Bài học “Uống nước nhớ nguồn”

GD&TĐ - Giáo dục truyền thống, hướng học sinh đến với hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”… là việc làm quan trọng trong các nhà trường khi xã hội ngày càng phát triển và học sinh chịu nhiều tác động của văn hóa ngoại nhập. 

Thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng - Hoạt động giáo dục ý nghĩa cho thế hệ trẻ
Thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng - Hoạt động giáo dục ý nghĩa cho thế hệ trẻ

Thông qua các hoạt động phong phú, thiết thực nhà trường và thầy cô sẽ khơi dậy trong mỗi học sinh niềm tự hào dân tộc, cùng hướng về quá khứ, lịch sử, biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh cho đất nước… bằng sự trân trọng, sự biết ơn sâu sắc.

Hành trang cuộc sống

Đã từ lâu nay ngành Giáo dục nói chung và hầu hết các trường học nói riêng đều chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo như: Dâng hương ngày giỗ tổ; Thắp hương tưởng niệm tại nghĩa trang các anh hùng liệt sĩ; thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; giao lưu với các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ…

Những nội dung, việc làm đều được các trường lên kế hoạch và thực hiện nghiêm túc, không chỉ có chiều rộng mà đi vào chiều sâu. Mặt khác, hoạt động hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống cũng được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nhà trường đứng ra phát động và tổ chức hiệu quả cho các đoàn viên là học sinh, sinh viên của trường.

Phong trào giáo dục truyền thống, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đang phát triển về chiều sâu lẫn bề rộng trong khắp các trường học từ miền xuôi tới miền ngược, từ vùng thuận lợi đến khó khăn. Các hoạt động giáo dục đó không chỉ giúp học sinh ôn lại truyền thống, hướng về nguồn cội mà còn là dịp để mỗi học sinh nhìn lại chính mình để kiểm xếp lại hành trang tri thức, kĩ năng và nhiệt huyết hướng đến tương lai. Đặc biệt hơn, các hoạt động giáo dục thiết thực, sáng tạo linh hoạt này ngày càng được học sinh, phụ huynh hiểu, ủng hộ và đồng lòng với các nhà trường.

Hầu hết các giáo viên đều cho rằng: Hiểu dân tộc mình, yêu đất nước mình và chủ động hội nhập là tuyên ngôn sứ mệnh của các nhà trường và điều đó được thể hiện rõ qua mục tiêu giáo dục nhân cách con người Việt Nam. Giờ đây đổi mới sáng tạo không chỉ trong các giờ học chính khóa mà còn ở tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa, đa dạng hình thức dạy học.

Với các hoạt động như Hành trình tri ân đến với các di tích lịch sử; Thăm và giúp đỡ mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng… học sinh đã được trải nghiệm sâu sắc hơn các hoạt động giáo dục ý nghĩa. Các hoạt động này thực sự trở thành những hoạt động giáo dục tình yêu nước trong sâu thẳm trái tim và thắp sáng nhiệt huyết tuổi trẻ vươn tới tương lai. Để từ đó mỗi học sinh thêm thấu hiểu trách nhiệm của bản thân mình, quyết tâm mạnh mẽ để học tập, rèn luyện trở thành người có năng lực và sống ân tình.

Như vậy, bằng hoạt động giáo dục “Đền ơn đáp nghĩa” “Uống nước nhớ nguồn” đầy thiết thực nên trong những năm qua nhiều thế hệ học sinh ở khắp nơi đã gắn bó và hiểu rõ ý nghĩa phong trào. Các em không chỉ thuộc lòng được tên của các liệt sĩ của địa phương mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà còn biết được lịch sử của địa phương mình, tự hào về truyền thống của dân tộc.

Em Hà Anh, học sinh lớp 9 trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Trường em đã tổ chức khá nhiều hoạt động như nói chuyên, tuyên truyền giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Qua những buổi hoạt động ngoại khóa ý nghĩa này em và các bạn trong trường được củng cố thêm nhiều kiến thức lịch sử, khơi dậy niềm tự cũng như sự biết ơn với các thế hệ ông, cha đã làm nên đất nước. Chúng em cũng hiểu rằng, ngày hôm nay học sinh được cắp sách tới trường thì biết bao anh hùng, chiến sĩ đã đổ máu để bảo vệ độc lập chủ quyền cho đất nước. Từ đây chúng em có ý thức, động lực thi đua học tập tốt để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Mỗi bài học thấm sâu

Những bài học về lịch sử, về uống nước nhớ nguồn giờ đây đưa đến với học sinh thông qua những bài học lý thuyết, trò chuyện… thì chưa đủ. Các em cần được hưởng ứng tích cực trong các hoạt động thiết thực và tự mình nhận ra những giá trị cốt lõi và từ đó rút ra cho mình bài học, phương châm sống.

Chính vì vậy, tại nhiều trường học giáo dục phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đã và đang được tổ chức bằng những hoạt động cụ thể và các em học sinh, thầy cô giáo là đối tượng tham gia chính. Ví như trong những ngày 26/3, 1/5 các trường đều tổ chức thắp hương tưởng nhớ những anh hùng dân tộc, những chiến sĩ cách mạng mà nhà trường được vinh dự mang tên.

Những đợt kết nạp Đội, Đoàn cho học sinh của trường cũng đều tổ chức lễ dâng hương và kết nạp dưới chân tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt, vào dịp 27/7 hàng năm nhiều nhà trường tổ chức tới thăm hỏi, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ nằm trong địa bàn và gia đình thầy cô giáo, học sinh cũng thuộc diện gia đình có công với cách mạng, thương binh liệt sĩ.

Đặc biệt, theo nhiều thầy cô giáo, hoạt động thiết thực không chỉ được nhà trường phát động và thực hiện thành công trong việc giáo dục truyền thống, uống nước nhớ nguồn mà còn quan tâm chu đáo đến đời sống của giáo viên và học sinh thuộc đối tượng con em thương binh, liệt sĩ. Với học sinh thuộc đối tượng trên bên cạnh hưởng chế độ chính sách chung thì nhiều trường còn miễn hoàn toàn các khoản đóng góp… bù đắp phần nào những mất mát thiệt hại để các em yên tâm học tập.

Từ giáo dục đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống cũng ghi nhận nhiều nhà trường có cách hưởng ứng linh hoạt hiệu quả khác nhau. Nhiều trường đã lồng ghép kiến thức vào việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa như đố vui để học, rung chuông vàng, thi tìm hiểu về các di tích lịch sử trên địa bàn, viết cảm nghĩ về một nhân vật anh hùng…

Có trường lại đưa di tích lịch sử cách mạng địa phương, chân dung các anh hùng có công với cách mạng, địa phương đến với học sinh bằng cách thực hiện dạy lồng ghép trong các tiết học của môn Lịch sử, Giáo dục công dân và Ngữ văn. Hoặc nhiều trường học đã phát động ủng hộ tinh thần vật chất đối với những chiến sĩ cảnh sát biển, ngư dân… để họ yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Giáo dục truyền thống, trong trường học đã và đang ghi nhận nhiều cách làm hay từ đây có ý nghĩa giáo dục lớn đối với thế hệ trẻ, đồng thời thể hiện sự tri ân của ngành Giáo dục đối với sự hi sinh của thế hệ trước. Thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống ngoại khóa cũng tạo cơ hội học tập hiệu quả hơn, học sinh hiểu sâu hơn, gần gũi hơn và nhận thức được trách nhiệm với quê hương đất nước rõ ràng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ