triệu VNĐ và tấm bằng em nhận được hoàn toàn giống hệt tấm bằng em du học 3 năm tại Anh. Còn nếu em chuyển tiếp sang Đại học Northampton 1 năm thì tổng chi phí sẽ là 700 triệu cho 2 năm tại FTU và 1 năm tại Anh quốc. Đây là một đáp án giải quyết bài toán chi phí cực hợp lý phải không nào. Quan trọng nhất là việc học tập dù ở FTU hay ở Anh quốc thì đều chịu sự giám sát chất lượng chặt chẽ của chính Đại học Northampton và cơ quan quản lý chất lượng QAA.

Bạn đọc

Bạn vietanh@...:

Một số người vẫn lo ngại, tốt nghiệp từ du học tại chỗ sẽ không “đắt” bằng đi du học nước ngoài. Ông có thể cho biết, tốt nghiệp các chương trình Du học tại chỗ có lợi thế cạnh tranh như thế nào trên thị trường lao động?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Câu hỏi này của bạn rất thú vị. Không bàn về kiến thức chuyên môn vì cái này đã thể hiện rõ trong chuyên ngành các em theo học. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh khả năng thích ứng với thị trường lao động sau khi các em ra trường. Du học tại chỗ giúp các em vừa thu nhận kiến thức của nền giáo dục quốc tế, vừa có hiểu biết cụ thể về thị trường đặc thù tại Châu Á và Việt Nam.

Hơn thế nữa, tại trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) các em được học thông qua các dự án thực tế tại các doanh nghiệp Việt Nam, được đi thực tập tối đa 5 kỳ trong 3 năm học đại học, vậy nên các em bắt nhịp rất nhanh vào guồng quay của các doanh nghiệp mà các em được nhận vào làm việc. Trong khi đó rất nhiều du học sinh gặp khó khăn khi quay về làm việc tại chính nơi các bạn ấy sinh ra.

Bạn đọc

Bạn ngochai@gmail.com:

Xin chuyên gia chia sẻ giúp, các trường tại Việt Nam có chương trình du học tại chỗ có chất lượng?
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

Thế nào là một chương trình du học tại chỗ có chất lượng? Đó là chương trình chất lượng của nó được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền tại nước cấp bằng. Làm sao biết được một chương trình được công nhận chất lượng? Điều kiện cần là chúng ta phải kiểm tra xem chương trình đó có giấy phép hợp pháp để triển khai tại Việt Nam hay không. Giấy phép triển khai chương trình sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp  hoặc sẽ do cơ sở đào tạo tự chủ về tài chính cấp. Việc tìm hiểu về các giấy phép này có thể thực hiện dễ dàng tại chính các cơ sở đào tạo. Ví dụ, khi có yêu cầu, trường Đại học Ngoại thương luôn cung cấp đầy đủ thông tin cũng như bản sao các quyết định cho người học.

Điều kiện đủ là chương trình đó THỰC SỰ hội tụ những sinh viên có đủ năng lực ngoại ngữ để theo học chương trình, có đội ngũ giảng viên đáp ứng các yêu cầu của chương trình và có thể truyền được đam mê học tập và ý nghĩa của việc theo đuổi chương trình cho sinh viên. Hệ thống học liệu phải đầy đủ và cá nhân tôi cho rằng môi trường học tập năng động là yếu tố không thể thiếu cho một chương trình du học tại chỗ chất lượng. Hãy hỏi kinh nghiệm của chính các sinh viên đang học chương trình. Hãy đọc các “review” về chương trình từ xã hội, từ nhà tuyển dụng và đặc biệt hãy nghiên cứu kỹ các thông tin trên trang thông tin điện tử của chương trình.

Bạn đọc

Bạn loantran...@gmail.com:

Bạn nghĩ nếu du học tại chỗ sau đó ra nước ngoài làm việc thì có được đánh giá cao hay không?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Về cơ bản, dù du học tại chỗ hay tại nước ngoài, các bạn sẽ nhận được những tấm bằng giống nhau. Tuy nhiên, khi tìm kiếm cơ hội việc làm tại nước ngoài, các bạn sinh viên du học tại chỗ sẽ không có sự quen thuộc với đất nước, môi trường và văn hoá. Vậy nên nếu các bạn có mong muốn du học tại chỗ sau đó ra nước ngoài làm việc, các bạn nên cố gắng tiếp xúc nhiều hơn với nền văn hoá nước ngoài ví dụ như thực tập tại các công ty đa quốc gia để tăng thêm thế mạnh cho hồ sơ của mình nhé.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Linh (Thái Bình):

Bạn có thể chia sẻ kế hoạch của em sau khi tốt nghiệp?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Sau khi tốt nghiệp, mình muốn làm việc tại một công ty truyền thông, quảng cáo để học tập nhiều hơn những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc. Sau đó, mình sẽ tìm một cơ hội mới để theo học Thạc sĩ tại nước ngoài.

 
Bạn đọc

Bạn Trungdung37@...com:

Bạn có thể nói về ngành Marketing mà bạn theo đuổi không, khi mà hiện nay nhiều người lựa chọn các ngành như logistics hơn?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Marketing là một ngành học linh hoạt và có cơ hội việc làm khá rộng mở trong môi trường kinh tế hiện nay. Marketing phù hợp với các bạn có khả năng sáng tạo, truyền đạt tốt, nhưng cùng với đõ cũng yêu cầu các kỹ năng nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch có tính chiến lược cao. Đặc biệt, khi nắm rõ bản chất của ngành Marketing, các bạn sẽ hiểu rằng trong quá trình tìm kiếm việc làm, nếu bạn là một ứng viên có thể quảng bá hình ảnh bản thân tốt hơn, bạn sẽ nắm được cơ hội tốt hơn rất nhiều. 

Trong khi đó, logistic tuy là ngành cũng đang có nhu cầu tăng do sự gia tăng mạnh của các nền tảng thương mại điện tử, lại có những đặc thù khác hoàn toàn. Các bạn nên tìm hiểu rõ về sở thích cũng như năng khiếu của bản thân, kết hợp được sở thích và năng khiếu sẽ giúp bạn phát triển tốt nhất trong quá trình học tập và làm việc.

Bạn đọc

Bạn Huy Hùng, Phú Thọ:

Em vừa đỗ vào 1 trường cấp 3 khá có tiếng và được gia đình định hướng cho đi du học. Tuy nhiên, chứng kiến 2 người anh họ đi du học nước ngoài, hiện đã về nước và làm công việc với mức lương khá bình thường em thấy băn khoăn. Rất mong chương trình cho em lời khuyên khi nào thì nên đi du học? Việc du học khác với học đại học trong nước thế nào?
PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc,  Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương

 

 

Không phải ai đi học nước ngoài về cũng làm công việc lương cao và cũng không phải ai học trong nước đều nhận mức lương thấp. Công việc và lương bổng là sự lựa chọn của mỗi người và em không nên nghĩ rằng việc đi học ở nước ngoài là một sự bảo đảm chắc chắn cho công việc với mức lương cao. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là du học sẽ cho em nhiều trải nghiệm phong phú hơn, đa dạng hơn, sẽ cho em cơ hội giao lưu văn hóa với con người và đất nước khác. Điều này chắc chắn không thể xảy ra nếu em chỉ học trong nước.

Đi du học là một cơ hội tốt nhưng chúng ta chỉ nên đi du học khi có một nền tảng ngoại ngữ tốt- đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu căn bản của việc du học là học tập và sinh sống ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta phải có tác phong độc lập và chủ động trong việc sắp xếp tổ chức việc học tập và sinh hoạt của bản thân mình. Sẽ không còn bố mẹ sáng giục dậy đi học nữa và cũng không ai bên cạnh để nhắc làm bài, nộp bài đúng hạn….

Nếu không tự giác và tự lập thì việc du học sẽ là “ác mộng” với các du học sinh. Do đó, trước khi đi du học, em phải được trang bị thật kỹ những hiểu biết nhất định về việc du học ở nước ngoài nhé. Em và gia đình có thể sẽ nghe nhiều người nói rằng đi du học là phải có nền tảng kinh tế vững vàng. Không sai nhưng điều kiện tài chính vững vàng cần phải hiểu là em và gia đình có thể lo đủ khoản tiền hoặc có nguồn tiền tương ứng với học phí và sinh hoạt phí theo tiêu chuẩn sinh viên nhé. Ví dụ, cô có rất nhiều bạn sinh viên chỉ xin bố mẹ tiền học phí và sinh hoạt phí của 3 tháng đầu tiên và sau đó các bạn đi làm thêm đủ để trang trải các chi phí cá nhân của mình. Tóm lại, chúng ta cần lập một kế hoạch học tập và tài chính trước khi quyết định đi du học. Một lời khuyên nữa là chúng ta nên tìm hiểu và xin tư vấn từ những tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm về vấn đề này nhé.

Bạn đọc

Bạn Quang Tuấn – TP. HCM:

Tôi được biết, hầu hết các chương trình du học tại chỗ đều cho sinh viên cơ hội trao đổi, chuyển tiếp. Vậy tại BUV có chương trình này không? Mong ông chia sẻ thêm về điều này? Xin cảm ơn ông.
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Theo tôi, điều này thực sự thú vị, nó cho sinh viên cơ hội học tập tại nước ngoài với mức kinh phí và khung thời gian phù hợp với từng em!

Theo học tại BUV, các em sinh viên vẫn có cơ hội học tại nước ngoài thông qua 3 chương trình: Study tour: trải nghiệm 2 tuần tại Anh; Exchange: trải nghiệm tối đa 1 năm tại Anh, kinh phí như khi học tại Việt Nam; Transfer: Chuyển tiếp qua Anh học tiếp.

Bạn đọc

Bạn Hakimngoc@...com:

Bạn có thể chia sẻ lý do quay trở lại Việt Nam học thay vì tiếp tục du học không?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam, Sinh viên Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV)

Bạn Trần Hoài Nam, Sinh viên Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV)

 

Do nhận thấy được việc ổn định và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam được quản lý hiệu quả và chặt chẽ hơn rất nhiều tại nước ngoài, mình đã quyết định chọn ở lại Việt Nam và lựa chọn trường Đại học Anh Quốc Việt Nam làm ngôi trường để tiếp tục con đường học tập.

Bạn đọc

Bạn Trungduc...@gmail.com:

Chào Nam, cho mình hỏi bạn đã gặp những khó khăn nào khi đi du học không?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Là một sinh viên có khả năng thích ứng nhanh, mình hầu như không gặp khó khăn nào quá lớn trong quá trình du học. Tuy nhiên, qua quá trình quan sát và trải nghiệm riêng của bản thân, mình nhận thấy rào cản ngôn ngữ và việc làm quen với phong cách sống mới là hai trong các khó khăn các bạn du học sinh thường gặp phải.

Nhận biết được khi sống và học tập tại một đất nước mới, việc thông hiểu ngôn ngữ là vô cùng quan trọng, ngay khi còn đang học phổ thông tại Việt Nam, mình đã trau dồi kỹ năng tiếng Anh và tích cực tham gia các chương trình hợp tác Quốc tế để làm quen với việc giao tiếp bằng ngoại ngữ.

Tuy nhiên, việc làm quen với phong cách sống tại nước ngoài đã khiến mình phải dành khá nhiều thời gian. Do sự khác biệt lớn về ẩm thực và văn hoá giữa các nước phương Đông và phương Tây, mình đã cố gắng rất nhiều để làm quen với các yếu tố mới trong đời sống như ăn uống, đi lại, giao tiếp.

Bạn đọc

Bạn lemailan@...:

Việc du học rõ ràng cũng mang lại những lợi thế cho học sinh như: tự lập, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, hoà đồng và thích nghi trong nền văn hoá mới. Vậy xin ông cho biết, du học bù đắp những điểm này thế nào?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Chào bạn, điều này mỗi đơn vị giáo dục sẽ có cách làm khác nhau. Ví dụ ở BUV chúng tôi - nơi mà 100% chương trình giảng dạy bằng Tiếng Anh, 100% giảng viên là người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia khác nhau, các câu lạc bộ sinh viên phong phú, học tập thông qua dự án thực tiễn... cũng sẽ mang đến cho sinh viên trải nghiệm quốc tế đa dạng và cho các em cơ hội hoàn thiện bản thân.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Bình (Hải Phòng):

Định hướng của em khi lựa chọn môi trường mới là Đại học?
Bạn Trần Hoài Nam

Bạn Trần Hoài Nam

Trần Hoài Nam chia sẻ quan điểm lựa chọn trường đại học với độc giả Báo GD&TĐ
Trần Hoài Nam chia sẻ quan điểm lựa chọn trường đại học với độc giả Báo GD&TĐ

 

Trong quá trình đưa ra quyết định chọn lựa trường Đại học, ngoài yếu tố thiết yếu là ngành học phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân, em còn xem xét tới những yếu tố như phương pháp giảng dạy, các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên và các hoạt động ngoại khoá.

Học tập tại môi trường Đại học, số lượng các đơn vị lý thuyết mà sinh viên cần nắm bắt là khá lớn. Do dó, cấu trúc bài giảng cần bao gồm những ví dụ, bài tập vận dụng thực tiễn để sinh viên dễ dàng hiểu và nắm vững.

Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ sinh viên và hoạt động ngoại khoá để sinh viên có cơ hội được tham gia cũng đóng góp vai trò lớn trong việc tạo nên một trải nghiệm học tập ý nghĩa.

Bạn đọc

Bạn Thái Hà – Hải Phòng:

Theo ông, du học tại chỗ mang lại lợi ích cho quốc gia nói chung? Cho bản thân các em sinh viên nói riêng?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Ông Tony Summer, Phó Giám đốc Học vụ, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV)

Ông Tony Summer, Phó Giám đốc Học vụ, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV)

 

 

Đây là một câu hỏi lớn, nhưng nhìn trên góc độ thực tế nhất: ở góc độ kinh tế quốc gia, du học tại chỗ hạn chế phần lớn kinh phí đào tạo chuyển ra ngoài phạm vi quốc gia mà các sinh viên đang sinh sống. Du học tại chỗ mang đến cho các em sinh viên lợi thế nổi bật: Tiết kiệm kinh phí, không phải xa nhà trong khi vẫn tiếp cận được với nền giáo dục quốc tế.

Bạn đọc

Bạn thuyanh2k@...:

Thưa ông, là người đến từ phương Tây, ông có thể cho biết khác biệt lớn nhất giữa du học và du học tại chỗ là gì?
Ông Tony Summers

Ông Tony Summers

Chào bạn, một cách hiểu đơn giản nhất, du học là bạn đi học 1 chương trình không phải tại đất nước bạn, còn du học tại chỗ là bạn học chương trình của 1 quốc gia khác trên chính đất nước của bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ