Giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học - hiểu đúng, mua đủ”

“Thiết bị dạy học: hiểu đúng - mua đủ” là chủ đề giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại từ 9h đến 10h30 ngày 8/10/2020.

Giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học - hiểu đúng, mua đủ”

Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), thực hiện Chương trình GD phổ thông mới 2018, các nhà trường không phải bỏ hết cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học (TBDH) cũ hiện có. Chương trình mới thực chất là kế thừa và sử dụng các TBDH, CSVC có sẵn, bổ sung thêm những TBDH, CSVC mới đáp ứng đổi mới.

Cũng theo Cục trưởng Cục CSVC: Xây dựng danh mục TBDH lần này không theo SGK, mà theo chương trình GD phổ thông mới. Đây là điều khác cơ bản với xây dựng danh mục TBDH giai đoạn trước. Chúng ta có 1 chương trình và nhiều bộ SGK, vì vậy danh mục TBDH xây dựng theo chương trình, các địa phương dù chọn bộ SGK nào cũng phải đáp ứng được danh mục TBDH tối thiểu mà Bộ ban hành. TBDH phải đảm bảo tính kế thừa, tính khả thi, tăng cường ứng dụng CNTT… Cần phải đảm bảo tính liên thông giữa các môn học, giữa các lớp học trong cùng cấp và liên thông giữa các cấp học…

Những vấn đề liên quan đến TBDH  sẽ được giải đáp cụ thể tại giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học: hiểu đúng - mua đủ” với sự tham gia của các khách mời:

  1. Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT)
  2. Ông Đỗ Hoài Phương- Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội
  3. Cô giáo Phan Thiên Hương, Tổ trưởng chuyên môn - Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A8, Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, Hà Nội. 

Độc giả có thể gửi các câu hỏi tới các vị khách mời qua form dưới đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

Giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học - hiểu đúng, mua đủ” ảnh 1
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Tổ trưởng Tổ văn phòng, cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội

Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh

Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất – Bộ GD&ĐT

Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương

Tổ trưởng chuyên môn – Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A8 Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Bạn đọc

Bạn thuynguyen:

Xin ông cho biết thời gian tới các địa phương, Sở GD cần phải lưu ý gì về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới?
Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh

Giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học - hiểu đúng, mua đủ” ảnh 7

 

Thời gian tới các địa phương cần lưu ý các vấn đề sau:

1.Xây dựng tiêu chuẩn, định mức thiết bị chuyên dùng theo hướng dẫn tại Thông tư 16/2019/TT-BGDĐT và xây dựng tiêu chuẩn, định mức diện tích chuyên dùng theo hướng dẫn tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT.

2.Phổ biến các Thông tư/văn bản về CSVC và TBDH đến các cơ sở giáo dục

3.Tham mưu với cấp có thẩm quyền mua sắm bổ sung đủ và đảm bảo tối thiểu bằng với các quy định tại Thông tư quy định danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ GDĐT để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

4.Các thiết bị phải được trang bị cho các nhà trường trước khi thực hiện CT GDPTM.

5. Rà soát lại các phòng học bộ môn (theo quy định tại Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT) của các cấp học (TH, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học) để có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới theo lộ trình thực hiện CT GDPTM.

6.Rà soát, bổ sung để đảm bảo đủ phòng học theo yêu cầu 1 lớp/1 phòng đối với cấp tiểu học

7.Xây dựng kế hoạch (Đề án) tăng cường CSVC, TBDH cho giai đoạn 2021 - 2025.

Bạn đọc

Bạn Mai Thị Thu Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội:

Để thiết bị dạy học không bị “đắp chiếu” và “lãng quên”, nên chăng ngành GD có cuộc phát động phong trào sử dụng thiết bị dạy học hiệu quả và sáng tạo?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Theo tôi, các nhà trường cần phát động phong trào thi đua làm đồ dùng dạy học. Thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, dự giờ. Đưa vào công tác thi đua, khen thưởng đối với GV có nhiều tiết dạy sử dụng thiết bị dạy học đổi mới và hiệu quả.

Bạn đọc

Bạn Hung Ha:

Theo tôi cập nhật tin tức thì được biết Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ban hành quy định mới về định mức sử dụng máy móc trong giáo dục. Vậy cho tôi hỏi: quy định mới về tiêu chuẩn thiết bị trong các cơ sở giáo dục?
Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh

Thực hiện Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ về quy định sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 16/2019/TT-BGDĐT về hướng dẫn tiêu chuẩn định mức sử dụng thiết bị, máy móc chuyên dùng thuộc lĩnh vực GD-ĐT. Nói một cách dễ hiểu, “tiêu chuẩn” được hiểu là nhà trường được phép mua những loại TBDH nào, “định mức” được hiểu là thiết bị đó được mua với số lượng bao nhiêu (chỉ áp dụng đối với các trường công lập).

Trong Thông tư đã quy định rất rõ hai nhóm thiết bị chuyên dùng, nhóm thứ nhất là các thiết bị được quy định trong các thông tư danh mục dạy học tối thiểu, với nhóm này các cơ sở GD sẽ mua sắm theo quy định tại các thông tư; nhóm thứ hai là những thiết bị không nằm trong các danh mục dạy học tối thiểu thì thông tư đã quy định những thiết bị được mua sắm để phục vụ các hoạt động dạy và học, việc xác định các thiết bị này căn cứ vào quy mô trường lớp và điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Căn cứ vào quy định tại Thông tư 16, các địa phương xây dựng tiêu chuẩn định mức theo hai nhóm nêu trên, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện mua sắm.  

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Nga, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội:

Nhiều GV ngại sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học nhiều khi do ngại tìm khi mà thiết bị được cất chung trong kho. Vì vậy, “dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy” là điều mà giáo viên chúng tôi mong muốn khi sử dụng thiết bị dạy học. Nhà trường hỗ trợ thế nào cho chúng tôi để có được các tiêu chí này?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Nhà trường đã có nhân viên thiết bị dạy học được phân công trách nhiệm theo qui định. Để GV thuận lợi sử dụng thiết bị dạy học, GV các bộ môn phải đăng ký tiết dạy thực hành ở các phòng chức năng; phối hợp với nhân viên thiết bị lập thời khóa biểu.

Đối với nhân viên thiết bị cần có kế hoạch tổ chức khoa học, hợp lí việc bố trí, sắp xếp trang thiết bị, có sổ sách theo dõi định kỳ.

Bạn đọc

Bạn baothunguyen...@gmail.com:

Xin ông cho biết thời gian tới các địa phương, Sở GD cần phải lưu ý gì để triển khai thiết bị dạy học lớp 2 và lớp 6 chủ động hơn?
Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh

Để chủ động mua sắm TBDH lớp 2, lớp 6 trong thời gian tới, trước hết các địa phương cần căn cứ vào quy định TBDH lớp 2, lớp 6 của Bộ GD&ĐT để tổ chức rà soát hiện trạng TBDH tại các nhà trường, xác định những TBDH còn thiếu để phân loại đâu là thiết bị có thể sử dụng lại, thiết bị nào cần sửa chữa và những thiết bị nào có thể khuyến khích giáo viên tự làm, để từ đó xây dựng được kế hoạch và nhu cầu cần mua sắm bổ sung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện, đảm bảo thời gian và thiết bị về đến trường trước khai giảng năm học (hoặc trước khi thực hiện chương trình mới), đảm bảo chất lượng.

Về lâu dài, để chủ động, ngành GD&ĐT các địa phương cần tham mưu để xây dựng một đề án tổng thể về cơ sở vật chất và TBDH để thực hiện chương trình GD phổ thông mới giai đoạn 2021 – 2025, trong đó phân định rõ lộ trình thực hiện, các giải pháp huy động nguồn lực, có như vậy thì ngành GD địa phương mới chủ động được những điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất và TBDH để thực hiện chương trình mới.

Bạn đọc

Bạn Đặng Văn Liêm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội:

Theo ông, để việc sử dụng thiết bị dạy học hiệu quả, nhà trường có nên động viên, nêu gương, khuyến khích giáo viên sử dụng thiết bị hiện có; đồng thời có hình thức kỉ luật với giáo viên không sử dụng thiết bị?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Điều này là cần thiết, đưa vào tiêu chí thi đua của nhà trường, thi đua đánh giá cuối năm của GV. Việc GV thực hiện các nhiệm vụ dạy học đã có những tiêu chí khen thưởng và kỉ luật rất rõ ràng.

Bạn đọc

Bạn Minh Anh – Nghệ An:

Xin cô giáo cho biết, trong giờ học, thời gian sử dụng thiết bị dạy học chiếm bao nhiêu phần trăm thời lượng?
Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương

Chào bạn, tuỳ thuộc vào từng môn học và nhu cầu sử dụng thiết bị dạy học của giáo viên mà thời gian sử dụng có thể phân bổ linh hoạt, giúp học sinh tham gia vào bài giảng hoặc theo dõi các hoạt động chấm, chữa bài.

Bạn đọc

Bạn Dungtranthpt@gmail.com:

Nhiều giáo viên đã lạm dụng việc sử dụng thiết bị dạy học hiện đại trong giờ học của mình, khiến cho thời gian học lý thuyết bị cắt xén. Điều này cần chấn chỉnh thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

- Thiết bị dạy học phải phục vụ cho việc hướng dẫn HS tìm hiểu kiến thức của lý thuyết từng bài học, môn học.

Về phía Phòng GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo các nhà trường về công tác đổi mới phương pháp dạy học qua các chuyên đề kiểm tra và đánh giá công tác này của các trường.

Nhà trường thường xuyên chỉ đạo về công tác đổi mới phương pháp dạy học, thông qua kiểm tra đánh giá và thường xuyên quán triệt GV việc sử dụng trang thiết bị dạy học, đặc biệt là ứng dụng CNTT, không lạm dụng để giảm vai trò của GV trong các tiết dạy. 

Bạn đọc

Bạn Phạm Hồng (Sơn La):

Tôi là phụ huynh có con học lớp 1. Tôi có phải đóng góp tiền mua thiết bị dạy học ở trường cho con tôi không?
Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ
Ông Phạm Hùng Anh trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ

 

Cảm ơn phụ huynh học sinh đã đặt câu hỏi. Theo quy định của Luật giáo dục, giáo dục phổ thông là nhà nước phải đảm bảo, đặc biệt, giáo dục tiểu học đã được quy định là bắt buộc, vì vậy đối với hệ thống các trường công lập nhà nước phải đảm bảo các điều kiện để thực hiện giáo dục bắt buộc (các điều kiện: Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chương trình, đội ngũ,…).

Căn cứ vào thông tư danh mục TBDH tối thiểu các địa phương phải mua đủ TBDH để thực hiện các hoạt động dạy và học trong nhà trường. Còn những dụng cụ học tập của học sinh (bút viết, thước kẻ, tẩy, bút chì,…) thì phụ huynh học sinh phải tự trang bị cho con em mình.

Bạn đọc

Bạn lethinguyen90@...:

Con gái tôi hào hứng nhất với bộ đồ dùng hỗ trợ học môn Tự nhiên xã hội vì hình ảnh rất phong phú và sống động. Cháu muốn bố mẹ mua bộ đồ dùng như cô giáo sử dụng ở lớp để học thêm tại nhà thì có thể mua ở đâu, thưa cô?
Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương

Giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học - hiểu đúng, mua đủ” ảnh 27

 

Chào chị, tôi rất mừng vì con gái hào hứng với bộ đồ dùng hỗ trợ học môn Tự nhiên xã hội. Tuy nhiên, chị không nói rõ hiện con đang sử dụng bộ sách giáo khoa nào nên tôi không thể tư vấn rõ hơn địa chỉ để chị tìm mua. Thường, những bộ đồ dùng được cô giáo sử dụng trên lớp là được các trung tâm thiết bị trường học cung cấp nên ở ngoài thị trường thường rất ít bán. Chị có thể tìm thêm ở một số cơ sở cung cấp thiết bị dạy học lớn. Chúc con luôn tích cực và hào hứng với mọi tiết học.

Bạn đọc

Bạn Ngocdangtien...@gmail.com:

Nhiều trường học ở một số địa phương có thể trang bị những phương tiện dạy học hiện đại hơn thiết bị dạy học ở danh mục tối thiểu, các nhà trường muốn làm hơn yêu cầu của Bộ. Xin Cục CSVC cho hướng dẫn về việc này?
Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh

Trước hết, việc ban hành danh mục TBDH tối thiểu là để đáp ứng yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình. Ngoài những TBDH theo danh mục tối thiểu, chúng ta có thể trang bị thêm những TBDH hiện đại, tiếp cận công nghệ mới, nhằm giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học.

Để có thể mua được những TBDH ngoài danh mục tối thiểu Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 16/2019/TT-BGDĐT về hướng dẫn tiêu chuẩn định mức sử dụng thiết bị, máy móc chuyên dùng thuộc lĩnh vực GD-ĐT, trong Thông tư này đã quy định rõ quy trình thực hiện đối với thiết bị không có trong danh mục TBDH tối thiểu Bộ đã ban hành, căn cứ vào Thông tư, các nhà trường, các địa phương có thể đề xuất mua sắm những thiết bị hiện đại hơn, để phục vụ công tác dạy và học và nâng cao chất lượng.

Bạn đọc

Bạn trinh.duy...@gmail.com:

Tôi là giáo viên dạy lớp 6. Năm học tới sẽ đổi mới chương trình và SGK lớp 6. Thiết bị dạy học tối thiểu của lớp 6 có nhiều danh mục mới không thưa ông? Liệu có giảm bớt những thiết bị cồng kềnh (in giấy...) và tích hợp thành hình ảnh, sử dụng tiện lợi hơn cho giáo viên, hứng thú hơn cho học sinh?
Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh

Giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học - hiểu đúng, mua đủ” ảnh 32

 

Chào bạn! Rất cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. 

Như chúng ta đã biết năm học 2021- 2022 sẽ thực hiện đổi mới chương trình GD phổ thông với lớp 6. Xét về mặt khoa học, kiến thức của lớp 6 trong chương trình GD phổ thông mới so với chương trình cũ không thay đổi, mà thay đổi ở đây là về cách thức tổ chức thực hiện và phương pháp dạy học. Vì vậy, TBDH lớp 6 năm tới cơ bản tiếp tục sử dụng những TBDH đã trang bị trước đây. Thay đổi lớn nhất của TBDH đổi mới lớp 6 gồm: 

1. Sắp xếp lại hệ thống TBDH theo phòng học bộ môn (Ví dụ, theo chương trình cũ, chúng ta dạy học các môn Lý, Hoá, Sinh riêng biệt. Nhưng theo chương trình mới 3 môn học này được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên. Vì vậy cần sắp xếp lại các TBDH trong phòng học bộ môn).

2. Danh mục TBDH mới đối với lớp 6 về cơ bản lược bỏ hết các tranh ảnh, nếu vẫn còn những tranh ảnh theo yêu cầu của chương trình thì khuyến khích sử dụng tranh ảnh điện tử hoặc phần mềm mô phỏng (như tôi nói ở phần trên, đây là cách tiếp cận theo hướng ứng dụng CNTT).

3. Trong danh mục đã đưa thêm những học liệu điện tử, các video, clip theo các chủ đề dạy học. Nhằm giúp giáo viên sử dụng thuận lợi hơn, tạo hứng thú cho học sinh. Trong danh mục có bổ sung một số thiết bị mới theo yêu cầu của chương trình. 

4. Danh mục mới có bổ sung một số thiết bị hiện đại, tạo nền tảng cho việc áp dụng các phương pháp GD mới (STEM, định hướng GD nghề nghiệp...)

Bạn đọc

Bạn ngocanhhcm@....:

Trường con tôi chọn bộ sách Cánh Diều, là bộ sách duy nhất có phiên bản sách điện tử. Là người trực tiếp đứng lớp, cô có thể cho biết so với sách giấy, sách điện tử có thêm những nội dung, tính năng nào mới?
Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương

Thưa chị, bộ sách Cánh Diều như chị tìm hiểu, là bộ sách duy nhất có phiên bản sách điện tử. So với sách giấy, sách điện tử còn có các video hoạt hình hóa nội dung bài kể chuyện giúp phụ huynh có thể học cùng con và đánh giá kết quả của con. Đồng thời những hình ảnh của sách điện tử giúp giáo viên có thể tải xuống dễ dàng phục vụ cho việc giảng dạy, ứng dụng CNTT đạt hiệu quả.

Bạn đọc

Bạn Phuonglinhgdpt@gmail.com:

Trang thiết bị dạy học để sử dụng lâu dài cần công tác bảo quản, bảo trì cẩn thận, tránh lãng phí trong việc mua sắm mới hằng năm. Phòng GD&ĐT quận có chỉ đạo, hướng dẫn gì các trường thực hiện công tác này?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Nhà trường ban hành văn bản chỉ đạo, phân công chức năng, nhiệm vụ cho các bộ phận tổ bộ môn về việc sử dụng, bảo quản trang thiết bị theo đúng qui định sử dụng tài sản.

Về mua sắm trang thiết bị, các trường rà soát nhu cầu bổ sung những thiết bị còn thiếu, thay thế những trang thiết bị hết hạn sử dụng. Đề xuất các cấp lãnh đạo về việc trang cấp, bổ sung thiết bị dạy học.

Phòng GD&ĐT có hướng dẫn sử dụng trang thiết bị dạy học. Theo dõi hồ sơ sổ sách định kỳ, giao cho bộ phận quản lý chịu trách nhiệm.

Bạn đọc

Bạn Thanh Thuỷ (Lai Châu):

Tôi ở miền núi, là đồng nghiệp của cô Hương. Tôi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ về danh mục đồ dùng tối thiểu nhưng không bắt buộc mua sắm mới mà có thể tận dụng. Chúng tôi còn “chống thiếu” bằng đồ dùng dạy học tự làm. Không biết đồng nghiệp ở Thủ đô và các nới khác có làm như thế không? (Thanh Thuỷ - Lai Châu)
Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương

Giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học - hiểu đúng, mua đủ” ảnh 39

 

Thưa chị Thanh Thủy, đúng như chị nói, Bộ GD&ĐT đã quy định danh mục đồ dùng tối thiểu nhưng không bắt buộc mua sắm mới mà có thể tận dụng những thiết bị dạy học đã có. Chúng tôi cũng chỉ trang bị thêm những thiết bị dạy học cần thiết. Ví dụ, với một số bộ tranh môn Tự nhiên và xã hội hoặc Đạo đức, chúng tôi có thể dùng chung 2 lớp/ bộ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng những đồ dùng dạy học tự làm nếu cảm thấy phù hợp, đặc biệt là sử dụng các bài giảng điện tử ứng dụng CNTT để mang lại những hình ảnh sống động cho bài học.

Bạn đọc

Bạn (kimdunghn71@...:

Trường Tiểu học Đông Thái đã được trang bị đủ các thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của bộ GD&ĐT chưa? Thực tế vấn đề này ở trường có điều gì cần hỗ trợ của cấp trên không?
Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương

Được sự hỗ trợ từ Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, sự quan tâm của BGH Trường Tiểu học Đông Thái, giáo viên lớp 1 chúng tôi đã được trang bị tương đối đầy đủ các trang thiết bị dạy học phục vụ nhu cầu tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới, lại là năm học đặc biệt do cả nước vẫn trong trạng thái phòng chống dịch Covid-19, nên việc trang bị thiết bị dạy học khó tránh khỏi bị chậm so với kế hoạch. Giáo viên chúng tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn chung của ngành, của đất nước. Để đáp ứng yêu cầu công việc, giáo viên chúng tôi đã tự làm các đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT để phục vụ tốt nhất cho việc giảng dạy (tạo thêm những bài giảng điện tử, video kể chuyện,…).

Bạn đọc

Bạn duongminhuts2019@gmail.com:

Xin được hỏi về định hướng xây dựng danh mục thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới?
Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh

Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất – Bộ GD&ĐT
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất – Bộ GD&ĐT

 

Chủ đề hôm nay chúng ta đang bàn về hiểu đúng, mua đủ TBDH theo chương trình GD phổ thông mới. Trước hết, tôi chia sẻ một số thông tin. Khi chúng ta áp dụng chương trình GD phổ thông mới, không có nghĩa là chúng ta thay thế toàn bộ CSVC, TBDH, mà chúng ta phải đảm bảo sự kế thừa. 

Chương trình GD phổ thông mới, về cơ bản là thay đổi về phương pháp dạy học. 

Việc xây dựng danh mục TBDH theo yêu cầu của chương trình từng môn học mà không theo SGK. Với định hướng: 

1. TBDH phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của chương trình môn học. 

2. Đảm bảo tính liên thông giữa các môn học, các lớp trong cùng một cấp học và giữa các cấp học với nhau.

3. Đảm bảo tính khả thi (phù hợp với điều kiện kinh phí đầu tư, khả năng sản xuất, cung ứng và khai thác sử dụng...).

4. Đảm bảo tính kế thừa những danh mục TBDH đã ban hành, tránh lãng phí. 

5. Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác thiết bị.

6. Danh mục TBDH được xây dựng theo hướng mở, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo trong sử dụng của các nhà trường, cũng như khả năng sản xuất, cung ứng của các nhà cung cấp TBDH. Tạo điều kiện mở rộng phạm vi mua sắm, dựa trên điều kiện kinh tế- xã hội của từng địa phương. 

7. Tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

8. Tiếp cận với các phương pháp GD mới (STEM, định hướng GD nghề nghiệp,....).

Dựa trên các định hướng nêu trên, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng cấp học, bậc học để thực hiện chương trình GD phổ thông mới. 

Căn cứ vào các Thông tư ban hành danh mục TBDH tối thiểu, các nhà trường, các địa phương rà soát lại thực trạng TBDH hiện có, lên kế hoạch mua sắm bổ sung các thiết bị còn thiếu, đã hỏng. Đảm bảo đủ TBDH theo yêu cầu để thực hiện các hoạt động dạy và học. 

Như tôi đã nói ở trên, chương trình GD phổ thông mới về cơ bản là đổi mới phương pháp dạy học, vì vậy công tác TBDH đóng vai trò rất quan trọng trong công tác dạy và học của các nhà trường. Vì vậy, đề nghị các nhà trường hết sức quan tâm đến công tác TBDH để thực hiện chương trình.

Bạn đọc

Bạn Đỗ Thanh Hưởng, quận Tây Hồ, Hà Nội:

Trước xu thế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay thì việc trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học có còn cần thiết?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học - hiểu đúng, mua đủ” ảnh 47

 

Theo tôi, ngoài đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc trang cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học là rất cần thiết. Bởi, việc này đáp ứng nhu cầu dạy học của từng môn học gắn lý thuyết với thực hành.

Bạn đọc

Bạn Đào Khánh An, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội:

Chương trình mới sẽ tăng số lượng thiết bị dạy học để học sinh được thực hành thí nghiệm nhiều, có trải nghiệm học tập tốt. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới này, việc trang bị thiết bị dạy học cần được triển khai thế nào cho hiệu quả?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương, Tổ trưởng Tổ văn phòng, cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội

Ông Đỗ Hoài Phương, Tổ trưởng Tổ văn phòng, cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội 

 

 

Theo tôi, cần rà soát nhu cầu thiết bị dạy học của từng trường, từng lớp để trang cấp đảm bảo đúng, đủ và hiệu quả. Đặc biệt, các phòng học chức năng cần được trang bị đầy đủ theo qui định của Bộ GD&ĐT.

Bạn đọc

Bạn Tramhoangthcs@gmail.com:

Từ thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn, ông có thể chia sẻ đâu là những khó khăn trong việc trang bị cũng như sử dụng thiết bị dạy học của các nhà trường?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Theo tôi, khó khăn chủ yếu là việc sử dụng trang bị thiết bị điện tử, CNTT, một số GV còn hạn chế trong việc sử dụng trong các tiết dạy. GV thường chưa sử dụng hiệu quả dẫn đến nội dung dạy học chưa phong phú. GV vẫn muốn sử dụng theo cách dạy truyền thống. Cần tăng cường tập huấn cho GV khi triển khai trang bị thiết bị dạy học hiện đại.

Bạn đọc

Bạn Hà Thu Hằng, huyện Gia Lâm, Hà Nội:

Theo ông, trang thiết bị dạy học có vai trò thế nào trong công tác dạy và học của các nhà trường?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Theo tôi, trang thiết bị dạy học có vai trò rất quan trọng, như: truyền thụ và tiếp thu kiến thức nhanh và dễ hiểu, tạo hứng thú học tập cho HS; cung cấp kiến thức cho HS một cách chính xác, trực quan, sinh động. Qua đó, nâng cao được chất lượng giáo dục HS theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. GV cũng chủ động, sáng tạo trong việc tìm nguồn học liệu, kiến thức bổ sung cho chương trình giảng dạy.

Bạn đọc

Bạn Tùng Anh – Hà Nội:

Năm nay là năm đầu tiên triển khai chương trình mới đối với lớp 1, với các danh mục đồ dùng được quy định, cô đánh giá học sinh có hào hứng với tiết học hơn không?
Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương, Tổ trưởng chuyên môn – Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A8 Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Cô giáo Phan Thiên Hương, Tổ trưởng chuyên môn – Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A8 Trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, Hà Nội.

 

Bạn Tùng Anh thân mến, tuy năm nay là năm học đầu tiên triển khai chương trình mới đối với lớp 1 nhưng từ rất nhiều năm, việc sử dụng đồ dùng dạy học đối với giáo viên nói chung, đặc biệt là giáo viên lớp 1 nói riêng  luôn được ưu tiên hàng đầu vì tâm lí của các em học sinh Tiểu học là học từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Nhờ các đồ dùng dạy học phù hợp mà học sinh hứng thú với bài giảng hơn, tích cực tham gia các hoạt động của tiết học hơn.

Bạn đọc

Bạn phanvantb@...:

Cô giáo đánh giá thế nào về vai trò của đồ dùng dạy học với hiệu quả tiết học, đặc biệt đối với học sinh lớp 1?
Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương

Theo tôi, đồ dùng dạy học rất quan trọng, đặc biệt với học sinh lớp 1 vì các em chủ yếu học qua trực quan sinh động, ghi nhớ bằng hình ảnh, bằng thực hành. Việc các thầy cô thực hiện cùng các em các thao tác trên đồ dùng dạy học vừa giúp các em tiếp nhận kiến thức một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn, vừa giúp các em ghi nhớ kiến thức mới tốt hơn, tạo hứng thú cho tiết học.

Bạn đọc

Bạn Đức Huy, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Có ý kiến cho rằng, việc đổi mới không lệ thuộc vào tài liệu dạy học là SGK hay thiết bị mà phụ thuộc vào giáo viên.. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Theo tôi, việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực của người học được lĩnh hội. Điều này đòi hỏi GV là người dẫn dắt, tổ chức các hoạt động dạy học theo hướng phát triển tính tích cực của HS, thực hiện thành công mục tiêu giáo dục. Tài liệu, SGK, thiết bị dạy học rất quan trọng và cần thiết, GV có thể khai thác thực hiện mục tiêu giáo dục nhưng không nên lệ thuộc hoàn toàn.

Bạn đọc

Bạn quantamgiaoduc@gmail.com:

Được biết, GV và các nhà trường đã rất sáng tạo trong phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Phong trào này ở ngành GD&ĐT quận Tây Hồ diễn ra thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Giao lưu trực tuyến: “Thiết bị dạy học - hiểu đúng, mua đủ” ảnh 64

 

Hằng năm, vào đầu năm học, ngành GD quận đã triển khai Chương trình làm đồ dùng dạy học của GV tại các nhà trường và tham gia triển lãm đồ dùng dạy học cấp quận. Qua đó, việc khích lệ GV trong việc tích cực tự làm đồ dùng dạy học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo.

Bạn đọc

Bạn QuocanhTP@gmail.com:

Ngành GD&ĐT quận Tây Hồ triển khai việc mua sắm trang thiết bị dạy học như thế nào cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 1 năm học này cũng như chuẩn bị cho các cấp học tiếp theo?
Ông Đỗ Hoài Phương

Ông Đỗ Hoài Phương

Việc rà soát nhu cầu trang cấp thiết bị dạy học là rất cần thiết. Trong đó để giảng dạy SGK điện tử Cánh Diều, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất trang cấp màn hình tương tác thông minh tại các khối lớp 1. Bổ sung trang thiết bị theo Thông tư 05 của Bộ GD&ĐT cho các đơn vị.

Bạn đọc

Bạn huonglan102@...:

Thiết bị dạy học được đánh giá là yếu tố không thể thiếu trong cấu trúc toàn vẹn của quá trình đào tạo. Ngoài việc hỗ trợ trực quan sinh động, tăng hiệu quả tiết dạy, theo cô giáo, sử dụng thiết bị dạy học có vai trò như thế nào trong giáo dục toàn diện học sinh?
Cô giáo Phan Thiên Hương

Cô giáo Phan Thiên Hương

Thiết bị dạy học được đánh giá là yếu tố không thể thiếu trong quá trình dạy học. Với chương trình GDPT mới, về cơ bản khác chương trình GDPT hiện hành, thay đổi hình thức tổ chức dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên đóng vai trò dẫn dắt học sinh thực hiện các mục tiêu giáo dục. Vì vậy, thiết bị dạy học cũng tập trung nhiều vào học sinh, giúp khắc phục những hạn chế của lớp học bằng cách ứng dụng CNTT trong giảng dạy.

Thiết bị dạy học còn giúp học sinh phát huy khả năng làm việc nhóm, tăng cường trí nhớ, làm cho việc học tập được bền lâu. Muốn được như vậy, mỗi giáo viên phải nghiên cứu bài giảng, tìm thêm những ý tưởng phù hợp, hướng dẫn và tổ chức được những hoạt động học tập kích thích học sinh tìm hiểu kiến thức mới.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.