Khối ngành khoa học sức khoẻ: Xét tuyển bổ sung có đi kèm chất lượng?

GD&TĐ - Nhiều cơ sở đào tạo khối ngành khoa học sức khoẻ thông báo xét tuyển bổ sung sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: TG

Nhiều cơ sở đào tạo khối ngành khoa học sức khoẻ thông báo xét tuyển bổ sung sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1 theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Nhiều trường xét tuyển bổ sung

Trường ĐH Y Dược Hải Phòng chính thức thông báo xét tuyển bổ sung thí sinh trên cả nước ngành Y khoa trình độ ĐH hệ chính quy năm 2021. Số lượng xét tuyển là 40 chỉ tiêu. Thí sinh đăng ký xét tuyển cần đáp ứng điều kiện có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) đạt từ 26,9 điểm trở lên theo thang điểm 30 (20 chỉ tiêu); Nếu thí sinh là học sinh các trường chuyên, cần có học lực các năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 đạt loại giỏi và có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với tổ hợp B00 (Toán, Hoá, Sinh) đạt từ 25,5 điểm trở lên theo thang điểm 30 (20 chỉ tiêu). Thời gian nhận hồ sơ đến hết 20/10.

Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) cũng thông báo xét tuyển bổ sung ngành Bác sĩ Đa khoa, Răng Hàm Mặt, Dược sĩ và Điều dưỡng đa khoa. TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Dù đã thông báo xét tuyển bổ sung từ cuối tháng 9/2021, nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học vẫn thấp. Nhà trường sẽ tiến hành rà soát, thống kê cụ thể vào ngày 16/10, sau đó mới quyết định chiến lược tiếp theo.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều thí sinh có tâm lý không muốn xác nhận nhập học. Ngoài ra, với việc thí sinh được đăng ký “n” nguyện vọng xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng tới 3 lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, đa số thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học ngay từ đợt 1. Số thí sinh xác định xét tuyển bổ sung không nhiều, nhất là với ngành y khoa, vì nếu đạt được ngưỡng điểm để xét tuyển bổ sung, thì các em cũng trúng tuyển vào nhiều ngành, trường khác. Vì vậy, một số em không đủ kiên nhẫn để đợi xét tuyển bổ sung.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) thông báo xét tuyển đợt 2 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. PGS.TS Ngô Minh Xuân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường – thông tin: Nhà trường xét tuyển bổ sung 110 chỉ tiêu với tổ hợp B00 (Toán, Hoá, Sinh), gồm các ngành: Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật hình ảnh y học, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng. Điều kiện đăng ký xét tuyển chung cho các ngành là: Thí sinh phải xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên của năm học lớp 12 và có đầy đủ sức khoẻ để theo học ngành đăng ký xét tuyển.

Theo PGS.TS Ngô Minh Xuân, mấy năm trước, nhà trường chỉ tuyển sinh 1 lần là đủ chỉ tiêu. Nhưng năm nay, một số mã ngành cử nhân phải tuyển sinh bổ sung. Nguyên nhân do những thí sinh đạt mức điểm chuẩn vào một số ngành nêu trên cũng trúng tuyển vào nhiều ngành, trường khác nên không xác nhận nhập học vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, dẫn đến thí sinh ảo. Do đó, trường thiếu chỉ tiêu đào tạo nên phải thông báo xét tuyển bổ sung.

Sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tình nguyện hỗ trợ miền Nam phòng chống Covid-19. Ảnh: NTCC
Sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tình nguyện hỗ trợ miền Nam phòng chống Covid-19. Ảnh: NTCC

Bảo đảm chất lượng

Khẳng định, việc xét tuyển bổ sung không ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào; PGS.TS Ngô Minh Xuân phân tích: Để được xét tuyển thí sinh phải đạt được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT và trường quy định. Ngoài ra, điểm trúng tuyển lần sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Do đó, ở góc độ nào đó, chất lượng đầu vào ít nhất là bằng, thậm chí còn nhỉnh hơn so với xét tuyển đợt 1.

Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải cho rằng: Chất lượng đầu vào hoàn toàn yên tâm, vì các điều kiện tuyển sinh rất chặt chẽ, với yêu cầu bằng hoặc cao hơn so với xét tuyển đợt 1. “Chẳng hạn, đối với ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt; Trường ĐH Duy Tân xét tuyển bổ sung với những thí sinh có tổng điểm 3 môn (tổ hợp xét tuyển) cộng với điểm ưu tiên phải lớn hơn hoặc bằng 24 điểm. Ngoài ra, thí sinh tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 điểm trở lên…” - TS Võ Thanh Hải viện dẫn.

Trao đổi về định hướng tuyển sinh trong năm 2022, lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân chia sẻ quan điểm chung của nhà trường là: Ủng hộ chủ trương, chính sách của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh. Tinh thần là ổn định các phương thức xét tuyển, hạn chế tối đa những thay đổi, để không gây xáo trộn, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia xét tuyển vào trường.

Nhấn mạnh, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tôn trọng và tuân thủ các quy định của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Ngô Minh Xuân đồng thời đề xuất: Tuyển sinh năm 2022 nên giữ ổn định như năm 2021. Nếu có, chỉ nên điều chỉnh yếu tố kỹ thuật để công tác xét tuyển, lọc ảo ngày càng hoàn thiện hơn. “Trước mắt, nhà trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2021. Tuy nhiên, tuỳ theo điều kiện thực tiễn và căn cứ vào chủ trương, chính sách, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ có điều chỉnh phù hợp. Tinh thần là bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và thuận lợi cho thí sinh” - PGS.TS Ngô Minh Xuân quả quyết.

Ông Trịnh Văn Hùng - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) – cho biết: Cục đang rà soát thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả tuyển sinh của các trường. Qua nắm bắt sơ bộ, nhiều trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. Nhưng cũng có trường phải xét tuyển bổ sung. Điều này là bình thường và không nằm ngoài Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

“Không phải năm nay, các trường khối ngành khoa học sức khoẻ mới phải xét tuyển bổ sung. Năm trước cũng có, nhưng có trường thông báo xét tuyển, có trường không tuyển sinh thêm vì số lượng thiếu ít. Điều này phụ thuộc vào Hội đồng tuyển sinh của các trường” – ông Hùng trao đổi, đồng thời nhận định: Tuyển sinh bổ sung vẫn phải bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn như: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điểm chuẩn phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt 1.

Theo ông Trịnh Văn Hùng, quan điểm của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo nói riêng và Bộ Y tế nói chung là: Chất lượng phải được quan tâm hàng đầu. Do đó, các cơ sở đào tạo phải bảo đảm về chất lượng đầu vào và đáp ứng yêu cầu trong quá trình đào tạo; đặc biệt là quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và đào tạo thực hành… Trong đó, quan trọng nhất là đội ngũ và cơ sở thực hành lâm sàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.