Quyết tâm tạo sự đổi thay
Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT nhớ lại: Ngày 1/10/1991, tỉnh Yên Bái được tái lập theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII. Ở thời điểm mới tái lập tỉnh, đời sống của nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn; hệ thống giáo dục, quy mô, mạng lưới trường, lớp còn nhiều bất cập.
Năm học 1991-1992, toàn tỉnh có 340 trường, trên 5.100 lớp, trên 125.000 học sinh, trên 8.100 giáo viên, trên 4.000 phòng học, trong đó hơn 60% là phòng học tạm; 62 xã trắng về GD mầm non.
Khó khăn chồng chất khó khăn, điều kiện địa lý, khí hậu, hạ tầng cơ sở cùng với rào cản về phong tục tập quán của người dân tộc khiến tỷ lệ huy động trẻ đến trường thấp (số trẻ ra lớp học đúng độ tuổi bậc tiểu học chỉ đạt 68%); Tỷ lệ học đi học chuyên cần rất thấp, số học sinh bỏ học cao (cấp tiểu học là 12%, cấp trung học là 22,6%; cấp trung học phổ thông là 14,2%). Toàn tỉnh lúc này chỉ có 4 trường phổ thông dân tộc nội trú (1 trường THPT, 3 trường THCS ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải).
Quán triệt quan điểm GD&ĐT là quốc sách hàng đầu; thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, GD&ĐT Yên Bái đã có bước phát triển vượt bậc.
Sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, sau mỗi năm học, GD&ĐT Yên Bái đều có sự tiến bộ, đổi mới, mạng lưới trường lớp, quy mô GD phát triển, chất lượng giáo dục được nâng lên, giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, giáo dục mũi nhọn được trú trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Diện mạo mới cho GD-ĐT
Nhà giáo Vương Văn Bằng vui vẻ cho biết: Gian khó đã dần lùi bước, đến nay mạng lưới trường, lớp học, quy mô từ GDMN, GDPT, GDTX, giáo dục nghề nghiệp đã phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong tỉnh. Đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Yên Bái đã thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với GDMN, GDPT giai đoạn 2016-2020, hệ thống trường lớp được sắp xếp phù hợp, tinh gọn và hiệu quả; tạo điều kiện để học sinh được học tập tại điểm trường chính, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Chất lượng GD toàn diện từng bước được nâng lên. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH liên tục tăng cao; nhiều học sinh đã đỗ thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào ĐH,CĐ. Công tác GD mũi nhọn được nâng cao về số lượng, chất lượng và phát triển bền vững. Năm 2015, Yên Bái có 1 học sinh đạt giải trong kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á; năm 2019, có 1 học sinh đoạt huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Hoá học Quốc tế. Năm học 1991-1992 có 4 giải học sinh giỏi THPT cấp quốc gia, năm học vừa qua tăng lên 26 giải.
Công tác giáo dục dân tộc có những chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng giáo dục dân tộc, vùng cao được nâng lên rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao chất lượng theo hướng bền vững. Công tác phân luồng học sinh luôn được triển khai có hiệu quả, hàng năm, trên 20% học sinh tốt nghiệp THCS, 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào học trung cấp, học nghề, cao đẳng, góp phần tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Những nhiệm vụ đặt ra
Nhà giáo Vương Văn Bằng cho rằng: Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra, đưa GD&ĐT phát triển bền vững lên tầm cao mới, trước hết, phải làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp về chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD&ĐT phù hợp với thực tiễn của địa phương. Thực hiện tốt công tác phối hợp, tạo sự đồng thuận của nhân dân, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội chăm lo cho phát triển GD.
Tiếp đến là thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên, học sinh, học viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GD&ĐT; triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành. Tạo sự đồng thuận và quyết tâm đổi mới nâng tâm GD&ĐT cho quê hương Yên Bái.
Tới đây, Yên Bái sẽ tiếp tục sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp theo hướng hợp lý, tinh gọn, hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng GD toàn diện; trú trọng phát triển GD dân tộc, GD vùng cao, GD mũi nhọn; thực hiện tốt chương trình GDPT 2018; thực hiện việc phân luồng GDPT theo lộ trình hợp lý tạo nguồn đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy; tích cực chuyển đổi số, xây dựng trường học thông minh, GD thông minh gắn với đô thị thông minh của tỉnh.
Nhà giáo Vương Văn Bằng cho rằng, sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nỗ lực to lớn của các thầy cô giáo, cùng sự chung tay góp sức của các tổ chức đoàn thể xã hội và người dân đã làm nên diện mạo mới của GD&ĐT tỉnh Yên Bái.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được tỉnh quan tâm gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV các bậc học được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Toàn tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa GD; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo nên phong trào sâu rộng toàn dân tham gia làm GD.