Cách làm hay giáo dục đạo đức lối sống có thực chất và chiều sâu

GD&TĐ - Nhiều trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có cách làm hay về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Hoạt động ngoại khóa tại Trường THCS Tam Hợp về phòng chống bạo lực học đường
Hoạt động ngoại khóa tại Trường THCS Tam Hợp về phòng chống bạo lực học đường

Từ những việc làm cụ thể

Để nâng cao công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục luôn chú trọng việc giáo dục học sinh phải bắt đầu từ những kỹ năng sống gắn với thực tế, tình huống cụ thể, những quy tắc văn hóa đạo đức phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh trong nhà trường. Nội dung giáo dục đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều năm qua, Chi ủy, Ban Giám hiệu Trường THCS Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường còn chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống hướng học sinh đến các giá trị chân, thiện, mỹ.

Cô giáo Đỗ Thị Phương Thúy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường hiện có 17 lớp học với 630 học sinh. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của năm học.

Ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết các nội dung thực hiện hiệu quả việc tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, bao gồm: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính, phòng chống tệ nạn xã hội; giáo dục quyền con người; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình và nhà trường.

Tập thể giáo viên Trường THCS Vĩnh Thịnh luôn quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ảnh tư liệu

Tập thể giáo viên Trường THCS Vĩnh Thịnh luôn quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ảnh tư liệu

Tại trường THCS Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cũng được nhà trường triển khai với những việc làm cụ thể. Nhà giáo Võ Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cùng với dạy văn hóa, chúng tôi dạy các em học sinh cách ứng xử có văn hóa từ những điều nhỏ nhất như: Cách xưng hô với bạn bè, thái độ khi giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh… qua đó giúp học sinh nhận thức hành động đúng, hình thành lối sống đẹp.

“Hàng năm, nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thi, các buổi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên…; kết hợp với tổ chức đoàn, đội tổ chức các hoạt động dã ngoại, tham quan, hội thảo, thi cắm hoa nghệ thuật… Tổ chức thăm, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ Trần Hưng Đạo, thăm và tặng quà mẹ của liệt sỹ. Tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện như ủng hộ mua tăm cho Hội người mù, trong các hoạt động trên học sinh giữ vai trò chủ thể, được phát biểu ý kiến của mình về những vấn đề các em đang quan tâm”, cô Võ Thị Tâm cho biết thêm.

Tập thể sư phạm trường THCS Tam Hợp đã có nhiều giải pháp cụ thể trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Tập thể sư phạm trường THCS Tam Hợp đã có nhiều giải pháp cụ thể trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Thực hiện thường xuyên, liên tục

Cô giáo Đỗ Thị Phương Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Thịnh nêu quan điểm: Giáo dục đạo đức lối sống cho sinh cần phải thực hiện thường xuyên và liên tục, trong đó cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Không chỉ ở trường, trong giờ học mà ở nhà, ở ngoài xã hội, học sinh cũng cần được quan tâm, giáo dục để góp phần hình thành lối sống đẹp, sống có ích trong mỗi học sinh.

Để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ngành chức năng có giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, không để đối tượng xấu lôi kéo học sinh tham gia các tệ nạn xã hội hay các vụ việc vi phạm về đạo đức, lối sống tại địa phương, đặc biệt là khu vực xung quanh trường học.

Muốn làm được điều đó, đòi hỏi công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần thường xuyên, liên tục và đi vào chiều sâu, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội có vai trò quan trọng. Đặc biệt, bản thân mỗi học sinh cũng cần thường xuyên trau dồi kỹ năng sống, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, hình thành lối sống lành mạnh, văn minh.

Thực tế cho thấy, giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một quá trình lâu dài, liên tục. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, khi tâm lý cha mẹ thường quan tâm đến việc học kiến thức hơn là rèn luyện kỹ năng sống, sẵn sàng chu cấp đầy đủ vật chất mà ít chăm lo về mặt tinh thần cho trẻ thì việc dạy đạo đức, lối sống trong nhà trường lại càng cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ