Thấu hiểu để yêu thương
Ở trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), dạy học không chỉ là dạy kiến thức mà còn chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, trên quan điểm đó cô Phan Thị May đã xây dựng kế hoạch giáo dục toàn diện cho học sinh trong môn Tin học.
Trên nền tảng đổi mới phương pháp dạy học, cô May đã tiến hành giáo dục kiến thức môn học đồng thời lồng ghép các nội dung giáo dục trên. Cô đưa các thông điệp vào các bài giảng thông qua các hoạt động của bài, có khi là hoạt động khởi động, có khi là hình thành kiến thức mới, có khi là sản phẩm cần đạt của bài.
Đó là thông điệp “sống tích cực”, “kỷ luật” và “trách nhiệm” được giới thiệu qua các hoạt động đầu năm học, thông điệp “thấu hiểu để yêu thương” trong hoạt động hoạt động làm quen với học sinh khối 10. Thông qua chủ đề thiết kế sản phẩm học tập album ảnh, cẩm nang du lịch, học sinh được tìm hiểu và giới thiệu về các vùng miền khác nhau của đất nước, giúp các em hiểu và yêu hơn quê hương mình.
Các em cũng sử dụng chính công cụ mà mình có để gửi những thông điệp đồng cảm và sẻ chia tới các hoàn cảnh khó khăn, tới đồng bào miền Trung gặp khó khăn sau lũ trong chuỗi bài học về soạn thảo văn bản. Thông qua bài học an toàn trên mạng, cô đưa đến cho học sinh bài học về các kỹ năng sử dụng mạng và các thiết bị số an toàn, đồng thời giáo dục đạo đức và văn hóa giao tiếp trên mạng cho các em.
Trong bài giảng môn Tin học, các em học sinh được đóng vai những người đi bắt nạt, những người bị bắt nạt, những cố vấn hỗ trợ để cùng đồng cảm, sẻ chia và học những bài học về cách cư xử trên mạng, cách bảo vệ mình khỏi bị bắt nạt và các tệ nạn trên mạng khác.
Cô thường lựa chọn các chủ đề gần gũi với học sinh để tạo hứng thú cho học sinh, đồng thời sản phẩm học tập của các em được dùng ngay trong thực tiễn học tập và sinh hoạt nên rất có ý nghĩa. Có nhiều poster sự kiện của nhà trường, thiệp chúc mừng thầy cô, các infographic tuyên truyền phòng chống dịch được sử dụng là sản phẩm của học sinh trong giờ Tin học.
Cô cũng cũng bổ sung các hình ảnh minh họa, video tình huống hay tự thiết kế các video hoạt hình lồng ghép trong bài giảng để thu hút học sinh, giúp học sinh tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả. Giờ học có khi là một buổi thuyết trình, có lúc lại là buổi tranh biện, buổi giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, hay là buổi học đầy hứng khởi với các hoạt động thi đua, tích điểm... nhờ đó mà học sinh yêu thích môn Tin học hơn.
Điều cô May tâm đắc nhất là dự án “Tin học và xã hội” trong chương trình Tin học 10, nơi học sinh được học thông qua trải nghiệm. Dưới sự hướng dẫn của cô, học sinh đã tìm hiểu được kiến thức bài học, đồng thời thiết kế được rất nhiều sản phẩm học tập ý nghĩa. Thông qua đó học sinh hiểu được về tác động của Tin học đối với xã hội, biết cách sử dụng công nghệ thông tin đúng cách và hiệu quả. Niềm vui, sự tự tin và những kỹ năng học sinh có được là kết quả tuyệt vời của dự án này.
Công tác giáo dục đạo đức lối sống luôn được Trường THCS Nguyễn Lân đặc biệt chú trọng |
Trăn trở với "dạy người"
Tại Trường THCS Nguyễn Lân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cô Trần Thị Vân Anh - giáo viên môn Ngữ văn được biết đến là tấm gương sáng về sự đổi mới, sáng tạo, kiên trì trên hành trình giáo dục kiến thức, đạo đức bằng tình yêu thương cùng sự thấu cảm, sẻ chia; nhiệt huyết trong hành trình “truyền lửa” đam mê, sáng tạo đến thế hệ học trò.
Trên hành trình “dạy chữ”, cô Vân Anh luôn trăn trở với vấn đề “dạy người” trong trường học. Bởi vậy, khi đảm nhiệm vị trí giáo viên chủ nhiệm, cô Vân Anh luôn chú trọng công tác giáo dục đạo đức và rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh và xác định đây là một quá trình lâu dài.
Để hình thành những phẩm chất tốt đẹp, cũng như “chữa lành” những biểu hiện tiêu cực từ học sinh, cô luôn theo dõi, đồng hành, tư vấn mỗi khi nhận thấy các vấn đề khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học tập và trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè; luôn quan tâm sát sao tới từng biểu hiện của học sinh.
Điều đồng nghiệp cảm phục ở cô Vân Anh là sự kiên trì, nhẫn nại của cô dành cho học sinh, đặc biệt là đối với học sinh cá biệt. Cô luôn nhìn nhận học sinh cá biệt từ một góc nhìn đặc biệt và coi những hành vi mắc lỗi của học sinh như hành vi thiếu tích cực để tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả.
Cô Vân Anh cho biết một kỉ niệm về một học sinh "cá biệt". Hai năm trước, em chuyển về trường với những biểu hiện như thường xuyên trốn học, sống cô lập, đến lớp với vẻ mặt mệt mỏi, tinh thần uể oải và hay gây gổ cùng các học sinh khác trong lớp, phản ứng thầy cô bằng sự lầm lì, chống đối.
Cô Vân Anh đã đồng hành cùng học sinh bằng tình yêu thương, sự bao dung và không đầu hàng trước những phản ứng ngỗ nghịch. Trong những buổi tư vấn, cô luôn chia sẻ cho học sinh những câu chuyện khác nhau trong cuộc sống, tạo điều kiện cho học trò của mình diễn đạt ý nghĩ, bộc lộ cảm xúc và được thể hiện bản thân.
Sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình và nắm bắt được suy nghĩ tưởng chừng như không thể tâm sự cùng ai của cậu học trò, cô đã đưa ra phương án phù hợp để học sinh nhìn nhận trực diện những hành vi của mình, từ đó định hướng học sinh theo hướng tích cực bằng các biện pháp kỉ luật phù hợp để định hướng thái độ, việc làm tích cực.
Cứ thế, sự kiên trì của cô đã đem đến sự thay đổi về về thái độ, hành vi của em học sinh trên. Em trở thành người chủ động trong các công việc chung của lớp, cải thiện ý thức học tập và thay đổi thái độ đối với thầy cô, bạn bè và gia đình theo hướng tích cực. Như vậy, việc giáo dục đạo đức lối sống, cho học sinh là rất quan trọng, quan trọng không kém việc dạy kiến thức, kĩ năng.