Giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để học sinh an toàn đến trường?”

GD&TĐ - Mục tiêu và nội dung chỉ đạo đảm bảo trường học an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã rất quan tâm chỉ đạo công tác này.

Giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để học sinh an toàn đến trường?”

Trong 5 năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành gần 20 văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu các quyết định đề án của thủ tướng, gửi văn bản cho chủ tịch các tỉnh, thành phố đôn đốc nhắc nhở xử lí các sự việc liên quan về an toàn trường học.

Năm 2019, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Luật giáo dục 2019, trong đó nhấn mạnh yếu tố quan trọng xây dựng trường học an toàn lành mạnh thân thiện. Năm 2017, Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu chính phủ kí ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Bên cạnh đó dưới thẩm quyền quản lí nhà nước, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều thông tư trong đó có Thông tư quy định về tiêu chí trường học an toàn hạnh phúc và phòng chống tai nạn thương tích, các vấn đề về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm.

Gần đây nhất, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 13/2020 quy định về các điều kiện tối thiểu của trường học. Trong thông tư này đã quy định những tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, hệ thống trường lớp, hệ thống tường bao, hệ thống điện nước... của từng cấp học.

Tuy nhiên thời gian vừa qua, liên tiếp xuất hiện những sự cố về an toàn trường học ở một số địa phương. Từ những sự cố gây tai nạn thương tích cho học sinh, sự mất an toàn trường học ở một số địa phương trong cả nước thời gian qua, các nhà trường trong cả nước đang rà soát để ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an toàn ngay từ đầu năm học mới 2020-2021 này.

Để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, đồng thời giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của độc giả, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Làm sao để học sinh an toàn đến trường?”

Buổi giao lưu trực tuyến diễn ra từ 9h đến 10h30 ngày 17/9/2020 với sự tham dự của 3 khách mời:

  1. Ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo
  2. Ông Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an
  3. Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Độc giả có thể gửi các câu hỏi tới các vị khách mời qua form dưới đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

Ông Bùi Văn Linh

Ông Bùi Văn Linh

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Đào Trung Hiếu

Ông Đào Trung Hiếu

Chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an

Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Bạn đọc

Bạn Đỗ Văn Thái, TP Lạng Sơn:

Rất nhiều vụ ẩu đả giữa các học sinh chỉ bởi một vài câu comment trên mạng xã hội facebook được cho là xúc phạm nhau, theo ông việc giáo dục văn hóa trên không gian mạng cho học sinh phải thực hiện theo cách nào?
Ông Đào Trung Hiếu

Ông Đào Trung Hiếu

Giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để học sinh an toàn đến trường?” ảnh 6

 

Rất nhiều vụ bạo lực học đường có nguyên nhân từ những xích mích khi tham gia mạng xã hội (MXH). Chỉ vì những câu nhận xét, bình phẩm được cho là có ác ý, chế giễu, chê bai nhau là học sinh có thể tìm đánh nhau khi đến trường. Đây là một thực tế đáng báo động.

Điều này xuất phát từ việc trẻ rất thiếu kỹ năng ứng xử trên MXH.

Để khắc phục điều này, cần phải tăng cường phổ biến, hướng dẫn học sinh cách sử dụng MXH cho hiệu quả. Trong giao tiếp trên MXH, tuyệt đối không nên xúc phạm hay đưa thông tin bịa đặt, tung tin đồn thất thiệt, bất lợi cho người khác, không chê bai chế giễu, dạy bảo bạn bè… để tránh những ức chế, va chạm, xích mích, mâu thuẫn không đáng có. Tuyệt đối không nên lập nhóm chat chit bình phẩm, nói xấu bạn bè… rất dễ gây ra xung đột, bạo lực.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Tú, ngõ 120 Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ, Hà Nội:

Theo thầy, đâu là những nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh khi đến trường?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Chúng ta có thể nhận diện rất rõ các nguy cơ với sự an toàn của HS. Đó là:

- ATGT và an ninh trên đường đến trường và từ trường về nhà (HS sử dụng các phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, ko chấp hành luật ATGT, gặp đối tượng xấu...)

- CSVC của nhà trường: vụ đổ cổng trường, vụ rơi quạt, thực hành thí nghiệm...

- Mối quan hệ phức tạp của HS qua mạng xã hội: HS không chỉ chơi với các bạn cùng lớp, cùng trường mà có nhiều mối quan hệ khác qua mạng xã hội, không rõ tiểu sử của đối phương. Bản thân HS chưa đủ hiểu biết, kĩ năng nên dễ bị lôi kéo và lợi dụng vì mục đích xấu.

- Bạo lực học đường: HS đánh nhau, HS bị tấn công bằng lời nói, bị bắt nạt, xâm hại... (từ cả người lớn trong trường lẫn bạn học).

Bạn đọc

Bạn Trần Sơn, huyện Mê Linh, Hà Nội:

Nhiều ngôi trường khang trang, hiện đại nhưng vẫn để xảy ra mất an toàn cho học sinh. Phải chăng, chúng ta đang mải dạy chữ mà đôi khi lơ là công tác đảm bảo an toàn cho học sinh?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

- Tất cả các nhà trường trong vài năm trở lại đây đều đặt an toàn cho HS là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Các dự án kĩ năng sống như PLAN (dự án về xây dựng trường học an toàn, bình đẳng, thân thiện), dự án GAIA (trang bị cho HS kĩ năng sống nói chung, trong đó có nội dung xây dựng giao tiếp học đường, nhận dạng và cách ứng xử với bạo lực học đường,...), dự án Giáo dục nếp sống văn minh thanh lịch cho HS Thủ đô,... được đưa vào giảng dạy trong nhiều nhà trường để giảm thiểu khả năng xảy ra các vụ xô xát, bắt nạt, xâm hại...

- Việc tập huấn cho CB, GV, NV về cách ứng xử trong nhà trường với HS cũng như các biện pháp cần thiết để nâng cao an toàn cho HS cũng được chú trọng.

- Việc kết hợp với CMHS để cùng phối hợp và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho HS được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong cả năm học qua kênh liên lạc trực tiếp hoặc kênh hoạt động của các nhóm lớp.

 Tuy vậy, trong thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho HS do những tình huống bất thường cùng  với sự lơ là của những người trực tiếp quản lý nên trong thực tế vẫn xảy ra những vụ việc mất an toàn cho HS.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Mai Phương, quận Đống Đa, Hà Nội:

Đã có nhiều sự cố xảy ra khi học sinh thực hành thí nghiệm ở trên lớp. Theo thầy, đâu là nguyên nhân của những sự cố này và nhà trường làm gì để hạn chế những tai nạn có thể xảy ra khi GV cho HS làm thí nghiệm?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

  • Nguyên nhân:

- GV hướng dẫn thực hành chưa bao quát được hết các nguy cơ có thể xảy ra.

- HS chưa được hướng dẫn kĩ về nội quy phòng THTN. Tâm lý lứa tuổi hiếu động, thích khám phá nên hay tự ý bỏ qua các bước thực hiện theo qui định.

- Quy trình và trang thiết bị xử lý tình huống khi xảy ra sự cố ở phòng THTN chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức.

  • Cách hạn chế:

      - Cần xây dựng nội quy phòng thí nghiệm chặt chẽ và phổ biến tường tận đến GV và HS trước khi tiến hành thực hành thí nghiệm.

     -  Nâng cao năng lực thực hành và hướng dẫn thực hành của GV nhân viên hỗ trợ.

      - Trang bị và sử dụng các thiết bị bảo hộ theo đúng quy định.

Bạn đọc

Bạn Lưu Văn Hải, TP Hưng Yên:

Trên không gian mạng xã hội luôn tiềm ẩn nhiều cạm bẫy cho học sinh, làm thế nào để học sinh tránh xa văn hóa phẩm đồi trụy?
Ông Đào Trung Hiếu

Ông Đào Trung Hiếu

Mạng xã hội đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống giới trẻ ngày nay, trong kỷ nguyên bùng nổ về khoa học công nghệ và sự phủ sóng internet toàn cầu. Bên cạnh những tiện ích, công năng mà mạng xã hội tạo ra cho đời sống con người, thì MXH cũng là môi trường lý tưởng cho hoạt động của tội phạm và các tiêu cực xã hội khác. Người trẻ khi tham gia MXH, nếu không được trang bị những tri thức cần thiết, thiếu kỹ năng sử dụng MXH, rất dễ bị lôi cuốn vào những trào lưu xấu, tiếp cận với những sản phẩm phản văn hóa, đồi trụy, bạo lực, hoặc bị sa vào các cạm bẫy của kẻ xấu. Tiếp xúc nhiều với văn hóa xấu độc, còn tác động lên quá trình hình thành nhân cách, tạo ra các phẩm chất tâm lý cá nhân tiêu cực… Để học sinh xa lánh các tác động xấu từ môi trường mạng, cần triển khai các giải pháp như:

  • Truyền thông thay đổi hành vi: thông qua các công cụ khác nhau, khuyến cáo học sinh về hậu quả, tác hại khi tiếp cận văn hóa độc hại trên mạng; truyền đạt kỹ năng sử dụng MXH, biết được những tiện ích, cũng như nguy cơ về an ninh, an toàn khi tham gia các sinh hoạt trên MXH.
  • Gia đình cần có biện pháp kiểm soát hiệu quả việc sử dụng MXH của con cái; cha mẹ cần quan tâm, khuyến cáo con về những tác hại, nguy cơ mất an toàn khi tham gia MXH để trẻ cảnh giác, chủ động tránh xa các tác động tiêu cực; biết cách sử dụng MXH khôn ngoan và an toàn.
  • Nhà trường nên tổ chức các buổi ngoại khóa, mời các chuyên gia nói chuyện chuyên đề về kỹ năng sử dụng MXH cho học sinh, tư vấn cách sử dụng khôn ngoan và an toàn
  • Các ngành chức năng cần tăng cường nắm tình hình trên không gian mạng, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, đánh sập, bóc gỡ những trang web xấu độc, xử lý các đối tượng phát hành, xuất bản các ấn phẩm phản văn hóa lên không gian mạng theo quy định của pháp luật; các cơ quan truyền thông, báo chí cần tăng cường tuyến bài viết về kỹ năng phòng chống các tác động tiêu cực từ môi trường mạng với giới trẻ.
Bạn đọc

Bạn Minhtam89@gmail.com:

Để tránh tình trạng HS đối phó khi thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các em, nhà trường cần có những biện pháp nào?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Nhà trường cần xây dựng những biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của mỗi HS qua các bài học, tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp và các tiết dạy kĩ năng sống.

Tổ chức quản lý, theo dõi, giám sát, có quy định xử lý vi phạm rõ ràng, được phổ biến tường tận đến HS và CMHS.

Bạn đọc

Bạn Thu Hường, quận Long Biên, Hà Nội:

Việc tổ chức cho HS và PHHS ký cam kết thực hiện các qui định đảm bảo an toàn giao thông và các qui định khác khi đến trường có thực sự mang lại hiệu quả không, thưa thầy?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Nhà trường không thể làm tốt bất kỳ công tác nào nếu thiếu sự phối kết hợp từ phía gia đình.

Việc tổ chức ký cam kết thực hiện các qui định đảm bảo ATGT chỉ là một bước trong chuỗi rất nhiều hoạt động hợp tác giữa gia đình và nhà trường (truyền thông, gặp gỡ trực tiếp, trao đổi gián tiếp qua kênh liên lạc).... Do vậy, việc ký cam kết có hiệu quả hay không thì cần có sự phối hợp giám sát thực hiện cam kết, động viên khen thưởng những HS thực hiện tốt, phê bình những HS thực hiện chưa tốt.

Bạn đọc

Bạn Ngọc Duy, ngõ 124 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội:

Những yếu tố nào cho thấy một trường học thực sự là trường học an toàn với học sinh?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Trường học an toàn khi các qui định, qui trình xử lý sự cố đầy đủ, chi tiết và chặt chẽ.

  CSVC khang trang, đầy đủ các thiết bị cần thiết để xử lý tình huống.

  Đội ngũ CB, GV, NV có cách ứng xử văn minh, trách nhiệm, có hiểu biết đầy đủ về nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.

  Các hoạt động giáo dục liên quan đến giáo dục kỹ năng sống, đảm bảo an toàn cho HS được tổ chức thường xuyên, hiệu quả và nghiêm túc.

 Khu vực trường và cổng trường được kiểm soát chặt chẽ bởi các thiết bị an ninh, lực lượng an ninh trong và ngoài trường làm CMHS và HS cảm thấy an toàn khi đến trường.

Bạn đọc

Bạn Hoangmai2014@gmail.com:

Học sinh lứa tuổi THCS bắt đầu khám phá, tìm tòi những điều mới lạ xung quanh cuộc sống. Trong khi có rất nhiều nguy cơ rình rập tấn công các em, gây mất an toàn cả về thể chất và tinh thần. Thầy có lời khuyên gì cho các em?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Các em cần lắng nghe sự chỉ dạy của thầy cô, cha mẹ để có những kiến thức cần thiết nhằm phát hiện nguy cơ mất an toàn cho bản thân và có kỹ năng thoát khỏi tình huống mất an toàn.

Lựa chọn môi trường giao lưu lành mạnh trong trường, ngoài xã hội và trên mạng.

 Chia sẻ kịp thời những khó khăn mình gặp phải với cha mẹ, thầy cô và cơ quan chức năng để được tư vấn và bảo vệ.

Bạn đọc

Bạn thuhainxb@gmail.com:

Có ý kiến cho rằng, xây dựng trường học an toàn là một trong những yêu cầu rất quan trọng để tạo nên ngôi trường hạnh phúc. Nhà trường cần làm gì để tạo dựng được sự liên hệ mật thiết này?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

 HS, CB, GV, NV chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc khi đến trường nếu trước nhất đó là một môi trường an toàn để HS được yên tâm học tập, tận hưởng tuổi học sinh và CB, GV, NV tận tâm cống hiến.

 Các biện pháp đặt ra là:

- Trường có quy định rõ ràng với CB, GV, NV về quy tắc ứng xử trong nhà trường. Đội ngũ bảo vệ thắt chặt an ninh trong và xung quanh khu vực trường. Đội ngũ giám thị và Tổng phụ trách hoạt động sâu sát, hiệu quả.

- Phối kết hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, ANTT trên địa bàn.

- Tuyên truyền giáo dục HS để các em có những kỹ năng đảm bảo an toàn cho mình và bạn bè. Có biện pháp nắm bắt kịp thời về những nguy cơ gây mất an toàn cho HS và phối hợp các lực lượng để giải quyết triệt để khi phát sinh tình huống.

Bạn đọc

Bạn Trang Anh, quận Cầu Giấy, Hà Nội:

Bị bắt nạt, bị cô lập, bạn bè chế giễu, nhiều HS mất an toàn về tâm sinh lý ngay trong lớp học, trường học nhưng lại không thể giãi bày với thầy cô, cha mẹ. Nhà trường làm gì để hỗ trợ và chia sẻ với các em trong trường hợp này?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Mỗi nhà trường cần chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ GV chủ nhiệm để mỗi GVCN không chỉ là người thầy mà còn là người bạn của HS, để được HS tìm đến chia sẻ những vấn đề các em còn khúc mắc.

Nhà trường phát hiện sớm những HS bị bắt nạt, cô lập hoặc bạn bè chế giễu. Tìm hiểu nguyên nhân tác động, giáo dục nhóm HS có biểu hiện bắt nạt, chế giễu bạn để các em thay đổi nhận thức và hành vi, có ứng xử văn minh với bạn. Đồng thời, có sự trợ giúp tâm lý với HS bị bắt nạt, giúp các em vượt qua khủng hoảng, hòa nhập với các hoạt động của lớp.

Đẩy mạnh mô hình hệ thống Phòng tham vấn để HS tìm đến và tự giải quyết được vấn đề của bản thân bên cạnh sự hỗ trợ của cán bộ tham vấn tâm lý nhà trường.

Nhà trường truyền thông về các kênh hỗ trợ: 598.666; email: tiepnhanthongtin@moet.gov.vn; Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 để HS biết và tìm đến khi cần thiết.

Bạn đọc

Bạn Phạm Ngọc Tùng, Bắc Ninh:

Theo tôi, sự việc cổng trường sập đáng tiếc xảy ra tại trường tiểu học Khánh Yên Thượng có một phần do học sinh không được trang bị kĩ năng sống, kĩ năng phòng chống tai nạn. Bộ GD&ĐT có kế hoạch gì để trang bị kĩ năng cho các em?
Ông Bùi Văn Linh

Ông Bùi Văn Linh

Việc trang bị các kĩ năng cần thiết cho học sinh để tự tin, có phương pháp tốt giải quyết các tình huống liên quan trong đời sống hàng ngày, trong học tập là rất quan trọng. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều nội dung chỉ đạo liên quan đến công tác giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng phòng tránh tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống đuối nước... được tích hợp lồng ghép trong nội dung các môn học chính khóa của chương trình giáo dục phổ thông mới và trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Hoạt động tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lí, giáo viên; gia đình cũng như cộng đồng xã hội trong việc phối hợp trang bị các kĩ năng cần thiết cho học sinh cũng rất quan trọng.

Bạn đọc

Bạn Lê Văn Hóa, quận Lê Chân, Hải Phòng:

An toàn về thể chất trong học đường liên quan đến rất nhiều vấn đề khác nhau. Các nguy cơ đe dọa an toàn thể chất của học sinh trong đó có tai nạn thương tích ngoài phạm vi trường học (đuối nước, trèo cây bị ngã). Đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này?
Ông Đào Trung Hiếu

Ông Đào Trung Hiếu

Giải pháp quan trọng đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho học sinh biết cách chủ động phòng tránh những nguy cơ mất an ninh, an toàn thể chất mà trẻ có thể gặp phải trong đời sống.

Gia đình cần quan tâm chăm sóc con cái, khuyến cáo trẻ về những nguy cơ có thể gặp phải, cần cho trẻ học các môn thể thao, trong đó dạy trẻ học bơi, học võ thuật là những lựa chọn tốt. Các lớp học kỹ năng, trải nghiệm thực tế với sự hướng dẫn của các chuyên gia, là sự chuẩn bị quan trọng để trẻ có thể phòng tránh được những tai nạn rủi ro trong đời sống.

Nhà trường cần chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng mềm cho trẻ em, đưa vào chương trình giáo dục những buổi học ngoại khóa, rèn luyện cho trẻ làm quen với các kỹ năng ứng phó với thảm họa, với các rủi ro, tai nạn thường xảy ra trong đời sống như đuối nước, hỏa hoạn…

Bạn đọc

Bạn Congphongytcc@gmail.com:

Khu vực xung quanh cổng trường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho HS, nhất là với những HS THCS đã tự đi lại bằng phương tiện cá nhân được phép? Nhà trường có những biện pháp nào để bảo đảm an toàn cho các em?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

- Để đảm bảo ATGT cho HS tại khu vực cổng trường, nhà trường cần phối hợp CSGT, trật tự tại địa phương, phân luồng giao thông trong các giờ cao điểm.

- Nhà trường chủ động sắp xếp lịch học, tránh HS tan học cùng một thời điểm để giảm mật độ giao thông.

- Bộ phận bảo vệ, giám thị của trường quan sát đảm bảo an ninh khu vực cổng trường qua hệ thống camera và trực tiếp để phát hiện kịp thời nguy cơ mất an toàn của HS.

- Cấm tất cả các loại phương tiện ô tô, xe máy của CBGV, khách đến trường liên hệ công tác đi vào cổng trường trong giờ học.

Bạn đọc

Bạn Trần Ngọc Minh, Hà Nội:

Để thật sự có một môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho các em học sinh, rất cần có sự vào cuộc chỉ đạo của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là chính quyền địa phương. Bộ GD&ĐT có chỉ đạo thế nào để sự phối hợp có hiệu quả?
Ông Bùi Văn Linh

Ông Bùi Văn Linh

Giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để học sinh an toàn đến trường?” ảnh 35

 

Ngành Giáo dục, chính quyền địa phương luôn xem việc đảm bảo an toàn trường học là ưu tiên hàng đầu.

Để đáp ứng yêu cầu an toàn cho học sinh ngày càng được phụ huynh học sinh và xã hội quan tâm đòi hỏi cao hơn; trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đề nghị thực hiện các giải pháp quan trọng sau đây:

1) Về công tác pháp chế, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác đảm bảo an toàn trường học, đây là nhiệm vụ thường xuyên. Nhân đây, cũng xin trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải (cũng là Trưởng Ban soạn thảo hai Luật này) khi các nội dung quy định về xe buýt học đường, xe đưa đón học sinh đều đã được hai Bộ đưa vào dự thảo luật để trình Chính phủ xem xét, nay chuẩn bị trình Quốc hội. Bộ GD&ĐT cũng sẽ ban hành Thông tư về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong các trường học. Đây là lần đầu tiên đưa ra quy định về vấn đề này ở dạng văn bản quy phạm pháp luật.

2) Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức về an toàn trường học, từ chính quyền các cấp đến đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Chú trọng tuyên truyền những mô hình tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn trường học cho học sinh, giáo viên nhằm lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội.

3) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên thực hiện công tác này. Đặc biệt, trong thời gian tới, các nội dung về an toàn trường học, vấn đề bạo lực học đường, an toàn giao thông, PCCC… sẽ được tích hợp, lồng ghép vào các môn học chính khóa; tổ chức thông qua các hoạt động trải nghiệm trong chương trình GDPT mới.

4) Các quy định tại Luật Giáo dục 2019, của Chính phủ, Đề án của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng đã gửi UBND các tỉnh cũng đều có mục phân công trách nhiệm cụ thể cho địa phương và các Bộ, ngành liên quan.

Như vậy, với trách nhiệm quản lí theo phân cấp của Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp sẽ có thẩm quyền, nhiệm vụ chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan triển khai đầy đủ các quy định của Luật, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

5) Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra các vụ việc liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn trường học và xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm cũng cần được thực hiện nghiêm túc, thấu đáo, không bao che nhằm đảm bảo tính răn đe.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện ở Trung ương (Bộ GD&ĐT), tại địa phương (UBND cấp tỉnh, cấp huyện, xã).

6) Công tác khen thưởng đối với các cá nhân, nhà trường làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn trường học cũng cần được tăng cường nhằm để tạo niềm tin, động lực cho phụ huynh và xã hội.

Làm tốt vấn đề an toàn trường học thì sẽ góp phần tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, giáo dục toàn diện cho học sinh thành công hơn, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc …! 

Bạn đọc

Bạn Bùi Việt Anh, Nghệ An:

Nhà trường phối hợp với PHHS và các lực lượng bên ngoài thế nào trong việc đảm bảo an toàn, an ninh học đường?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

- Nhà trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh và CA trên địa bàn trong công tác tuyên truyền về an ninh trật tự, ATGT; Thiết lập đường dây nóng với CA địa phương để phối hợp trong việc giải quyết những vấn đề gây mất an toàn cho HS khi nguyên nhân đến từ các đối tượng bên ngoài trường.

- Với CMHS, nhà trường quán triệt những qui định về an toàn đối với HS và duy trì sự trao đổi thường xuyên qua GV chủ nhiệm lớp; Thông tin kịp thời về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, những vấn đề an ninh phát sinh trong nhà trường.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hải Sơn, xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội:

Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề vi phạm ATGT của lứa tuổi học sinh khi thực tế đã xảy ra nhiều vụ TNGT mà phần lỗi thuộc về học sinh?
Ông Đào Trung Hiếu

Ông Đào Trung Hiếu

Giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để học sinh an toàn đến trường?” ảnh 40

 

TNGT xảy ra đối với học sinh đang gia tăng, gây ra những đau thương mất mát to lớn. Trong các vụ TNGT liên quan đến trẻ em, thì lỗi thường đến từ 2 phía. Bản thân trẻ em, nhất là học sinh cấp học phổ thông thường có lỗi như không chấp hành luật ANTG, vượt đèn đỏ, sang đường không quan sát, phóng nhanh vượt ẩu, đi dàn hàng ngang ra đường, vừa đi vừa đùa nghịch, trò chuyện, không để ý xung quanh, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện…

Để phòng ngừa TNGT đối với trẻ em, học sinh, cần tăng cường truyền thông thay đổi hành vi: tổ chức phổ biến luật Giao thông đường bộ cho học sinh; tổ chức các diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu luật ATGT để thu hút học sinh tham gia, với các hình thức sinh động, hấp dẫn, lấy việc thực hiện tốt luật GTĐB là một tiêu chí đánh giá, xếp loại học sinh, có hình thức khen thưởng hoặc kỷ luật với những cá nhân có thành tích, hoặc vi phạm.

Bạn đọc

Bạn Kiều Hương, quận Hoàng Mai, Hà Nội:

Theo thầy, việc HS vi phạm các qui định pháp luật, nội qui của nhà trường có nên xử lý nghiêm để mang tính răn đe và tránh tái diễn các lỗi vi phạm?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Đối với lứa tuổi HS, trước hết, nhà trường và gia đình phải giáo dục để thay đổi nhận thức và gốc rễ của hành động.

Xử lý nghiêm chỉ là một trong những biện pháp giáo dục và không thể là biện pháp đầu tiên hay hiệu quả nhất. Khi HS mắc lỗi, cần xử lý kỷ luật, cần coi trọng tính giáo dục, sự thay đổi trong nhận thức của HS sau đó và có tính giáo dục với các HS khác.

 Tránh việc chỉ coi đó là một hình phạt đối với HS mắc khuyết điểm.

Điều này cần có sự đồng nhất trong quan điểm xử lý của nhà trường và CMHS.

Bạn đọc

Bạn Trần Đức Tài, phường An Dương, Ba Đình, HN:

Vấn đề bạo lực học đường luôn khiến nhiều phụ huynh lo lắng, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ học sinh rủ bạn bè “đánh hội đồng” bạn cùng lớp, cùng trường. Theo ông, gia đình và nhà trường cần phải làm gì để xóa bỏ vấn nạn này?
Ông Đào Trung Hiếu

Ông Đào Trung Hiếu

Bạo lực học đường luôn là chủ đề nóng trong hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng. Bạo lực học đường trên thực tế là những xung đột bạo lực hoặc phi bạo lực giữa các chủ thể: Học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh, giáo viên với giáo viên. Tuy nhiên trong phạm vi câu trả lời này, tôi tư vấn một số giải pháp phòng chống bạo lực giữa học sinh với nhau.

Nhìn chung, để phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các giải pháp phòng ngừa chủ động từ phía học sinh là vô cùng quan trọng.

  • Thông qua các buổi tọa đàm, thuyết trình, mời chuyên gia về truyền đạt, cung cấp tri thức cho học sinh nhận biết về tình hình bạo lực học đường, nguyên nhân, các nguy cơ trở thành nạn nhân, tâm lý của kẻ bắt nạt và người bị bắt nạt, kỹ năng ứng phó trong các tình huống cụ thể, như: Biết trước sẽ bị bắt nạt cần phải làm gì? Khi đã bị vây hãm, tấn công cần ứng xử thế nào? Cần giải quyết sự việc thế nào để chấm dứt xung đột, bạo lực;
  • Cho trẻ học võ thuật để nâng cao bản lĩnh, rèn luyện sức khỏe, bình tĩnh trong ứng phó với các tình huống bạo lực;
  • Nhà trường cần nâng cao kỹ năng cho giáo viên về cách nắm tình hình trong nội bộ học sinh, kịp thời phát hiện ra những mâu thuẫn, xung đột để có đối sách giải quyết, chủ động tháo ngòi nổ xung đột trước khi sự việc xảy ra; biết cách xử lý tình huống bạo lực xảy ra để giảm thiểu hậu quả, tác hại, tránh việc mâu thuẫn, thù hằn kéo dài; biết cách xử lý khủng hoảng truyền thông và các vấn đề khác phát sinh từ vụ bạo lực.
  • Nhà trường triển khai các biện pháp xây dựng trường học an toàn, kiện toàn lực lượng bảo vệ, kết nối đường dây nóng với lực lượng Công an cơ sở, thường xuyên mời lực lượng Công an, các chuyên gia về lĩnh vực phòng ngừa tội phạm về nói chuyện chuyên đề, chia sẻ với học sinh các kỹ năng cần thiết, hướng dẫn lực lượng bảo vệ, giáo viên xử lý các tình huống đột xuất xảy ra.
Bạn đọc

Bạn Trieuvan2000@gmail.com:

Nhiều trường hợp HS tham gia hoạt động ngoại khóa đã không may gặp tai nạn. Các nhà trường cần làm gì để đảm bảo an toàn cho HS khi tham gia các hoạt động trải nghiệm cũng như các hoạt động tập thể mang tính vui chơi, giải trí?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà - Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Ông Đặng Việt Hà - Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Quận Tây Hồ, Hà Nội

 

- Nhà trường cần lựa chọn địa điểm, chương trình tổ chức phù hợp lứa tuổi, có tính giáo dục và an toàn đối với HS. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên trong ban tổ chức.

- Trước khi đi, trường cần hướng dẫn chi tiết với HS về chương trình và qui định về an toàn của chuyến đi .

- Ban tổ chức cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các biện pháp an toàn cũng như trang thiết bị xử lý sự cố nhằm hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố và xử lý tình huống một cách chuyên nghiệp để hạn chế tối đa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bạn đọc

Bạn Lê Nguyệt, Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội:

Nhiều HS khi có vướng mắc không mở lòng với cha mẹ nhưng lại tâm sự với các nhà tâm lý hay với thầy cô giáo nếu chiếm được niềm tin yêu của các em. Mô hình hoạt động của Phòng tư vấn tâm lý trường học nên được xây dựng và tổ chức hoạt động thế nào cho hiệu quả?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ
Ông Đặng Việt Hà trả lời câu hỏi của độc giả Báo GD&TĐ

 

Phòng tư vấn tâm lý của nhà trường cần có không gian riêng, kín đáo, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi cho HS;

Trường cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng thế mạnh internet và xây dựng các tài liệu phù hợp với cấp học trong việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý.

Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tư vấn: cá nhân, trực tiếp, gián tiếp...

Nhà trường cần thành lập Ban tư vấn tâm lý học đường gồm các thầy cô giáo có kinh nghiệm và tâm huyết trong việc giáo dục HS.

Tổ chức các buổi tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng về tâm sinh lý lứa tuổi HS ở từng cấp học.

Tuyên truyền để HS biết về hoạt động tư vấn tâm lý của nhà trường để chủ động tìm đến chia sẻ khi gặp các vấn đề khúc mắc trong học tập và cuộc sống.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Đức Trí, Hà Nội:

Chúng ta đã có quyết định 4458-QĐ/BGDĐT quy định xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích; cũng đã có những tiêu chuẩn về trường học an toàn. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đáng tiếc trong thời gian vừa qua liên quan đến an toàn của học sinh tại trường học?
Ông Bùi Văn Linh

Ông Bùi Văn Linh

Đảm bảo an toàn trường học luôn là mục tiêu đầu tiên trong quá trình chỉ đạo hoạt động giáo dục trong các nhà trường. Chúng tôi cho rằng, có một số nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc thực hiện an toàn trường học có lúc, có nơi chưa đảm bảo.

Thứ nhất, việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo, các quy định của Chính phủ, Bộ GD&DT, UBND các tỉnh tại các cơ sở giáo dục về an toàn trường học, như: đối với cơ sở vật chất, nhân viên bảo vệ, công tác tổ chức tập huấn… chưa tốt, chưa đảm bảo các yêu cầu đề ra. Mặc dù chúng ta đã hoàn thiện hành lang pháp lý khá đầy đủ nhằm giảm thiểu rủi ro, tạo sự phòng ngừa tốt nhất; nhưng do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, nên thỉnh thoảng lại xảy ra vụ việc đau lòng như vậy.

Thứ hai, việc tổ chức kiểm tra, rà soát; kế hoạch tu bổ, sửa chữa, thay thế các hạng mục, các vấn đề tiềm ẩn, các rủi ro có thể xảy ra trực tiếp tại các nhà trường; mà trách nhiệm chủ yếu là của hiệu trưởng/người đứng đầu có thể thực hiện chưa tốt và chưa thường xuyên. Nếu các trường học triển khai công tác kiểm tra, rà soát được thực hiện tốt, thường xuyên thì chắc chắn sẽ phát hiện được các nguy cơ tiềm ẩn; từ đó Ban An toàn trường học sẽ có các biện pháp để khắc phục, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Thứ ba, chúng ta có khó khăn trong việc đầu tư kinh phí để tổ chức kiên cố trường học, tu bổ thường xuyên các công trình… nay còn rất hạn chế. Ví dụ như việc thay thế các hạng mục cũ, hỏng, thiết bị đồ dùng, hệ thống tường bao bảo vệ trường, hệ thống bảo vệ - camera an ninh… vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế; các qui định, thông tin chỉ đạo mới của ngành Giáo dục cũng chưa được các trường học cập nhật kịp thời và quán triệt với các chủ thể liên quan.

Thứ tư, công tác giáo dục, trang bị kĩ năng sống, kĩ năng thoát hiểm, kĩ năng phát hiện các rủi ro xung quanh cuộc sống cho học sinh vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phong phú, phức tạp của các tình huống diễn ra trong môi trường học đường và các không gian ngoài xã hội có liên quan đến học sinh.

Thứ năm, sự quan tâm của cha mẹ học sinh đối với diễn biến tâm lí, khó khăn, vướng mắc và quản lí các hoạt động của con em mình chưa được kịp thời...

 

 

Bạn đọc

Bạn Khánh Linh, Trung tâm GDNN-GDTX Thanh Xuân:

Sự phát triển của mạng Internet khiến nhiều HS bị choáng ngợp và tiếp cận nhanh chóng với các thông tin xấu, có thể gây hại cho các em. An toàn trên môi trường mạng cần được thầy cô và cha mẹ nhìn nhận thế nào để tránh cho con em sa vào những cạm bẫy khó kiểm soát?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

-  Ngoài những ưu điểm nổi trội về môi trường tiếp cận công nghệ và tri thức mới, môi trường mạng ẩn chứa khá nhiều rủi ro: Kẻ xấu nhắm đến trẻ cho mục đích tình dục thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, chơi game và nhắn tin; nội dung độc hại - bạo lực, thành kiến, bài ngoại, kích động tự tử và tự làm hại, thông tin sai lệch, v.v. Trẻ em nhất là lứa tuổi "teen" có thể chia sẻ các thông tin cá nhân và các hình ảnh hoặc video mang tính nhạy cảm của bản thân trên mạng; bị bắt nạt trên mạng bởi bạn bè quen và người lạ.

- Thầy cô và gia đình phải hiểu rõ cả mặt phải và mặt trái của môi trường mạng này, từ đó trang bị cho HS những kĩ năng và thái độ cần thiết khi tham gia vào môi trường mạng:

+ Tạo lập thói quen trực tuyến lành mạnh và an toàn: Hướng dẫn HS cách giữ kín thông tin cá nhân, đặc biệt với người lạ - một trong số họ có thể mang vỏ bọc khác.

+ Dành thời gian với HS trên mạng cùng khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng, giao tiếp cởi mở với HS về các trải nghiệm trên mạng, chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn nếu HS có biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật hoặc bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến, tạo mối quan hệ tin cậy và giao tiếp cởi mở thông qua hỗ trợ và động viên tích cực.

+ Hướng việc tham gia môi trường mạng vào những hoạt động tích cực: tra cứu thông tin, tài liệu cho bài học, học trực tuyến; tham gia các diễn đàn văn minh, phù hợp lứa tuổi và sở thích,…

Bạn đọc

Bạn Vannam1988@gmail.com:

Đâu đó vẫn xảy ra những vụ bạo lực học đường giữa GV với HS, giữa HS với HS. Phải chăng mối quan hệ thầy trò, quan hệ bạn bè trong xã hội hiện đại đang tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, cần được hóa giải thế nào?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

- Không phải xã hội hiện đại mới tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho HS. Bạo lực học đường đã diễn ra từ rất lâu và dưới đủ mọi hình thức. Hiện tại, bạo lực học đường đâu đó vẫn xuất hiện và xuất hiện dưới những hình thức không không thể chấp nhận được trong xã hội hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đây chỉ là số rất ít trong vô số những điều tốt đẹp vẫn được duy trì trong nhà trường qua các mối quan hệ thầy trò, bạn bè. Đó cũng là hệ lụy của mạng xã hội tuyên truyền, cổ súy cho những việc làm xấu của một số ít HS, GV có nhận thức không tốt.

- Để cải thiện tình trạng này cần tăng cường giáo dục nhận thức về pháp luật, tăng cường giáo dục tính nhân văn, văn minh trong cách ứng xử và giải quyết mối quan hệ xã hội, văn minh khi tham gia các trang mạng xã hội; Giáo dục kỹ năng sống để HS biết tự bảo vệ mình và tôn trọng bạn bè thầy cô; Cần có sự phối hợp chặt chẽ từ  gia đình, nhà trường, xã hội để HS nhận được sự hỗ trợ kịp thời khi xảy ra bất kỳ vướng mắc hoặc xung đột nào trong các mối quan hệ xung quanh, qua đó sẽ hạn chế việc phát sinh bạo lực. Đặc biệt nếu phát sinh tình huống thì cần chung tay giải quyết theo hướng giáo dục nghiêm khắc, đấu tranh với bạo lực song cũng cần lưu ý tạo cho những người vi phạm hướng sửa chữa sai lầm và người bị bạo hành không bị sức ép tâm lý do dư luận và mạng xã hội.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thị Bích Liên, quận Ba Đình, Hà Nội:

Trẻ cần trang bị kiến thức gì để phòng chống lạm dụng tình dục/xâm hại tình dục?
Ông Đào Trung Hiếu

Ông Đào Trung Hiếu

Ông Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an
Ông Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an

 

Vấn nạn XHTD TE đang diễn biến phức tạp trong cả nước, để phòng ngừa, ngăn chặn sự gia tăng của tình hình tội phạm này, một trong số các giải pháp vô cùng quan trọng, đó là phải trang bị cho trẻ em những tri thức cần thiết, để trẻ biết phương pháp chủ động phòng ngừa tội phạm xảy ra đối với mình. Đồng thời biết cách ứng xử khôn khéo trong các tình huống nguy hiểm, khi phải đối diện với tội phạm. Cụ thể:

  • Giáo dục giới tính cho trẻ em theo từng độ tuổi với các hình thức phù hợp, và điều này cần làm sớm. Có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ 2 tuổi, chẳng hạn trong lúc tắm cho con, cha mẹ có thể giải thích về giới tính; những người nào được phép gần gũi, những người không được tiếp xúc gần, đụng chạm tới các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ.
  • Với độ tuổi cấp 1, trong điều kiện hiện nay trẻ thường phát triển thể chất sớm, dễ trở thành mục tiêu của tội phạm, nên cần phải giải thích, truyền đạt thông tin về nguy cơ tội phạm và kỹ năng nhận biết, chủ động phòng tránh. Nội dung tri thức bao gồm:

+ Giải thích về quyền trẻ em, trong đó có quyền bất khả xâm phạm về tình dục;

+ Những hành vi không được phép thực hiện với trẻ, những hành vi nào là phạm tội và bị pháp luật xử lý;

+ Những nguy cơ xâm hại đến từ những người xung quanh (giúp trẻ nhận biết và đề phòng);

+ Kỹ năng chủ động phòng tránh nguy cơ xâm hại;

+ Kỹ năng xử lý tình huống khi bị xâm hại để giảm thiểu hậu quả, tác hại

+ Kỹ năng xử lý tình huống sau khi sự việc xảy ra (biết giữ lại dấu vết của tội phạm, báo cáo bố mẹ, gia đình, công an, thầy cô giáo…), phục vụ việc xử lý tội phạm.

Bạn đọc

Bạn Phuongdungld@gmail.com:

Đảm bảo an toàn cho học sinh từ yếu tố cơ sở vật chất trường, lớp học cần sự chung tay của công tác xã hội hóa giáo dục. Nhà trường giải quyết bài toán này thế nào cho hài hòa?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

- Theo qui định, CSVC trong trường học được trang cấp từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc xã hội hóa giáo dục là cần thiết song cần quan tâm đến qui định về xã hội hóa của Bộ GD&ĐT.

- Lưu ý lựa chọn hạng mục cần thiết phục vụ thiết thực cho HS, đặc biệt là để đảm bảo an toàn cho HS.

 - Đa dạng hóa nguồn xã hội hóa (công sức, kinh phí) và cân đối với nguồn lực xã hội tại địa phương.

- Công khai minh bạch nguồn xã hội hóa đồng thời quản lý sử dụng nguồn xã hội hóa hiệu quả.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Hồng Hạnh, Hà Nội:

Từ những sự cố gây tai nạn thương tích cho học sinh ở một số địa phương thời gian qua, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo thế nào để ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an toàn ngay từ đầu năm học mới 2020-2021 này.
Ông Bùi Văn Linh

Ông Bùi Văn Linh

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Với các vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ luôn kịp thời chỉ đạo các Vụ, Cục phối hợp với chính quyền địa phương xử lý khắc phục sự cố; phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân của các vụ việc và từ đó xem xét trách nhiệm cụ thể; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình học sinh, hỗ trợ khám chữa bệnh cho các em học sinh bị thương...

Bộ cũng ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình trường học; kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình quá niên hạn, không đảm bảo an toàn. Về mặt chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm qua là luôn lấy việc đảm bảo an toàn trường học là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm gần đây, đã có khoảng 20 văn bản quy phạm pháp luật (như Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, chỉ thị, công văn… được Bộ GD&ĐT ban hành gửi UBND các tỉnh nhằm đôn đốc, nhắc nhở quyết liệt triển khai công tác đảm bảo an toàn trường học.

Đặc biệt, năm 2019 khi tham mưu cho Chính phủ xây dựng Luật Giáo dục 2019, trình Quốc hội phê chuẩn; Bộ cũng đã đưa được nội dung hết sức quan trọng vào bộ luật này là “Xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện”... Năm 2017, Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP qui định về trường học an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng, chống bạo lực học đường; ngoài ra còn ban hành nhiều thông tư quy định về tiêu chí trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm... và gần đây nhất là Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất trong trường học…

Chúng ta đều biết rằng, văn hóa học đường liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh. Tiếp cận cả 2 góc độ phần cứng với thiết chế cơ sở vật chất và phần mềm với hệ thống qui định về chức năng, nhiệm vụ; quy chế ứng xử văn  hóa… và nếu các trường học thực hiện đầy đủ, nghiêm túc… chúng ta sẽ làm tốt công tác đảm bảo an toàn trường học.

Như vậy, việc các cơ sở giáo dục cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định, các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là điều kiện quan trọng để ngành GD-ĐT làm tốt hơn công tác đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

Bạn đọc

Bạn Đào Thị Anh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội:

Những giờ học chuyên đề, sân khấu hóa nên được các nhà trường thực hiện thế nào để thu hút HS tham gia vào các hoạt động lành mạnh, có kĩ năng cần thiết, tư duy tích cực để sống và học tập an toàn?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

- Nhà trường cần đổi mới các hình thức dạy học, hạn chế tối đa các bài giảng mang tính “giáo điều”giúp HS tiếp thu bài một cách tích cực, chủ động. Đồng thời qua đó HS hình thành một số kỹ năng cần thiết.

- Việc sân khấu hóa cần có sự lựa chọn bài, tần suất vừa đủ để đảm bảo nội chung chương trình và thầy trò không sa đà mất nhiều thời gian vào hình thức này.

- Ngôn ngữ và biểu cảm sử dụng phải được cân nhắc để phù hợp với tâm lý và các xu hướng văn minh của HS để HS cảm thấy được nói bằng đúng ngôn ngữ và các hoạt động đúng lứa tuổi của mình.

Bạn đọc

Bạn Xuananhthpt@gmail.com:

Để mô hình “Cổng trường học an toàn” phát huy hiệu quả chứ không chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu, nhà trường triển khai thực tế thế nào, có gặp khó khăn gì trong công tác phối hợp với các lực lượng bên ngoài không?
Ông Đặng Việt Hà

Ông Đặng Việt Hà

Nhà trường triển khai phối hợp lực lượng CSGT, CA phường trong giờ HS đến trường và tan học để đảm bảo an toàn cho HS.

- Qua khu dân phố để tuyên truyền thực hiện nghiêm lưu thông lòng đường và hè phố khu vực xung quanh cổng trường. 

- Về phía nhà trường cũng đặt hệ thống camera an ninh tại cổng trường để dễ quan sát và xử lý tình huống ngay khi phát sinh. Cùng với đó là đội ngũ giám thị, bảo vệ, tổng phụ trách thường trực nhắc nhở, tuyên truyền học sinh, CMHS và người dân tham gia giao thông khu cổng trường đảm bảo an toàn. Những HS cha mẹ chưa đón được nhắc nhở chơi trong sân trường. Bố trí thời gian tan học lệch giờ để tránh ùn tắc.

Tuy nhiên vì đặc điểm đặc thù về vị trí địa lí: vỉa hè và lòng đường hẹp, sĩ số HS đông và nhiều, CMHS sử dụng phương tiện giao thông cá nhân dừng đỗ đưa đón con, giờ đi học ca sáng và tan học ca chiều thường trùng với các trường trong cùng tuyến đường cũng như giờ làm việc của các cơ quan nên dễ xảy ra ùn tắc giao thông.

- Công an phường luôn coi việc đảm bảo an toàn cổng các trường trên địa bàn là nhiệm vụ của mình, là sự quan tâm đến giáo dục địa phương nên nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm từ phía các đồng chí CA phường và lực lượng ANTT phường trong đảm bảo ATGT và AN trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ