Chương trình Điều ước cho em đang được triển khai hiệu quả, thiết thực

GD&TĐ - Sáng 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp với Trung ương Đoàn về việc triển khai Chương trình Điều ước cho em. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại cuộc họp.

Theo Chương trình phối hợp triển khai thực hiện chương trình "Điều ước cho em" giữa Bộ GD&ĐT với Trung ương Đoàn, hai đơn vị vận động kết nối nguồn lực, hỗ trợ các cơ sở giáo dục cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường học tập, sinh hoạt cho học sinh ở vùng có điều kiện khó khăn, các tỉnh bị thiệt hại do lũ lụt gây ra, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các nội dung hỗ trợ trọng tâm bao gồm: Hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất, hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh, lắp đặt hệ thống điện, nước sạch, cải thiện dinh dưỡng học đường, hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh, hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh.

Theo báo cáo của đơn vị thường trực Chương trình, đến nay, đang có 45.000 học sinh mầm non, tiểu học, THCS của 13 tỉnh, thành phố được hỗ trợ ăn trưa với tổng trị giá 65 tỷ 250 triệu đồng. Chương trình đã kêu gọi các mạnh thường quân, cá nhân nhận "nuôi em" theo hình thức nhận hỗ trợ ít nhất 1 em học sinh, với mức hỗ trợ 1.450.000 đồng /em để chi phí ăn trưa trong suốt năm học 2021-2022.

Chương trình phối hợp với Phòng GD&ĐT và các nhà trường để triển khai bếp ăn cho học sinh. Ngoài ra, các em học sinh được tặng áo ấm, hỗ trợ bình lọc nước hàng năm, được kiểm tra cân nặng, chiều cao hàng tháng để đánh giá sự phát triển thể chất. Việc triển khai chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà, có nguy cơ bị bỏ học, giúp các em cải thiện dinh dưỡng học đường, nâng cao chất lượng học tập ở các địa bàn, vùng sâu vùng xa.

Cùng với đó, Chương trình “1.000 Nhà vệ sinh trường học” trị giá 60 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030 do Quỹ Vì tầm vóc Việt đại diện Tập đoàn TH, Ngân hàng Bắc Á tài trợ và đồng hành đã xây dựng và bàn giao 3 công trình nhà vệ sinh đưa vào sử dụng cho học sinh tại tỉnh Yên Bái và Quảng Trị.

Chương trình cũng đã hoàn thành việc đánh giá, khảo sát nhu cầu tình trạng nhà vệ sinh theo đề xuất từ các nhà trường trên hệ thống Inhandao và đã tiến hành đánh giá, thẩm định lại các nhu cầu tại một số tỉnh, thành phố sẽ triển khai trong năm 2022, đồng thời đã xây dựng Hướng dẫn Tiêu chí lựa chọn các điểm trường hỗ trợ xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế Nhà vệ sinh dựa trên các văn bản quy định có liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình đã triển khai xây dựng 82 công trình tại 16 tỉnh, 30 huyện và 66 xã ở vùng có kinh tế rất khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (tập trung chủ yếu vào các tỉnh khu vực Tây Bắc và Đông Bắc), với quy mô 118 lớp học, 6 phòng công vụ và 26 nhà vệ sinh, đã phục vụ cho 2.406 em học sinh với tổng kinh phí 21 tỷ 231 triệu đồng.

Đánh giá về kết quả sau 1 năm triển khai Chương trình Điều ước cho em, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận, đánh giá cao sự ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện hướng tới hỗ trợ học sinh tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Các kết quả bước đầu về cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như nền tảng Inhandao.vn chưa phản ánh đầy đủ và chính xác nhu cầu thực sự tại các địa phương, các thông tin đưa lên chưa có thẩm định, việc lan toả, kết nối. Đồng thời, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến các tỉnh, thành bị giãn cách xã hội, nhiều trường học đóng cửa dẫn đến một số công trình bị kéo dài thời gian xây dựng hoặc xây dựng bị ngắt quãng.

Bên cạnh đó, các bên chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục dẫn đến việc triển khai các nội dung trong Chương trình “Điều ước cho em” còn chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các đơn vị rà soát công việc, phối hợp tốt hơn, chuẩn bị cho lễ sơ kết 1 năm triển khai chương trình dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6 tới tại Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ