Thông qua các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách.
Nhìn chung, HSSV được giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng ngày một tốt hơn; phần lớn HSSV tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm; có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ còn nhiều hạn chế, dẫn tới tình trạng vi phạm đạo đức trong HSSV ngày càng có xu hướng gia tăng các hành vi vi phạm đạo đức của HSSV.
Vấn đề đặt ra cho mỗi nhà trường là phải “gạn đục khơi trong”, phải tăng cường giáo dục cho lớp trẻ HSSV gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống như: Lòng yêu nước; lòng nhân ái, vị tha; tính trung thực; tinh thần ham học hỏi; truyền thống tôn sư trọng đạo; đức tính cần cù, giản dị... cùng với những giá trị mà UNESCO đã chỉ ra đó là giáo dục những giá trị chung lý tưởng nhân đạo, chính sách nhân đạo, lối sống nhân đạo, vẻ đẹp tâm hồn, hoà bình - hoà hợp, bình đẳng - công lý, nhân quyền, dân quyền; giáo dục những giá trị riêng: Lòng nhân ái, lòng vị tha, yêu thiên nhiên, sự lương thiện, thận trọng, sáng tạo, công bằng, sòng phẳng, tự giác, tự trọng.
Ngoài ra cần giáo dục cho HSSV sống hoà thuận, đoàn kết, thương yêu đồng bào, đồng loại, “thương người như thể thương thân” với những người gặp hoạn nạn, khốn khổ; có những hành vi ứng xử đẹp trong quan hệ cộng đồng vốn có của người Việt Nam; giáo dục lòng căm thù giặc ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; giáo dục sống thuỷ chung, biết ơn, tôn kính, noi gương những anh hùng, nghĩa sĩ có công đức với dân, với nước.
Đặc biệt là việc hướng những giá trị đạo đức cho HSSV lòng trung thành đối với Đảng, hiếu với dân, yêu quê hương đất nước, có lòng vị tha, nhân ái, cần cù liêm khiết và chính trực. Đó là đạo đức xã hội chủ nghĩa là đạo đức của cá nhân, tập thể và chủ nghĩa nhân đạo mang tính chân thực tích cực, khác với đạo đức vị kỷ, cá nhân.
Giáo dục đạo đức HSSV gắn chặt với giáo dục tư tưởng - chính trị, giáo dục truyền thống và giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục pháp luật Nhà nước xã hội chủ nghĩa, cung cấp cho HSSV những phương thức ứng xử đúng trước vấn đề của xã hội... giúp cho các em có khả năng tự kiểm soát được hành vi của bản thân một cách tự giác, có khả năng chống lại những biểu hiện lệch lạc về lối sống.