Giáo dục truyền thống cho học sinh: Nền tảng vào đời

GD&TĐ - Trong thời kỳ hội nhập phát triển, vấn đề hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại là một trong những vấn đề các nhà trường đều quan tâm coi trọng.

Giáo dục truyền thống cho học sinh: Nền tảng vào đời

Khi học sinh được bồi dưỡng, giáo dục tốt về truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa… sẽ giúp các em được phát triển toàn diện, là nền tảng không thể thiếu để bước vào cuộc sống.

Giáo dục con người toàn diện

Giai đoạn hiện nay với những thời cơ, vận hội lớn luôn song hành cùng thách thức, chúng ta càng phải quan tâm đến nguồn lực con người.

Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam… bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam”.

Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã và đang ảnh hưởng xấu tới nhiều mặt trong đời sống xã hội của Việt Nam. Ngành giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. Có rất nhiều ý kiến mang nặng sự lo lắng, trăn trở về những thách thức hiện nay mà ngành giáo dục đang phải đối mặt:

Đâu đó vẫn còn tình trạng học sinh vi phạm nội quy, thiếu lễ độ với người lớn, thầy cô giáo, ham chơi, thờ ơ vô cảm hoặc phai nhạt lý tưởng, đặc biệt là tình trạng bạo lực học đường gây nên sự bức xúc lớn trong dư luận xã hội.

Việc giáo dục đạo đức cho học sinh, giáo dục truyền thống cùng những đạo lý về đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… là vô cùng quan trọng trong nội dung giáo dục của các nhà trường để hình thành nên phẩm chất cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Làm sao để sau khi ra trường mỗi học sinh đều phải có lý tưởng đẹp, có tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào tự tôn dân tộc, phát triển về trí tuệ và thể chất, kỹ năng sống tốt, năng động, sáng tạo, là nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thủ đô, đất nước, hướng tới công dân toàn cầu.

Hiện nay có nhiều trường THCS, THPT đã lồng ghép giáo dục truyền thống vào những tiết học trải nghiệm thực tế như giáo dục lịch sử qua bảo tàng; đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử; nhiều hoạt động cụ thể hướng tới đền ơn đáp nghĩa bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng...

Việc làm này cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay bởi cách giáo dục này không biến nội dung giáo dục truyền thống thành một môn học nặng về lý thuyết, giáo điều, khô cứng. Nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng và vì thế sẽ hấp dẫn được học trò. Và đặc biệt sẽ phù hợp với tâm lí lứa tuổi, xua tan áp lực học tập, phát huy tiềm năng học sinh.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa giáo dục truyền thống trong học đường không tồn tại những khó khăn nhất định. Cụ thể, bên cạnh việc đảm bảo nội dung chương trình khung bắt buộc đối với các môn học chính thức thì hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông đã có nhiều nội dung cần lồng ghép, “tích hợp”. Do đó, không còn nhiều thời gian cho việc lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống.

Hoạt động trải nghiệm phải đến tận nơi “sờ, ngửi, nhìn, cảm nhận” không khí “nóng hổi” mang hơi thở của đời sống thực tiễn, nhưng kinh phí ngân sách hạn hẹp, khó khăn chung không thể đưa học sinh đi nhiều nơi như thế. Trong khuôn viên của trường cũng chật hẹp khó bố trí không gian cho tiết học trải nghiệm.

Từ những khó khăn này đòi hỏi nhà quản lý, nhà giáo phải không ngừng tìm tòi sáng tạo, dành nhiều tâm huyết tạo cơ hội cho học sinh được giáo dục truyền thống một cách tự nhiên, thấm thía.

Giáo dục truyền thống không thể cứng nhắc

Làm sao để giáo dục truyền thống không chỉ là những bài giảng chỉ nằm trong sách vở, mỗi bài học không khô khan cứng nhắc và thu được hiệu quả tích cực phụ thuộc không nhỏ vào cách tổ chức thực hiện trong mỗi nhà trường và giáo viên.

Về phía các nhà trường đòi hỏi cần xây dựng một kế hoạch lồng ghép cụ thể, đưa vào quy chế chuyên môn đối với giáo viên, triển khai đồng bộ trong tất cả các hoạt động giáo dục của mình, có cơ chế kiểm tra đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, khích lệ kịp thời.

Về phía giáo viên: Tất cả các môn học GDCD, lịch sử, văn học... ngoài việc cung cấp kiến thức cho học sinh thì thông qua đó phải coi trọng và đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh. Không thể giao phó nhiệm vụ ấy cho riêng một môn học nào mà cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, biện chứng với nhau hoặc tích hợp liên môn hướng tới một mục đích chung cuối cùng là giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh.

Muốn giáo dục một cách hiệu quả, bản thân mỗi giáo viên cần phải có ý thức đổi mới phương pháp giáo dục, để đưa những nội dung giáo dục truyền thống vào bài học tạo sân chơi, hoạt động nhóm một cách nhẹ nhàng, sáng tạo.

Ví như tại mỗi nhà trường có thể tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống bằng hình thức sân khấu hóa, ca múa nhạc, hoạt cảnh kịch, vũ điệu trẻ, trang phục, pano áp phích, loa phát thanh, thi sáng tác thơ, truyện, vẽ tranh với đề tài lịch sử, giáo dục truyền thống gắn với các ngày lễ lớn, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp.

Với các hoạt động hướng về cội nguồn, báo công dâng hương, hội trại có thể tổ chức ở những địa điểm di tích lịch sử, những nội dung chương trình phong phú, nhiều trải nghiệm thú vị hấp dẫn lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống.

Mặt khác, để lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay, các nhà trường cũng cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề như: Cần có sự kết hợp từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của học sinh theo chuẩn mực giá trị chung của xã hội.

Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho học sinh. Cần sớm khắc phục tình trạng giáo dục đạo đức cho học sinh giao phó chủ yếu cho nhà trường “Trăm sự nhờ thầy cô”. Tấm gương đạo đức của cha mẹ, người thân trong gia đình cũng như tấm gương đạo đức của thầy cô giáo luôn có tác dụng giáo dục vô cùng to lớn, hiệu quả hơn ngàn vạn lời lí thuyết suông.

Một sự thực hiển nhiên là khi một gia đình gia giáo, sống có nền nếp thì con em họ rất ngoan hiền, chăm chỉ và học tập tốt, còn những gia đình phức tạp hoặc cha mẹ ít quan tâm tới con cái thì hệ quả mang đến hoàn toàn ngược lại. Chỉ có nhân cách mới giáo dục được nhân cách. Con đường từ trái tim đến trái tim là con đường ngắn nhất. Giáo dục đạo đức chỉ khả thi ngay trong cuộc sống của gia đình, trong học đường và phải bằng hành động ngoài xã hội.

Cùng đó cần coi trọng đúng mức việc giảng dạy môn lịch sử cũng như vị trí và vai trò của môn học này trong giáo dục truyền thống cho học sinh; đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học môn lịch sử nói riêng, phương pháp dạy học nói chung một cách khoa học hơn nữa để phù hợp, gắn việc học lịch sử với các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tạo hiểu biết và hứng thú cho học sinh. Và đặc biệt, cần có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của nhiều lực lượng trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.