Dư luận đồng tình phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia thi theo môn

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, cùng ngày, báo Giáo dục & Thời đại đã mở diễn đàn, phỏng vấn các chuyên gia và thăm dò ý kiến trên báo điện tử. 

Dư luận đồng tình phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia thi theo môn

83 ý kiến gửi về báo Giáo dục và Thời đại bao gồm các đối tượng: Chuyên gia; lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các trường đại học, trường THPT; giảng viên, giáo viên, học sinh, phụ huynh của nhiều vùng miền trên cả nước: thành phố, nông thôn, vùng núi cao, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn... 

Đặc biệt, diễn đàn còn nhận ý kiến của nhiều phóng viên, biên tập viên theo dõi giáo dục từ các báo trên toàn quốc.

100% ý kiến đồng tình triển khai 1 kỳ thi quốc gia hợp nhất

Các ý kiến tham gia diễn đàn đều đồng tình với việc tổ chức một kỳ thi quốc gia hợp nhất.

Báo Giáo dục và Thời đại trân trọng cảm ơn mọi ý kiến đóng góp, giúp ngành Giáo dục có được phương án thi hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, góp phần thực hiện thành công Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW. 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội Trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội - cho rằng: Việc thiết kế và triển khai một kỳ thi hợp nhất đơn giản, khách quan có độ tin cậy cao là một nhu cầu thực tiễn cấp bách.

Nó không chỉ nhằm mục tiêu xét tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, mà qua đó dần dần thúc đẩy sự đổi mới về chương trình, việc dạy và học ở bậc phổ thông theo hướng từ “trang bị kiến thức” sang “phát triển năng lực”. GS Nguyễn Đình Đức cũng cho biết đã có nhiều nước trên thế giới thực hiện các kỳ thi chung, kỳ thi hợp nhất.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) - sau khi nghiên cứu dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho rằng, nếu có quyết tâm, ngành Giáo dục sẽ tổ chức thành công kỳ thi hợp nhất ngay trong năm 2015, sau đó cải tiến dần theo tiến trình đổi mới giáo dục.

“Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Thủ tướng về việc cần tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia ngay từ năm 2015, không nên chần chừ nữa” – GS Thiệp nói.

Là một trong những trung tâm tổ chức thi ĐH nhiều năm với số lượng 60 - 70.000 thí sinh tham gia, GS.TS Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên cũng bày tỏ việc đổi mới hai kỳ thi thành một kỳ thi quốc gia là hợp lý.

88% ý kiến ủng hộ phương án 1

Ý kiến góp ý của các chuyên gia,nhà quản lý, giảng viên, giáo viên, học sinh, phụ huynh và phóng viên báo đài là căn cứ quan trọng để Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 3538 Phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015.

Trong 3 phương án Bộ GD&ĐT đưa ra, các ý kiến lựa chọn phương án 1 chiếm ưu thế.

Đối tượng lựa chọn phương án 1 rất đa dạng. Trong đó có các Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, hiệu trưởng trường THPT và giáo viên THPT; các phụ huynh, học sinh đều chọn phương án 1. Trong số 9 ý kiến phóng viên tham gia diễn đàn, cũng có đến 8 ý kiến ủng hộ phương án 1.

Những ý kiến lựa chọn phương án 1 đưa ra lý do chủ yếu như sau: Đây là phương án phù hợp nhất với điều kiện dạy và học hiện nay của các nhà trường phổ thông trên cả nước. Hiện nay, trong nhà trường, hầu hết các giáo viên vẫn giảng dạy theo từng môn mà chưa có sự tích hợp liên môn.

Học sinh học các môn vẫn tương đối độc lập, tách biệt nhau. Chính vì vậy, nếu thi theo phương án tích hợp và tổ chức thành nhóm các môn thi, cả giáo viên và học sinh đều chưa được chuẩn bị kỹ, khó có thể bắt kịp.

Phương án này cũng kế thừa và phát huy được những kết quả của quá trình đổi mới trong một vài năm gần đây, đặc biệt là ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014.

Nếu tiến hành ngay từ năm 2015, phương án 1 sẽ ít gây xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực đối với giáo viên, học sinh nhất là những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước.

Đồng thời, học sinh được lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, phù hợp với việc đăng kí tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng mà các em lựa chọn và phát huy được thế mạnh trong thi cử của học sinh.

Cùng với lựa chọn phương án 1, các ý kiến cho rằng 2 phương án sau muốn đạt được hiệu quả thì cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Hiện nay, chương trình THPT đang áp dụng được viết theo phân môn, phương pháp tổ chức dạy học của giáo viên cũng thực hiện theo cách dạy từng phân môn.

Giáo dục và dạy học là một quá trình. Do vậy việc đổi mới dạy học nhất là đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá cũng phải có lộ trình, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị đồng bộ về mọi mặt. Nhất là phải có sự chuẩn bị trong nhận thức và tâm lý của người học cũng như cha mẹ học sinh và toàn xã hội.

Với phương án 1 - thi theo môn, học sinh có thể tham gia dự thi nhiều môn. Điều này tạo cơ hội cho học sinh tham gia dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ lớn hơn. Đồng thời các trường ĐH, CĐ cũng thuận lợi hơn trong việc lựa chọn thí sinh phù hợp với những ngành đào tạo của trường.

Nhiều chuyên gia, lãnh đạo trường đại học lựa chọn phương án 1 như: GS Nguyễn Minh Thuyết, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam;

GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội); ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị lâm thời Trường ĐH Đông Đô; PGS.TS Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Trường Dân lập Phương Đông…

10,8% ý kiến chọn phương án 2

Hầu hết các ý kiến lựa chọn phương án 2 đều là đại diện đến từ trường đại học.

Đơn cử như ý kiến của ông Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, phương án 2 là phù hợp, tối ưu, giúp cho các trường vừa xét tuyển phổ thông, vừa tuyển sinh ĐH, đây cũng là phương án gần với hình thức thi các nước láng giềng của chúng ta đang thực hiện.

PGS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, PGS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG HN, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân,… đều lựa chọn phương án 2.

Hai trường đại học Tây Bắc, đại học Luật đều tiến hành lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên toàn trường và đều thống nhất chọn phương án 2.

Một số chuyên gia cũng lựa chọn phương án này, như PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT). PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất một số ý kiến về môn thi cho phương án 2.

Phương án 3 - Không có ý kiến lựa chọn

Các ý kiến đều cho rằng phương án 3 là lý tưởng, nhưng không phù hợp triển khai trong tình hình hiện tại. Nếu thực hiện cần có thời gian và lộ trình, không nên gây “sốc” cho học sinh, giáo viên.

GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý, đưa ra lộ trình chi tiết áp dụng các phương án. Theo đó, trước mắt, ở kỳ thi năm 2015, nên chọn phương án 1. Tiếp đó, năm 2016 sẽ áp dụng phương án 2; sau khi có đủ điều kiện sẽ thi theo phương án 3.

Đề xuất “phương án 4”

Có 1 ý kiến của GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội đề xuất phương án 1 bài thi duy nhất với 1 buổi thi, chiếm 1,2% ý kiến tham gia diễn đàn.

Cụ thể: Bài thi tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, gồm 4 hợp phần: Toán; Ngữ văn; Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội. Các hợp phần Toán và Ngữ văn mỗi hợp phần có 50 câu TNKQ. Hai hợp phần tổng hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) mỗi hợp phần gồm 40 câu TNKQ.

Tổng số toàn đề thi có 180 câu. Tổng số thời gian làm bài là 215 phút, làm gọn trong một buổi thi.

Bài thi có 20% câu hỏi dễ (mức năng lực thấp), 60% câu hỏi trung bình (mức năng lực trung bình) và 20% câu hỏi khó (mức năng lực cao).

Kết quả thăm dò trên báo Giáo dục và Thời đại điện tử

Báo Giáo dục & Thời đại điện tử đặt câu hỏi thăm dò ý kiến trên báo Điện tử từ ngày 29/7 - 28/8/2014.

Ảnh chụp màn hình nội dung thăm dò ý kiến trên báo điện tử

Ảnh chụp màn hình nội dung thăm dò ý kiến trên báo điện tử 

Ảnh chụp màn hình kết quả theo tỷ lệ lựa chọn ngày 28/8/2014
Ảnh chụp màn hình kết quả theo tỷ lệ lựa chọn ngày 28/8/2014 

Tổng cộng có 63.367 lượt bạn đọc tham gia thăm dò ý kiến, trong đó: 

- 49.303 người (chiếm 78%) chọn phương án 1; 

- 7.551 người (chiếm 12%) chọn phương án 2; 

- 6.513 người (chiếm 10%) chọn phương án 3.

Khảo sát của Bộ GD&ĐT:

ĐA SỐ LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN THI THEO MÔN 

Thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục thực hiện trên ý kiến của 24 Giám đốc Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng đại học, cao đẳng; 142 ý kiến trong Hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp; 120 trường đại học, cao đẳng; đặc biệt là 137.379 cán bộ quản lý, giáo viên và 929.584 học sinh của 2.788 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc 63 Sở GD&ĐT và Cục Nhà trường.

Thống kê số liệu ý kiến đóng góp phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia
Thống kê số liệu ý kiến đóng góp phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 

Ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên, giáo viên, học sinh, phụ huynh và phóng viên báo đài là căn cứ quan trọng để Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 3538 Phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)

Kết quả thống kê cho thấy, đa số các ý kiến nhất trí phương án thi theo môn (Phương án 1) vì phương án này đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và các trường phổ thông; kết quả thi đủ độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo.

Phương án thi theo bài là mục tiêu cần hướng đến nhưng không nên áp dụng ngay trong năm 2015 vì chưa đảm bảo sự tương thích giữa dạy, học và thi mà cần phải có lộ trình thực hiện, có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất đề nghị áp dụng quy trình coi thi, chấm thi của Kỳ thi quốc gia giống như Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2014; tổ chức thành các Cụm thi quốc gia, đặt tại các trường ĐH, CĐ và các trường THPT trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thị trấn; Hiệu trưởng trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng coi thi, chấm thi; huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ và cán bộ, giáo viên ở các Sở GD&ĐT tham gia coi thi và chấm thi,

Một số ý kiến đề nghị Ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn vì đối tượng thí sinh là học viên GDTX không được học Ngoại ngữ và điều kiện dạy học Ngoại ngữ ở các vùng miền rất khác nhau nên khó công bằng trong đánh giá.

Bên cạnh đó, nếu Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường có ngành học tương ứng với khối D trước đây, dẫn đến không công bằng giữa các đối tượng thi.

Một số ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét công nhận tốt nghiệp bằng bài kiểm tra chất lượng cuối lớp 12 do sở GD&ĐT chỉ đạo; Duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức "ba chung", vì cách thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy, các trường có mặt bằng chung để xét tuyển.

Một số chuyên gia có ý kiến phân tích, phản biện về việc tổ chức kỳ thi; đồng thời dự báo những rủi ro, lường trước những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra khi tổ chức kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ