Bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10: Cần thiết và sẽ có lộ trình

GD&TĐ - Bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10 là cần thiết để trả lại đúng ý nghĩa của việc học nghề trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên sẽ có lộ trình phù hợp để áp dụng chủ trương này.

Bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10: Cần thiết và sẽ có lộ trình

Việc học, thi nghề đang được thực hiện không đúng mục đích định hướng nghề nghiệp cho học sinh, bị hình thức trong học tập, thi cử. Đó là nhận định của hầu hết các thầy cô giáo và cán bộ quản lí giáo dục trong cả nước. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc thời điểm áp dụng quy định này kể từ năm học tới.

Mục tiêu học nghề không phải để cộng điểm

Vừa qua, hơn 100.000 học sinh ở Hà Nội đã trải qua kì thi nghề phổ thông dành cho học sinh THCS năm 2018. Đây là kì thi nghề có quy mô lớn nhất của Hà Nội từ trước đến nay.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo GD&TĐ tại các điểm thi, các em học sinh đều cho rằng đây là một kì thi nhẹ nhàng, không căng thẳng. Hầu hết các em đều mong muốn sẽ nhận được điểm khuyến khích trong kì thi tuyển sinh lớp 10 bởi đã dành nhiều tháng để học các môn học này.

Lý giải về điều này, cô Nguyễn Minh Thúy - Hiệu trưởng Phổ thông Nguyễn Siêu cho rằng: Tâm lí của các em học sinh là dễ hiểu vì ai cũng muốn trải qua kì thi để đạt kết quả tốt nhất và ai cũng cố gắng lấy 1,5 điểm khuyến khích.

Tuy nhiên, các em học sinh không thấy một điều rằng trong kì thi này, không chỉ riêng các em mà các em học sinh khác cũng được cộng điểm. Như vậy thì cộng hay không cộng cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả tuyển sinh.

Cô Thúy cũng đề cập đến bất cập trong việc dạy nghề tại trường Nguyễn Siêu, đó là hấu hết các em đều chọn học và thi môn Tin học. "Nếu các em học sinh chọn các môn khác theo sở thích của mình thì chúng tôi cũng không thể nào đáp ứng, đưa các em đến trung tâm dạy nghề được".

Nhiều em cảm thấy phí thời gian học nghề vì không được cộng điểm là điều không nên, vì những gì học được là cái mà các em có. Đã dành thời gian cho nó, đã trải qua cuộc thi là ít nhiều các em đã có kĩ năng, có hiểu biết về nghề nào đó và rất có thể các em sẽ sử dụng nghề này vào trong tương lai - cô Thúy gửi thông điệp đến các em học sinh.

Đề xuất cải tiến việc học nghề trong thời gian thới, cô Thúy nêu quan điểm: Cần phải xác định mục tiêu của học nghề để làm gì. Mục tiêu học nghề của các em hiện nay là để cộng điểm. Nhưng nếu chúng ta định hướng lại mục tiêu học nghề để làm gì thì chúng ta giải quyết được việc tạo cho các em hứng thú trong việc học nghề, và chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng lại chương trình học nghề này.

Thêm vào đó là việc giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề sớm. Nếu cải tiến được chương trình, thực sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như đầu tư cơ sở vật chất theo chương trình đã xây dựng để thấy rằng nó là một kĩ năng của cuộc sống và sẽ cần nó trong tương lai thì chắc chắn các em học sinh sẽ hứng thú và đăng kí học. Vì học nghề là học để biết chứ không phải học để thi.

Sẽ có lộ trình phù hợp

Khẳng định chủ trương bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10 là đúng đắn, ông Nguyễn Xuân Thành- Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT)- cho biết: Việc không cộng điểm vào kết quả thi tuyển đầu cấp với các cuộc thi do địa phương tổ chức từng được Bộ GD&ĐT quy định trong công văn số 1915 ban hành tháng 5/2017 về tinh giản các cuộc thi của giáo viên và học sinh.

Trước đó, từ tháng 12/2016, Bộ đã tiến hành rà soát các cuộc thi để xem mục đích ý nghĩa, thực tế thế nào để dẫn đến quyết định này. Đây là quyết định có ảnh hưởng rất nhiều đến các em học sinh nên Bộ làm rất thận trọng. Trong quá trình làm, Bộ GD&ĐT đã khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, nhiều trường học.

Chủ trương sửa đổi, bổ sung một số quy định trong quy chế tuyển sinh vào THPT, trong đó có việc bỏ quy định cộng điểm khuyến khích trong Quy chế tuyển sinh đã được dự thảo và đưa lên mạng xin ý kiến rộng rãi từ trung tuần tháng 12/2017. Trong quá trình dự thảo, cùng với việc chỉ đạo tinh giảm các cuộc thi dành cho học sinh, các địa phương cũng đã sớm biết chủ trương của Bộ nên đã có sự chuẩn bị.

Theo quy định, dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT đến hết ngày 18/2/2018. Hết thời hạn đó, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo Thông tư trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý để ban hành chính thức.

Ông Thành cho biết thêm: Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Bộ GD&ĐT đã được Chính phủ giao đã xây dựng đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông.

Đề án sau khi được Chính phủ phê duyệt sẽ có các giải pháp căn cơ trong việc dạy nghề cho học sinh, bao gồm cả chương trình, đào tạo giáo viên, trang bị thiết bị cơ sở vật chất để đáp ứng được nhu cầu của người học.

Đảm bảo cho các em học sinh không vì một động cơ nào khác mà vì mình, vì sở thích, hứng thú của mình, vì mong muốn của mình để học, để hiểu mình, hiểu nghề, hiểu những nghề cơ bản trong xã hội để cuối cùng chọn một hướng đi tiếp.

Ông Thành cũng nhận định là dự thảo Thông tư được công bố có phần hơi muộn so với tiến độ của năm học bởi vì lúc đó có nhiều địa phương đã thi nghề và tại thời điểm này cũng có các địa phương đang thi nghề. Để tránh gây tâm lí lo lắng cho học sinh, Bộ sẽ cân nhắc thời điểm để áp dụng thông tư này để không gây xáo trộn lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.