Hợp lý nhưng nên cân nhắc thời điểm áp dụng

GD&TĐ - Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Theo đó, dự thảo có sửa đổi việc không sử dụng kết quả các cuộc thi do các địa phương, đơn vị tổ chức làm căn cứ tuyển sinh đầu cấp.

 Hợp lý nhưng nên cân nhắc thời điểm áp dụng

Vì thế, nếu dự thảo thông qua, trong thời gian tới HS có chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD&ĐT tổ chức ở cấp THCS sẽ không còn được cộng điểm khuyến khích khi tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Bỏ điểm cộng học nghề là hợp lý

Đề xuất này nhận được sự ủng hộ lớn của giáo viên, phụ huynh có con em đang theo học tại các trường THCS. Và theo họ cũng cần cân nhắc thời gian áp dụng cũng như có những điều chỉnh phù hợp và có thêm nhiều nghề hơn trong chương trình học để thu hút hơn nữa sự quan tâm của HS cũng như góp phần phân luồng tốt HS sau THCS.

Nhiều phụ huynh, giáo viên khi được hỏi đều ủng hộ dự thảo bỏ cộng điểm khuyến khích khi có chứng chỉ nghề trong kỳ thi tuyển vào lớp 10.

Chị Nguyễn Đức Hạnh, có con đang theo học tại Trường THCS Kiến Thiết (Q.3, TPHCM) chia sẻ: “Qua tham khảo dự thảo này tôi hoàn toàn ủng hộ việc bỏ điểm cộng học nghề. Tôi nghĩ rằng việc khuyến khích các con học nghề tức là giúp các con có thêm kỹ năng và góp phần phân luồng sau THCS chứ không phải học để được cộng điểm khi đi thi.

Theo tôi thấy, hiện nay HS nào cũng tham gia học nghề, vậy em nào cũng được cộng điểm ưu tiên, vậy nếu bỏ cộng điểm nghề thì tất cả các HS đều như nhau, vẫn giữ được kết quả học tập thật.

Đó là chưa kể nếu có chứng nhận một số cuộc thi cấp TP cũng được cộng điểm ưu tiên, thi cử mà HS cũng áp lực, phụ huynh cũng căng thẳng theo con. Nên tôi nghĩ, hạn chế được một số cuộc thi không cần thiết cũng là điều nên làm”.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Mai Hường có con đang theo học ở Trường THCS Thái Văn Lung (quận Thủ Đức) cho rằng, bỏ cộng điểm học nghề là hợp lý, bởi theo chị, nếu ai cũng đặt nặng vào việc học để đối phó, học để cộng điểm khuyến khích thì là biểu hiện của bệnh thành tích.

“Thay vì học nghề được 1,5 điểm ưu tiên vào kỳ thi lớp 10, nay các em vẫn học nghề để có thêm kỹ năng, kiến thức, thậm chí có nhiều em, qua học nghề bộc lộ được khả năng vượt trội, giúp các em theo đuổi nghề này trong tương lai cũng là điều rất đáng quý.

Đó là chưa kể, các em phải qua cuộc thi nghề, cũng có những áp lực căng thẳng nhất định. Vì vậy, tôi nghĩ bỏ cộng điểm khuyến khích với chứng chỉ nghề, nhưng bên cạnh đó nâng cao chất lượng dạy nghề, vẫn có thể thu hút các em theo học”.   

Với góc nhìn của một giáo viên, thầy giáo Hoàng Long Trọng, Trường THCS Văn Lang (quận 1) bày tỏ: Việc bỏ điểm cộng học nghề cũng là phù hợp với thực tiễn hiện nay, hướng đến việc giáo dục không đặt nặng điểm số mà là kỹ năng của HS.

Trên thực tế, có nhiều trường đã tổ chức dạy và thi đánh giá đúng khả năng của các em, điều này góp phần phân luồng sau THCS, nó khơi gợi cũng như góp phần phát hiện những em có sở trường, có khả năng trong một số ngành nghề theo đuổi đam mê trong tương lai thay vì học văn hóa ở bậc cao hơn mà các em không hứng thú hoặc khả năng hạn chế.

Cân nhắc về thời gian áp dụng

Ủng hộ việc bỏ cộng điểm nghề, nhưng các phụ huynh cũng như giáo viên và các em HS cũng có những gửi gắm đến Bộ GD&ĐT về việc cần xem xét về thời gian áp dụng và bổ sung thêm nhiều nghề để HS có sự lựa chọn cũng như phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay.

Em Thái Thụy Châu Minh, lớp 9A3, Trường THCS Văn Lang (quận 1) nói: “Con nghĩ việc không cộng điểm nghề cũng là hướng đi phù hợp nhưng cần xem xét về thời gian áp dụng, vì dù sao tất cả các bạn lớp 9 và các bạn hiện đang học lớp 8 cũng đã bỏ công sức đi học nghề rồi, nên không được cộng điểm cũng có chút hụt hẫng.

Ngoài ra, con cũng thấy các nghề để chọn hơi ít, chủ yếu các bạn chọn Tin học, Điện. Thực ra con thấy nó không thực sự bổ ích và mới mẻ. Nên có thêm nhiều nghề để cho chúng con chọn sẽ thú vị hơn nhiều”.

Nhiều phụ huynh cho rằng, việc học nghề từ THCS là cần thiết, nhưng phải để các em được chọn lựa thay vì ở một số trường hiện nay, do điều kiện của trường nên thường “chọn giùm” cho HS khiến các em học theo kiểu đối phó.

Liên quan đến việc áp dụng quy định này, thầy Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình) cho biết thầy đồng tình với dự thảo bỏ điểm cộng khuyến khích như thi nghề phổ thông, hay một số cuộc thi HS giỏi vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Vì lâu nay nhiều cuộc thi vô tình tạo sức ép lớn đối với HS. Thế nhưng theo thầy Đắc, việc thực hiện cần có lộ trình cũng như tính toán thời gian có hiệu lực để đảm bảo quyền lợi cho HS. Nên chăng áp dụng từ năm học 2018 - 2019.

Tương tự, phụ huynh Nguyễn Đức Hạnh cũng cho rằng, nếu dự định bỏ quy định cộng điểm thi nghề thì nên bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, để các trường chủ động, để các HS đỡ bị hụt hẫng còn năm học này do chưa quy định từ đầu nên cần giữ nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ