(GD&TĐ)- Sự nỗ lực và hy sinh của các cán bộ, giáo viên ngành GD ở vùng khó của Tây Bắc không những tạo cơ hội cho học sinh nơi đây được học tập mà còn giáo dục các em tránh xa ma túy và các tệ nạn xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã phát biểu chỉ đạo tại hội thảo "Đánh giá công tác phòng chống ma túy trong học đường giai đoạn 2006-2010 của khu vực Tây Bắc và vùng lân cận" do Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an, tỉnh Điện Biên tổ chức ngày 2/10 tại Thành phố Điện Biên.
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh, gdtd.vn |
Dự hội nghị còn có đại diện của Cục phòng chống ma túy Bộ công an, Vụ Công tác HSSV Bộ GD-ĐT, lãnh đạo cấp ủy Đảng, Chính quyền, công an tỉnh Điện Biên, lãnh đạo các sở GD-ĐT và hơn 100 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên của tỉnh Điện Biên, các tỉnh và trường ĐH-CĐ trong vùng Tây bắc và lân cận.
Hỗ trợ ngành giáo dục những vùng khó khăn đấu tranh với ma túy
|
Thượng tá Trịnh Quốc Hoàn. Ảnh, gdtd.vn |
Thượng tá Trịnh Quốc Hoàn- Văn phòng thường trực phòng chống TP và ma túy- Bộ CA cho biết, Tây Bắc là khu vực địa hình đồi núi phức tạp, có đường biên giới giáp ranh với hai nước Lào và Trung Quốc. Đây là khu vực nóng về tình hình sản xuất, buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy.
Theo thống kê, trên địa bàn có trên 6.300 đối tượng liên quan trực tiếp đến buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, trong đó có 89 tội phạm về ma túy đang bị truy nã. Tình hình này đã gây khó khăn, thách thức lớn cho công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong trường học của các tỉnh Tây Bắc và vùng lân cận.
Riêng 5 địa phương: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai và Yên Bái, trong giai đoạn 2006-2010 có 282 cán bộ, giáo viên, 245 học sinh, sinh viên có sử dụng và liên quan đến ma túy.
Các giáo viên, HSSV là các đối tượng trên đây hầu hết đều rơi vào các huyện khó khăn trong việc phát triển kinh tế, các huyện vùng biên và giáp ranh. Đội ngũ GV ở các địa bàn này thường xa gia đình, người thân, đời sống văn hóa tinh thần khó khăn, thiếu thốn, dễ bị sa ngã trước những cám dỗ của lợi nhuận mang lại từ buôn bán, vận chuyển ma túy hoặc bị lôi kéo sử dụng. Một số khác là bộ phận HSSV thiếu ý thức học tập, gia đình buông lỏng quản lý, bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo...
Trước thực trạng trên, Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các bộ ngành, đoàn thể và các địa phương chỉ đạo các nhà trường thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả nhằm phòng ngừa từ xa và kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy tại các trường học trong vùng. Kết quả là tỷ lệ cai nghiện thành công và hòa nhập cộng đồng, trở lại giảng dạy, học tập nghiên cứu tích cực chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là tại hai tỉnh Sơn La và Yên Bái.
Các biện pháp đã được Bộ GD-ĐT phối kết hợp với Bộ Công an triển khai là rà soát, phân loại các đối tượng HSSV sử dụng ma túy và liên quan đến các tệ nạn xã hội khác trong trường học, trong kí túc xá và trong các khu ở ngoại trú. Từ đó, các trường sẽ phối hợp với Công an, các ban, ngành, đoàn thể kịp thời có phương thức giáo dục phù hợp với từng đối tượng hoặc đưa đi giáo dục, cai nghiện tập trung.
Bộ cũng đã phát động sâu rộng và chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" nhằm trang bị cho HSSV nhiều hơn nữa kỹ năng sống để nhận thức được mức độ nguy hại và tác động khôn lường của ma túy và các tệ nạn xã hội đến bản thân, gia đình, nhà trường và cộng đồng để HSSV tránh xa các tệ nạn này.
Công tác tuyên truyền về ma túy và các tệ nạn xã hội cũng đã được Bộ GD-ĐT đặc biệt chú trọng. Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, các sở ngành liên quan tại các địa phương triển khai sâu rộng các buổi tuyên truyền, giáo dục cho HSSV về tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội. Đã có hàng ngàn cuốn phim, phóng sự tài liệu do Bộ biên soạn về phòng chống ma túy được chuyển về các địa phương và trường học nhằm tuyên truyền cho công tác này.
Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng và triển khai có hiệu quả Dự án giáo dục phòng chống ma túy trong học đường. Thông qua dự án này, các trường học trên địa bàn đã được Bộ hỗ trợ trang thiết bị và cơ sở vật chất với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động truyền thông qua ngoại khóa về chủ đề phòng chống ma túy.
Đã có hàng trăm cuộc hội thảo và hoạt động giáo dục tuyên truyền về chủ đề phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội từ cấp TƯ đến địa phương và các trường được triển khai tuyên truyền cho gần 1000 lượt cán bộ quản lý GD, giáo viên và trên 20.000 HSSV.
Bên cạnh quyết tâm của Bộ GD-ĐT phải kể đến sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp các địa phương, các sở GD-ĐT và các sở ngành liên quan trên địa bàn trong công tác đẩy lùi ma túy và các tệ nạn xã hội ra khỏi học đường, ký túc xá và khu vực xung quanh.
Xuất hiện nhiều điểm sáng đẩy lùi ma túy ra khỏi học đường
|
Ông Lê Văn Quý. Ảnh, gdtd.vn |
Với cách làm trên đây, bước đầu công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau hơn 5 năm triển khai, đã có 700 trường học các cấp trên địa bàn Tây Bắc và khu vực lân cận ký cam kết xây dựng nhà trường không có ma túy; trên thực tế các trường đã thực hiện đúng tinh thần của cam kết này.
Điển hình cho công tác này là Điện Biên. Đây là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Tuy nhiên Điện Biên đã có những chuyển biến đáng ghi nhận trong việc hạn chế và đẩy lùi ma túy và các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.
Ông Lê Văn Quý- GĐ sở GD-ĐT Điện Biên cho biết: giai đoạn 2001-2005 có 34 giáo viên và HSSV sử dụng ma túy, liên quan đến ma túy và các tệ nạn khác. Tuy nhiên trong giai đoạn 2006-2010, chỉ có 1 giáo viên mắc vào vấn nạn này.
Giai đoạn 2006- 2010, Sơn La là địa phương trong địa bàn Tây Bắc và khu vực lân cận triển khai tốt nhất công tác đẩy lùi ma túy và các tệ nạn xã hội ra khỏi học đường, KTX và khu ở ngoại trú của HSSV.
Trong 5 năm qua, nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD-ĐT và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, số cán bộ quản lý GD, giáo viên và HSSV sử dụng và có liên quan đến ma túy thuyên giảm rõ rệt. Công tác giáo dục, cai nghiện cho các đối tượng này cũng có những tiến bộ vượt bậc: các đối tượng này sau cai nghiện, cắt cơn đã hòa nhập cộng đồng không tái nghiện và công tác, học tập tốt trở lại với tỷ lệ cao.
Tại hội nghị, báo cáo của địa phương này cho thấy: trong thời gian 4 năm từ 2006-2009 có 228 đối tượng là HSSV sử dụng ma túy và được tổ chức đi cai nghiện tập trung và đã có tới 222 HSSV cai nghiện thành công, không tái nghiện trở lại học tập. Năm 2010 không có HSSV nào sử dụng ma túy phải đi cai nghiện tập trung.
Trong giai đoạn 2005-2009 tại tỉnh Sơn La, có 207 giáo viên sử dụng và nghiện ma túy. Tất cả các đối tượng này được bố trí cai nghiện tập trung và đã có 197 người cai nghiện thành công, không tái nghiện và trở lại công tác tốt. Năm 2010 có 17 giáo viên sử dụng và nghiện ma túy được cai nghiện tập trung, đã có 16 người cai nghiện thành công, không tái nghiện và trở lại công tác tốt.
Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục ma túy cho HSSV
|
Quang cảnh hội thảo sáng nay 2/10. Ảnh, gdtd.vn |
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho rằng: hiện nay vẫn còn nhiều cán bộ giáo viên và HSSV trong ngành tại Vùng Tây Bắc chưa có nhận thức đúng đắn về ma túy nên đã sa ngã trước ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Xuất phát từ đó nên công tác phát hiện, vận động cai nghiện tập trung và sự kỳ thị đối với các đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Đồng thời Thứ trưởng cũng khẳng định một số địa phương trong vùng đã nỗ lực cao trong việc tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy và đã đạt được những thành quả đáng để các địa phương khác học hỏi.
Đồng chí thừa nhận: hiện nay công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí triển khai, song đây là khó khăn chung nên các địa phương phải hết sức nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì công tác này; đồng thời cần tìm biện pháp lồng ghép công tác tuyên truyền và phòng chống ma túy với những hoạt động khác để tận dụng nguồn kinh phí từ đó.
Đồng chí đề nghị: sau hội thảo này, các trường cần đổi mới phương thức hoạt động của công tác giáo dục, phòng chống ma túy trong nhà trường. Cụ thể, các trường, địa phương cần học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm hay tại hội thảo để về triển khai ngay tại trường mình, địa phương mình.
Cần lồng ghép nhịp nhàng công tác này với phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" để tăng cường kỹ năng sống cho các em. Các trường nên có kế hoạch cụ thể trong việc tăng các buổi hoạt động ngoại khóa, trong đó tổ chức nhiều hơn những hoạt động theo nhóm để hình thành nên các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các em.
Các nhà trường tiếp tục phối kết hợp với các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng Công an để phát hiện sớm và giúp đỡ các đối tượng sử dụng ma túy trong trường học. Tăng cường giáo dục học sinh theo hướng "4 biết, 4 không" mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo ngành thực hiện công tác này tại hội nghị cùng chủ đề gần đây.
Bá Hải