Hiệu quả từ kỷ luật tích cực trong trường học

GD&TĐ - Những năm gần đây, khái niệm kỷ luật tích cực được nhắc đến nhiều hơn trong môi trường học đường. Theo đó, thầy cô giáo phải luôn tìm các biện pháp, cách thức xử lý tình huống, các hình thức giáo dục HS mà không la mắng, nạt nộ, cáu giận, đánh đập… khi các em phạm phải sai lầm. 

Hiệu quả từ kỷ luật tích cực trong trường học

Thay vào đó, thầy cô gần gũi, quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ các em thừa nhận lỗi lầm và biết cách khắc phục. Chính vì vậy, kỷ luật tích cực dường như đòi hỏi nhiều hơn ở giáo viên sự nhạy cảm, năng động, xử lý tình huống nhanh nhẹn, tôn trọng HS… và trên hết là sự tự tin.

Trao yêu thương nhận lại niềm tin

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh – Giáo viên Trường THCS Phạm Ngọc Thạch (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) kể về trường hợp một em HS nữ mà mình chủ nhiệm hồi lớp 6:

“Trong giờ tập làm văn, khi ra đề tả về người bố, suốt hai tiết kiểm tra, A. chỉ ngồi im và cuối giờ, tôi chỉ nhận được một bài văn với chỉ vài dòng miêu tả ngoại hình, không một câu nào em thể hiện tình cảm với bố.

Tôi tìm em hỏi chuyện: Cô biết em có khả năng viết văn nhưng tại sao bài vừa rồi em lại viết như vậy? Câu trả lời tôi nhận được chỉ là cái cúi đầu và một sự im lặng”.

Cô Thùy Linh bắt đầu để ý đến A. nhiều hơn, và nhận thấy em bắt đầu thay đổi. “Sau những giờ lên lớp, A. thường tìm đến quán net, ở đó, em có bạn, có những đứa trẻ bất cần đời.

Và bởi em có tiền, xinh đẹp nên em nhanh chóng đứng đầu nhóm bạn ấy và lấy bạn bè, thầy cô trong trường làm trò tiêu khiển. Ban đầu là những tin đồn không hay được phát tán từ nhóm, sau đó cầu kỳ hơn, các em ghép ảnh rồi mới tung tin.

Rồi cũng có những trận ẩu đả, xô xát nhau giữa các nhóm HS nữa ngay trước cổng trường mà không ai nghĩ rằng A. đứng sau tất cả. Tuy không cụ thể nhưng tôi mơ hồ nhận thấy A. đang dần thay đổi, em lầm lì hơn, học hành sa sút hẳn.

Nói thật là tôi thật sự choáng váng khi phát hiện ra mọi việc quậy phá từ trước đến giờ đều do chính tay em dàn xếp. Dù thất vọng về cô bé học trò mà mình đã rất thương yêu nhưng tôi tự nhủ mình sẽ giúp đưa em trở lại với em ngây thơ, hồn nhiên xưa”.

“Kể từ khi mẹ mất, bố em chỉ biết lao vào công việc mà dường như quên mất sự hiện diện của em trong ngôi nhà rộng lớn. Tôi tìm gặp bố A. kể về những diễn biến tâm lý của A.

Một mặt, bố A. hứa sẽ quan tâm, chăm sóc em nhiều hơn; riêng với vai trò giáo viên chủ nhiệm, thông qua những câu chuyện, những tình huống đưa ra để HS thảo luận nhóm, đóng vai, chia sẻ trong đó A. được tham gia một cách chủ động, tôi đã cho em và các bạn hiểu rằng không chỉ có đánh nhau mới là bạo lực mà đó còn có thể là những lời vu khống, là đặt biệt dành cho bạn…

Những ví dụ mà tôi lấy cũng là những hành động mà A. cùng các bạn đã làm trong thời gian qua, những tin đồn không hay về bạn bè, thầy cô cũng chính là bạo lực tinh thần.

Tôi thoáng thấy sự bối rối, ngại ngùng trên khuôn mặt của em. Có thể ngay từ đầu em không lường được những tác hại mà mình đã gây ra.

Và từ đó, A. dần thay đổi, hoạt bát hơn, hòa đồng trở lại với những hoạt động của lớp, tâm sự với cô giáo những nỗi niềm sâu kín của mình…”.

Cô giáo Thùy Loan (Trường THCS Nguyễn Huệ - Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Làm công tác tư vấn tâm lý học đường trong vai trò của một người thầy thì thật khó có thể cắt nghĩa được như thế nào là một ca tham vấn thành công.

Thường thì chúng ta tự tìm đến với HS, ở bên các em trong những lúc các em có những sang chấn về tinh thần theo cảm nhận của riêng mình chứ không theo một “đơn đặt hàng” hay phiếu yêu cầu nào cả.

Bởi vậy, tôi chẳng bao giờ chốt một bộ hồ sơ mà thường vẫn để mở bằng những câu “Tiếp tục giúp đỡ khi cần”. Cậu HS T.G là một trường hợp mà cô Loan nhớ mãi.

“Đó là một cậu bé muốn tự tử vì tất cả những gì mà cậu đang nhận thấy ở cuộc đời này. Sau những tâm sự, cuối cùng tôi im lặng hồi lâu, rồi hỏi tôi có thể giúp gì cho em không? Em gục đầu nói trong tiếng nấc nghẹn: “Cô giúp con với”.

Lúc đó tôi chưa thể hình dung sắp tới, mình sẽ bên cạnh em để giúp em như thế nào, nhưng tôi đã chìa tay nắm lấy bàn tay bé nhỏ đang run run của em, và vẫn lóe lên những tia hy vọng bởi ít ra, em còn tin tưởng ở cô giáo để chia sẻ những khó khăn của mình”.

Thầy cô giáo phải là chỗ dựa tinh thần

Kết quả cuộc khảo sát của Phòng GD&ĐT Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho thấy rằng, trong số 600 phiếu hỏi về công tác tư vấn tâm lý học đường có 480 mẫu phiếu dành cho HS 44 khối lớp bậc THCS.

Trên 50% HS được hỏi cho biết thỉnh thoảng có gặp khó khăn về tâm lý, tỉ lệ này cao hơn ở khối lớp 8, 9; trong đó HS nữ chiếm trên 2/3, có khoảng 5% HS được hỏi cho biết các em thường xuyên gặp khó khăn về tâm lý.

Trong phiếu khảo sát cũng có tìm hiểu xem người đầu tiên HS nghĩ đến để giúp các em vượt qua khó khăn tâm lý là ai, kết quả cho thấy càng về cuối cấp học thì các em có xu hướng không chia sẻ khó khăn tâm lý với ba mẹ, thầy cô mà tự tìm đến bạn bè hoặc tự mình xoay xở.

Đặc biệt có 30% HS khối 9 cho biết khi gặp khó khăn về tâm lý, các em để trong lòng, không thổ lộ với ai hoặc tự mình suy nghĩ đưa ra quyết định để giải quyết vấn đề, rất ít HS nghĩ đến thầy cô hoặc tìm cách hỏi các chuyên mục tư vấn.

Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vì gần một nửa trong số HS được điều tra cho biết thường hay cảm thấy mình kém cỏi và có khoảng 12,5% HS được hỏi cho biết đã từng có ý nghĩ chán sống. Điều này có thể do các em không chia sẻ khó khăn tâm lý nên dẫn đến bế tắc trong suy nghĩ.

Thầy Nguyễn Minh Hùng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - chia sẻ: “Ở các trường học, chúng ta gặp HS của mình trong đồng phục giống nhau, tươi cười vòng tay thưa thầy, thưa cô nhưng ẩn chứa bên trong các em là một thế giới khác.

Chỉ có một phần rất nhỏ HS chia sẻ vấn đề bạo lực với thầy cô, phần lớn các em có thói quen im lặng chịu đựng hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ”.

Từ thực tế này, thầy Nguyễn Minh Hùng nhận xét: “Các quy định trong nhà trường không nói về kỷ luật tích cực hay kỷ luật tiêu cực mà kỷ luật là kỷ luật; HS vi phạm được xử lý theo các quy phạm pháp luật.

Điều này là không sai nhưng có vẻ như khô cứng trong môi trường giáo dục. Trong khi đó, với việc áp dụng kỷ luật tích cực, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, thuyết phục, mềm mỏng và đặc biệt là khả năng kiềm chế cảm xúc”.

Trước khi bất kỳ hình thức xử phạt nào được sử dụng, đầu tiên GV nên xem xét lý do tại sao HS phạm lỗi và có hình phạt thích hợp, cần thiết. HS có thể mắc lỗi trong hay ngoài tầm kiểm soát của các em, ví dụ như một em HS không làm bài tập về nhà vì ba mẹ em bắt em phải tham gia công việc kinh doanh của gia đình về đêm, so với em HS khác đã không làm bài tập về nhà vì lười biếng. Xử phạt chỉ nên được sử dụng khi nó được coi là hành vi sai trái có thể sửa chữa được.

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Công tác HS – SV, Sở GD&ĐT Đà Nẵng - nhận xét: “Kỷ luật tích cực đem lại lợi ích cho người lớn, tránh căng thẳng, giúp người lớn hiểu trẻ em hơn; kỷ luật tích cực đem lại lợi ích cho bản thân trẻ, giúp trẻ biết tôn trọng bản thân cũng như tôn trọng người khác, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho trẻ. Đây cũng là cách thức để xây dựng trường học bình đẳng, không bạo lực”.                                                                                                                                                                                           Cũng dễ hiểu tại sao tại nhiều diễn đàn của HS, đã có ý kiến cho rằng, nếu thực sự thầy, cô giáo chịu khó dành chút thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư của HS thì bức tranh học đường sẽ ít nhiều có sự thay đổi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.