Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh

GD&TĐ - Đó là nhận định của PGS. TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, hiện là chuyên gia về đào tạo của Học viện về Phương án tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh

Tối ưu trên cả 3 mặt

Nhận định đây là phương án tối ưu trong thời điểm hiện tại, ông Lê Hữu Lập cho rằng, phương án này không chỉ đảm bảo đúng quy định trong Luật mà các môn thi cũng hợp lý, đồng thời cách tổ chức đảm bảo cho chất lượng kỳ thi.

Nói thêm về phương án môn thi, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

PGS. TS Lê Hữu Lập 

Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Theo ông Lập là hợp lý nhất trong giai đoạn hiện nay. Phương án môn thi này khá ổn định so với kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, tạo tâm lý ổn định cho học sinh và các thầy cô giáo tham gia giảng dạy.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng uyển chuyển khi quy định thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.

Về tổ chức thi, ông Lê Hữu Lập cho biết mình đã phát biểu rất nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, quan điểm là việc tổ chức thi nên giao cho các trường đại học tin cậy làm chủ tịch hội đồng hoặc chủ tịch khu vực thi.

Bởi vì cuộc thi này không chỉ có ý nghĩa xét tốt nghiệp mà còn là cơ sở tin cậy để các trường yên tâm lấy kết quả xét tuyển, không phải tổ chức thi thêm nữa; nếu trường nào cũng tổ chức thi thêm để lựa thí sinh sẽ khiến kỳ thi trở nên nặng nề hơn.

Tất nhiên, ngoài việc các trường đại học đảm nhiệm vai trò chủ trì, vẫn phải có sự tham gia của Sở GD&ĐT, giáo viên các trường THPT.

Ngoài những vấn đề trên, ông Lập cho rằng, điều vô cùng quan trọng là Bộ GD&ĐT phải đưa ra được Quy chế tuyển sinh cho năm 2015 một cách chi tiết để giải quyết một loạt các vấn đề cụ thể.

Thí sinh sẽ được tạo thuận lợi tối đa

Theo ông Lê Hữu Lập, với phương án thi chung, thí sinh sẽ được tạo thuận lợi tối đa, ví dụ như quy định cho thí sinh đăng ký vào trường sau khi biết điểm thi; yêu cầu các trường công bố phương án thi sớm: Trước ngày 1/1 hằng năm, các trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.

Việc yêu cầu trường công bố điểm trước cũng tương tự như cách thức xét tuyển các nguyện vọng bổ sung hiện nay. Nếu một thí sinh chỉ được 15 điểm nhưng trường em yêu thích lại lấy 18 điểm, thí sinh đó sẽ đi tìm cơ hội ở một trường khác, từ đó, cơ hội đỗ đại học sẽ cao hơn nhiều. Có điều, với quy định này, các trường đại học vẫn có thể gặp phải khó khăn vì thí sinh ảo.

Để giảm bớt khó khăn cho các trường, theo ông Lập, có thể Bộ cho phép trường tuyển sinh liên tục và quy định trong quy chế tuyển sinh cũng phải thay đổi, phải rất chi tiết để tạo điều kiện cho các trường. Nếu chỉ ra thời gian tuyển sinh trong một thời gian ngắn thì ảo sẽ nhiều và các trường tuyển sinh vẫn gặp khó.

Riêng với Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, Học viện sẽ không có phương án tuyển sinh riêng mà chủ yếu đặt niềm tin vào kết quả kỳ thi chung quốc gia.

Tuy nhiên, một số ngành có truyền thống điểm cao, ngành gắn liền với thương hiệu Học viện, có thể sẽ thêm phần kiểm tra, ví dụ IQ hay kiểm tra kỹ năng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ