Góp ý xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn

GD&TĐ - Ngày 6/4, bằng hình thức trực tuyến, Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số địa phương trên cả nước.

Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được tổ chức trực tuyến
Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được tổ chức trực tuyến

Sau hơn 10 năm thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, đã cho thấy cần xây dựng Bộ chuẩn mới thực hiện Luật Giáo dục 2019 và các văn bản chỉ đạo khác, cùng với gia tốc phát triển của trẻ em ngày nay và trong những năm tiếp theo có những bước phát triển vượt bậc trong nhận thức, sức khỏe thể lực, ngôn ngữ... Trẻ em ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn trước đây trong việc khám phá thế giới, chơi, học, mở rộng hiểu cho bản thân, tự khẳng định bản thân trong giao tiếp xã hội và nhanh chóng tiếp cận với công nghệ do có nhiều cơ hội tiếp xúc với các thiết bị số trong học tập và trong cuộc sống.

Trước thực tế đó, “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” hiện hành đã có những nghiên cứu đánh giá, kế thừa để xây dựng Dự thảo Bộ chuẩn phù hợp với cách tiếp cận mới trong GDMN với mục tiêu “lấy trẻ làm trung tâm”, hướng đến hình thành năng lực cho trẻ nói chung và những năng lực cần thiết để trẻ sẵn sàng đi học lớp 1 nói riêng, phù hợp, liên thông với những năng lực cần thiết ở giáo dục phổ thông. Điều này cũng phù hợp với xu hướng nghiên cứu và phát triển chuẩn trẻ em của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Việc xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mới cần đảm bảo các yếu tố phù hợp với những tiêu chí đảm bảo việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục phát triển trẻ mầm non toàn diện, liên thông với Chương trình GD phổ thông. Để thực hiện điều đó,  phải có sự rà soát, kế thừa, bổ sung các chuẩn, chỉ số thuộc tất cả các lĩnh vực, tiểu lĩnh vực. Để thực hiện được điều đó thì cần sự tham vấn, góp ý chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non.

Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT
Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT

Ông Nguyễn Minh Nhật, chuyên gia giáo dục UNICEF Việt Nam cho rằng mỗi quốc gia xây dựng chuẩn phát triển cho trẻ mầm non 5 tuổi có ý nghĩa khác nhau. Việt Nam đã và đang xây dựng Bộ chuẩn theo hướng tiếp cận năng lực, năng lực đó phải thể hiện xuyên suốt Bộ chuẩn. Để Bộ chuẩn sử dụng được cho các nhà khoa học, nhà giáo dục, cha mẹ, nhiều người khác thì Bộ chuẩn cần đơn giản, dễ hiểu nhất để sử dụng đại trà.

Định hướng cho tương lai, chúng ta bổ sung những gì thiếu, điều chỉnh những chỉ số không phù hợp như tiếp cận với công nghệ, năng lực số, tình cảm xã hội cho trẻ mầm non. Hy vọng với sự hỗ trợ và phối hợp chuyên môn và kỹ thuật giữa UNICEF và một số Tổ chức quốc tế và Vụ GD Mầm non, Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, chúng ta sẽ có Bộ chuẩn tốt.

Phát biểu kết luận tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trường Vụ GD Mầm non, cho rằng: Bộ chuẩn Phát triển trẻ em 5 tuổi là chuẩn khuyến nghị bao gồm các tiêu chuẩn, là các tuyên bố những mong đợi phản ánh về “những gì trẻ em nên biết và có thể làm được”. Các tiêu chuẩn này tạo thành những mục tiêu chính để kích thích sự phát triển tối ưu của trẻ em 5 tuổi không phụ thuộc vào giới tính, đặc điểm cá nhân, xã hội, trình độ kinh tế của gia đình, mối quan hệ hoặc trình độ kỹ năng của họ.

Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh đề nghị Ban nội dung tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mới và xây dựng Bộ công cụ, xin ý kiến góp ý và thử nghiệm tính xác thực về nội dung và độ tuổi đối với trẻ 5 tuổi tại các vùng miền đại diện theo Kế hoạch để hoàn thành Dự thảo Bộ chuẩn, thẩm định và trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Thông tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.