Phiên họp được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các thành viên ban soạn thảo và tổ biên tập.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, cho biết: Đây là Đề án quan trọng có sự tham gia của 21 thành viên trong ban soạn thảo và 18 thành viên trong tổ biên tập. Buổi họp đầu tiên xem xét thông qua kế hoạch hoạt động của Đề án để trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký, khảo sát và đưa ra quy trình đáp ứng thực tiễn để trình Chính phủ.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý việc góp ý kiến xây dựng kế hoạch ban hành Đề án, cần tập trung tham gia làm rõ từng mốc thời gian hoàn thành, thảo luận mốc thời gian sao cho phù hợp với từng bước thực hiện; Đề cương thảo luận góp ý kiến với các bước triển khai thực hiện, ký kế hoạch thực hiện với phụ lục chi tiết cụ thể với mẫu biểu khảo sát và tổ chức khảo sát trong bối cảnh dịch bệnh thế nào, qua phiếu, qua mẫu biểu, trực tiếp và trực tuyến qua Email…. trong thời gian sớm nhất để thông qua.
Xong Đề cương sơ bộ phải có Đề cương chi tiết, có từng bước kiểm đếm chất lượng, tổ chức hội thảo, hội nghị làm rõ ràng các nội dung. Từ dự thảo Đề cương chi tiết phải tọa đàm, lấy ý kiến tiếp thu chỉnh lý Đề án lần I, lần II với các quy trình tiếp theo rành mạch. Cần phải làm rõ các mốc thời gian và các bước thực hiện. – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đề cương sơ bộ cần được xem xét và ý kiến, cần phải nghiên cứu kỹ nội dung Đề án Chính phủ giao, cơ cấu sự cần thiết phải nhấn mạnh cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, thực trạng GD mầm non… Nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phải nêu rõ, phân biệt để cân đối, cấu trúc đề cương, cần tính toán góp ý thêm. Lộ trình thực hiện cũng phải tính sao cho rõ, Thứ trưởng yêu cầu các ý kiến phát biểu cần tiếp tục làm rõ.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh đã trình bày Đề cương và kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó nêu rõ yếu tố thực tiễn đối với Phổ cập GD Mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi: Toàn quốc đã đạt chuẩn vào năm 2017, hằng năm tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn và bổ sung các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để đảm bảo tính bền vững. Việc thực hiện phổ cập GD Mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực để phát triển GD Mầm non.
Quy mô trường, lớp được phát triển để từng bước huy động trẻ em trong độ tuổi mầm non đến trường, đặc biệt là huy động tối đa số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Các địa phương đã quan tâm quy hoạch mạng lưới trường lớp, thu gom các điểm lẻ; rà soát quy hoạch đất đai, dành quỹ đất để xây dựng trường lớp mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ và phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi.
Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cũng đưa ra dự báo tình hình huy động trẻ em mẫu giáo đến trường, đồng thời nhấn mạnh việc huy động trẻ em mẫu giáo đến trường thực hiện mục tiêu kép: Tạo cơ hội trẻ em mẫu giáo được tiếp cận với chương trình giáo dục mầm non, nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách; Giúp cha mẹ trẻ yên tâm tham gia công tác, tham gia hoạt động lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, kinh tế xã hội.
Việc huy động trẻ em mẫu giáo đến trường vừa đảm bảo quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện của trẻ em, vừa đảm bảo quyền được tham gia lao động, sản xuất, tham gia hoạt động xã hội của cha mẹ trẻ, đồng thời đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội. – Vụ trường Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh